-Chân Lý Islam | baiviet | TIỂU SỬ | TIỂU SỬ ÔNG ABUBAKAR AS SIĐĐIK (R) (Phần 1)
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
TIỂU SỬ ÔNG ABUBAKAR AS SIĐĐIK (R) (Phần 1)
06.03.2008 02:39 - đã xem : 2204
_VIEWIMG
Nếu là người Muslim mà không tìm hiểu tiểu sử của các vị Sahabah (bạn đạo của Rosul (saw)) là điều thiếu sót, nhất là tiểu sử của bốn vị Khalifah (Người Lãnh đạo) đã gian nan cực khổ cùng Rosul (saw) chinh chiến để mang Islam đến cho nhân loại. Những gương mặt tiêu biểu này đã cống hiến hết cuộc đời vì Islam, chỉ mong mỏi con người hãy đi theo con đường của Nabi Muhammad (saw) đã vạch sẵn. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải « Tóm lược tiểu sử của bốn vị lãnh đạo Islam » sau khi Rosul (saw) qua đời.

Dòng họ và ai là ông Abubakar (R) As Siđđik (R)?

Ông Abubakar As Siđđik (R) tên thật là Abdulloh ibnu Osman ibnu Ámir ibnu Kábun... thuộc dòng dõi Al Kanány Al Ađnány. Ông được mọi người thương mến đặt cho hai biệt hiệu là: الصديق والعتيق As Siđđik và Al Atiak.

- Al Atiak (tránh khỏi lửa địa ngục): vì ông có gương mặt hiền hậu và lương thiện.

- Al Siđđik: là sự tin tưởng nhất quyết ở những gì Rosul (saw) nói đều là sự thật, nhất là trong câu chuyện khi Rosul (saw) thăng thiên lên trời để nhận lệnh ‘solah’ một ngày một đêm năm lần, vì ông là người đầu tiên tin về việc này, trong lúc một số người còn nghi ngờ. Cho nên từ đó cái biệt hiệu As Siđđik được gọi thay thế tên của ông cho đến suốt đời, đó cũng là một sự danh dự cao cả cho những danh nhân và dòng họ của họ.

1)- Trong những vị sohabah của Rosul (saw) đã theo Islam, chỉ có gia đình ông Abubakar (R) đã theo Islam toàn bộ (từ nhỏ đến lớn), từ cha mẹ đến vợ con và  hình như không chừa một ai trong gia đình. Ông có ba người con trai: Abdulloh, Abdurrohman và Muhammad, và ba cô con gái: bà Asma'u, bà Aysah (vợ của Rosul) và bà Ummul Habibibah và vợ chồng con cái của họ, tất cả đều theo Islam, tin tưởng Rosul (saw) mà không có thắc mắc gì.

2)- Trong hadith Al Bukhory thuật lời của Rosul (saw) với ý nghĩa: “Người bạn lúc trẻ đã tin tưởng và hy sinh vật chất cho Tôi đó là Abubakar (R) , nếu Allah cho phép tôi được chọn người thân tín nhất là tôi sẽ chọn ông ta, nhưng dù sao ông ta cũng là người anh em thân thích nhất trong Islam của tôi, trong masjid không có cửa nào bước vào lại không có phần của Abubakar (R).”

3)- Bất cứ những trận chiến nào có mặt Rosul (saw) dù lớn hay nhỏ đều có mặt Abubakar (R) bên cạnh, ông đã tham gia vào trận Badar, Uhud, Al Khanđak, Khoibar, Al Fathu (Macca), Hunainy, Tabuk và những trận nhỏ khác mà không có một ai tham gia như ông ta. Trong trận Uhud ông đã kề cận chết sống bên Rosul (saw) và đã được Rosul (saw) giao cờ lệnh trong trận Tabuk.

Ông Abubakar (R) là người bạn trung tín của Rosul (saw) và được Người chọn để cùng đi di cư từ Mecca về Al Medinah, và đã cùng nhau chịu đựng sự lùng bắt của kẻ thù trong hang “Goro Athawro” mà Allah đã phán trong thiên kinh Qur’an với ý nghĩa: “Nếu các ngươi không giúp Người (Nabi Muhamad) (cũng không sao). Bởi vì Allah đã giúp Người khi những kẻ không có đức tin nhất định trục xuất Người đi nơi khác. (Nabi) là người thứ hai trong số hai người trốn trong hang núi (Athawro). (Nabi) nói với người bạn đồng hành (Abubakar (R)) 'Chớ sợ, bởi vì Allah đang ở cùng với chúng ta’...” Sourate At Tawbah 9:40.

Sự ưu thế của ông Abubakar (R).

Sự ưu thế của con người thường thường được diễn tả qua tính tình của con người, đối với tính tình của ông Abubakar (R) có nhiều ưu điểm đáng chú ý, điển hình như sau:

a)- Từ thưở nhỏ cho đến khi vào Islam, ông không bao giờ nếm qua một giọt rượu.

b)- Ông là người đầu tiên đã quy tụ và kết nạp lại những bản kinh Qur’an rời rạc thành một cuốn.

c)- Ông là người đầu tiên tin tưởng theo Islam, cũng là người đầu tiên chấp hành solah năm lần một ngày và là một lãnh tụ Islam đầu tiên sau khi Rosul (saw) từ trần.

d)- Ông là người được cộng đồng yêu mến và quí trọng nhất ở thế gian này (đứng sau Rosul (saw)).

e)- Trong mười vị sohabah đã được báo trước là sẽ được vào thiên đàng, trong đó đã có năm người do ông kêu gọi họ vào Islam: Osman Ibnu Affan (R), Talha ibnu Ubaiđillah (R), As Zubairu ibnu Al Awwam (R), Sad ibnu Abi Wakos (R) và Abudurrohman ibnu Awfu (R).

Tính tình và sự khiêm tốn của ông Abubakar (R)

Tính tình và sự khiếm tốn của con người là một trong những điều cao cả mà Allah ban cho, không vì thế mà con người không thể thay đổi hay học tập theo, Allah đã ban cho chúng ta trí tuệ thông minh sáng suốt để nhận định việc đó, nên chúng ta cũng phải cố gắng để noi theo tấm gương cao cả tốt đẹp đó… Đó cũng là điều mà Allah nâng cao địa vị của con người. Thể hiện qua câu chuyện của ông Abubakar (R) mà đa số ulama thường nhắc đến đó là:

Ngày xưa, ông Abubakar (R) thường giúp những người láng giềng để vắt sữa dê, đến khi ông nhận lãnh chức vụ Kholifah thì có một cô gái giúp việc vô tình than rằng: “Từ nay ông láng giềng (Abubakar (R)) sẽ không đến vắt sữa dê cho chúng ta nữa rồi”. Tình cờ ông Abubakar (R) nghe được, ông nói: “Không đâu, tôi sẽ đến vắt sữa như mọi ngày và tôi cũng cầu xin Allah là tôi sẽ không bao giờ thay đổi tính tình dù rằng tôi là Kholifah”. Rồi mỗi ngày cũng vào giờ đó, ông đều đến vắt sữa và vui đùa với láng giềng như xưa.

Sự chính trực của ông Abubakar (R)

Trong cộng đồng Islam, từ xưa đến nay tất cả đều công nhận rằng sau Rosul (saw) là ông Abubakar (R) là người rất chính trực, đức hạnh, hiền hậu và dũng cảm… Những lời khen thưởng mà Allah đã phán trong thiên kinh Qur’an với ý nghĩa: “Và người ngay thẳng sợ Allah sẽ được giữ xa khỏi nó (Ðịa ngục) * Người cho bố thí của cải của mình nhằm tẩy sạch bản thân.” Sourate 92 : 17-18.

Mặc dù dòng kinh trên không nêu đích danh tên của ông Abubakar, nhưng hầu hết những nhà giải thích ý nghĩa thiên kinh Qur’an đều cho rằng: Đoạn kinh này Allah muốn ám chỉ ông Abubakar (R).

Nhiều lúc, những bạn hữu của ông đưa ra những câu hỏi khi thấy ông làm những việc ngoài sự tưởng tượng của họ, thì ông thường trả lời: “Ðó là do Ðấng Tối Cao sai khiến” (chứ không phải ông làm vì người đời). Ðôi lúc ông thường tâm sự: “Ước gì tôi là một loại cây có trái để người ta ăn trái của nó”. Lúc nào ông cũng nghĩ đến quyền lợi của cộng đồng mà quên đi cá nhân.

Trong hadith soheh Al Bukhory và Muslim thuật lại: “Một hôm, người giúp việc của ông đem đồ ăn đến cho ông, vì quá đói mà ông ăn liền không hỏi đồ ăn đó từ đâu đem đến, sau khi ăn xong, ông hỏi người giúp việc: - Ðồ ăn đó con đem từ đâu đến? Người giúp việc trả lời: - Có lần con đi ngang qua một xóm không phải là người Muslim, con thấy có vài người đang bị bệnh, họ có nhờ con giúp họ để trị liệu bệnh tình của họ rồi họ sẽ hậu tạ… Hôm nay, trên đường đi ngang qua xóm đó thì con thấy họ đang làm lễ gì đó và họ thấy con nên họ cho con những món đồ ăn này gọi là trả ơn, nên con đem về cho ông. Nghe xong, ông Abubakar (R) giật mình nói: - Con đã hại tôi rồi. Rồi ông lấy ngón tay đưa vào miệng để móc cho ói ra đồ ăn đó, nó không ra ông vội uống nhiều nước vào và móc tiếp cho đến khi nào ói ra hết những gì ông đã ăn, lúc đó ông mới yên tâm. Ðó là một trong những bằng chứng chính trực của ông vậy.

Ông Abu Shuriah hay Huzaifatu ibnu Usaid là một trong những vị có mặt đã thề ước dưới gốc cây (As Ha'bul As Shajar) thuật lại là ông nghe ông Aly Ibnu Abitalib (R) đọc bài giảng thuyết và nói về ông Abubakar (R): “Ít ai có tấm lòng cao cả, hiền lương, trung trực và thương người như ông Abubakar (R)”. Ðó là những lời chân thật mà những bạn hữu của ông đã khen thưởng ông.

Kiến thức của ông Abubakar (R)

Ông Abubakar (R) được xem là người có kiến thức tôn giáo Islam cao nhất trong hàng ngũ của các vị sohabah của Rosul (saw), vì từ ngày ông theo Islam, ông không bao giờ rời xa Rosul (saw) dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhờ vậy mà ông đã thu thập và học hỏi tất cả những kiến thức đạo giáo mà Rosul (saw) đã truyền dạy cho ông.

1)- Lịch sử ghi lại, ông Abubakar (R) là người đầu tiên học thuộc lòng (Hafis) toàn bộ quyển thiên kinh Qur’an, cho nên khi Rosul (saw) bị bệnh thì Người thường đề cử ông lên thay thế làm Imam để soly tập thể. Nhiều lần Rosul (saw) thường nói: “Imam là người có học và hiểu nhiều nhất trong các ngươi về kinh Quran”.

2)- Vào những ngày gần cuối cùng của Rosul (saw), có lần Người đọc bài giảng thuyết và nói với ý nghĩa: “Allah Đấng Tối Cao sẽ chọn nô lệ trung kiên của Ngài để ở lại trên đời này hoặc sẽ rước đi về với Ngài, và Ngài đã chọn (người đó) về với Ngài”. Nghe xong, ông Abubakar (R) ôm đầu khóc sướt mướt, những người có mặt ở đó đều ngạc nhiên không hiểu tại sao ông khóc?

Lúc Rosul (saw) đọc thì mọi người không ai hiểu hết ý nghĩa mà Rosul (saw) muốn nói, chỉ có ông Abubakar (R) là hiểu ý nghĩa đó, nên ông giải thích cho mọi người biết là: “Nô lệ trung kiên được Allah chọn đi (cái chết) đó không ai khác hơn là Rosul (saw)”. Sau khi được ông Abubakar (R) giải thích, mọi người mới hiểu và chờ đợi ngày Rosul (saw) sẽ vĩnh biệt ra đi.

3)- Ông Abubakar (R) là người có đủ tư cách và trình độ để giải đáp tất cả những thắc mắc hay giải quyết những vấn đề giáo lý với sự có mặt và ưng thuận của Rosul (saw) trong cộng đồng Islam. Ông Ibnu Omar (R) nói: “Người có đủ tư cách để giải đáp thắc mắc trong lúc có mặt của Rosul (saw)? Không ai khác hơn ông Abubakar (R)”. Ðược ông As Suyutgi thuật lại trong quá trình về lịch sử của bốn vị Khalifah Ar Roshidine.

Ngoài ra Imam Al Bukhory cũng thuật lại nhiều hadith liên quan về sự fatawah của ông Abubakar (R) trước sự hiện diện và chấp nhận của Rosul (saw). Chứng minh sự hiểu biết và kiến thức uyên bác của ông mà các vị bạn hữu của ông đều tán thưởng và thường hay tham khảo với ông. Nhưng rồi ông thường nói: “Trên trời hay dưới đất, nơi nào có thể cho tôi dung thân nếu tôi giải thích sai ý nghĩa của kinh Qur’an”. Với tầm hiểu biết rộng rãi như ông mà vẫn lo sợ không dám nói những gì từ ý tưởng riêng tư của mình về ý nghĩa của thiên kinh Qur’an, vì ông hiểu rằng tội lỗi của ai giải thích sai lầm thiên kinh Qur’an là nơi ở trong địa ngục vĩnh viễn.

4)- Trong hadith Al Bukhroy thuật lại từ ông Muhammad ibnu Jubir ibnu Mutam thuật lại từ ba của ông ta: “Có một người phụ nữ đến hỏi Rosul (saw) một vấn đề gì đó. Sau khi Rosul (saw) trả lời xong thì Người nói: - Cô cứ về, khi cần cô hãy trở lại. Người phụ nữ ấy nói: - Nếu lần sau tôi đến mà không gặp Thiên Sứ thì sao? (ý nói nếu không có Rosul (saw) ở đây thì hỏi ai). Rosul (saw) trả lời: - Cô cứ yên tâm, nếu không gặp Tôi thì đến hỏi ông Abubakar (R).

Tóm lại, ý nghĩa của hadith trên là Rosul (saw) đã chỉ định cho biết người kế vị Rosul (saw) để lãnh đạo cộng đồng là ông Abubakar (R), vì Rosul (saw) đã xác định với người phụ nữ ấy hãy an tâm mà hỏi ông Abubakar (R) về những giáo lý mà cô ta cần hiểu biết.

Imam Ahmad thuật lại về câu chuyện bất đồng ý kiến giữa ông Abubakar (R) với ông Omar (R) như sau: Ông Omar nói: “Ðôi lúc tôi rất buồn và giận ông Abubakar (R), nhưng đến khi gặp ông ta để bàn thảo thì bao nhiêu sự giận hờn, nóng nảy trong tôi đã tiêu tan mất. Với tính tình hiền hậu, lời nói dịu dàng, có trí thông minh và xử lý nghiêm minh của ông để phân tích việc đúng hay sai, đã làm cho tôi kính nể rất nhiều, từ đó tôi không còn giận ông ta nữa, và ông ta có nói với tôi: - Nếu ông nói ra những gì hữu ích và tốt lành thì ông là một phần tử trong sự tốt lành đó”.

Người Arab xưa kia, không một ai biết được sự dịu dàng, tế nhị như ông, dù sao ông cũng xuất thân từ một gia đình quí tộc trong những bộ lạc nổi tiếng xưa kia của Quraish mà ông Omar ibnu Khottob (R) và ông Abu Ubaiđah ibnu Al Jarah (R) đã không ngớt khen ngợi về tính tình cao thượng và thông minh sáng suốt của ông Abubakar (R).

(Còn tiếp phần hai)

Do Abu Rozy phỏng dịch theo sách

“Al Ilmu wa Ulama” của Shiekh Aboubaker Djaber Eldjazairi.


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 469 Tổng lượt truy cập 3072191