-Chân Lý Islam | baiviet | AL HADITH | ALLAH KHÔNG CẦN KẺ TRUNG GIAN
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
ALLAH KHÔNG CẦN KẺ TRUNG GIAN
20.12.2008 18:36 - đã xem : 2588
_VIEWIMG
Những ai đã có dịp đọc qua tiểu sử của Rasoul (saw) thì chắc chắn sẽ hiểu rõ sứ mệnh thiêng liêng mà Rasoul (saw) đã tiếp nhận từ Allah. Sứ mệnh đó không gì khác hơn là mời gọi con người trở về con đường tôn thờ một Ðấng Duy Nhất chính là Allah.

Vì con người trước kia khi chưa có Islam đã thường tôn sùng và tín ngưỡng những bậc hiền nhân đã qua đời hay thường van vái cầu xin những bụt tượng mà họ cho đó là những thần linh phù hộ. Bởi lẽ đó, Allah đã cử phái thiên sứ (saw) mang Islam đến để dẫn dắt con người từ trong tăm tối ngu muội về với chân lý Tawhih – chỉ tôn thờ một Đấng Duy Nhất. Allah phán như sau:


“Và khi bầy tôi của TA hỏi Ngươi Mohammad về Ta thì hãy bảo họ rằng ta luôn gần kề. Ta sẽ đáp lại lời cầu xin của người cầu nguyện khi y cầu xin Ta. Ngược lại, họ cũng phải đáp lại lời gọi của Ta và hãy tin tưởng nơi Ta để may ra  họ được hướng dẫn đúng đường”. S. 2 : 186


Sự thờ phượng trong Islam bao hàm cả thể xác và tâm linh. Thờ phượng trên phương diện thể xác như: dâng lễ Salah ngày đêm năm lần, nhịn chay tháng Ramadan, bố thí zakat cho người nghèo khó, đi hành hương Haji cùng tất các việc làm khác được qui định theo luật Islam, còn thờ phượng Allah trên phương diện tâm linh cũng như đức tin (Iman), sự ngoan đạo một cách trung trực (ihsan), sự đu-a (cầu xin), dâng hiến tế lễ, sự thề nguyện, cầu xin sự che chở tránh tai nạn, bệnh tật, lòng kính sợ, và niềm hy vọng...


Nói về sự hành đạo thì những người Ả Rập thời tiền Islam đã hướng những sự hành đạo của họ đi xa khỏi nguyên lý thuần túy của tôn giáo – tôn thờ Allah duy nhất – tôn giáo đã được tổ phụ Nabi Ibrahim (A) truyền dạy trước đây. Theo sự suy nghĩ của những người Ả Rập lệch lạc này thì những vị hiền nhân quá cố hay những thần linh mà họ đang tôn sùng có một địa vị thật đặc biệt cao quý nơi Allah, nên họ đã tôn sùng cầu xin van vái nhờ những vị này làm trung gian để họ được đến gần Allah hơn.


Tiêu biểu cho các thần thánh mà những người Ả Rập đã tôn sùng đồng đẳng với Allah đó là Al Lat. Al Lat là vị thần thánh mà họ cầu xin ngoài Allah, nó được dựng lên ở vùng Ta-if. Thật ra Al lat chả là thần thánh gì cả mà chỉ là một vị hiền nhân quá cố. Bởi lúc còn sống, vị hiền nhân này là một con người hiền lương chất phác đạo hạnh, thích làm phước cho những người ở xa đến Mecca hành hương, ông thường nấu thức ăn gọi là As Suwaik mà người Ả Rập lúc bấy giờ ưa thích, để phân phát miễn phí cho những người hành hương... Rồi khi ông qua đời, để ghi nhớ công ơn của ông, người ta mới nảy sinh ra cách dựng lên một ngôi miếu và tạc hình của ông đem vào đặt trong ngôi miếu đó để mọi người khi đi qua có thể ghé lại mà cúng vái để tạ ơn ông. Thời gian sau, họ chế biến ngôi miếu đó thành nơi thờ phượng bằng cách đi vòng vòng giống như đi tawwaf ở đền Kab'ah và họ cầu xin bụt tượng đó làm trung gian để cầu xin với Allah cho họ được những gì mà họ ước muốn.


Sự thể này cũng giống như tượng Al Uzza và Al Manat mà Allah đã phán trong kinh Qur'an về sự thờ phượng lệch lạc đó:


أَفَرَأَيْتُمُ اللاَّتَ وَالْعُزَّى# وَمَنَاةَ الثَّالِثَةَ الأُخْرَى# أَلَكُمُ الذَّكَرُ وَلَهُ الأُنْثَى# تِلْكَ إِذاً قِسْمَةٌ ضِيزَى# إِنْ هِيَ إِلاَّ أَسْمَآءٌ سَمَّيْتُمُوهَآ أَنتُمْ وَآبَآؤُكُم مَّآ أَنَزَلَ اللَّهُ بِهَا مِن سُلْطَانٍ إِن يَتَّبِعُونَ إِلاَّ الظَّنَّ وَمَا تَهْوَى الأَنفُسُ وَلَقَدْ جَآءَهُم مِّن رَّبِّهِمُ الْهُدَى#                                  


"Há các ngươi đã thấy (thần) Al Lat và (thần) Al-Uzza, và nữ thần Manat thứ ba hay sao?".


"Phải chăng giống đực thuộc về các người còn giống cái thì thuộc về Ngài (Allah)  hay sao?”


"Đó đúng là một sự phân chia chẳng công bằng."


"Quả thật, đó chẳng qua là những tên gọi mà các người và cha mẹ của các người đã gán đặt cho chúng chứ Allah đã không ban xuống một chút thẩm quyền nào cả. Chúng chỉ làm theo điều chúng tưởng tượng và theo điều mà bản thân của chúng mong muốn trong lúc chắc chắn một Chỉ đạo từ Rabb của chúng đã đến cho chúng."  Suroh 53: 19-23.


Những kẻ thờ phượng những thần linh ngoài Allah, họ vẫn biết những thần linh mà họ đang thờ phụng, đang cầu xin van vái  không thể tạo ra được những gì trong vũ trụ này cũng như không thể ban thức ăn thức uống, hoặc làm cho sống lại hay chết đi, họ biết rất rõ là những bụt tượng thần linh đó thực chất không thể tạo ra được gì cũng chẳng mang lại lợi ích gì cả mà chỉ có Allah mới có mọi quyền năng đó.


Allah đã phán về họ như sau:


قُلْ مَن يَرْزُقُكُم مِّنَ السَّمَآءِ وَالأَرْضِ أَمَّن يَمْلِكُ السَّمْعَ والأَبْصَارَ وَمَن يُخْرِجُ الْحَيَّ مِنَ الْمَيِّتِ وَيُخْرِجُ الْمَيِّتَ مِنَ الْحَيِّ وَمَن يُدَبِّرُ الأَمْرَ فَسَيَقُولُونَ اللَّهُ فَقُلْ أَفَلاَ تَتَّقُونَ              


"Hãy hỏi họ: -Ai cấp dưỡng cho các người từ trên trời và dưới đất ? Ai có quyền kiểm soát Thính-giác và Thị-giác của các người? Và ai làm sống từ cái chết và làm chết từ cái sống? Ai quản lý và định đoạt công việc của vũ trụ? Họ sẽ trả lời: -Allah! Vậy hãy bảo họ: -Thế các người không sợ Ngài hay sao?"  Suroh 10: 31.


Ðã biết rõ Ðấng Cai Quản vũ trụ là Allah, thế tại sao không cầu xin trực tiếp ở Ngài mà đặt niềm tin ở những người do Ngài tạo ra, rồi đồng đẳng họ với Ðấng Tạo Hóa? Có lẽ, họ nghĩ rằng, Allah sẽ chấp nhận lời thỉnh cầu của những người đã chết mà họ nhờ làm trung gian, nếu vậy thì họ đã vấp phải một sự sai lầm rất trầm trọng vì việc làm đó của họ vô tình cho thấy rằng Allah là Ðấng Không Toàn Thiện, có nghĩa là Allah cần những vị phụ tá để giúp việc, Ngài không có khả năng nghe thấy trực tiếp lời van vái cầu xin của bề tôi mà phải nhờ đến một vị trung gian. Còn nếu họ bảo không phải Allah không nghe thấy lời cầu xin của chúng tôi mà bởi vì chúng tôi thấy chúng tôi là những kẻ làm nhiều tội lỗi còn những người đã chết kia trước đây họ là những người hiền nhân ngoan đạo thì tôi van vái cầu xin họ nhờ họ cầu xin giùm chúng tôi, mong rằng lời cầu xin của họ sẽ có hội được Allah đáp lại hơn. Sự biện luận nghe ra cũng có lý lắm nhưng với điều kiện là những vị hiền nhân đó đang còn sống để còn nghe thấy lời nhờ vả của chúng ta, còn đàng này họ đã chết. Nếu họ đã chết thì làm sao họ có thể nghe thấy lời cầu xin van vái của chúng ta và nếu họ có phép thần thông quảng đại thì chắc chắn họ đã không chết như thế kia đâu.


Kinh Qur'an đã phân trần cho những người đi cầu xin ở những mồ mả hoặc những linh hồn của người chết rằng những người đó không thể ban bố được gì cho họ:


إِنَّ الَّذِينَ تَدْعُونَ مِن دُونِ اللَّهِ عِبَادٌ أَمْثَالُكُمْ فَادْعُوهُمْ فَلْيَسْتَجِيبُواْ لَكُمْ إِن كُنتُمْ صَادِقِينَ 


"Quả thật, những kẻ hay những sự vật mà các ngươi  cầu xin van vái ngoài Allah chỉ là đám bầy tôi giống như các người mà thôi. Được, hãy cầu xin van vái chúng đi xem chúng có đáp lại các người chăng nếu các ngươi nói thật!"  Suroh 7: 194.


إِن تَدْعُوهُمْ لاَ يَسْمَعُواْ دُعَآءَكُمْ وَلَوْ سَمِعُواْ مَا اسْتَجَابُواْ لَكُمْ وَيَوْمَ الْقِيَامَةِ يَكْفُرُونَ بِشِرْكِـكُمْ    


"Nếu các người cầu nguyện chúng thì chúng sẽ không nghe được lời cầu nguyện của các người và nếu chúng có nghe đặng thì chúng vẫn không đáp lời các người, và vào Ngày Phán Xử Cuối Cùng, chúng sẽ phủ nhận việc các người cầu nguyện chúng cùng với Allah. " Suroh 35: 14.


Qua câu chuyện về những việc làm của những người Ả Rập đã tôn sùng các vị hiền nhân quá cố cùng với sự minh bạch của các câu kinh Qur’an thì rõ ràng tất cả những ai cầu xin ở những linh hồn của người chết thì quả thật những linh hồn đó không bao giờ nghe thấy được, và cho dù linh hồn đó là Nabi (saw), bởi Allah đã phán:


إِنَّ اللَّهَ يُسْمِعُ مَن يَشَآءُ وَمَآ أَنتَ بِمُسْمِعٍ مَّن فِي الْقُبُورِ        


"...Quả thật, Allah có thể làm cho người nào nghe thấy tùy ý Ngài nhưng Ngươi (Muhamad) không thể làm cho người nào nằm dưới mộ nghe được..." Suroh: 35: 22.


Nabi Muhamad (saw) chỉ là con người phàm tục bằng xương bằng thịt thì Người cũng như chúng ta không biết được những gì của thế giới vô hình và những điều bí mật tuyệt đối của Allah, ngoại trừ những gì mà Ngài cho Người biết, Allah phán:


قُل لاَّ أَمْلِكُ لِنَفْسِي نَفْعاً وَلاَ ضَرّاً إِلاَّ مَا شَآءَ اللَّهُ وَلَوْ كُنتُ أَعْلَمُ الْغَيْبَ لاَسْتَكْثَرْتُ مِنَ الْخَيْرِ وَمَا مَسَّنِيَ السُّوءُ                 


"Hãy bảo họ: 'Ta không có quyền quyết định điều lợi hoặc hại cho chính bản thân của ta trừ phi điều nào Allah muốn. Và nếu ta biết điều vô hình thì chắc chắn ta sẽ tom góp nhiều điều tốt cho ta và ta sẽ không gặp một điều bất hạnh nào..." Suroh 7: 188.


Do đó, nếu ai thật sự tin tưởng Allah, tin tưởng vào quyền năng của Ngài thì hãy cầu xin và van vái trực tiếp đến Ngài không cần phải nhờ một trung gian nào khác bởi Ngài luôn gần kề và nghe thấy, Ngài bảo:


وَإِذَا سَأَلَكَ عِبَادِي عَنِّي فَإِنِّي قَرِيبٌ أُجِيبُ دَعْوَةَ ٱلدَّاعِ إِذَا دَعَانِ فَلْيَسْتَجِيبُواْ لِي وَلْيُؤْمِنُواْ بِي لَعَلَّهُمْ يَرْشُدُونَ                       


« Và khi bầy tôi của TA hỏi Ngươi Muhammad về Ta thì hãy bảo họ rằng ta luôn gần kề. Ta sẽ đáp lại lời cầu xin của người cầu nguyện khi y cầu xin Ta. Ngược lại, họ cũng phải đáp lại lời gọi của Ta và hãy tin tưởng nơi Ta để may ra  họ được hướng dẫn đúng đường. » S.2 : 186



 



 Abu Zaytune soạn thảo.


 


 


 


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 147 Tổng lượt truy cập 2981101