-Chân Lý Islam | baiviet | CỘNG ĐỒNG ĐÓ ĐÂY | ĐẠO ISLAM TẠI VIỆT NAM
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
ĐẠO ISLAM TẠI VIỆT NAM
18.10.2007 17:37 - đã xem : 5478
_VIEWIMG
Ngược dòng lịch sử người ta đã ghi nhận vào một thời điểm hiện chưa được các cuộc nghiên cứu khoa học xác định chính xác, Đạo Islam nguyên đã được truyền chuyển vào bán đảo Đông Dương bởi các nhà thương buôn Á Rạp ghé qua các bến cảng đất Champa tức Chiêm Thành, một vương quốc đã một thời hưng thịnh tại vùng đất Trung Việt Nam ngày nay, mà kinh đô Vijaya (Thành Đồ Bàn) qua một số đền tháp, di chỉ, còn lưu lại, được đặt tại Trà Kiệu, vùng Bình Định ngày nay.

Nhà khảo cổ Pháp, H. Huber, đã tìm được trong sử nhà Tống, Trung Quốc, bản tường thuật về sinh hoạt của dân tộc Chăm có ghi câu kinh A-la hòa cập bạt mà người ta suy ra là câu kinh nhật tụng Allahu Akbar (Allah vĩ đại) của người Muslim. Ngoài ra, trong câu chuyện lịch sử dân gian của người Chăm, đăng trong Excursions et Reconnaissances, XIV, trang 153, có ghi vị vua Champa trị vì vào thế kỷ thứ 10 T.L. đã nhập đạo Islam và đã có đi hành hương Thánh địa Makkah, chứng tỏ đạo Islam đã có một thời cực thịnh tại đất Champa. Sau khi vương quốc Champa từng bước tan biến trước các làn sóng nam tiến của Đại Việt, một vị vua cuối cùng của người Chăm được gọi là Pô Chơn, không chịu đượng được các chính sách ngược đãi của thời vua Minh Mạng, đã cùng một số thần dân trốn sang đất Cam Bốt và định cư tại đó (Một số địa danh như Kompong Cham chẳng hạn trên đất Cam Bốt có nghĩa là bến hoặc làng người Chăm). Nhóm nầy sau đó lần hồi xuôi theo dòng sông Cửu Long xuống đến vùng Châu Đốc, đã định cư trong bảy làng tại đây cho đến ngày nay và đã có tham gia lao động thực hiện công trình của Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh tế thông thương với Hà Tiên. Từ biến cố lịch sử nầy, cộng đồng Chăm Muslim được chia thành hai nhóm một thời gian dài đã bị ngăn cách nhau trong không gian.

Nhóm người Chăm còn lại trên đất mẹ qua diễn biến của thời cuộc không còn ai chuyên về nghề đánh cá ngoài biển là nghề cổ truyền một thời nổi tiếng của người Chăm nữa, mặc dầu trong các lễ tục dân gian, cụ thể là lễ cúng Raja, vẫn còn phản ảnh sinh hoạt nghề nầy. Ngoài số người Chăm theo tín ngưỡng truyền thống trực tiếp chịu ảnh hưởng Ấn Giáo và Bà La Môn, cho đến ngày nay vẫn còn lưu lại một số người gọi là Chăm Bani, sống trong các thôn ấp riêng rẽ đối với người Chăm, có một hệ thống chức sắc lãnh đạo chuyên nghiệp, trong dân gian gọi là các Thầy Chang, đảm bảo thực hiện các lễ nguyện, nhịn chay, và các lễ cúng của gia đình, còn người dân thì chỉ mang vật cúng đến thánh đường mà thôi. Thiên Kinh Qur’An cũng còn được duy trì, nhưng là bản được sao chép tay qua nhiều thế hệ nên đã thay đổi nhiều nét và cách đọc có nhiều âm khác lạ không còn là tiếng Ả Rập nguyên gốc nữa. Tình trạng sai lệch đó nguyên là do sống cô lập trong thời gian dài không có giao lưu với bên ngoài, nên một số vị chỉ muốn nhận mình là người Bani để tự phân biệt ngay cả với đạo Islam, thường được phát âm là A-xa-lam.

Linh mục Durand, trong bài nghiên cứu “Les Chams Bani”, đã suy luận chữ Bani do từ Beni tiếng A Rạp có nghĩa là con, tức con của Muhammad. Sự thực từ Bani trong tiếng Chăm có nghĩa là đạo, ý muốn nói đến người theo đạo còn những người khác là người ngoại đạo. Mặc dầu cho đến nay chưa có cuộc nghiên cứu phân tích khoa học thực sự đi vào thực chất hành đạo của người Chăm Bani hiện dịnh cư tại tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận, có những bằng chứng sơ khởi xác định người Chăm Bani chính là người Muslim:

1)      Dạng bản Thiên Kinh Qur’An mặc dầu ngày nay đã biến đổi nhiều và không còn gọi là Qur’An nữa mà thường đọc trại ra là Qur’ưn hoặc Kitab alhămđu, nhưng thực chất vẫn là Qur’An.

2)      Các thánh đường mặc dầu ngăn cách đã lâu với bên ngoài vẫn được xây cất theo đúng hướng Qiblat, tức hướng Thánh Địa Makkha của đạo Islam.

3)      Niên lịch sử dụng và cách tính năm tháng hoàn toàn đúng với niên lịch Hijrah hiện hành của Islam. Tại tỉnh Ninh Thuận, một vài thôn ấp Chăm Bani ngày trước đã giao lưu với các đồng đạo Muslim tỉnh An Giang và đã lập các cộng đồng Muslim đúng theo nề nếp Islam tại Văn Lâm, An Nhơn, Phước Nhơn, v.v... Nhất là tại Phước nhơn, một Masjid mới được xây dựng cách khoảng thánh đường của người Bani trong tầm nhìn thấy nhau, tạo nên triển vọng một ngày nào đó cả hai cộng đồng càng xích lại tìm hiểu nhau, xóa tan ngăn cách, và hòa hợp với nhau trong tình nghĩa mọi người Muslim đều là anh em như lời phán dạy của Allah trong Thiên Kinh Qur’An.

Cham ChaugiangNhóm người Chăm Muslim miền Tây Nam Bộ, trong dan gian thường quen gọi là người Chăm Châu Đốc trong quá khứ, sau khi định cư, đã có tiếp xúc với các thương buôn người Mã Lai đi thuyền ngược dòng sông Cửu Long đến trao đổi hàng hóa. Cuộc tiếp xúc nầy đã tạo điều kiện cho người Chăm Châu Đốc hòa hợp về mặt đạo giáo, khi có phương tiện thì tìm cách gởi con em qua Mã Lai học đạo, nhất là tại Kelantan. Các du học sinh nầy sau một thời gian học đạo tại Mã Lai đã trở về quê nhà và thường đảm trách việc truyền dạy giáo lý Islam, đào tạo môn sinh, phân phối về các thôn ấp đảm trách trường lớp thường được xây cất gắn liền với các Masjid (Thánh đường) trong dân gian gọi là Tuôn, được xã hội nể trọng. Những vị học đạo nhiều năm tại Mã Lai theo thời gian được cộng đồng cử nhiệm làm Hakim trên nguyên tắc đứng đầu quán xuyến điều hành việc đạo một cộng đồng (jam’ah).

Điển hình có vị nổi danh như Tuan Haji Umar’ Aly trong cuối đời đã đảm trách chức vụ Mufty, đứng đầu toàn Cộng Đồng, phối hợp hoạt động các Hakim. Vị Mufty đương nhiệm là Tuan Haji ISMA’IL FICKRY, hoặc Tuan Hakim Haja IDRESS thuộc Cộng Đồng Muslim Mubarak Châu Giang, tỉnh An Giang, cũng đã một thời gian lưu học đạo tại Mã Lai.

Trong những điều kiện phát triển giao lưu với cộng đồng Muslim Mã Lai như trên, cộng đồng Muslim Châu Đốc, theo truyền thống, hành đạo theo Madhahab Shafi’y [1] và do khuynh hướng tự nhiên bảo tồn căn tính (identity) của dân tộc đã theo khuôn mẫu Mã Lai dùng mẫu tự A Rạp để viết chữ Chăm để đồng thời đọc Thiên Kinh Qur’An luôn; còn chữ Chăm cổ truyền thì theo thời gian không còn mấy người biết nữa trong cộng đồng người Chăm Châu Đốc. Do đó cộng đồng người Chăm Muslim Châu Đốc thường học đọc Thiên Kinh Qur’An theo nguyên bản A Rạp, nhưng khi học diễn dịch để thông hiểu Thiên Kinh thì phải thông qua các quyển Tafsir Qur’An viết bằng chữ Mã Lai và chữ Mã Lai theo thời gian biến thành ngôn ngữ của giới trí thức, có học người Chăm Châu đốc. Tuy nhiên ngôn ngữ Chăm trong dân gian vẫn là tiếng nói mẹ đẻ được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, nên để được thích hợp, giới trí thức Chăm Châu Đốc đã theo khuôn mẫu sẵn có của Mã Lai dùng các mẫu tự A Rạp để phiên âm tiếng Chăm dùng để dạy giáo lý tại các trường lớp ở mỗi thôn ấp.

Thời cuộc khó khăn của những thập niên sau nầy đã làm gián đoạn một thời gian dài các dòng giao lưu tôn giáo giữa Chăm Châu Đốc và Mã Lai, cho mãi đến thập niên 1960, có điều kiện nối lập, người Chăm Muslim ở Việt Nam mới được biết rằng sau khi thu hồi độc lập và thành lập nước Malaysia, người Mã Lai đã có thứ chữ mới gọi là Malayurumi được hình thành với mẫu tự Latin và được thông dụng trong các cơ quan nhà nước cũng như trong dân gian; còn thứ chữ cũ gọi là Javi cùng khuôn mẫu chữ mà người Chăm Muslim vẫn sử dụng thì nay đã lùi về quá khứ, chỉ còn được dùng trong khuôn khổ giới hạn trong sinh hoạt tôn giáo tại một số địa phương nhất định mà thôi. Nhắc đến sự kiện nầy, chúng tôi muốn nêu lên một yếu tố thuận lợi chủ yếu đã góp phần làm cho sinh hoạt tôn giáo của người Chăm Muslim tại Việt Nam có tính tương đối khép kín, có ngôn ngữ riêng, chữ viết thông dụng riêng, tín ngưỡng riêng đối với môi trường bao quanh là xã hội Việt Nam nói chung. Trong một thời gian dài, người Chăm Muslim Châu Đốc đã kết hợp với niềm tự hào dân tộc, ít có gia đình nào chịu cho con em đến trường học chương trình phổ thông; ngoài ra, các bậc phụ huynh một phần cũng còn mang mặc cảm e ngại con em mình khi được đi học phổ thông thì lại hấp thụ nếp sống khác biệt, trong giao dịch sẽ uống rượu, cờ bạc, giao hợp sinh lý vụng trộm gọi là zina, vốn là những điều giáo luật răn cấm (harăm) và nếu phạm phải sẽ gây sỉ nhục cho dòng họ tông môn trong xóm làng.

Det vai

Tuy nhiên theo đà phát triển, nền kinh tế tự túc địa phương đơn thuần dựa vào nghề chài lưới và dệt vải không còn đủ điều kiện bảo toàn mưu sinh cho người dân trong vòng các thôn ấp nữa; người Chăm Muslim Châu Đốc phải đi ra ngoài kiếm sống, ban đầu là bằng những chiếc thuyền con cổ truyền nương theo các kinh rạch sông ngòi, và chính những dịp đi ra ngoài nầy đã thúc đẩy người Chăm Muslim Châu Đốc nói và học nói tiếng Việt để chung đụng giao dịch thường xuyên với người Việt. Vào thập niên 1920, một chiếc thuyền con đã mang một ông lão người Chăm Muslim Châu Đốc cùng với hai người con trai xuôi theo Kinh Chợ Đệm, tỉnh Long An, đã ghé lại một bến của làng Tân Bửu có tên dân gian là Ba Cụm, tình cờ đã vận dụng y học cổ truyền của mình chữa lành cho một người mang bệnh ngặt nghèo, khiến cả gia đình nầy tin tưởng và đã nhập đạo Islam.

Tại địa điểm ghé bến nầy ngày nay đã xây được một Thánh Đường (Masjid) tạo thành cộng đồng (jam’ah) Muslim đầu tiên thường được gọi là mu’al-laf gồm toàn người Việt. Trong cộng đồng mu’al-laf  nầy hẳn nhiên không thể dùng tiếng Chăm để giảng sách, nếu muốn mọi người cùng theo dỏi am hiểu. Thế là từ đó, ngoài những bài thuyết giảng bằng miệng trong các Masjid cho số tín đồ Muslim nói tiếng Việt ngày càng đông đảo, đã nảy sinh nhu cầu về các tài liệu sách vở in ấn bằng tiếng Việt. Ngoài ra trong cộng đồng người Chăm Muslim Châu Đốc theo đà phát triển cũng đã phát sinh ý thức lợi ích của việc cho con em đến trường phổ thông tạo thành một tầng lớp học sinh sinh viên, vì điều kiện sinh sống và học hành không còn có thể đi theo dấu chân của cha ông khép mình riêng trong các trường lớp cổ truyền thôn ấp nữa.

Đặc biệt là tại Sài Gòn đã lần hồi hình thành một cộng đồng Muslim đa dạng, kết hợp những người hầu hết là dân tha phương, bao gồm người Mã Lai, người Ấn, người Pakistan, người A Rạp, và nhất là người Việt, đưa đến tình trạng là phải dùng tiếng Việt trong giao dịch với nhau. Ngoài ra, trong cuộc sống đô thị không còn điều kiện tự cô lập như tại các thôn ấp nữa, đạo Islam phải không bị khép trong một không gian hạn hẹp, một dân tộc, một nước nào, thì mới triển khai được tác dụng nhân ái, mang ánh sáng Thông Điệp Chân Lý của Allah đến với mọi người.

Đỗ Hải Minh (Dohamide Abu Talib)

California, USA

---------------------------------------

[1] Madhahab Shafi’y là một trong bốn trường phái giáo luật (Madhahab) của Hệ Sunnah, phát triển ảnh hưởng tại Indonesia, Ai Cập, Mã Lai, Brunei, Phi Luật Tân, Sri Lanka, Việt Nam... được đặt dưới quền lãnh đạo của Imam Muhammad ibn Idris al-Shafi’y, sanh tại Palestine năm 767 TL. Ba trường phái khác thuộc hệ Sunnah là Madhahab Hanafy, Madhahab Maliky, và Madhahab Hanbaly. Mặc dầu có đôi chút khác biệt giữa bốn Madhahab trên, người Muslim theo hệ Sunnah cùng thừa nhận thẩm quyền sau cùng ở sự diễn dịch Thiên Kinh Qur’An và Hadith bởi các Ulama, một nhóm các nhà học giả uyên bác. Điều nầy trái ngược với hệ Shi’ah, trên cơ bản dựa vào các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ là các Imam để có sự dẩn dắt dứt khoát.


Trích lục: Trang Web "Bách Khoa Toàn Thư Mở"

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 146 Tổng lượt truy cập 2981100