-Chân Lý Islam | baiviet | CỘNG ĐỒNG ĐÓ ĐÂY | ĐẾN VỚI LÀNG CHĂM Ở ĐỒNG BẰNG
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
ĐẾN VỚI LÀNG CHĂM Ở ĐỒNG BẰNG
27.09.2007 17:50 - đã xem : 4099
_VIEWIMG
Ở Nam bộ, dân tộc Chăm không nhiều, phần lớn sinh sống tập trung ở An Giang. Ước tính, hiện nay ở An Giang có khoảng 12.700 tín đồ theo đạo Hồi. Chính những tín đồ theo đạo Hồi này đã làm nên một bản sắc văn hóa Chăm độc đáo giữa vùng châu thổ Cửu Long giang.

An Phú là huyện đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long với hai nhánh sông Tiền, sông Hậu mênh mông, rộng lớn cũng là nơi có đồng bào Chăm sinh sống tập trung đông nhất ở An Giang. Làng Chăm hiện nay sống tập trung thành chín xóm với hơn 2.000 gia đình sống tập trung thành những ấp hay liên ấp xen kẽ với người Việt từ biên giới Campuchia chạy dài theo dòng sông Hậu và sông Khánh Bình hợp lưu ở Tam Giang rồi đổ xuống đến xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú.


Qua bến phà Châu Giang ở Châu Đốc là đến làng Chăm. Một dãy nhà sàn, vách ván, lợp ngói đỏ tươi hiện ra, nằm san sát nhau bên dòng sông Châu Đốc. Con đường đất chạy dài, uốn lượn theo bờ sông. Hai hàng cây xanh tươi, mát rượi bên đường. Trên đường, nhiều đàn ông Chăm đội mũ vải màu trắng, trên người có khi mặt áo thun, áo sơ mi hoặc ở trần, vận sà rông kẽ sọc xanh, đỏ. Phụ nữ Chăm thường ít khi ra đường, đặc biệt là khi nhà có khách đàn ông họ lại càng tránh mặt. Người Chăm tỏ ra khá thân thiện và hiền lành. Họ sống cởi mở và dễ tiếp xúc.


Kinh tế gia đình người Chăm khá dư dả. Nghề nghiệp chính của bà con là buôn bán nhỏ, đánh bắt thủy sản và làm các nghề thủ công truyền thống. Người Chăm ít buôn bán qua trung gian. Phần lớn, họ trực tiếp tiếp cận thị trường. Hàng hóa do họ làm ra trực tiếp đem ra chợ bán. Chính điều này có cái hay là làm cho người Chăm có sự giao lưu văn hóa với những dân tộc khác. Người Chăm có tập quán sống theo triền sông, vì vậy nghề đánh bắt thủy sản đã là một nghề truyền thống của họ. Họ không chỉ quăng lưới hay mà còn đẹp nữa. Nếu có dịp nào bạn đứng bên bờ sông Châu Đốc, thấy những người đàn ông mình trần, vận sà rong, quăng một tay lưới nặng, phủ cả mặt sông tạo thành một vòng to, lượn sóng từ không trung rồi từ từ phủ xuống mặt sông, thì đó chính là người Chăm.


Đồng bào người Chăm ở An Giang còn nổi tiếng với nghề dệt lụa và thổ cẩm... Đó là do họ sở hữu được những bí quyết gia truyền của nghề, như: phải dùng tơ chín, nhuộm bằng vỏ trái mặc nưa, kỹ thuật dệt hoa mây, lồng đèn, vân, lãnh... Đặc biệt khăn làm của hồi môn Icat, xà rông hoa, tơ thổ cẩm, áo thổ cẩm, bóp, khăn thêu, hộp đựng nữ trang... cũng là những mặt hàng được du khách rất ưa chuộng, tìm kiếm. Làng nghề dệt lụa của người Chăm ở An Giang đã từng một thời nức tiếng xa gần, góp phần quan trọng hình thành nên một trung tâm tơ lụa lớn nhất miền Nam trước năm 1975.


Người Chăm ở An Giang theo đạo Hồi nên họ cử thịt heo. Con trai lớn lên khoảng 13, 14 tuổi thì phải chịu lễ cắt da qui đầu, con gái thì khuê môn bất xuất. Khi dựng vợ gả chồng cho con thì đưa rể chứ không rước dâu. Mỗi ngày người Chăm hành lễ 5 lần, và mỗi năm phải chịu một tháng Ramadan, là tháng họ phải nhịn đói, không được hút thuốc và phải kiêng cử cả việc chung chạ với đàn bà.


Người Chăm có thói quen ở nhà sàn, cột thường bằng cây nguyên bào nhẵn, cao khỏi đầu người. Mặt tiền nhà nào cũng có một cái thang bằng gỗ, dùng để bước lên nhà. Phía dưới sàn họ thường để trống cho mát, đôi khi chất ít củi. Bên trong nhà hầu như không có bàn ghế, nên khi khách đến nhà thì chủ nhà trải chiếu hoặc tấm thảm ra để chủ và khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ.


Trong khu vực cư trú của người Chăm thường có nhiều thánh đường để tiện cho việc hành lễ. Các thánh đường này được người địa phương gọi là chùa, như: chùa lớn, chùa nhỏ, trong đó tiêu biểu và nổi bật nhất là Thánh đường Mubarak, tọa lạc trên một sở đất rộng, bên bờ Châu Giang hiền hòa, thuộc xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, cách thị xã Châu Đốc bởi bến phà Châu Giang.


Từ thị xã Châu Đốc, du khách qua phà Châu Giang tới bên kia bờ Phú Hiệp là thánh đường Mubarak hiện ra. Du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên trước sự lạ lẫm nhưng hùng vĩ của ngôi thánh đường này. Đây là một lối kiến trúc hoàn toàn khác với các kiểu kiến trúc của chùa Hoa, chùa Việt, hay chùa Khmer. Đập vào mắt du khách là cổng chính thánh đường có hình vòng cung, phía trước, trên nóc có một tháp lớn hai tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc thánh đường đều có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao. Từ cửa chính của thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau khoảng 2m4. Bên hông thánh đường, phía tay trái và tay phải, mỗi bên cũng có sáu vòm hình vòng cung nhọn đầu cảm nhận được một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm anh em cùng cộng cư trên mảnh đất Nam bộ này. Không gian bên ngoài thánh đường hết sức rộng lớn và thoáng mát. Đứng trước không gian thoáng đãng này du khách sẽ thấy lòng mình lâng lâng lạ thường. Vào trong thánh đường, du khách cũng lại một lần nữa ngạc nhiên: Bên trong thánh đường, do đặc điểm của đạo Hồi nên không có tượng thờ bất kỳ vị thần thánh nào, nhưng phải có hậu tẩm, là nơi chức sắc đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ. Có Minbar là nơi thầy giảng giáo lý trong buổi lễ thứ sáu hàng tuần. Bên góc thánh đường có tháp cao để chức sắc kêu gọi tín đồ đến hành lễ: bốn bề của bức vách bên trong thánh đường được tô điểm bởi màu trắng và xanh lợt đã làm dịu đi cái nắng như đổ lửa ở bên ngoài, nền được lót gạch bóng lộn, những chùm đèn điện được treo trên trần đã tô điểm thêm cho thánh đường cái vẻ sang trọng và quý phái lung linh huyền ảo nơi chốn tôn nghiêm này. Lúc ấy, lòng du khách khoan khoái lạ thường, tín tâm trỗi dậy, lòng tà tiêu tan. Đi thật nhẹ, nói thật khẽ... tất cả nhằm giữ cho sự tôn nghiêm nơi thánh đường và hướng lòng mình về một cõi xa xăm, huyễn hoặc.


Mubarak được xem là một thánh đường tiêu biểu có lối kiến trúc hết sức độc đáo của cộng đồng người Chăm ở Châu Giang. Kiến trúc công trình thể hiện đường nét riêng, mang đậm tính tôn giáo của dân tộc Chăm theo đạo Hồi. Vì vậy, Mubarak có dáng dấp của các thánh đường Hồi giáo trên thế giới. Nó tôn trọng những qui định về kiến trúc bên ngoài cũng như cách bay trí bên trong.


Hằng năm, thánh đường Mubarak có 3 kỳ lễ lớn: lễ Roja vào ngày 10 tháng 12 Hồi lịch, lễ Ramadan kéo dài từ ngày 1 đến 30 tháng 9 Hồi lịch (còn gọi là tháng ăn chay), lễ sinh nhật của giáo chủ Muhammed (người sáng lập đạo Hồi) vào 12 tháng 3 Hồi lịch. Trong những dịp lễ hội này, cư dân từ mọi nơi về tham gia sinh hoạt lễ hội rất đông, tạo thành những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị của cộng đồng người Chăm ở đây.


Với những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm màu sắc tôn giáo của người Chăm Châu Giang, và những lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng của đạo Hồi mà thánh đường Mubarak được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là kiến trúc nghệ thuật vào ngày 5-12-1989. Làng Chăm Châu Giang nói chung, thánh đường Mubarak nói riêng là một điểm tham quan lý tưởng cho du khách gần xa.


TRẦN PHỎNG DIỀU


 


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 432 Tổng lượt truy cập 2979444