-Chân Lý Islam | baiviet | GIÁO LUẬT | KITAB AL-JANAZAH (NHỮNG GÌ LIÊN QUAN ĐẾN CÁI CHẾT) (3)
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
KITAB AL-JANAZAH (NHỮNG GÌ LIÊN QUAN ĐẾN CÁI CHẾT) (3)
15.10.2009 22:29 - đã xem : 2602
_VIEWIMG
Qua hadith của ông Anas (R) thuật lại Rosul (saw) có nói rằng: “Các người đừng bao giờ mong mỏi để chết sớm và cho rằng chết đi là sẽ xóa bỏ hết mọi chuyện. Nếu nghỉ rằng không thể thoát qua khỏi cơn bệnh trầm trọng nầy thì hãy nên cầu nguyện: -Thưa Allah, xin Ngài ban sự bình phục cho tôi nếu rằng cuộc sống sẽ đem lại sự tốt lành cho tôi, và xin Ngài rước lấy cái chết của tôi nếu rằng cái chết đem lại sự tốt lành cho tôi hơn, amin”. Hadith này do toàn thể ghi lại bao gồm cả Al Bukhory và Muslim và các Muhaddith (người sưu tầm hadith) khác nữa.

KHÔNG ĐƯỢC MONG CHẾT SỚM

          Theo giáo luật Islam, định mệnh của mỗi người là do Allah quyết định, cho nên người Muslim không được mong mỏi hay cầu xin với Allah để được chết sớm vì một lý do nào đó, chẳng hạn khi bị nghèo khổ, đau yếu hay gặp hoạn nạn…     

Sự mầu nhiệm và huyền bí về việc cấm không được cầu mong chết sớm qua hadith của bà Ummul Fadol (R) thuật lại là ông Al Abbas (R) đang bị bệnh và ông mong mỏi được chết sớm trong lúc Rosul (saw) đến thăm, Người nghe vậy liền nói: Hỡi ông Abbas, hỡi bác của Rosul!: - Ông đừng mong mỏi được chết liền, nếu ông được sống và làm những điều hữu ích tốt lành thì phước đức của ông sẽ được tăng thêm, và nếu có lỗi lầm và được sống thêm thì nhờ thời gian sống thêm nầy mà ăn năn xám hối để chuộc lại tội lỗi thì thật là tốt lành biết bao cho ông. Cho nên ông đừng có mong mỏi được chết sớm như vậy”. Do Ahmad, Al Hakim, soheh theo điều kiện của Muslim.

SỐNG LÂU VỚI SỰ HÀNH ĐẠO TỐT ĐẸP

      *Ông Abdurrohman Ibnu Abu Bakar (R) thuật lại có nghe ba của ông (Abu Bakar) nói là: “Có một người đến hỏi Thiên-Sứ (saw): - Thưa Thiên-Sứ, con người sống như thế nào mới gọi là người tốt lành? Rosul (saw) trả lời rằng: - Đó là những người được Allah cho sống lâu và họ hành đạo tốt đẹp. Người ấy hỏi tiếp: - Thưa còn người bất hạnh là người như thế nào? Rosul (saw) trả lời: - Là những người được Allah cho sống lâu nhưng những hành động của họ đều có tính cách bất lành”. Do Ahmad và At Tirmizy ghi lại, được xác nhận là hadith hasan soheh.

       *Ông Abu Hurairoh (R) thuật lại là Rosul (saw) nói rằng: “- Các người có muốn biết ai là những người tốt lành nhứt trong các người không? Chúng tôi đồng trả lời: - Thưa Rosul, chúng tôi muốn biết. Rosul (saw) nói: - Đó là những người sống lâu năm với sự hành đạo tốt lành của họ”. Do Ahmad và những người khác nữa ghi lại với đường dây soheh.

HÀNH ĐẠO TỐT LÀNH TRƯỚC KHI CHẾT LÀ BẰNG CHỨNG

VẺ VANG CỦA NGƯỜI QUA ĐỜI…

      *Ông Anas (R) thuật lại là Rosul (saw) có nói rằng: Nếu Allah muốn ban sự tốt lành cho một nô lệ nào đó, thì Ngài dùng đến người đó”. Chúng tôi hỏi: Thưa Thiên-Sứ, vậy bằng cách nào? Rosul (saw) trả lời: - Allah tạo cơ hội cho họ để thi hành những công việc tốt lành, hữu ích rồi mới rước lấy cái chết của họ sau”. Do Ahmad, At Tirmizy, Al Hakim và Ibnu Habban ghi lại.

          Sống chết là do sự an bài của Thượng-Đế (Allah), một khi số mạng đã đến thì không trễ một giây hay nhanh một phút. Cho nên, đối với người Muslim thì sự chết sống là lẽ đương nhiên mà họ phải tin tưởng, và họ cũng không được nghĩ xấu hay trách móc Thượng-Đế đã rước lấy người thân yêu của họ… Chỉ có sự khác biệt là mỗi người có một hoàn cảnh đưa đến cái chết khác nhau mà thôi, đó cũng là điều huyền bí mầu nhiệm mà Allah an bài cho mỗi số phận của con người. Điều quan trọng cần thiết là chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để chờ đợi giờ khắc đó, mà sự chuẩn bị tốt nhất là phải hành đạo ngay từ bây giờ chớ đừng chờ đến giờ phút cuối cùng thì không còn kịp nữa…

      *Ông Jabir (R) thuật lại lời của Rosul (saw) như sau: Các ngươi đừng chết với một ấn tượng xấu về Allah”. Do Muslim ghi lại.

      *Theo hadith Muslim thuật lại thì Thiên-Sứ Muhammad (saw) nói lời này trước khi Người từ thế chỉ có ba ngày, ý nghĩa của hadith nầy cho ta biết rằng, chúng ta nên luôn luôn phải có ý tưỏng tốt là Allah lúc nào cũng thương xót, dịu dàng và quan tâm đến nô lệ của Ngài, vì đó là bản tánh tuyệt đối Cao Thượng của Ngài… Không chừng cái chết sẽ đem lại sự tốt lành cho ta và thân nhân của ta hơn là kéo dài cuộc sống mà làm phiền và gây thêm tội lỗi.

      *Có hadith nói về khi lâm chung, hấp hối là lúc mà ta hy vọng và cầu sự an tâm, tha thứ để được gặp Allah. Trong thời gian nầy là lúc được Ngài thương tâm và vui thích để đón nhận lời nói cuối cùng của nô lệ, vì Ngài là Đấng Rộng Lượng, Đấng Tha Thứ, Đấng Bác Ái. Cho nên ta phải luôn cảnh giác.

      * Rasul (saw) cũng đã nói là: Allah sẽ làm sống dậy mọi người với trạng thái và lời nói cuối cùng của họ ( lúc lìa đời )”.

          Có nghĩa là: Lúc lâm chung, nếu người nào la lối trách móc Allah, hay lúc đó họ không nghĩ đến Allah…, thì khi ngày Phục Sinh họ sẽ sống dậy với trạng thái nầy… Allah sẽ không còn nghĩ đến họ. Ngược lại, nếu người nào trong lúc ra đi mà còn nhớ đọc câu “Shahada” thì họ sẽ được Allah ban Thiên-Đàng cho họ…    

      *Ông Anas (R) thuật lại là có một vị thanh niên đang hấp hối, thì Rosul (saw) đến thăm hỏi : Cậu thấy thế nào? Cậu ấy trả lời: - Tôi đặt hy vọng nơi Allah, nhưng tôi rất sợ về những tội lỗi của tôi. Rosul nói: - Vào giờ phút cuối cùng mà trong lòng nô lệ lại có hai ý niệm tốt lành đó về Allah, thì Allah sẽ ban cho họ những gì mà họ đặt hy vọng và ban sự an tâm cho những gì họ đang lo âu”. Do Ibnu Majah và At Tirmizy ghi lại.

          Trên đây là những hadith và lời khuyên bảo của Rosul (saw) cho những người Muslim phải có bổn phận trước tiên đối với cá nhân mình là tin tưởng ở sự an bài của Allah và phải chấp nhận những gì xảy ra, phải có trách nhiệm và cư xử tốt lành với những người anh em khác (tất cả nhân loại). Khi họ lâm bệnh thì phải đi thăm viếng, an ủi, cầu nguyện cho họ, và khi họ qua đời phải lo cho họ một cách chu đáo, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của mọi người Muslim.

SUNNAH CHO NHỮNG NGƯỜI HIỆN DIỆN BÊN CẠNH NGƯỜI

LÂM CHUNG PHẢI THI HÀNH NHỮNG VIỆC NHƯ SAU

     1)- Trong văn tự Arab chữ “Talkine” có nghĩa là: (Nhắc nhở câu kalimah “La ila ha illolloh”).

      *Ông Abi Said Al Khudry (R) thuật lại là Rosul (saw) nói rằng: “Hãy nhắc nhở những người đang hấp hối đọc câu “La i la ha illolloh”, Còn đối với người ngoại đạo thì hãy kêu gọi họ vào Islam”. Do Muslim, Abu Dawud và At Tirmizy ghi lại.

      *Ông Mu’az Ibnu Jabal (R) thuật lại Rosul (saw) nói rằng: [Những ai thốt ra lời cuối cùng của họ là “La ila ha illolloh” (Chỉ có Allah duy nhất mà thôi) thì sẽ được vào Thiên-Đàng]. Do Abu Dawud và Al Hakim thuật lại, và cũng có hadith khác do Ahmad ghi lại đều cùng một ý nghĩa.

         Sự “Talkine” nầy chỉ được áp dụng đối với những ai lúc hấp hối mà không nói được câu “Kalimah shahada” mà thôi, khi một người đang hấp hối đã thốt lên được câu shahada thì sự Talkine không còn ý nghĩa nữa, và Talkine chỉ áp dụng đối với người còn tỉnh táo, có thể còn nói được. Một người khi đã không còn hiểu biết và không nói được nữa, thì không thể áp dụng Talkine, nhưng họ có thể nói trong lòng của họ.

         Những vị Ulama khuyên rằng: Trong giờ phút quan trọng mê man của người sắp qua đời, chúng ta không được gây quấy nhiểu dể gây phiền phức cho họ, cũng như không được ép họ phải nói câu “shahada”, sợ rằng người hấp hối đang bực bội rồi nói ra những lời không tốt lành, chúng ta phải từ từ và lựa lúc thích hợp mà nhắc nhở để khỏi gây sự rối loạn cho người sắp lâm chung. Một khi họ đã thốt lên dược câu “shahada” một lần rồi, thì không nên nhắc lại nữa, nếu người đó không nói chuyện gì khác nữa thì đều tốt nhất là nên để họ giữ mãi câu nói cuối cùng của cuộc đời họ là câu “shahada”.

       - Và cũng đa số Ulama cho rằng: Trong lúc hấp hối nầy, ta có thể nhắc nhở chỉ đọc câu “La ila ha illolloh” mà thôi, bao nhiêu đó cũng đủ rồi, nhưng nếu người hấp hối đọc trọn vẹn câu “La ila ha illolloh, wa ash-hadu Anna Muhammadan Rosululloh” thì càng tốt.

       - Nhưng ý kiến của ông Jama’ah cho rằng: Nên nói nguyên câu “Kalimah” mới là toàn vẹn của ý nghĩa Tawhid.

     2)- Nên đặt người bệnh nằm nghiêng về phía bên phải, mặt hướng về Qiblat. Vì có một hadith thuật lại như sau:

      *Ông Abi Kotadah (R) thuật lại khi Rosul (saw) ly hương về Medina, Người hỏi thăm về ông Al Buro’u ibnu Maaruf (R) thì được các vị sohabah cho Rosul biết là ông ấy đã mất rồi và có để lại một phần ba gia tài của ông ta cho Rosul và ông có yêu cầu là khi nào ông ta hấp hối hãy hướng mặt ông ta về hướng Qiblat. (Sau khi nghe qua) Rosul (saw) nói rằng: Ông ta đã đi đúng đường”. Sau đó Rosul (saw) đem 1/3 gia tài mà ông ấy đã để lại, Người đem trao lại cho con của ông ấy, rồi Rosul (saw) đến ngôi mộ của ông ta “Soly Jannazah và cầu nguyện (đu-a) cho ông ấy rằng: Xin Allah tha thứ và ban phước lành cho ông ấy được vào Thiên-Đàng”, và rồi ông ấy đã được toại nguyện. Hadith soheh của Al Bukhory và Al Hakim. Ông Al Hakim cũng nói rằng: “Ngoài ông ấy ra, không có ai nhắc nhở người khác nên để mặt người chết hướng về Qiblat khi lâm chung cả”.

       - Và đó cũng là tư thế mà bà Aysha (thân mẫu của người tin tưởng) nằm trong lúc lâm chung. Do Ahmad ghi lại.

       - Rosul (saw) cũng đã khuyên chúng ta trong lúc nằm ngũ cũng nên cố gắng nằm trong tư thế nầy, theo Imam Shafiy và đa số Ulama khuyên rằng: Khi người hiện diện bên cạnh thân nhân lúc lâm chung, hãy đặt đầu họ trên gối cao, nằm nghiêng bên phải và mặt hướng về Qiblat.

     3)- Khi một người bệnh nặng đang hấp hối, ta có thể đọc bài kinh “Sourate Yasin.  (S: 36) và Sourate Fatihah” cho họ nghe, đó cũng như nhắc nhở họ còn nhớ câu “kalimah”. Đọc những câu kinh này để họ chú ý và có thể làm dịu bớt sự đau khổ hay trấn an họ trước khi linh hồn ra đi (Trích từ kitab Al Madmoua Sharhul Al Muhazzab (Q.5 trang 102))

       - Imam Ahmad (R) khuyên những ai hiện diện bên cạnh người đang hấp hối nên đọc chương “Yasin” để làm dịu đi cơn đau và đem lại sự dể dàng khi trút linh hồn. (Trích ra từ kitab Al Mougny Ly Ibni Kudaamah (Q.2 trang 450))  

         Trong lúc thăm viếng những người đang hấp hối thì những người hiện diện nên cố gắng cầu xin (đu-a) với Allah tha thứ và cứu rổi cho người đang hấp hối càng nhiều càng tốt. Vì Thiên-Sứ (saw) có nói rằng:

     * Khi các ngươi ở gần người bệnh hay người đang sắp sửa lâm chung, hãy nói những điều tốt, vì Thiên Thần ghi nhận những gì các ngươi nói”. Do Muslim ghi lại

      * Có hadith khác thuật lại rằng: “Đừng thốt ra những lời nguyền rủa có ý chống lại chính mình (có hại cho ta) vì Thiên Thần sẽ nói Amine (cầu xin cho được như vậy) cho những gì các ngươi nói”. Do Muslim ghi lại.

          Cho nên lúc nầy tốt hơn hết là ta nên cầu nguyện thật nhiều cho người sắp sửa ra đi, nên cầm lòng và chấp nhận sự vĩnh biệt mà Allah đã an bài cho thân nhân của ta. Không nên khóc lóc, gào thét hay kể lể gì cả.

     4)- Sau khi họ đã lìa đời, thân nhân phải vuốt mặt người chết để mắt của họ được nhắm lại. Qua hadith sau: “Thiên Sứ (saw) đến nhà Abu Salama vừa mới mất nhưng đôi mắt của ông vẫn còn mở. Người (saw) thấy vậy liền vuốt mặt cho ông ta và nói: Khi hồn lìa khỏi xác, người hấp hối đang nhìn theo nó nên mắt vẫn còn mở”.  Do Muslim ghi lại.

Khi vuốt mắt nên đọc câu kinh đọc sau đây: “Bismillah wa ala sunnati Rosululloh”. Có nghĩa là:  “Nhân danh Allah và đây là con đường của Thiên Sứ”. (Phần đông người chết thường mở mắt nhìn theo linh hồn của họ rời khỏi thể xác, nên cần phải vuốt mắt liền để họ nhắm lại. Chớ không phải họ tiếc rẻ cuộc sống hay chờ đợi việc gì đó như người ta thường nghĩ).

     5)- Sau khi tắt thở, chúng ta nên khoanh tay họ lại như tư thế hành lễ (solah) hoặc để hai cánh tay thẳng xuống cũng được, và phủ kính xác của họ bằng một tấm vải trắng từ đầu xuống chân (ý nghĩa phủ vải toàn thân là không muốn người khác nhìn khi xác chết đang bị biến dạng rồi nói những điều không tốt lành), nên đặt thi hài trên giường cao (cách mặt đất, vì hơi đất sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự biến dạng của thể xác).

* Phần này, chúng tôi thường thấy sau khi tắm rửa xác chết xong thì những tang gia để thi hài giữa phòng (lộ mặt người chết) để cho những người khác (không phải là thân nhân) đi vòng vòng xem mặt người chết lần cuối. Thật tình không hiểu đây là phong tục hay là sự lịch thiệp của tang gia??? Đôi khi đề cử một thân nhân đứng ngay cạnh xác chết để dở khăn phủ mặt người chết cho mỗi lần khách chia buồn đến xem??? Trong khi thiên kinh Qur’an đã phán là trong lúc còn sống, Allah cũng đã cấm người lạ nhìn thẳng vào mặt của người đàn bà lạ hoặc ngược lại, thì thiết nghĩ khi họ đã chết thì luật đó cũng không thay đổi.

      *- Bà Aysah (R) thuật lại rằng: [Khi Rosul (saw) vừa từ thế người ta phủ kín xác Rosul bằng cái chăn, che kín từ đầu xuống đến chân].  Do Al Bukhory và Muslim ghi lại.

      *- Chúng ta được phép hôn xác chết, vì khi ông Osman ibnu Madoum (R) qua đời thì Rosul (saw) có hôn lên mặt của ông Osman (R) và khi Rosul (saw) từ trần thì ông Abubakar (R) đã hôn lên mắt của Người và nói : “Hỡi Thiên sứ! Người thân yêu nhất của tôi...”

     6)- Khi người thân đã tắt thở chúng ta cũng cần phải nhờ bác sĩ hay nhà chuyên môn đến khám nghiệm lần chót để xác nhận là đã chết thật rồi. Sau khi xác nhận, thân nhân phải lo thủ tục tang lễ càng nhanh chừng nào càng tốt chừng đó để thân xác không thay đổi.

      * Ông Al Husaini ibnu Wahwaja (R) thuật lại là: “Ông Talha ibnu Al Buro’a (R) đang lâm chung, Rosul (saw) đến thăm và nói là: [Tôi thấy rằng Talha không qua khỏi, hãy chuẩn bị tang lễ gấp gấp vì rằng: Thân xác của người Muslim không thể lưu lại lâu bên cạnh gia quyến của họ].  Do Abu Dawud ghi lại.

       - Khi có người qua đời, chỉ được phép chờ đợi vị giám hộ đến tắm hay soly, nhưng không được quá lâu khiến thân xác biến đổi. Qua hadith của ông Aly ibnu Abi Talib (R) thuật lại lời của Rosul (saw) là: “Hỡi Aly, có ba điều mà không thể để trễ nải được đó là:

    a)- Khi giờ soly đả đến thì phải soly liền.

    b)- Làm đám tang khi đã đủ mặt (có mặt vị giám hộ).

    c)- Cô gái hay đàn bà goá chồng khi có người đến hỏi là phải cho làm đám cưới liền.

Do Ahmad và At Tirmizy ghi lại.

     7)- Khi có người chết, trước tiên thân nhân phải lo trả nợ cho họ nếu họ có thiếu nợ, vì có lần Rosul (saw) từ chối hành lễ Janazah cho một người chết đang còn thiếu nợ người khác (chưa thanh toán trước khi chết).

      * Rosul (saw) có nói rằng: [Linh hồn của người tin tưởng vẫn còn là nô lệ của số nợ mà họ thiếu, cho đến khi nào nợ được thanh toán mà thôi]. Do Al Bukhory ghi lại, có hadith do Ahmad, Ibnu Majah, At Tirmizy được ghi lại đều cùng một ý nghĩa như trên qua lời thuật của ông Abu Hurairoh (R).

         Ý nghĩa của hadith nói về: (…nô lệ của số nợ…) Có nghĩa là: Người thiếu nợ đã chết không có hướng nhất định để đi, thành thì không thành, bại thì không bại, cứ lơ lửng mà muốn vào Thiên Đàng cũng không được… Đó là ý nghĩa đối với ai có tiền mà không chịu trả nợ trước khi chết.

         Đối với người thiếu nợ ở những người khác, họ rất muốn trả nợ nhưng không có tiền để trả rồi lại chết đi thì Allah sẽ trả cho họ. Cũng có những người muốn trả nhưng lại chưa kịp trả thì đã tới số thì Allah cũng trả cho họ. (Số nợ được trả nầy là nói về Ngày Sau, trên đời nầy nếu thân nhân trả dùm thì càng tốt. Cũng có thể hiểu là: Nếu người chủ nợ không đòi thân nhân và bỏ đi số nợ đó, Allah sẽ trả cho họ nhiều hơn những gì họ đã cho mượn).

      *- Qua hadith của ông Abu Hurairoh (R) thuật lại rằng: [Những ai mượn tiền của người ta với ý định là phải trả lại, khi chết đi Allah sẽ trả dùm cho họ. Còn ai mượn tiền người ta với ý định không muốn trả rồi chết đi, thì Allah sẽ đòi lại số nợ nầy cho người đã cho mượn]. Do Al Bukhory ghi lại.

       - Vào thời sau nầy, khi đất nước Islam mở mang bờ cõi và thâu hoạch được nhiều tài nguyên và lợi tức, dư thừa trong kho bạc (Baitul Mal) của nhà nước, khi có những người Muslim nghèo thiếu nợ rồi chết đi, thì vị lãnh đạo tinh thần phải xuất ra tiền trong kho nầy để trả thay cho người chết, vì tiền đó để chi dùng cho tài khoản này.

        - Khi thân nhân chúng ta vừa mất, ai nấy đều xúc động, theo giáo lý của Islam thì chúng ta được phép khóc nhưng chỉ khóc một cách âm thầm, không được gào thét kể lể hay trách móc Allah, nếu người nào trách móc Allah thì sẽ bị trừng phạt nặng nề ở Ngày Phán Xét. Hadith do Muslim ghi lại.

         - Tuyệt đối không được báo tin buồn bằng cách đánh trống ngoài đường, trước cửa Masjid hay than khóc một cách náo động. Thiên Sứ (saw) có nói rằng: [Người chết rất đau khổ bởi những tiếng la hét và những lời than khóc tức tối của người còn sống khi thân nhân của họ qua đời]. Do Al Bukhory ghi lại.

        Hadith khác ghi nhận rằng: [Ai kêu la gào thét khóc lóc kể lễ lớn tiếng vì than nhân đã chết, thì người chết đó sẽ nhận một cực hình lớn (đau đớn) giống như vậy]. Hadith Soheh.

        Bà Ummul A’tiya (R) kể rằng: Thiên Sứ dặn dò họ là “Đừng bao giờ la hét trước cái chết của thân nhân và Người (saw) còn nói rằng: [Ta xa lánh (ý nói Thiên Sứ nguyền rủa) những người đàn bà nào la hét và tự bứt tóc và xé quần áo của họ (vì cái chết của người thân)]. Do Al Bukhory ghi lại.

         Nhưng Thiên Sứ không cầm được lệ rơi, nhân cái chết của Ibrohim con của Người. Thiên Sứ (saw) nói rằng: [Đôi mắt trào lệ, nát lòng nhưng Ta không nói gì để mất lòng Allah]. Do Al Bukhory ghi lại.

       - Thiên Sứ (saw) nói thêm: [Ta rất ưu phiền vì cái chết của con Ta (Ibrohim) nhưng Ta không dám làm gì để có tội với Allah].

Có lần Thiên Sứ cũng đã khóc vì cái chết của cháu ngoại của Người là cô Ummamah, con gái của bà Zainob (R). Thấy thế, các bạn đồng hành của Thiên Sứ đã phê bình Người và họ nói với Người là: “Hỡi Thiên Sứ, Người cũng khóc nữa hay sao? Người đã cấm chúng tôi khóc lóc kia mà”.

         Thiên Sứ (saw) nói rằng: [Đó là những dòng lệ thương hại mà Allah đã đặt trong lòng của những kẻ phục vụ Ngài. Allah rất trắc ẩn với những ai có lòng thương hại].

-         Trong lúc gia đình có tang chế đừng nên yếu lòng và thiếu sự nhẫn nhục trước việc thử thách nầy. Thiên Sứ (saw) có nói rằng: [Khi có sự đau buồn, thì sự nhẫn nhục phải được biểu lộ trước tiên]. Al Bukhory.

Thiên Sứ khuyên chúng ta hãy cầu xin với Allah và đọc câu sau đây thật nhiều:

“IN  NA  LILLAHI  WA  IN  NA  I- LAY HI  RO JI  UNE”

(Tất cả đều lệ thuộc vào ALLAH và tất cả đều phải trở về với Ngài).

         Không có một người nào bị thử thách mà Allah lại không tưởng thưởng cho họ một cách xứng đáng khi họ nói câu trên đây. Và cũng nên đọc câu này khi hay tin có người chết hay gặp những chuyện buồn phiền rắc rối, và đọc thêm câu cầu nguyện sau đây khi ta mất đi người thân: (Hỡi ALLAH! Xin NGÀI bù đắp cho tôi sự đau khổ nầy và ban cho tôi một phần thưởng xứng đáng).

       - Thiên Sứ (saw) cũng nói rằng: “Allah đã phán: {Hỡi những kẻ tin tưởng và phục vụ TA, TA đã lấy đi người thân yêu của người trên thế gian nầy và người đã nhẫn nại hy vọng ở phần thưởng của TA, thì ít ra Thiên Đàng chính là sự trả công của TA vậy}]. Do Al Bukhory ghi lại.

(Hết phần 3)


Do Nhóm học viên Val D'Oise (France) soạn thảo qua sự hướng dẫn của Sheikh Mohamad HOSEN

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
LÒNG TAQWA SAU RAMADAN 25.05.2020 10:51
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 902 Tổng lượt truy cập 2980346