-Chân Lý Islam | baiviet | CHUYỆN KỂ - ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI | MAKKAH VÀ LỊCH SỬ GIẾNG NƯỚC ZAMZAM
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
MAKKAH VÀ LỊCH SỬ GIẾNG NƯỚC ZAMZAM
10.05.2009 13:07 - đã xem : 3791
_VIEWIMG
Cách vào khoảng tám chục cây số về phía đông ven bờ Hồng Hải là một số dãy núi chạy dài từ bắc xuống nam song song với bờ biển, ăn khớp với con đường lữ hành thương buôn giữa Yemen và Palestine. Các dãy núi này hoàn toàn khép kín một đồng bằng bé nhỏ nếu không có ba đường thoát nối liền với con lộ đi đến Yemen, con lộ đi đến Hồng Hải kế bên thành phố cảng Jeddah và con lộ dẫn đến Palestine.

Trong đồng bằng bao quanh bởi núi non này, sừng sững đô thị Makkah, thật khó mà truy về nguồn gốc của đô thị này, vốn ở hàng ngàn năm về trước trong quá khứ. Điều chắc chắn là ngay cả trước khi đô thị Makkah được thành lập, vùng thung lũng trong đó đô thị tọa lạc đã được sử dụng như là một địa điểm nghỉ ngơi cho các đoàn lữ hành thương buôn, nơi đây có một giếng nước làm nó trở thành một địa điểm dừng chân tự nhiên cho các đoàn lữ hành thương buôn đi xuống phía nam đến Yemen cũng như ngược về mạn bắc lên đến Palestine.

Thiên sứ Ibrahim (A = Cầu xin Allah ban an lành cho Người).

Thiên sứ Ismael (A) là con trai của Thiên sư Ibrahim (A), chắc hẳn là người đầu tiên đã thường trú tại Makkah và thiết lập một cơ sở định cư dài hạn, bởi vì nơi này (Makkah) khi xưa chỉ là một trạm nghỉ ngơi cho các đoàn lữ hành thương buôn và là một địa điểm nhóm chợ cho khách thương buôn trao đổi hàng hóa xuôi về nam hoặc ngược về bắc.

Lịch sử đô thị Makkah có vẻ khá mù mờ trong thời kỳ trước khi Thiên sứ Ismael (A) tạo lập nơi đây thành nơi sinh sống thường xuyên của Người. Có thể nói Makkah đã được sử dụng như là một địa điểm thờ phụng ngay cả trước khi Thiên sứ Ismael (A) dời cư đến. Để hiểu câu chuyện Thiên sứ Ibrahim (A) đến cư trú tại Makkah, xin kể lại tóm lược vắn tắt câu chuyện về Người cha là Thiên sứ Ibrahim (A) như sau:

Thiên sứ Ibrahim (A) nguyên đã được sinh ra và lớn lên tại Iraq, cha làm nghề thợ mộc, chuyên sản xuất và buôn bán các bụt tượng để thờ. Trong bối cảnh mà mọi người dân tại đây đều dùng hình tượng tự sáng chế để tôn vinh thờ phượng, Thiên sứ Ibrahim (A) lớn lên trong hoàn cảnh xã hội người dân rất cuồng nhiệt trong vấn đề linh thiêng này, ông tự nghĩ và rất băn khoăn sững sờ bởi việc làm thờ phượng cúng tế không có căn cứ của người dân. Thiên sứ Ibrahim (A) lúc nào cũng ngờ vực các thần linh không rõ nguồn gốc này và tâm hồn bắt đầu bị xáo trộn. Một ngày nọ, Thiên sứ Ibrahim (A) đến hỏi cha xin giải thích làm sao người ta có thể tôn thờ những vật do chính bàn tay mình đã khắc chạm ra được? Dù người cha đã giải thích nhưng Người không đồng ý với lời giải thích không logic này, thế là sự ngờ vực trong tín ngưỡng của người cha và mọi người dân tại đây đã làm ông càng thêm suy nghĩ, rồi ông đi đến quyết định tìm mọi cách thuyết phục với bạn bè và những người quen biết nên từ bỏ lối thờ phụng điên rồ đó.

Tin truyền sự chống đối của Thiên sứ Ibrahim (A) mỗi ngày một xa, làm người cha của Thiên sứ Ibrahim (A) vô cùng lo sợ hậu quả ác nghiệt sẽ đến với con trai của mình, cũng như lo lắng về vấn đề công việc làm ăn để nuôi sống gia đình. Ngược lại, Thiên sứ Ibrahim (A) thì vẫn giữ lối suy nghĩ của mình nên không chịu lặng thinh. Người dùng lý luận và bằng chứng để thuyết phục người dân về tính mong manh của việc tôn thờ bụt tượng. Một hôm, thừa cơ hội vắng người cúng bái trong đền thờ, Người đã ra tay đập phá tất cả bụt tượng trong đền thờ, chỉ chừa lại một bụt tượng lớn nhất mà người dân cho là “Thần linh chính”. Sau khi người dân thấy cảnh tượng những bụt tượng đã bị phá hủy thì sinh nghi đây chính là Ibrahim mới có hành động này, thế là Người bị tố giác trước công chúng để chất vấn.

“Hỡi Ibrahim! Phải chăng nhà ngươi đã làm điều này đối với các thần linh của bọn ta?” Thiên sứ Ibrahim (A) trả lời: “Không, bức tượng lớn nhất này (Người chỉ ngón tay về phía bụt tượng còn nguyên vẹn) của chúng đã làm điều đó. Thế hãy hỏi chúng xem nếu chúng biết nói.” Thế rồi họ quay nhìn nhau đều hổ thẹn… (Qur’an, chương 21, đoạn 62 và 63)

Từ đó, mỗi khi màn đêm xuống, Người (Ibrahim) nhìn thấy các ngôi sao hiện lên thì nghĩ rằng, chắc có lẽ đây là Thượng Đế chân chính, nhưng không lâu sau đó thì những ngôi sao đã tắt lịm, thế là Ibrahim đã lấy làm bất mãn và đã tự hỏi: “Làm sao một Thượng Đế thật sự mà lại có thể nhô lên rồi lại biến mất đi được?” Liền đó, Thiên sứ Ibrahim (A) nhìn thấy mặt trăng chiếu sáng thì nghĩ rằng “Chẵng lẽ đây là Thượng Đế của ta rồi?” Nhưng khi trăng tròn rồi lại khuyết và cuối cùng cũng tan biến trong bầu trời, Người đã mất kiên nhẫn và nghĩ: “Nếu Rabb của ta không hướng dẫn thì chắc chắn ta sẽ bị lầm lạc”. Một ngày, Ibrahim quan sát mặt trời chiếu sáng hào quang rạng rỡ và đã nghĩ rằng: “Sau cùng, đây nhất quyết là Thượng Đế của ta, do bởi nó vĩ đại hơn mọi vật”. Nhưng thêm một lần thất vọng nữa, vì mặt trời mọc lên rồi cũng tan biến như mặt trăng. Từ đó, Ibrahim không còn chút tin tưởng vào sự tôn thờ những tinh thể đang phổ biến trong dân chúng nữa và đã nhất quyết: “Này hỡi dân ta! Ta tẩy chay những kẻ mà các người đã tôn thờ cùng chung với Allah. Ta thẳng thắn và thành thật hướng mặt của ta về Đấng đã sáng tạo các tầng trời và trái đất và Ta sẽ không là một người thờ đa thần”. (Qur’an, chương 6 : 76-79)

Thiên sứ Ibrahim (A) và bà Sarah tại Ai-Cập

Tóm lược câu chuyện: Thiên sứ Ibrahim (A) không thành công trong việc giải thoát người dân của mình khỏi đạo đa thần. Trái lại, Người còn bị thiên hạ trừng trị và ném vào lửa, nhưng đã được Thượng Đế đã giải cứu bằng cách cho Người có cơ hội cùng vợ là Sarah chạy thoát qua được vùng đất Palestine, và từ đó Người di chuyển sang Ai-Cập để sinh sống dưới quyền cai trị của các vua Hyksos hoặc Amalekite.

Tại đây (Ai-Cập), những vị vua thì có lòng háo sắc, thường xuyên tìm bắt những đàn bà đẹp đã có chồng vào cung để phục vụ. Do đó, Thiên sứ Ibrahim (A) chỉ tuyên bố bà Sarah là người em gái và chưa chồng để tránh đi tình huống đã nói trên (vì bà Sarah cũng là một phụ nữ rất đẹp). Nhưng, đối với những vị vua háo sắc ấy cũng không buông tha bà và cho người đưa bà vào cung. Nhưng sau khi biết được bà Sarah là vợ của Thiên sứ Ibrahim (A) thì nhà vua ra lệnh hoàn trả bà lại cho Thiên sứ Ibrahim kèm theo những lời khiển trách vì tội nói dối, cũng như ban cấp cho một số tặng vật, trong đó có một nàng nô lệ tên là Hagar rồi trục xuất ra khỏi xứ…

Sau thời gian dài Thiên sứ Ibrahim (A) và bà Sarah chung sống với nhau mà không có con, nên bà Sarah khích lệ chồng nên lập thiếp với bà Hagar và sau đó thì bà Hagar mang thai và sinh ra con trai đặt tên là Ismael (A). Về sau, khi Ismael khôn lớn thì bà Sarah cũng sinh được một đứa con trai khác đặt tên là Ishaq.

Thiên kinh Qur’an ghi nhận về việc tế thần

Một hôm, Thiên sứ Ibrahim (A) nằm mộng thấy Thượng Đế ban lệnh cho Người phải hi sinh đứa con trai của Thiên sứ cho Thượng Đế. Sáng lại, Người dẫn đứa con trai ra đi để thực hiện lệnh này. Khi đến địa điểm, Ibrahim (A) đã nói với đứa con trai: “Con ơi, cha đã nằm mộng thấy Thượng Đế ra lệnh cha phải hi sinh con, vậy con nghĩ thế nào?” Người con trả lời: “Cha hãy làm tròn theo lệnh cha đã nhận được qua ý của Thượng Đế, cha sẽ thấy con dũng cảm kiên trì”. Khi Thiên sứ Ibrahim sửa soạn hành hình đứa con thì có lệnh truyền của Thượng Đế: “Hỡi Ibrahim! Xem như ngươi đã thực hiện toàn vẹn lệnh truyền, TA sẽ ban thưởng cho ngươi cũng như TA đã ban thưởng cho việc công đức của ngươi. Rõ ràng ngươi đã thành công trong việc làm (thử thách) này. TA chuộc lại nó (Ismael) với một con vật (Cừu) để tế”.

Đứa con trai nào đã bị tế thần?

Đến đây hay giai đoạn này có nhiều sử gia bất đồng ý kiến về việc Thiên sứ Ibrahim (A) đã tế sống Ismael hay Ishaq, vì thiên kinh Qur’an không nêu tên đứa con của Thiên sứ Ibrahim (A). Cho nên, có nhiều giả thuyết đưa ra như sau:

-         Sự việc này đã xảy ra trước hay sau khi Ishaq ra đời?

-         Sự việc đã xảy ra tại Palestine hay tại Hijaz?

Các sử gia Do Thái thì khẳng định đứa con trai đã bị tế thần là Ishaq, trong khi quyển “Qisas al Anbiya của Shierk Abd al Wahhab al Najjar” đã kết luận đứa con trai đã bị tế thần chính là Ismael?.

Sau khi phân tích, dựa trên bằng chứng từ Thiên kinh Qur’an đã mô tả thì lúc đó Thiên sứ Ibrahim (A) chỉ có một đứa con trai duy nhất, chính là Ismael, vì lúc đó Ishaq chưa ra đời, nếu lúc đó Ishaq đã sinh rồi thì không thể nói là đứa con trai duy nhất được, và dựa vào bằng chứng này thì việc tế thần được xảy ra tại Hijaz. Còn nói theo giả thuyết đứa con tế lễ chính là Ishaq thì sự việc xảy ra tại Palestine, điều này dễ hiểu vì Ishaq sinh sống với mẹ là bà Sarah tại Palestine và đã không bao giờ rời nơi này để đến Hijaz bao giờ cả. Mặt khác, việc tường thuật buổi tế thần diễn ra tại núi Mina kế cận thành phố Makkah (Arab), cho nên kết luận cho thấy đứa con được đem tế lễ chính là Thiên sứ Ismael (A) là điều hợp lý hơn cả.

Ghi nhận của một vài sử gia

Một vài sử gia ghi lại câu chuyện này theo lối bi thương hơn. Chẳng hạn, khi Thiên sứ Ibrahim (A) đã mộng thấy phải hi sinh đứa con trai và chắc chắn là theo lệnh của Thượng Đế, Thiên sứ Ibrahim (A) đã bảo con lấy một dây thừng và một con dao rồi đi bộ phía trước Thiên sứ đến một ngọn đồi kế bên để nhặt củi đốt. Đứa con trai răm rắp làm theo lời cha bảo, bọn Shaytan (ma quỷ) đã đội lốt con người đến nói với mẹ của Ismael: “Bà có biết Ibrahim đang dẫn con trai bà đi đâu không?” Bà mẹ trả lời: “Biết, hai cha con đi nhặt củi” Bọn Shaytan nói: “Trời ơi, ông dẫn thằng bé đi giết đó.” Bà mẹ nói: “Không đâu, Cha của nó còn thương yêu và cưng chiều nó hơn cả tôi nữa đó” Bọn Shaytan lại nói: “Nhưng ông nói là Thượng Đế đã truyền lệnh ông làm như vậy” Bà mẹ lại trả lời: “Nếu Thượng Đế đã bảo làm như vậy, thì hãy để cho ông làm.” Như vậy là bọn Shaytan đã phải thua keo đầu, nên chúng đã chạy đến đứa con lúc đó đang đi với cha và chúng vẫn lặp lại lời những lời cám dỗ cũng như chúng đã làm đối với người mẹ. Nhưng đứa con cũng vẫn trả lời như người mẹ. Do đó, bọn Shaytan đã đến với chính Thiên sứ Ibrahim (A) và nói những điều Thiên sứ thấy trong mộng chẳng qua chỉ là ảo tưởng ma quỷ mà thôi và Thiên sứ có thể giết oan đứa con trai của mình rồi sẽ phải ân hận suốt đời. Thiên sứ Ibrahim (A) đã bác bỏ lập luận của bọn Shaytan và kèm theo những lời mắng chửi chúng. Bọn Iblis (ma quỷ) đã quay về và bối rối do đã thất bại trong việc can ngăn người cha, người mẹ và người con đừng thi hành lệnh truyền của Thượng Đế.

Một số sử gia còn ghi nhận việc Thiên sứ Ibrahim tiết lộ giấc mộng với đứa con trai và hỏi đứa con  nghĩ sao thì con trả lời: “Thưa cha, cha hãy làm đúng như cha đã được lệnh truyền.” Bản tường thuật khác còn ghi đứa con nói: “Thưa cha, nếu cha muốn giết con thì hãy buộc chặt con lại để con khỏi dãy dụa, làm văng máu vào người cha và như vậy sẽ làm giảm chính phần ân phước của con do việc thực hiện toàn vẹn lệnh truyền của Thượng Đế. Con biết chết là khó, con không biết sẽ còn được tỉnh táo khi cái chết đến hay không, nên xin cha hãy mài dao cho bén để cha kết liễu con nhanh chóng. Hãy cho con nằm úp mặt xuống thay vì nằm ngửa, bởi con e ngại nếu cha nhìn thấy mặt con khi cha cắt cổ con, cha sẽ xúc động thương cho con thì sẽ không làm tròn được những điều Thượng Đế đã truyền lệnh cho cha. Và nếu cha thấy thích hợp thì xin cha hãy trao chiếc áo của con cho mẹ con để mẹ con sẽ nhớ đến con và tìm được niềm an ủi sau này.” Thiên sứ Ibrahim (A) trả lời: “Con ơi, con đã giúp cha hết mình để hoàn thành lệnh truyền của Thượng Đế.”

Trong lúc Thiên sứ Ibrahim (A) chuẩn bị trói đứa con và đặt nó nằm xuống thì bỗng nhiên có lệnh truyền của Thượng Đế được bảo hãy ngưng lại, vì Người đã chứng tỏ tuân hành lệnh truyền của Thượng Đế và đứa con đã được thay thế bằng một con cừu nằm bên cạnh Thiên sứ Ibrahim, và Người đã ra tay giết con cừu đó để làm vật tế lễ cho Thượng Đế.

Trên đây là sự tóm lược của một vài sử gia đã ghi nhận câu chuyện tế thần này, là câu chuyện tuân mệnh cũng như hoàn thành lệnh truyền của Thượng Đế (Allah).

Chuyến đi của Thiên sứ Ibrahim, Ismael và Hagar vào thung lũng Makkah

Trong bối cảnh Ishaq lớn khôn và sống chung đụng với người anh khác mẹ của mình, mặc dù người cha (Ibrahim) đã tỏ ra yêu thương hai đứa con đồng đều nhau, nhưng bà Sarah thì lại không bằng lòng chồng yêu thương con trai của mình ngang bằng với con trai của người đàn bà nô lệ Hagar. Có một lần, bà Sarah thấy Ismael đánh con trai của bà, bà đã thề nguyền là sẽ không sống gần với mẹ con của bà Hagar. Về phía Thiên sứ Ibrahim (A) thì cũng nhận ra hai người đàn bà này không còn có thể sống chung với nhau dưới một mái nhà được nữa. Do đó, Thiên sứ Ibrahim quyết định đưa mẹ con bà Hagar di hành về mạn Nam cho đến vùng thung lũng Makkah. Như đã ghi trước đây, thung lũng này là một địa điểm nửa chừng đường tạm nghỉ ngơi cho các đoàn lữ hành thương buôn trên đường giữa Yemen và al-Sham. Các đoàn thương buôn đến đây theo mùa, nên địa điểm đó vắng người trong các khoảng thời gian còn lại. Đến nơi (Makkah), thiên sứ Ibrahim (A) dựng một túp lều và để hai mẹ con bà Hagar lại đó, rồi Người lên đường lo chuyện riêng, thỉnh thoảng Người sẽ ghé lại thăm hai mẹ con bà Hagar.

Lịch sử ghi nhận việc đi Sa-y bảy lần qua hai ngọn đồi Safar và Marwah

Hai mẹ con bà Hagar ở đây đến một hôm thì nước và lương thực đã cạn hết, bà Hagar phải chạy đi tìm lương thực, nhưng không tìm được gì cả. Như các bản tường thuật đã ghi nhận, bà Hagar chạy hớt hơ hớt hải đến thung lũng và khắp hướng để tìm nước nhưng chẳng thấy gì. Sau khi chạy đi chạy lại bảy lần (vì trông chừng đứa con) giữa hai ngọn núi Safar và Marwah (Makkah), bà thất vọng trở lại với đứa con thì thật là bất ngờ khi bà thấy đứa con trai của bà dùng chân cào đất và đã hiện ra giòng nước ngầm phun lên dưới chân của đứa con trai của bà, bà Hagar mừng quá hô to: “ZAMZAM, ZAMZAM” và đến miệng nước lấy tay hứng uống và đã đưa cho con uống cho đến hết khát mới thôi. Sau đó, bà kiếm một vật để bịt nguồn nước lại để khỏi tràn phí vào cát. Từ đó, hai mẹ con bà Hagar đã sinh sống tại đó và những khách lữ hành dùng nơi này để làm trạm nghỉ ngơi…

Mặc dù các sử gia không được nhất trí về nhiều chi tiết, nhưng chủ đề chính của câu chuyện đã được lịch sử mang đến cho chúng ta một bài học cao quí, một bài học về lòng tin tưởng đến Thượng Đế (Allah) mà người cha, người mẹ và đứa con trai đã thể hiện rất trung kiên và phủ phục. Cầu xin Allah ban những Ân thưởng tốt đẹp nhất đến gia đình của vị Thiên sứ Ibrahim (A).


Trích từ sách “Sự nghiệp Nabi Muhammad (saw)” của Tiến sĩ Muhammad Husayn Haykal do Dohamide Abu Talib dịch thuật.

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 431 Tổng lượt truy cập 2979443