-Chân Lý Islam | baiviet | LỜI HAY Ý ĐẸP | NGƯỜI MUSLIM NÊN LÀM GÌ TRONG NGÀY ĐẠI LỄ « AL-ADHA » ?
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
NGƯỜI MUSLIM NÊN LÀM GÌ TRONG NGÀY ĐẠI LỄ « AL-ADHA » ?
24.11.2009 02:51 - đã xem : 2700
_VIEWIMG
Làm Qurb'an
Anh chị em Muslim thân mến! Ngày Đại Lễ ‘Al-Adha’ sắp đến, ngày mà toàn thể người dân Muslim hân hoan đón mừng và giết tế con vật để tạ ơn Allah, ngày mà những anh chị em Muslim đang đi làm Hajj phải di chuyển nhiều đoạn đường để thi hành nhiệm vụ bắt buộc và ngày này là cơ hội để chúng ta vinh danh Allah, cũng như cầu xin với Allah ban cho chúng ta được nhiều sức khỏe vào những năm tới để có dịp được dâng hiến lên Allah sự hành đạo tốt đẹp của mình...

Ngày Đại Lễ « Al-Adha » là một ngày thể hiện sự hùng mạnh của tôn giáo Islam, cho nên những ai là người Muslim cần phải tôn trọng và ra sức bảo vệ tốt đẹp cho Ngày Đại hội này. Bởi vì, Allah đã phán: {(Việc làm Haj) là như thế. Và ai tôn trọng các biểu hiệu của Allah thì quả là người có con tim biết kính sợ Ngài} Al-Hadj : 32.

Vậy biểu hiệu mà Allah nhắc nhở chúng ta là gì ?

1- Đọc Takbeer: Vào ngày mùng chín Zul Hajjah tức ngày mà những anh chị em đi làm Hajj di chuyển đến vùng đất Arafah, kể từ khi bình minh lên của ngày mùng chín đó cho đến giờ hành lễ solah Asr của ngày 13 tháng Zul Hijjah thì nên đọc Takbeer thật nhiều như Allah đã phán: {Hãy tán dương Allah trong những ngày được ấn định} Al-Baqoroh: 203.

Và phương cách đọc ‘Takbeer’ được hiểu như sau:

اللهُ أَكْبَرُ، اللهُ أَكْبَرُ، لاَ إِلَـٰهَ إِلاَّ اللهُ وَاللهُ أَكْبَرُ، اللهُ أَكْبَرُ وَللهِ الْحَمْدُ

(Olloh hu Akbar, Olloh hu Akbar, la i la ha il lolloh wallo hu Akbar, Alloh hu Akbar, wa lilla hil hâmđ)

Ý nghĩa: Allah thật vĩ đại, Allah thật vĩ đại, không có Thượng Đế nào xứng đáng được thờ phụng mà chỉ có Allah, Allah thật vĩ đại, Allah thật vĩ đại và tất cả mọi lời ca ngợi và tán dương là của Allah.

*Theo Sunnah thì đàn ông đọc lớn tiếng ở Masjid, ngoài chợ, đồng trống hay trong nhà và sau những lần hành lễ Solah bắt buộc để tán dương Allah.

2- Giết tế con vật: Theo sunnah, thì thời gian giết tế con vật bắt buộc phải sau giờ lễ hành lễ Solah Aid Al-Adha, bởi vì Nabi (saw) có nói như sau: "Ai giết tế con vật trước lễ Solah Aid thì hãy giết tế lại con vật khác và sau Solah Aid mà ai chưa giết tế thì hãy nên đi giết tế con vật ngay." Hadith Al-Bukhory và Muslim ghi lại.

*Chú ý : Thời hạn giết tế con vật chỉ gồm có bốn ngày: « Ngày Al-Nahr (tức ngày đại lễ Aid Al Adha) và ba ngày Tashreeq sau đó (tức từ ngày mùng 10 đến ngày 13 tháng 12 niên lịch Islam) », vì Nabi (saw) đã nói: "Tất cả những ngày Tashreeq là được cho phép giết tế con vật." Xem ở Al-Silsilah Al-Sohihah số 2467.

3- Trước khi đi dự “Lễ solah Aid” nên tắm rửa sạch sẽ và sức dầu thơm đối với nam, và khuyến khích nên mặc quần áo mới (sạch, đẹp) nhưng không nên quá phung phí, quần áo nên gọn gàng, sạch sẽ và tươm tất, và không nên cạo râu dưới cằm vì điều luật của Islam không cho phép.

Còn đối với phái nữ thì cũng được phép đến dự lễ Solah Aid để cùng chung với mọi người nhưng nam theo nam, nữ theo nữ. Theo giáo luật thì nghiêm cấm phụ nữ ăn mặc hở hang và cũng không được sức dầu thơm giống như phái nam, bởi vì các cô đi dự lễ Solah là để qui phục Đấng Allah. Vì vậy, chổ này không dành cho những người ăn mặc hở hang, hay màu sắc sặc sỡ và sức dầu thơm để gây sự chú ý của phái nam (Haram).

4- Ăn thịt giết tế: Khi xưa, sau khi làm lễ solah Aid xong thì Rosul (saw) mới đi cắt cổ con vật, một phần nhỏ của thịt Người để dành cho gia đình của Người dùng, phần còn lại Người đem phân phát hết cho những người nghèo. (Ý muốn nói là Rosul (saw) giết tế con vật sau khi hành lễ Aid).

 5- Đi bộ đến nơi dâng lễ Solah Aid nếu thuận lợi và theo Sunnah của Rosul (saw) thì nên dâng lễ Solah ở vùng đất trống, trừ khi bị mưa thì mới tổ chức dâng lễ tại Masjid.

6- Dâng lễ Solah tập thể và nên ở lại nghe bài Khutbah: Theo sự xác thực của những Ulama, nhất là Sheikh Al-Islam Ibnu Taimiyah thì lễ Solah Aid là điều bắt buộc, vì Allah phán: {Bởi thế, hãy dâng lễ Solah và giết tế con vật (dâng lên Allah thôi)} Al-Kâuthar: 2.

Mọi người Muslim không được phép bỏ dâng lễ Aid ngoại trừ có lý do chính đáng, ngay cả phụ nữ cũng phải dự lễ cùng với mọi người Muslim, kể cả người ăn kẻ ở trong nhà. Còn những phụ nữ nào đang trong chu kỳ kinh nguyệt thì cũng nên đến tham dự như mọi người để cầu xin (đu-a) với Allah, nhưng không được phép hành lễ solah.

7- Đi và về khác đường: Theo sunnah của Nabi (saw) thì khi đi dâng lễ Solah Aid là một đường, nhưng khi trở về nhà thì nên đi con đường khác, và Nabi (saw) thường làm như vậy. (Ý nghĩa : Khi đi thì chúng ta sẽ gặp gỡ những bạn bè đạo hữu trên con đường đó để salam và chúc tụng, khi về nếu chúng ta vẫn đi trên con đường đó thì cũng sẽ gặp những người mà mình đã chúc tụng rồi. Cho nên, phải về con đường khác thì chúng ta sẽ gặp những bạn bè đạo hữu khác để salam thì sẽ có phước nhiều hơn).

8- Chúc mừng nhau ngày lễ Aid: Vào ngày này dĩ nhiên chúng ta sẽ chúc tụng lẫn nhau, câu chúc tụng thường dùng đó như sau: « Cầu xin Allah chấp nhận sự hành đạo của chúng tôi và các bạn ».

Sau đây là một số điều sai lầm mà người Muslim thường vấp phải trong ngày Đại lễ Al Adha:

a). Cả tập thể cùng nhau nói một lượt ‘Takbeer’, hoặc một người nói trước rồi cả nhóm nói theo sau.

b). Vui chơi trong những ngày lễ Aid bằng những điều Haram như: Rủ nhau đi nghe ca nhạc, xem phim, nam nữ lẫn lộn với nhau để vui chơi mà không phải là những người Muhrim (tức người không được phép cưới người phụ nữ đó hay lấy người nam đó) và rất nhiều điều Haram khác.

c). Không nên cắt tóc hoặc cắt móng tay trước khi giết tế con vật đối với ai có ý định giết tế con vật (Qurb’an), trong khi Nabi (saw) đã cấm làm điều đó (sẽ được giải thích rõ hơn ở phần sau).

d). Không nên phung phí, xa xỉ vào những chuyện vô bổ hay hoàn toàn không có lợi lộc gì cả, vì Allah đã phán: {Và chớ phung phí, bởi vì Allah không yêu thích những kẻ phung phí} Al-An-a'm: 141.

Một số giáo lý về giết tế con vật và những điều được phép

Giết tế con vật để kính dâng Allah là việc làm được phép, vì Allah đã phán: {Bởi thế, hãy dâng lễ Solah và giết tế (dâng lên Allah thôi)} Al-Kâuthar: 2.

Và Allah đã phán ở chương khác: {Và những con Al-Budn (lạc đà và bò) mà TA đã ban cấp cho các người giết tế là trong những biểu hiệu của Allah ban cho các người} Al-Haj: 36.

Theo giáo luật về việc giết tế con vật chỉ là điều Sunnah Mu’akkadah (tức Nabi (saw) làm thường xuyên không bỏ) hay được gọi là Makruh (tức làm thì được thưởng không làm thì không có tội), có nghĩa là hoàn toàn không bắt buộc cho mọi người Muslim, còn cách thức giết tế như thế nào thì có Hadith do Al-Bukhory ghi lại từ ông Anas ® như sau: "Chính tay Nabi (saw) giết tế hai con trừu bông trắng và có sừng, trước khi giết Người để chân lên mình của con trừu rồi đọc câu ‘Bismilah và Allahu Akb’ar’". Hadith do Al-Bukhory ghi lại.

Loại động vật nào được phép giết tế làm Qurb’an?

Chỉ có bốn loại là : Lạc đà, bò, trừu hay dê mà thôi.

Còn ý nghĩa giết tế thì Allah có phán: {Để họ nhắc tên Allah khi giết tế súc vật do chính Allah ban cấp cho họ} Al-Haj: 34.

Điều kiện giết tế súc vật được thể hiện qua Hadith sau: Nabi (saw) nói: "Súc vật không được giết tế khi bị một trong bốn điều sau đây: Bị một mắt thật rõ ràng, bị bệnh thật rõ ràng, bị què thật rõ ràng và gầy gòm không có mỡ và thịt." Hadith do Al-Tirmizy ghi lại.

Giờ giết tế: Được tính sau khi lễ Solah ‘Aid Al Adha’ xong, vì Nabi (saw) nói: "Nếu ai giết (súc vật) trước lễ Solah Aid, chẳng qua chỉ làm cho bản thân của y mà thôi. Nếu ai giết con vật sau lễ Solah Aid và nghe hai bài thuyết giảng (khutbah Aid) thì người đó đã hoàn thành nghi lễ và làm đúng theo Sunnah của Ta." Hadith do Al-Bukhory và Muslim ghi lại.

Theo Sunnah ai có khả năng giết súc vật thì tự tay mình giết vật tế của mình và khi giết nên đọc câu sau đây:

بِسْمِ اللهِ وَاللهُ أَكْبَرُ، اللَّهُمَّ هَذَا عَنْ...

« Bismillah walloh hu akbar, Alloh hum ma ha za a'nh (để tên vào) »

Ý nghĩa: Nhân danh Allah, Allah thật vĩ đại, thưa Allah đây là vật tế của ...(tên)

(Nếu giết cho bản thân thì nói "anh ny" còn nếu người khác thì kể tên người đó ra). Và bằng chứng qua Hadith do Abu Dawud và Al-Tirmizy ghi lại như sau: Nabi (saw) nói khi giết tế: "Nhân danh Allah, Allah thật vĩ đại, đây là (vật tế) của bề tôi và của những ai chưa giết tế trong cộng đồng của bề tôi." Hadith do Abu Dawud và Al-Tirmizy ghi lại.

Đối với những ai không thể tự mình giết con vật được thì có mặt tại đó để chứng kiến người khác cắt cổ con vật do mình muốn làm Qurb’an thì cũng được, không sao cả.

Phân chia thịt: Theo Sunnah người giết tế con vật (Qurb’an) nên ăn một phần thịt đó, số còn lại đem biếu tặng cho dòng họ, láng giềng và bố thí cho những người nghèo, vì Allah đã phán: {Do đó, hãy ăn thịt của vật tế (sau khi giết) và phân phối thịt đó cho những người nghèo đói} Al-Haj: 28.

{Hãy dùng thịt của vật tế và bố thí cho những người nghèo sống bằng lòng với số phận và cho người ăn xin} Al-Haj: 36.

Những bật tiền nhân trước kia nói: "Bắt buộc phải chia thịt ra làm ba phần: một phần để ăn, một phần dùng để biếu tặng, phần còn lại dùng bố thí cho những người nghèo và không được phép dùng số thịt đó mua bán."

Người có ý định giết tế phải làm sao ?

Khi bước vào tháng Zul Hijjah (tức tháng 12 theo niên lịch Islam), nếu ai có ý định giết tế động vật thì không được phép cắt tóc, móng tay và da cho đến khi giết tế con vật xong, vì có một Hadith: Bà Um Salamah ® thuật lại lời Nabi (saw): "Khi bước vào mười ngày (đầu tháng Zul Hijjah) và ai có ý định giết tế hãy kiêng cử cắt hớt tóc và móng tay." Hadith do Muslim và Ahmad ghi lại và có đường truyền khác: "Không được chạm đến bất cứ gì trên tóc và cơ thể cho đến khi giết tế."

Trường hợp khi đã qua vài ngày đầu của tháng Zul Hijjah mới có ý định giết tế con vật vì Allah, mà những ngày trước đó đã lỡ quên cắt tóc hay móng tay thì không có tội, hãy nên định tâm từ lúc đó và bắt đầu kiêng cử ngay cho đến sau khi cắt cổ con vật. (Đối với thân nhân người dự định giết tế thì được tự do cắt hớt tóc, móng tay và da của mình trong suốt những ngày đó). Nếu người dự định giết tế cố ý cắt hớt tóc hay móng tay hay những gì trên cơ thể thì hãy sám hối với Allah và không được làm thế nữa, lúc đó y sẽ không bị phạt (Dam). Ngược lại, lỡ quên làm những việc đó hay không hiểu về giáo lý hoặc tóc tự nhiên rụng thì không bị gì cả. Một vấn đề đặc biệt khác mà không có tội như: Móng tay đang bị gãy phân nữa nếu không cắt phần còn lại thì sẽ bị đau… Hoặc trường hợp cần phải cạo đầu để chữa trị vết thương… Đây là những trường hợp ngoại lệ, Allah sẽ không bắt tội. Wallohu Alam.

Phần kết: Anh chị em Muslim thân mến! Hãy tận dụng cơ hội quí báu này mà hành đạo nhiều hơn như: Hiếu thảo với song thân, kết nối tình nghĩa dòng tộc, viếng thăm dòng họ, từ bỏ thù hằn, ganh tỵ, tranh chấp…, hãy tẫy sạch con tim của bạn khỏi những căn bệnh này, hãy đối xử tốt với người nghèo, trẻ mồ côi và nhiệt tình giúp đỡ họ...

Cầu xin Allah ban cho chúng ta làm mọi điều được Ngài (Allah) thương yêu và hài lòng... Cầu xin bình an và phúc lành cho Nabi Muhammad (saw) thân yêu của chúng ta, cho dòng dõi và cho tất cả bằng hữu của Người, amin.


Tác giả : Abdul Malik Al-Qosim

Dịch thuật : Abu Hisaan Ibn Ysa

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 635 Tổng lượt truy cập 2979363