-Chân Lý Islam | baiviet | TIỂU SỬ | TÂM HỒN CAO THƯỢNG CỦA ABU DARĐAA (R)!!!
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
TÂM HỒN CAO THƯỢNG CỦA ABU DARĐAA (R)!!!
10.10.2008 03:30 - đã xem : 2106
Vào thời ông Umar Ibnu Al Khottab ® làm Khalifah (Lãnh tụ của Islam) có đề cử ông Uwaimir tức Amir ibnu Malik ibnu Qois Al Khozrojy Al Ansary, có biệt hiệu là Aba Abdurrohman và Abu Đarđaa đến Sham (Syrie) làm chức vụ Thẩm phán. Ông Abu Ðarđaa vào Islam sau khi trận chiến Uhud chấm dứt và sau này cũng đã tham gia vào trận Khanđak và những trận chiến khác.

Thời gian ông làm thẩm phán ở Sham (thuộc Syrie) thì có ông Yazid (con của ông Muawiyah) đến hỏi cưới đứa con gái của ông, nhưng ông từ chối gả con gái cho cậu công tử nhà giàu này mà ông chịu gả cho một người dân thường nghèo khác. Nhiều người hỏi ông tại sao lại từ chối cậu công tử mà đi gả con gái của mình cho một người nghèo. Ông trả lời: «Khi tôi nghĩ đến con gái yêu thương của tôi, và nghĩ tới cảnh trong nhà của con gái tôi có đầy đủ người giúp việc, với cái liếc mắt của cô người ta tuân lệnh tức khắc, như vậy thì còn đâu là lễ giáo, nền nếp của một người con gái Hồi giáo đạo hạnh».

Ông Abu Zar có nói về ông Abu Ðarđaa một câu như sau: « Hỡi Aba Đarđaa ! tôi nghĩ rằng ít ai hiểu thấu được những lễ giáo, đạo hạnh, đức độ bằng ông ». Thật vậy, ông Ibnu Umar (R) cũng đã nói: «Hai người thông minh sáng suốt và có kiến thức dồi dào không ai khác hơn là ông Muaz ibnu Jabal và ông Abu Ðarđaa vì Rosul (saw) có nói: - Ông Uwaimir (Abu Ðarđaa) là người thông lãm trong cộng đồng của Ta ».

Kiến thức.

Ông Abu Ðarđaa là một trong nhữngvị Ulama (học giả) nổi tiếng trong hàng ngũ tiên phong của các vị Sohabah (R) (những người bạn hữu của Thiên Sứ) qua sự cố gắng học hỏi, tìm tòi của ông. Kiến thức của ông đã được ví như biển cả mênh mông.

Ông Al Masruk nói: « Nếu nêu danh những vị bác học thông thái trong hàng ngũ ashabah (bạn hữu) của Rosul (saw) thì chúng ta sẽ thấy những vị cao thâm như sau: Ông Umar, ông Aly, ông Abdulloh ibnu Masoud, ông Muaz, ông Abi Ðarđaa và ông Zaid ibnu Thabit ».

Ông Al Qosim ibnu Abdurrohman nói: « Ông Abu Ðarđaa là người mà Allah đã ban cho sự hiểu biết mênh mông ».

Ông Yazid ibnu Muawiyah nói: « Ông Abu Ðarđaa là một vị có kiến thức bao la không khác gì vị thầy thuốc chữa lành mọi thứ bệnh ». 

Khi ông Muaz ibnu Jabal lâm chung, những người có mặt bên cạnh nói: « Ông hãy khuyến khích chúng tôi vài điều ». Ông Muaz nói: « Hãy học hỏi ông Uwaimir vì ông ấy đã được Allah ban kiến thức thật bao la ».

Người ta nói với ông Abu Ðarđaa : « Sao chúng tôi không thấy ông làm thơ ? » Ông trả lời : « Có, tôi đã từng làm thơ ». « Vậy những câu thơ đó như thế nào ? » Ông liền đọc với ý nghĩa: « Con người muốn được như vậy nhưng Allah lại cho cái khác. Con người muốn có danh và tiền nhưng sự trung trực và việc khiêm nhường sợ Allah lại có giá trị hơn. »

Sự bình dị.

Ông Abu Ðarđaa là một trong những vị sohabah có cuộc sống bình dị và khiêm tốn. Ông rất sợ về Ngày Sau và luôn nghĩ về ngày đó qua những lời tâm sự của ông: « Tôi thích cái chết, người ta lại ghét nó. Tôi thích nghèo, người ta ghét nó. Đâu là tài sản mà người ta cố gắng bằng mọi cách để tạo dựng nó. Đâu là nhà cửa, ruộng nương, lâu đài cao sang rộng rãi nhưng rồi tất cả những điều đó chẳng đem lại lợi ích gì hơn là sự lo âu, và rồi nhà cửa, ruộng nương của họ cũng trở thành ngôi mộ ».

Ông Abu Ðarđaa nói : « Tôi thích cái chết để được về với Allah. Tôi thích sự nghèo để được tỏ lòng bình dị, nhàn nhã với Allah và thích bị bệnh để được Ngài tha thứ tội lỗi ».

Những người bạn của ông Abu Ðarđaa thuật lại rằng họ đến nhà ông Abu Ðarđaa với dụng ý làm khách (để học hỏi về cuộc sống của ông). Ông Abu Ðarđaa tiếp đón và đãi ăn uống cho họ như khách. Khi đến giờ ngủ, ông không mang gối hay nệm đến cho khách. Những người bạn của ông hơi ngạc nhiên nhưng rồi họ vẫn ngủ lại mà không có chăn mền để đắp. Sáng dậy, ông Abu Ðarđaa hiểu ý nên nói với khách : « Nếu chúng ta có căn nhà đầy đủ tiện nghi hơn để ở thì chúng ta sẽ không bao giờ rời nó ». (Ý của ông Abu Ðarđaa là khi chúng ta ngủ với tiện nghi ấm cúng thì sẽ ngủ ngon giấc mà không muốn thức dậy vào nửa đêm để hành lễ).

Sách sử ghi lại : Khi ông Abu Ðarđaa lâm bệnh, những bạn hữu của ông đến thăm và ngỏ ý muốn giúp đỡ bằng cách mời thầy thuốc đến. Ông Abu Ðarđaa trả lời : « Không, vì tôi muốn được tha thứ những tội lỗi của tôi ». Họ liền hỏi : « Ông ao ước được gì ? » Ông Abu Ðarđaa nói : « Tôi ao ước được vào Thiên Đàng ». Những người bạn của ông cố nài nỉ : « Bệnh tình của ông như vậy cần phải mời thầy thuốc đến ». Ông Abu Ðarđaa trả lời: « Ðừng, thầy thuốc làm cho tôi bị bệnh nên không cần thiết (ý nói thầy thuốc là Allah) ».

Người ta thuật lại lời của ông Abu Ðarđaa : « Khi Rosul (saw) xuất hiện, tôi là một thương buôn. Sau khi tôi theo Islam, tôi muốn được vừa là thương buôn, vừa là người hành đạo nhưng tôi không thể một lúc làm được hai công việc đó nên tôi bỏ nghề buôn mà chấp nhận sự hành đạo. Tôi xin thề có Allah nắm lấy linh hồn tôi, tôi chỉ đứng rao hàng bên cạnh thánh đường, tôi cũng không lơ là việc hành lễ. Tôi có thể kiếm lời được khoảng bốn chục dinar hằng ngày, xong tôi bố thí tất cả tiền lời đó trên con đường phục vụ Allah ». Những người bạn của ông ta hỏi : « Hỡi ông Abu Ðarđaa ! Tại sao ông không tiếp tục như vậy, việc gì cản trở ông ? » Ông trả lời : « Tôi rất sợ việc tính sổ sách (ý nói Allah sẽ xét sử sau này)».

جملة من حكمة:

Những lời khuyên cao quý.

Những lời răn dạy cao quý là những món quà đầy ý nghĩa cũng giống như những trái cây ngon được kết trái qua sự điêu luyện cố gắng trồng trọt của người trồng. Những lời khuyên của ông thông qua sự hiểu biết bao la, niềm tin tưởng vững chắc và sự khiêm nhường sợ Allah là món quà tinh thần thật quý. Như chúng ta đã biết, ông là một trong những nhà học giả cao thâm trong hàng ngũ những bạn hữu của Rosul (saw). Hơn nữa, ông là một nhà đạo hạnh, thanh liêm, chính trực, tâm hồn trong sạch, bản tính chất phác, hiền lương, nên những lời xuất phát ra từ tấm lòng chân thật của ông nhằm khuyên răn, nhắc nhở chúng ta là điều vô cùng quý báu và đó cũng là gia tài mà ông để lại cho hậu thế. Những lời khuyên có giá trị này làm cho người nghe xúc động và là một động lực thúc đẩy họ thi hành những việc thiện. Sau đây là ý nghĩa của một vài lời khuyên cao quý đó :

Ông từng nói:

« Người moamin (người có niềm tin vào Allah) bỏ ra một số tiền để làm sođakoh (làm việc thiện) được Allah mến chuộng hơn những người thường hay khuyên nhủ, dạy đời, nói năng không có giá trị đúng thật. »

« Tôi khuyên các bạn nên làm việc và tôi không mong gì hơn là được phần phước lộc từ đó. Những người mà tôi cho là đáng ghét nhất là những người thường hay gây ra sự bất công không phải chỉ đối với cá nhân tôi mà vì họ không sợ hãi Allah. »

« Hãy cố gắng học hỏi trước khi sự hiểu biết bị mất đi. Khi sự hiểu biết bị mất đi thì những vị Ulama (học giả) cũng không còn. Quả vậy, sự hiểu biết và người truyền thụ, chuyển đạt nó đều có giá trị phước đức như nhau, nhưng ngược lại con người thì có hai thành phần, thành phần hiểu biết và thành phần chuyển đạt. Giữa hai thành phần đó không có gì tốt đẹp vẻ vang cả. »

« Bạn không thể hiểu được tất cả ngoại trừ bạn hiểu được ý nghĩa của kinh Qur’an. Bạn không thể hiểu biết được hết cho đến lúc chết và trở về với Allah. Khi đó, bạn sẽ nhìn lại bản thân bạn thì bạn mới biết bạn là người đáng bị người ta ghét nhất. »

« Hỡi con cháu của Nabi Ađam ! Hãy cố giữ lấy linh hồn của bạn. Nếu bạn cứ nhìn người khác mà noi theo thì sẽ luôn khốn khổ buồn rầu, rồi từ đó bạn sẽ không bao giờ được nhàn nhã ».

« Tôi thật ngạc nhiên, tại sao con người cứ đua đòi chạy theo dục vọng và sự đua đòi đó không bao giờ chấm dứt. (Ý nghĩa ở đây là con người cứ chạy theo dục vọng về vật chất, địa vị, danh vọng mà không tìm kiếm sự hành đạo vì sự hành đạo cũng cần sự đua đòi nhưng nó đem lại lợi ích, ngược lại những thứ khác không có ích lợi nhưng con người cứ đua đòi) ».

« Hỡi những người dân của thị trấn Damas (thủ đô của Syria) ! Các vị là những huynh đệ trong tình nghĩa Islam, là những láng giềng và là những đồng minh của chúng tôi cùng chống lại kẻ thù. Có gì ngăn cản các vị không trở thành bạn hữu của tôi trong khi chúng tôi là đồng minh với các vị. Tôi thật buồn khi thấy những vị học giả của các người mất dần đi, còn những người thiếu hiểu biết thì không chịu học hỏi, trau dồi kiến thức. Ngược lại, tôi chỉ thấy các vị luôn quan tâm đến những gì gọi là vật chất xa hoa. Tôi không thấy các vị nghe lời khuyên của tôi. Có phải người ta thích xây nhà cửa khang trang, lâu đài tráng lệ và thích tạo dựng của cải, tiền bạc ? Nhưng nếu nghĩ xa hơn thì nhà cửa, vật chất của các vị sẽ trở thành nghĩa trang. Sao không chịu học hỏi và dạy lại những gì đã học được, bởi vì những người có kiến thức và người truyền đạt những kiến thức đều có phước như nhau. Không có thành phần nào tốt lành và giá trị hơn hai thành phần đó ».

Ông nói qua lá thư gửi cho ông Musallama ibnu Mukhlid Al An Sar : « …Một khi nô lệ thi hành những gì gọi là phục tùng Allah thì sẽ được Allah mến thương. Khi đã được Allah mến thương thì tất cả những tạo vật của Allah cũng mến thương người đó. Ngược lại, khi ai làm những điều có lỗi với Allah thì Allah sẽ không thương hại người đó. Những ai bị Allah ghét, không thương hại thì tạo vật của Ngài cũng ghét luôn. »

« Thật ngạc nhiên khi thấy một số người cứ mở miệng mà nói như những người điên khùng. Họ chỉ thấy những gì của người khác mà không biết nghĩ đến những gì của Allah. Nếu có thể được là họ sẽ sát nhập đêm với ngày và quả thật những người như vậy không bao giờ sợ hay nghĩ đến Ngày Phán Xét trọng đại nhất. »

(Ý nghĩa ở đây là con người chỉ biết gom góp, tạo dựng được nhiều tiền của nên thời gian ban đêm hay ban ngày đối với họ qua ít. Ví dụ : ban ngày 12 tiếng đồng hồ không đủ cho họ kiếm tiền và họ cứ đeo đuổi vật chất mãi không ngưng như những kẻ điên khùng không biết sợ hãi hay lo lắng).

Ông viết trong lá thư gửi cho người anh em của ông như sau: « Thực tế những gì hiện hữu ngày nay thì đã thuộc về quá khứ, còn những gì chúng ta có hiện nay sẽ thuộc về những thế hệ mai sau. Hỡi các anh em ! Không có gì hơn là những gì mình đã sở hữu nên hãy tận dụng nó để con cháu được hưởng, bởi vì các anh đã dâng hiến cho những người mà chúng ta không biết cũng như họ không hề cảm ơn đến chúng ta. Chúng ta chỉ tạo dựng điều đó với một trong hai mục đích :

Thứ nhất, tạo dựng chỉ vì thuần phục Allah và hành trang đó sẽ giúp ích cho chúng ta mai sau.

Thứ nhì, tạo dựng một cách bất tuân phục Allah và nó sẽ gây ra hậu quả sau này cho chúng ta. Quả thật, đối với Allah, Ngài không cần hai điều đó nhưng nó lại là những gì thuộc về người tạo dựng và tùy vào mục đích của người đó. Do vậy, hãy cảnh giác mà cân đo cho bản thân, hãy nghe và làm theo những người tốt mà anh tin tưởng, họ sẽ giúp ích cho, còn lại những gì Allah ban cho thì hãy hưởng lấy nó, wassalam ».

« Hỡi con cái của Ađam ! Hãy từ tốn mà đi đứng trên mặt đất vì không lâu sau, nó sẽ là ngôi mộ của các người. Hỡi con cái của Ađam ! Các người tựa như ngày và đêm. Cuộc đời của các người cũng tàn theo đi như thời gian của một ngày một đêm trôi qua».

« Ðã là con người, ai cũng sẽ bị mai một đi sự khôn ngoan và công việc làm của mình. Khi vào đời, con người hay chạy đua để có tiền bạc, gia sản. Khi họ có những thứ đó thì họ sẽ mất đi sự vui vẻ vì lo âu. Hơn nữa, thời gian trôi đi sẽ làm cuộc đời tàn dần. Cứ như vậy mà con người tàn tạ ra đi với tiền bạc giàu sang và nó không thể kéo lui lại được thời gian, nên cũng từ đó mà chúng ta cứ mất dần đi cuộc đời ».

وفاته رضي الله عنه:

Ngày qua đời.

Ông Abu Ðarđaa lâm bệnh tại Damas vào năm 32 Hidry (theo niên lịch Islam). Khi được tin, những bạn hữu của ông đến thăm và nói với ông : « Ông cần gì hãy cho chúng tôi biết ? » Ông nói : « Tôi không cần gì hơn là cầu khẩn với Allah về những tội lỗi của tôi ». Họ hỏi : « Vậy ông mong ước gì ? » Ông trả lời : « Tôi ao ước được vào Thiên Đàng ». « Chúng tôi có thể mời thầy thuốc đến khám và chữa bệnh cho ông ». Ông nói : « Không cần, thầy thuốc là vị đã làm cho tôi bị bệnh ».

Khi đó, vợ của ông ngồi kế bên và nói : « Ôi Allah ! Ông Abu Ðarđaa đã xin cưới tôi làm vợ ở trên đời này. Ôi Allah ! Xin Ngài làm chứng, tôi xin được làm vợ ông ấy trong Thiên Đàng ». Ông Abu Ðarđaa nói: « Nếu bà nói như vậy thì tôi là người chồng cuối cùng của bà trên đời này, nếu tôi chết đi thì bà không được lấy chồng khác nhé ».

Ông Abu Ðarđaa mất đi lúc bà vợ còn trẻ và đẹp. Ông Muawiyah đến hỏi cưới bà, bà liền trả lời : « Xin Allah làm chứng ! Tôi sẽ không lấy chồng khác ở trên đời này mà chỉ muốn được làm vợ của ông Abu Ðarđaa trong Thiên Đàng, Insha Allah (Nếu như Allah muốn) ».

Trong lúc ông lâm bệnh, bà nói với ông : « Sau khi ông mất rồi, tôi trở thành kẻ yếu, tôi có thể hưởng tiền sođakoh (tiền từ thiện) được không ? » Ông nói với bà : « Ðừng lấy tiền sođakoh mà hãy cố gắng làm việc để kiếm sống ». Bà nói : « Nếu tôi không thể ? » Ông trả lời : « Hãy cố gắng mà kiếm cách sinh nhai. Ðừng hưởng tiền sođakah ». Trước khi lâm chung ông thốt lên : « Con người có còn làm được gì hay chống chọi được gì khi lâm vào tình trạng của tôi bây giờ ? »

Vài phút sau ông qua đời. Ông mất tại Damas vào năm 32 Hidry (theo niên lịch Islam) dưới thời đại của Kholifah Osman ibnu Affan (R).

Cầu xin Allah ban Thiên Đàng vĩnh cửu cho ông và cho những người muslim trung kiên một lòng vì Allah. Amin.

Do Abdullah trích dịch từ « Kitab Al Ilmu và Ulama » của Shiekh Abu Bakar Al Jazairy trang 199-204.


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 589 Tổng lượt truy cập 2982194