-Chân Lý Islam | baiviet | RAMADAN | TÓM TẮT VỀ VIỆC NHỊN CHAY THÁNG RAMADAN
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
TÓM TẮT VỀ VIỆC NHỊN CHAY THÁNG RAMADAN
10.09.2007 23:57 - đã xem : 3104

Mỗi người muslim nên cần biết những giáo điều căn bản về việc nhịn chay. Những đặc tính của tháng Ramadan Allah, Ðấng Tối Cao (swt) đã chỉ định tháng để nhịn chay là tháng Ramadan vô cùng tốt đẹp và rất cần thiết và là tháng có những điều thật đặc biệt.


Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói: "Những ai nhịn chay trọn tháng Ramadan với tấm lòng thành tin tưởng và tìm kiếm ân thưởng nơi Allah, họ sẽ được Allah tha thứ những tội lổi quá khứ của họ." (Hadith Al-Bukhari)

Cũng trong tháng Ramadan, Qur'an đã được gởi xuống thế gian. Allah (swt) đã phán như sau: "Trong tháng Ramadan, kinh Qur'an đã được ban xuống ..."   (Chương 2 : câu 185).

Trong tháng Ramadan còn có đêm Thiên Mệnh (Laylatul Qadr) mà những hành động dâng lễ nguyện, đọc kinh, tưởng niệm (jikir) Allah trong đêm đó, thì có giá trị bằng một ngàn tháng lễ nguyện tưởng nhớ Allah.

Trong tháng Ramadan tất cả Shaytan (Ma Quỉ) đều bị xiềng xích lại, tất cả các cổng của Hỏa ngục đều đóng lại, và các cổng Thiên đàng đều được mở ra, cái đặc biệt nhất của tháng này, Allah (swt) đã phán như  sau: "Tất cả việc làm của con cháu Adam đều được nhận ra, ngoại trừ  việc nhịn chay là của TA và TA sẽ ban cho ân thưởng ..." (Hadith Qudsi, Sahih Bukhari)

Có nghĩa là Allah không giới hạn cũng không nghiêm khắc trong việc ban ân thưởng cho người muslim trong việc nhịn chay.

Ðịnh nghĩa và ba điều quan trọng của nhịn chay: Nhịn chay theo Islam là nhịn ăn, nhịn uống, và kiềm chế những ham muốn từ lúc hừng sáng cho đến lúc mặt trời lặn, gắn liền với sự định tâm. Kiêng nhịn cũng là một sự tôn thờ và tuân hành theo lệnh truyền của Allah (swt) Ðấng Tối Cao. Theo Qur'an, Sunnat và ý kiến của nhiều học giả, trong đó có bốn hệ phái (4 madsahab), nhịn chay trong tháng Ramadan là việc làm bắt buộc cho tất cả người muslim đang tới tuổi dậy thì (những người từ tuổi dậy thì cho đến lúc nằm yên trong mộ), và lành mạnh để có thể nhịn chay mà không làm hại đến sức khoẻ của họ,  Allah đã phán lệnh truyền bắt  buộc nhịn chay trong năm thứ nhì, sau khi Thiên sứ (saw) đã từ Makkah dời cư sang Medina.

Allah Ðấng Tối Cao đã phán: "Hỡi những người có đức tin, hãy nhịn chay theo qui chế đã được chỉ định cho các người..." ( Chương 2 : câu 183).

Và Thiên sứ (saw) đã nói rằng: "Islam được tạo dựng trên 5 cột trụ..." (Muslim)  Một trong 5 trụ cột đó là nhịn chay trong suốt tháng Ramadan, vì vậy người nào không chịu làm điều bắt buộc nhịn chay này, kẻ đó sẽ trở thành người không có đức tin, một kẻ rời bỏ tôn giáo Islam. (Theo quan niệm chung của các Ulama).

1. Ðịnh tâm

Nhịn chay quan trọng nhất là Ðịnh tâm, nơi định tâm là trái tim, cho nên trước khi vào chay chúng ta phải định tâm nói thầm trong tim vào ban đêm (trước khi bầu trời hừng sáng "Fajr").

Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói: "Bất cứ ai không  định tâm nhịn chay trước giờ Fajr, sẽ coi như người đó không có nhịn chay." (Hadith Ahmad, ibn Hibban, ibn Khuzaimah)         

Ðể khỏi sợ bị quên định tâm, chúng ta nên định tâm một lần trọn tháng của đêm đầu tiên tháng Ramadan. Tuy nhiên cũng có nhiều học giả Muslim đề nghị chúng ta nên định tâm mỗi đêm cho đến hết tháng Ramadan.         

Nếu người nào muốn nhịn chay thêm sau khi Ramadan chấm dứt, hoặc nhịn chay bất cứ lúc nào trong năm (Sunnat) chúng ta có thể định tâm trong bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày. Ðiều này Hadith Muslim có ghi lại câu chuyện của Bà Aisha (ra): "Một hôm Thiên sứ Muhammad (saw) đến thăm tôi và người đã hỏi tôi: - Em có gì để ăn không? Tôi trả lời: - Không có. Người nói: - Vậy thì tôi nhịn chay."

Do đó, người nào định tâm nhịn chay trước lúc mặt trời lặn (giờ Magrib), thì sự nhịn chay đó vẫn có giá trị, nếu không có làm điều gì hư hại (haram) cho việc nhịn chay như hút thuốc lá. (Từ tối hôm trước không ăn gì cho đến trưa, hoặc chiều, hoặc tối ngày hôm sau cũng không có gì để ăn cũng không làm điều gì hư hại cho việc nhịn chay thì mình định tâm nhịn chay luôn cho ngày hôm đó). Người nhịn chay này cũng sẽ nhận được đầy đủ ân phước cho một ngày nhịn chay, điều này Thiên sứ Muhammad (saw) đã không đề cập đến sự ân thưởng chỉ bắt đầu vào lúc định tâm, và Allah (swt) Ðấng Tối Cao biết rõ nhất.

2. Nhịn ăn, nhịn uống

Ðiều quan trọng thứ hai của nhịn chay là nhịn ăn, nhịn uống và tránh những gì làm hư ngày nhịn chay từ hừng sáng cho đến lúc mặt trời lặn, kèm theo sự định tâm nhịn chay, nhưng nếu một người đang nhịn chay lại làm định tâm ngưng nhịn tiếp (xả chay) mặc dù người đó không ăn uống gì cả cho đến lúc mặt trời lặn, vẫn bị coi như không có nhịn chay ngày hôm đó, và sau tháng Ramadan chấm dứt họ phải nhịn trả lại một ngày đã làm  hỏng. Vì vậy phải luôn luôn duy trì sự định tâm.

3. Thời giờ

Ðiều quan trọng thứ ba là thời giờ. Nhịn chay vào buổi ban ngày mà không phải nhịn buổi đêm. Những ai nhịn chay ban đêm thay vì ban ngày, thì việc nhịn chay của họ hoàn toàn sai quấy, không đúng vì Allah (swt) đã phán : "Hãy ăn và uống cho đến khi các người nhìn thấy rõ tia sáng như sợi chỉ trắng của buổi rạng đông tách rời khỏi sợi chỉ đen của nó hiện ra. Rồi hoàn tất việc nhịn chay của các người lúc màn đêm phủ xuống..."   (Chương 2 : Câu 187)

Nhịn chay sẽ bị hủy bỏ:

Sau đây là những điều làm cho ngày nhịn chay bị huỷ bỏ và phải nhịn trả lại những ngày đã bi tiêu tan đó.

1. Ăn và uống có chủ tâm (cố ý ăn và cố ý uống)

Theo ý kiến của phần đông các học giả muslim nổi tiếng, ngày nhịn chay bị hư hoặc bị thiếu sẽ phải nhịn trả lại bất cứ lúc nào trong năm, nếu để qua năm thì ngoài những ngày phải nhịn trả còn phải trả thêm Kaffarah (cho tiền người nghèo khổ  như một việc làm để chuộc tội). Quan niệm đúng nhất chỉ có Allah (swt) biết rõ nhất, chúng ta theo ý kiến của phần đông, Thiên sứ của Allah, Thiên sứ Muhammad (saw) cũng đã không nói khác.

2. Tác động nôn mửa

Có nhiều ý kiến khác nhau của các học giả về việc bị nôn mửa hay tự làm cho nôn mửa cũng đều làm cho ngày nhịn chay không có hiệu quả. Chắc chắn đúng nhất là  nếu tự nhiên bị nôn mửa không chủ tâm làm thì ngày nhịn chay vẫn còn hiệu quả.  Thiên sứ của Allah (saw) đã nói rằng: "Người nào bỗng dưng bị nôn mửa, việc trả tiền để chuộc lỗi sẽ không đòi hỏi ở y, nhưng nếu y cố ý làm cho nôn mửa thì y sẽ phải trả tiền để chuộc lỗi..." (Abu Dawud, Tirmidhi và những người khác)

Nhưng nếu bất ngờ chất nôn bị nuốt trở vào không cố ý làm thì nó cũng không bị ảnh hưởng gì đến ngày nhịn chay, ngày nhịn chay vẫn còn hiệu quả.

3. Kinh nguyệt của phụ nữ và huyết sanh nở

Phụ nữ ra huyết trong hai trường hợp này đều phải ngưng nhịn chay ngay dù chỉ còn vài phút trước khi mặt trời lặn. Ngày chay đó không tính. Trường hợp các bà ở vào thời kỳ sắp hết kinh nguyệt, ngày kinh nguyệt kéo dài đến cả tháng, vì vậy đến ngày thứ 15 trở đi, các bà tắm rửa, băng lại rồi  bắt đầu nhịn chay. Ðây là ý kiến của phần đông các học giả và số ngày không nhịn chay sẽ phải nhịn trả lại trong năm đó trước khi Ramadan kế tiếp đến.

4. Sự xuất tinh thình lình

Không cần biết nó là hậu quả của người chồng hôn vợ hay vuốt ve vợ... Dù trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, đã không kiềm chế được để xuất tinh cũng đều bị xem ngày nhịn chay đó không có kết quả. Ðây là ý kiến của phần đông các học giả Muslim (Ulama) và Allah (swt) Ðấng Tối Cao biết rõ nhất.

5. Chích thuốc

Chích thuốc, hoặc vô nước biển hay đem chất dinh dưỡng vào cơ thể đều làm cho ngày nhịn chay không được chấp nhận, vì mục đích chính của nhịn chay là chịu đựng sự đói và khát, khắc khổ vì đời sống không bảo đảm phải luôn luôn đầy đủ.

6. Ðịnh tâm chấm dứt nhịn chay

Làm định tâm ngưng nhịn chay, mặc dù không ăn uống gì cả cũng làm cho ngày nhịn chay bị huỷ bỏ, như đã nói ở đoạn trên (trong phần định tâm).

7. Từ bỏ tín ngưỡng tôn giáo

Nếu người muslim đang nhịn chay bỗng trở thành Kafir, người mất đức tin, hay không tin tưởng nữa, thì sự nhịn chay của họ sẽ bị huỷ bỏ, Allah (swt) Ðấng Tối Cao đã phán: "Nếu các người phạm tội Shirk (tổ hợp, tin tưởng nơi Allah mà còn tin tưởng vào người khác) thì chắc chắn tất cả kết quả tốt của các người sẽ trở thành vô nghĩa..." (Chương 39 : câu 65)

Theo hadith của Al Bukhari và Muslim đã gom góp được, hầu hết các Ulama của 4 Madsahab đều đồng ý rằng một người đang nhịn chay lại đi ăn nằm giao cấu với vợ, không kể người đó có xuất tinh hay không, cũng phải nhịn trả ngày chay và còn phải trả tiền phạt chuộc tội lỗi, trong trường hợp này việc chuộc tội là phải phóng thích một người nô lệ, nếu không có nô lệ thì phải nhịn chay liên tiếp trong 2 tháng, nếu không nhịn chay nổi trong 2 tháng liền vì ảnh hưởng đến sức khỏe thì người đó phải nuôi ăn 60 người nghèo khó, già yếu, goá bụa, con mồ côi. 

Các ý niệm đang được tranh luận

Mặc dù giữa các học giả muslim có những ý kiến khác nhau về việc nhịn chay, nhưng không nói xa hơn là ăn uống sẽ làm hư ngày nhịn chay, hoặc tin rằng trời vẫn còn tối chưa hừng sáng, chưa tới giờ bắt đầu nhịn (vô chay), nhưng thật ra trời đã sáng, hoặc là tin rằng trời chưa lặn để xả chay, thật ra nó đã lặn rồi. Dù vậy hầu hết các học giả đều đồng ý rằng ngày nhịn chay bị hỏng phải được nhịn trả bù lại ngày khác, quan niệm đúng nhất chỉ có Allah (swt) Ðấng Duy Nhất biết rõ.

Theo quyết định của Al-Hasan Al Basri Ibn Taymiyah và những Ulama khác cho rằng, chỉ có trưởng hợp ngày nhịn không cần phải nhịn trả là theo dẫn chứng sau đây: Trong thời kỳ của Khilafah Umar (ra), sau khi dân chúng đã ngừng, xả chay xong thì vài phút sau mặt trời xuất hiện trở lại, và dân chúng đã hỏi ông Umar (ra) có cần phải nhịn chay trả lại ngày khác hay không? Ông Umar (ra) đã trả lời rằng: ''Không! Vì Allah, nên chúng ta đã không cố ý định tâm làm điều sai quấy''.

Bà Asmăa (ra) đã thuật lại rằng: "Chúng tôi đã xả chay xong trong một ngày dầy đặc sương mù của tháng chay Ramadan, lúc Thiên sứ Muhammad (saw) còn sinh thời, thế rồi mặt trời xuất hiện sáng trở lại."  (Sahid Bukhari)

Về giờ xả chay, Ibn Taymiỳah đã đề nghị 2 điều:

- Không được để trễ giờ xả chay, dù là ngày đầy sương mù, nhưng nếu có người biết chắc chắn mặt trời đã lặn, thì phải xả chay ngay.

- Không bắt buộc phải nhịn trả lại ngày khác, vì Thiên sứ Muhammad (saw) đã không ra chỉ thị  phải nhịn trả bù lại. Nếu Thiên sứ (saw) đã ra lệnh nhịn trả lại thì mọi người đều đã biết, cũng giống như giờ xả chay đã loan báo ra xa. 

Những điều mà các học giả không cùng quan niệm là việc dùng thuốc nhỏ giọt vào mũi, vào tai, vào mắt, chích thuốc và kẻ mắt và quan niệm đúng nhất chỉ có Allah (swt) biết rõ nhất.

Imam Ash Shăafi quan niệm rằng, những chất nước đi vào những cơ quan có lỗ như lỗ tai, lỗ mũi, còn miệng nếu qua khỏi cổ họng sẽ làm hư mất ngày nhịn chay như với người bệnh suyễn nhẹ, dùng thuốc xịt vào miệng, sẽ phải nhịn chay trả. Còn chích thuốc vào bắp thịt và nhỏ thuốc vào mắt sẽ không làm hư mất ngày nhịn chay.

Trong khi Imam Abu Hanifah, Hasan Al Basri cho rằng, tất cả những điều làm này không làm hư mất ngày nhịn chay và không đòi hỏi phải nhịn trả. 

Imam At Tirmizi cũng đã nói : "Vấn đề này đã không tìm thấy trong hadith nguyên gốc, vì đã không nghe Thiên sứ Muhammad (saw) nói đến."

Hít nước vào mũi hoặc súc miệng làm cho nước rớt vào dạ dày cũng đã làm tranh luận giữa các học giả, ý kiến đúng nhất là ngày nhịn chay không bị hư mất nếu việc làm không do mình cố tâm làm ra mà chỉ là một lỗi lầm vô tình đã xảy ra.

Ðấy là qui tắc đã được Al Hasan Al Basri, Imam Ahmad ibn Hambal nhìn nhận và cũng là quan niệm của Sheikh Al Qaradawi. Về việc hít nước vào mũi, tắm rửa, được gọi là Istinshăq, Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói : "Khi tắm rửa làm Istinshaq, nên làm nhiều hơn lúc bình thường, ngoài trừ lúc các người nhịn chay." (Abu Dawud, Ahmad, Tirmizi)

Ðừng làm quá đáng trong lúc nhịn chay, làm không bị tội nhưng không làm thì tốt hơn. Ngoài những điều đã nói ở đoạn trên dưới nhiều nguyên nhân khác nhau làm hư mất ngày nhịn chay còn lại tất cả những điều khác mà người nhịn chay làm đều là Mubăab, cho phép làm hoặc là được tha thứ. Allah (swt) Ðấng Tối Cao biết rõ nhất.

Những việc nên làm và những lời khuyên trong tháng đầy ân huệ:

- Nên thức dạy để ăn buổi ăn trước khi trời rạng đông (Suhour) ăn để vào nhịn chay. Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói: "Nên ăn và uống bữa Suhour, chắc chắn trong bữa ăn Suhour này có ân huệ của Allah."  (Al - Bukhari)

- Xả chay, ngưng nhịn chay ngay khi mặt trời xuống. Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói: "Người trong cộng đồng của tôi vẫn tiếp tục được hưởng nhân phẩm tốt, nếu tới giờ xả chay, họ mau lẹ xả chay ngay."   (Ahmad)

- Không được để trễ giờ, xả chay với trái chà là tươi, tốt nhất với số trái lẻ như 1 trái, 3 trái, 5 trái, 7 trái, 9 trái... Nếu không có chà là tươi, thì dùng chà là khô, nếu không có gì hết thì uống những ngụm nước. (Abu Dawud)

Cũng đừng quên đọc Du'a khi xả chay. Thiên sứ Muhammad (saw) thường đọc 4 câu sau đây: "Thahaba athma, Wabtalatil urouq, Wa thabatal Ajru, Insha Allah." Có nghĩa là: Khát nước được chấm dứt, Huyết quản được nuôi dưỡng, Và ân thưởng đã được Allah quyết định. Insha Allah.

Không những chúng ta nhịn ăn, nhịn uống, mà còn phải nhịn nhìn, nhịn nói và nhịn cả đi nữa,  kiềm chế đôi mắt không nhìn vào những gì đã bị cấm, kiềm chế cái lưỡi trong miệng để tránh nói xấu, và kiềm chế đôi chân đi làm những việc không cần thiết. Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói rằng: "Bất cứ ai không chừa bỏ nói xấu, nói chuyện bậy bạ, và hành động tội lỗi, thì Allah không cần những người phải nhịn ăn nhịn uống." (Tất cả Ulama đều đồng ý).

Thiên sứ Muhammad (saw) cũng đã dạy chúng ta kiềm chế cái nóng giận của mình lại, nếu có ai chọc giận thì hãy nói: "Tôi đang nhịn chay! Tôi đang nhịn chay..."

- Ðọc Kinh Qur'an càng nhiều càng tốt.

- Buổi tối, chăm chỉ và thành tâm làm thêm lễ nguyện (solah sunnah), hành lễ salah tại Masjid hoặc tại nhà. Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói rằng: "Ai thành tâm đứng lễ nguyện ban đêm trong tháng Ramadan, và tìm ân phước nơi Allah, những tội lỗi trước kia của y sẽ được tha thứ."  (Muslim)

Người muslim phải biết dành thời giờ và sức khoẻ vào việc sùng bái Allah (swt) trong trọn tháng Ramadan, và hành đạo nhiều hơn trong suốt 10 ngày cuối cùng của tháng Ramadan, vì 10 ngày cuối cùng này được Allah (swt) ban cho vô vàng ân thưởng và đặc biệt là có đêm Laylatul-Qadr  (Ðêm Thiên Mệnh).

Bà Aisha (ra) đã thuật lại rằng: "Thiên sứ (saw) đã cố gắng hết sức mình để hành đạo trong 10 ngày cuối cùng tới mức tối đa, nhiều hơn những tháng khác."  (Muslim)

Chúng ta cầu xin Allah Ðấng Tối Cao, qua những Tên và Ðặc Tính Ðẹp tuyệt trần và Vĩ Ðại nhất của Ngài, xin Ngài ban ân huệ cho chúng ta đủ sức chịu đựng và cho chúng ta được phép luôn Nhớ Ngài, Ca Ngợi Ngài, và Tán Dương Ngài trong suốt tháng Ramadan này và trong suốt cuộc đời của chúng ta. Amin!

Rahima Hồ Phỏng dịch theo bài

"Ramadan in a nutshell" của Bilal Dannoun.


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 588 Tổng lượt truy cập 2982050