BISMILLAH HIRROHMAN NIRROHIM
« Ash hadu Allah Illaha il lolloh ; Wa ash hadu anna Muhammadan Rosulullah.»
(Tôi xin nhận chứng không có Thượng đế nào khác ngoài Allah ; và Muhammad là sứ giả của Ngài).
Đó là câu tuyên thệ cho những ai muốn trở thành là người Muslim. Một khi mình là người Muslim thì phải chấp hành những nền tảng bắt buộc mà Allah đã truyền bảo mọi người phải thực hành. Song song đó để ứng dụng đức tin vào cuộc sống hàng ngày thi Rosul (saw) cũng đã căn dặn các tín đồ trước khi làm việc gì đều phải nhân danh Allah, qua bằng chứng Rosul đã dạy các bậc làm cha mẹ như sau : « Hỡi những anh chị em tin tưởng ! khi con cái lớn lên vừa biết nói, thì bổn phận làm cha mẹ của chúng ta, đầu tiên phải dạy dỗ chúng biết gọi tên Allah và trước khi chúng ta làm một việc gì thì đều phải nhân danh Allah… ». Cho nên, tất cả những việc làm của chúng ta trong đời sống hàng ngày mà không nhân danh Allah, thì những việc làm đó đều vô nghĩa đối với Allah và có thể sẽ gặp nhiều điều rắc rối hoặc không thành công.
« Bismillah hirrohman nirrohim »
(Nhân danh Allah, Đấng Khoan Hậu, Đấng Từ Bi).
Như mọi người Muslim đều biết, trước khi xướng đọc thiên kinh Qur’an thì câu đầu tiên mà chúng ta phải đọc là « Bismillah… ». Vì vậy, mỗi hành động, việc làm trong cuộc sống của loài người cũng phải nêu danh vì Allah, vì Rosul (saw) đã nói : « Bất cứ việc làm nào của chúng ta mà không bắt đầu bằng câu {Bismillah…} (Nhân danh Allah…), thì những việc làm đó không khác gì một người mà đã mất đi một cánh tay. » Hadith Soheh.
Hãy nhìn lại trong thiên kinh Qur’an, Allah đã phán về câu chuyện của Nabi Noah (A), Người đã nói với quần chúng trước khi thuyền nhổ neo để tránh cơn Đại Hồng Thủy như sau : [Và (Nuh) bảo : «Hãy lên tàu, nhân danh Allah, dù nó trôi hay nó đậu. Chắc chắn, Đức Rabb của ta Hằng tha thứ, Rất mực khoan dung »] Surat 11 / ayat 41.
Hơn nữa, trước khi Rosul (saw) tiếp nhận thiên kinh Qur’an thì câu đầu tiên mà thiên thần Jibriel (A) truyền cho Nabi Muhammad (saw) là bảo Người : « Hãy đọc ! Nhân danh Rabb của ngươi, Đấng đã tạo. » Surat 96 / ayat 1.
Hai ayat trên đã chứng minh Allah bảo con người trước khi làm một việc gì thì phải đọc « Nhân danh Allah » chứ không phải nhân danh một người hay vật nào khác.
Câu nói : « Nhân danh Allah » khi đọc thoáng qua thì nghe rất bình thường, có lẽ đó chỉ là câu nói suông miệng. Nhưng đối với những người tin tưởng, thành tâm thì câu nói này có một giá trị tuyệt đối giữa họ với Allah. Nếu chúng ta không mang danh nghĩa của Ngài thì Shayton sẽ lợi dụng sự sơ hở của chúng ta mà xâm nhập vào việc làm của chúng ta và cuối cùng việc làm đó sẽ có nhiều điều thất bại hay tai nạn mang đến chúng ta và đối với Allah thì chúng ta không được một phước lộc nào cả…
Ông Jabir ibnu Abdullah (R) thuật lại Rosul (saw) có nói : «Những người nào khi bước vào nhà cũng như trước khi ăn uống mà nói ‘Nhân danh Allah’, thì Shayton tự nhủ : ‘tối nay chúng ta sẽ đói và không có nơi trú thân’. Ngược lại, nếu ai bước vào nhà hay trước khi ăn uống mà không nói ‘Nhân danh Allah’ thì Shayton mừng thầm ‘tối nay chúng ta sẽ có bửa ăn no nê và chổ ngũ yên lành’. Hadith do Muslim ghi lại.
Và có một hadith khác thuật lại là Rosul (saw) có dạy bảo chúng ta về cách thức ăn uống như sau : « Trước khi ăn uống hãy nói ‘Nhân danh Allah’ rồi dùng tay mặt để lấy thức ăn (trong dĩa) nơi gần nhứt của mình ». Hadith do Muslim ghi lại.
Rosul (saw) cũng đã dạy chúng ta trong vấn đề quan hệ vợ chồng, Người (saw) nói trước khi vợ chồng « gần gủi » nên đọc câu đu-a như sau : « Nhân danh Allah, xin Ngài đừng cho shayton đến gần chúng tôi và nếu Ngài có ban lộc (con cái) cho vợ chồng chúng tôi, xin Ngài che chở đừng để shayton ám hại chúng tôi ». Hadith do Al Bukhary và Muslim ghi lại.
Nếu trở về thiên kinh Qur’an thì Allah đã phán với ý nghĩa khi chúng ta muốn ăn thịt một con vật, thì con vật đó phải được đọc câu « Nhân danh Allah » trước khi cắt cổ nó. Do đó, trong cuộc sống của chúng ta tất cả đều thuộc về Allah, chúng ta nên quan tâm và thi hành để Allah hài lòng. Vì những việc làm nào mà không nhân danh Allah, thì những việc làm đó Allah không bao giờ chấp nhận.
ASSALAMU ALAIKUM…
Người Việt Nam thường nói : « Tiếng chào cao hơn cổ », và bất cứ một dân tộc nào trên thế giới đều có lời chào thân thương của họ và Islam cũng không ngoại lệ.
Theo truyền thống của Islam thì Rosul (saw) thường nhắc nhở, khi những người Muslim gặp nhau, tất cả mọi người Muslim đều là anh em, thì phải cho lời « SALAM » như sau : « Assalamu Alaikum » [Cầu sự bình an cho anh (chị, em…)]. Và người kia phải trả lời : « Wa Alaikumus Salam » [Tôi hay chúng tôi cũng cầu sự bình an cho anh (chị, em…)].
Hai câu này được áp dung cho tất cả mọi người Muslim trên thế giới, dù đã quen biết hay đây là lần đầu tiên gặp nhau, dù khác dân tộc hay cùng một dân tộc, dù giai cấp không ngang hàng nhau, dù ban đêm hay ban ngày hay nói chuyện gián tiếp bằng điện thoại… Hoặc trước khi vào đề một lá thư hay một văn bản thì câu đầu tiên phải là « Bismillah hirrohman nirrohim » và kế tiếp là « Assalamu Alaikum… » và trước khi chấm dứt là câu « Wassalam ».
Theo thể thức chào hỏi này thì Rosul (saw) đa dạy như sau :
- Khi hai người gặp nhau người nhỏ tuổi phải đưa lời salam trước người lớn tuổi hơn.
- Nhiều người (số ít) phải salam trước nhiều người (số nhiều).
- Người đi bộ phải salam cho người đang đi xe hay cởi ngựa, lạc đà…
- Khi bước vào masjid hay lớp học thì người mới đến phải salam cho những người đang có mặt. Nếu trong masjid hay trong lớp học đang có nhiều người thì chỉ cần một người trả lời câu salam đó, nếu tất cả mọi người không ai trả lời cho câu salam đó thì tất cả đều có lỗi với người cho salam.
- Khi bước chân (phải) vào nhà (không phân biệt nhà của ai) hay masjid, dù có thấy người hay không thì cũng phải cho lời salam, vì Rosul (saw) có nói : « Khi chúng ta bước vào nhà có nói câu ‘Assalamu alaikum’ thì ma quỉ sẻ không lưu lại trong nhà của ngày hoặc đêm đó ».
- Trường hợp có khách đến cho lời salam mà chúng ta đang trong tư thế solah một mình, thì chúng ta không được tạm ngưng solah để trả lời họ, mà chỉ dùng tay mặt đưa ra (dấu hiệu) đã nghe, nhưng sau khi solah xong thì đến salam cho người đó.
- Trường hợp đang trong tình trạng Junub (sau khi vợ chồng giao hợp) mà chưa tắm nước làm sạch mà có nghe ai đó salam trong điện thoại hoặc ai đến gỏ cửa salam thì chúng ta phải tìm cách cho họ biết mà không được quyền trả lời salam. Chỉ đươc trả lời salam sau khi tắm nước junub.
- Tương tự, nếu chúng ta đang trong « Nhà Vệ sinh » mà có ai đến salam, chúng ta cũng không nên trả lời mà chỉ gỏ cửa để cho họ biết mình đang ở trong nhà vệ sinh. Sau khi ra khỏi nhà vệ sinh (chân phải) thì mới trả lời salam cho họ.
- Khi bước chân vào nghĩa trang (Muslim) chúng ta cũng cho lời salam dù đó là những ngôi mộ, vì Rosul (saw) có dạy cho những bạn hữu của Người như sau : « Assalamu Alaikum ahluđ điyar minal muaminin wal muslimin, wa Inna Insha-Allah bikhum la hikun. » (Cầu sự bình an đến những người ở thế giới bên kia, những người có đức tin, những người Muslim, và nếu Allah muốn thì chúng tôi sẽ là những người nối gót đi theo quí vị). Hadith do Muslim ghi lại sự tường thuật của ông Sulayman ibnu Yazid.
- Và có lần Rosul (saw) dừng lại tại một nghĩa trang ở Madinah để salam như sau : « Assalamu alaikum ya ahlul qubur, yag-firulloh hulana wa lakum, antum salafna wa nah nu bil asar ». (Cầu sự bình an cho những người trong ngôi mộ, xin Allah tha thứ cho chúng tôi và cho các vị, các vị là những người đi trước, chúng tôi là những người sẽ đi sau). Hadith do At Tirmizy ghi lại.
Trên đây là cách thức xử dụng hai câu (Bismillah… và Assalam…) mà mỗi ngày người Muslim thường gặp. Hy vọng những giòng chữ ngắn ngủi này sẽ là bài học quí giá cho những anh chị em Muslim đang và sẽ tìm được con đường chân lý của Islam.
Abu Rozy soạn thảo