ĐIỂM BÁO: VÌ SAO NGƯỜI PAKISTAN KHÔNG TÍCH TRỬ TRONG COVID 19? Chân Lý Islam
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu

ĐIỂM BÁO: VÌ SAO NGƯỜI PAKISTAN KHÔNG TÍCH TRỬ TRONG COVID 19?

07.04.2020 21:49 - đã xem : 3264

Giữa đại dịch, người Pakistan đang đoàn kết để giúp những cảnh đời kém may mắn hơn theo một cách độc đáo và bất ngờ. Trong khi nhiều người trên khắp thế giới chỉ tập trung vào vấn đề vệ sinh thân thể giữa đại dịch, Tiến sĩ Imtiaz Ahmed Khan, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Hamdard ở Karachi, ví zakat như một nghi lễ thanh tẩy tâm hồn.  Ông nói: "Nếu bất kỳ người hàng xóm nào của tôi phải đi ngủ với cái bụng đói, làm sao tôi có thể tích trữ thừa thãi thức ăn?"

Bên ngoài những cửa hiệu bách hóa tại Karachi, một khung cảnh ấn tượng diễn ra suốt hơn hai tuần qua. Thay vì hối hả về nhà sau khi mua sắm để tránh nguy cơ lây nhiễm nCoV, nhiều người Pakistan dừng lại ngoài cửa hàng để tặng thức ăn, tiền hay đồ từ thiện khác cho những người không còn nơi nào để lánh nạn. Đi kèm những vật phẩm này là một yêu cầu cho người nhận: "Hãy cầu nguyện để đại dịch sớm kết thúc".   

Như nhiều quốc gia khác, Pakistan đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với đại dịch toàn cầu, như đóng cửa trường học, cấm tụ tập nơi công cộng và cho mọi cơ sở không kinh doanh thực phẩm hay thuốc men dừng hoạt động. Nhưng khác với những quốc gia thực thi biện pháp tương tự, một lệnh phong tỏa kéo dài có thể dẫn đến những hậu quả tàn khốc cho kinh tế, thậm chí là chết người.

Khi đất nước này thắt chặt các biện pháp phong tỏa và buộc mọi người ở nhà, rất nhiều cư dân kiếm sống qua ngày - từ người bán thức ăn rong trên hè phố đến thợ đánh giày, đều không thu về nổi một rupee trong nhiều tuần qua, và họ sẽ đói.

Trong bài phát biểu liên quan đến Covid-19 gần đây, Thủ tướng Pakistan, Imran Khan, tuyên bố rằng "25% người dân không có khả năng ăn hai bữa một ngày".   

"Nếu chúng ta phong tỏa các thành phố... một mặt, chúng ta cứu họ khỏi virus, nhưng mặt khác họ sẽ chết đói. Pakistan không có những điều kiện như Mỹ hay châu Âu. Đất nước ta vô cùng nghèo đói", Thủ tướng Khan nhận định về thực tại trầm trọng.

Rất nhiều người làm công ăn lương theo ngày lâm vào cảnh thất nghiệp vì Covid-19, không có tiền hay thức ăn. Ảnh: Aysha Imtiaz.

Rất nhiều người làm công ăn lương theo ngày lâm vào cảnh thất nghiệp vì Covid-19, không có tiền hay thức ăn. Ảnh: Aysha Imtiaz.

Nhưng quốc gia này cũng có hy vọng. Giữa đại dịch, người Pakistan đang đoàn kết để giúp những cảnh đời kém may mắn hơn theo một cách độc đáo và bất ngờ. Một trong số đó là nộp zakat, thuế từ thiện truyền thống trong đạo Hồi, dành cho những người kiếm sống qua ngày không có lương trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế hay quỹ dự phòng.

Zakat là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của các tín đồ trong 5 Cột trụ của đạo Hồi. Trong tiếng Ả Rập, zakat nghĩa là "thanh lọc" những của cải dư thừa. Một tín đồ buộc phải dành ra 2,5% tài sản tích lũy hàng năm để từ thiện. Điều này xuất phát từ đức tin rằng thế giới là vô thường, tất cả đều do Tạo hóa ban phát lòng nhân từ, do đó zakat hiện thực hóa ý tưởng những người kém may mắn hơn có một phần trong mọi thứ mà cộng đồng tạm thời sở hữu. Để nộp zakat, một tín đồ Hồi giáo phải sở hữu ngưỡng tài sản tối thiểu, nisab. Vàng bạc là giá trị được sử dụng để tính nisab - tương đương 87,48 gr vàng hoặc 612,36 gr bạc.

Trong khi nhiều người trên khắp thế giới chỉ tập trung vào vấn đề vệ sinh thân thể giữa đại dịch, Tiến sĩ Imtiaz Ahmed Khan, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Hamdard ở Karachi, ví zakat như một nghi lễ thanh tẩy tâm hồn. Tiến sĩ Khan trích dẫn một câu nói phổ biến của người Pakistan "Paisa haath ki meil hai" (Tiền chỉ như cát bụi trên tay). "Nếu bất kỳ người hàng xóm nào của tôi phải đi ngủ với cái bụng đói, làm sao tôi có thể tích trữ thừa thãi thức ăn?", Khan nói thêm.

Lòng hảo tâm được cho là có sẵn trong gene của người Pakistan. Thực tế, trong thế giới của 47 nước Hồi giáo, đóng zakat thường là tự nguyện, nhưng Pakistan là một trong sáu quốc gia quy định khoản này là bắt buộc. Theo Rizwan Hussain, tác giả cuốn Từ điển bách khoa Oxford của thế giới Hồi giáo, Pakistan là quốc gia duy nhất được thành lập trên danh nghĩa Hồi giáo, tinh thần sùng đạo được phản ánh trong luật pháp của nó.

Theo báo cáo của tạp chí Stanford Social Innovation Review, Pakistan đóng góp hơn 1% GDP cho từ thiện, không thua kém nhiều so với Anh (1,3%) và Canada (1,2%). Một nghiên cứu trên toàn quốc cho thấy 98% người Pakistan chi tiền cho từ thiện hoặc dành thời gian làm tình nguyện - một con số vượt xa số người phải nộp  zakat theo nghĩa vụ pháp lý. 

"Là một quốc gia, chúng tôi có thể không có gì nhiều, nhưng có tấm lòng rộng mở", ông M. Sohail Khan, một người Pakistan sống ở Anh, cho biết. "Chỉ bạn cần ghé thăm bất kỳ ngôi làng nào, người dân sẽ luôn chào đón; đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu là văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi đã thấy những cảnh đời đau khổ. Chúng tôi đồng cảm và có lòng trắc ẩn. Và chính quyền cần giáo dục để thuyết phục quần chúng, rằng cách ly xã hội không phải là bỏ mặc hàng xóm của mình".

Khi virus lây lan, nhiều người Pakistan đã đóng góp zakat nhiều hơn 2,5% của cải, trong khi những người khác không đủ điều kiện nộp zakat cũng làm từ thiện nhiều nhất có thể. Đến nay, những đóng góp này đang được huy động nhanh chóng.

Nhiều khoản đóng góp hướng tới việc tạo ra các gói raashan (khẩu phần) hàng tháng cho người làm công ăn lương theo ngày, và các mặt hàng tạp hóa cơ bản như đậu lăng, bơ ghee, bột mì, dầu, đường và trà cho những người kém may mắn hơn. Thường những khẩu phần này được phát trong tháng Ramadan (bắt đầu từ 23/4 năm nay), nhưng giờ đây chúng được chuyển cho những người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế do đại dịch. Những ngày này, từng gói raashan còn có thêm xà phòng diệt khuẩn.

Giới chức Pakistan phát khẩu trang miễn phí và tờ rơi hướng dẫn phòng ngừa nCoV cho người dân trên đường phố Karachi vào tháng 3. Ảnh: AFP.

Giới chức Pakistan phát khẩu trang miễn phí và tờ rơi hướng dẫn phòng ngừa nCoV cho người dân trên đường phố Karachi vào tháng 3. Ảnh: AFP.

Ahmad Sajjad, giảng viên tại Học viện Quản trị Kinh doanh tại Karachi, cho biết, ngày càng nhiều nhóm từ thiện ra đời. Đại dịch này khiến Sajjad nhớ đến trận động đất năm 2005, khi người Pakistan cùng làm từ thiện. Lần này, thay cho các trại cứu trợ ven đường, người dân đang tận dụng nền tảng mạng xã hội để gây quỹ, và mở ra đường đây nóng để mọi người thông báo về những gia đình cần thực phẩm. Thậm chí có người liên lạc với từng số trong danh bạ để kêu gọi quyên góp - điều hiếm có trước đại dịch.

Sabiha Akhlaq, người điều hành SSARA Foundation, một tổ chức từ thiện quốc tế, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của thực trạng của Pakistan: "Tình hình rất tệ. Một người đàn ông bắt đầu khóc khi chúng tôi chuyển raashan vì gia đình bốn người của anh ta không có gì ăn trong suốt 29 tiếng".

Akhlaq nói rằng SSARA đã nhận được một loạt khoản đóng góp trong Covid-19. "Chúng tôi đang cung cấp 200 bữa ăn nấu mới mỗi ngày, cũng như các gói raashan. Ngày 25/3, chúng tôi đã chuyển 125 gói raashan cho các thành viên của cộng đồng người chuyển giới. Họ là nhóm dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao nhất trong xã hội. Thật đau lòng khi thấy họ tỏ lòng biết ơn sâu sắc và ngạc nhiên tột độ khi biết có người nhớ đến mình. Họ cũng đã mất mọi sinh kế", ông Akhlaq cho biết.

Người dân xếp hàng chờ nhận thức ăn từ thiện khi toàn quốc phong toả. Ảnh: M Saeed Qureshi/APP.

Người dân xếp hàng chờ nhận thức ăn từ thiện khi toàn quốc phong tỏa. Ảnh: M Saeed Qureshi/APP.

Theo một khảo sát gần đây của chính phủ Pakistan, các ngân hàng đã thu được 7.377.678.000 rupee (39,7 triệu USD) thuế từ thiện bắt buộc từ người dân trong năm 2018-2019. Nhưng còn rất nhiều zakat được người Pakistan trao trực tiếp cho những người kém may mắn và khoản này không được ghi nhận, nên con số thực có thể cao hơn nhiều.

Người Pakistan coi sức mạnh của zakat và từ thiện theo đức tin là năng lượng từ vũ trụ. Và trước một đại dịch, những năng lượng này này đang được tăng cường với hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ chấm dứt.

"Người Pakistan chúng tôi tin rằng một việc tử tế sẽ được tiếp nối bằng một điều thiện khác, và có lẽ lòng tốt của chúng tôi sẽ lan tỏa nhanh hơn virus. Với niềm tin vững chắc rằng phần lớn nhân loại sẽ hưởng lợi, chúng tôi đang cố gắng hết sức để hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ, và đem hy vọng cho những người cần hy vọng", tác giả Aysha Imtiaz bày tỏ.

Bảo Ngọc (Theo BBC)

Ý kiến bạn đọc
Các bài viết khác
BUỔI RA MẮT TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HALAL TẠI VIỆT NAM

BUỔI RA MẮT TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HALAL TẠI VIỆT NAM

Vào sáng nay, ngày 2/3/2024 tại trụ sở: Tầng 9, Tòa nhà TNR, 180 – 192 Nguyễn Công Trứ, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã hân hoan tổ chức lễ khai trương TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HALAL.

KHÓA HỌC DẠY ĐỌC QURAN DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI NÓI TIẾNG VIỆT

KHÓA HỌC DẠY ĐỌC QURAN DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI NÓI TIẾNG VIỆT

Nền tảng ITQAN xin thông báo tổ chức khoá học dạy cách đọc Kinh Qur’an dành cho người nói tiếng Việt. ITQAN là một nền tảng trực tuyến toàn cầu được thiết kế trong nhiều ngôn ngữ khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người Hồi giáo không nói tiếng Ả Rập trên khắp thế giới  để học cách đọc Kinh Qur'an và hỗ trợ việc đọc Quran một cách dễ dàng thông qua các lớp học cá nhân hoặc theo nhóm trực tiếp qua clip âm thanh và video.

ĐIỂM BÁO: BÀI HỌC NGĂN SIÊU LÂY NHIỄM COVID -19 TẠI THÁNH ĐỊA MECCA

ĐIỂM BÁO: BÀI HỌC NGĂN SIÊU LÂY NHIỄM COVID -19 TẠI THÁNH ĐỊA MECCA

Lễ hành hương về Thánh địa Mecca từng thu hút hơn 2,5 triệu tín đồ khắp thế giới, nhưng vẫn tránh được tình huống “siêu lây nhiễm” giữa Covid-19. Mecca, thành phố linh thiêng nhất của người Hồi giáo, thuộc Arab Saudi, là địa điểm diễn ra lễ hành hương lớn hàng năm có tên Hajj.

ĐIỂM BÁO: VÌ SAO NGƯỜI PAKISTAN KHÔNG TÍCH TRỬ TRONG COVID 19?

ĐIỂM BÁO: VÌ SAO NGƯỜI PAKISTAN KHÔNG TÍCH TRỬ TRONG COVID 19?

Giữa đại dịch, người Pakistan đang đoàn kết để giúp những cảnh đời kém may mắn hơn theo một cách độc đáo và bất ngờ. Trong khi nhiều người trên khắp thế giới chỉ tập trung vào vấn đề vệ sinh thân thể giữa đại dịch, Tiến sĩ Imtiaz Ahmed Khan, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Hamdard ở Karachi, ví zakat như một nghi lễ thanh tẩy tâm hồn.  Ông nói: "Nếu bất kỳ người hàng xóm nào của tôi phải đi ngủ với cái bụng đói, làm sao tôi có thể tích trữ thừa thãi thức ăn?"

ĐIỂM BÁO: CUỘC SỐNG CỦA CÔ GÁI VIỆT THEO ĐẠO ISLAM Ở LONDON

ĐIỂM BÁO: CUỘC SỐNG CỦA CÔ GÁI VIỆT THEO ĐẠO ISLAM Ở LONDON

Maymunah, hay còn gọi là Mây, cô gái Việt sinh ra ở Huế, kể cho tôi nghe về cuộc sống như một người Hồi giáo của cô hơn ba năm qua ở London.

ĐIỂM BÁO: "3 NĂM LÀM DÂU Ở SA MẠC TRUNG ĐÔNG CỦA CÔ GÁI VIỆT"

ĐIỂM BÁO: "3 NĂM LÀM DÂU Ở SA MẠC TRUNG ĐÔNG CỦA CÔ GÁI...

Dung Hoàng, 26 tuổi đang sống ở ngoại thành thủ đô Amman, của Jordan. Tuy sống ở đất nước sùng đạo và mọi thứ hoàn toàn khác ở Việt Nam, nhưng cô đã dần thích ứng và đang có cuộc sống hạnh phúc. Vợ chồng Dung có một bé trai 1,5 tuổi và chuẩn bị chào đón con thứ hai. Dưới đây là chia sẻ của Dung về những thú vị khi sống ở đất nước đạo Hồi.

ĐIỂM BÁO: ĐẠI SỨ ANH (VÀ PHU NHÂN) TẠI SAUDI CẢI ĐẠO SANG ISLAM - HÀNH HƯƠNG Ở THÁNH ĐỊA MECCA

ĐIỂM BÁO: ĐẠI SỨ ANH (VÀ PHU NHÂN) TẠI SAUDI CẢI ĐẠO...

Đại sứ Anh tại Ả Rập Xê Út Simon Collis đã cải đạo sang Hồi giáo sau thời gian dài làm công tác ngoại giao ở các nước theo tôn giáo này và được tin là đại sứ Anh đầu tiên tham dự lễ hành hương đến thánh địa Mecca.

ĐIỂM BÁO: "TÂN THỊ TRƯỞNG LONDON LÀ NGƯỜI HỒI GIÁO (MUSLIM)"

ĐIỂM BÁO: "TÂN THỊ TRƯỞNG LONDON LÀ NGƯỜI HỒI GIÁO...

Sadiq Khan, con trai của một người lái xe bus, đã trở thành vị thị trưởng theo đạo Islam đầu tiên của thành phố London. Theo hãng tin Reuters, trong cuộc bầu cử được công bố kết quả ngày 6/5, ông Sadiq Khan đã giành chiến thắng trước một đối thủ luôn tìm cách cáo buộc ông với chủ nghĩa cực đoan.