Với nghề làm thuê đây đó, không nhà cửa, ruộng đất, không vốn liếng để làm ăn, không cả nơi che mưa, che nắng khi duy nhất chỉ là một chiếc xuồng cũ kĩ gần như mục nát, chính vì thế mà cưới nhau đã mười năm, anh Aly và chị SaChiRóh (cha, mẹ cháu SaNaVi) vẫn chưa một lần dám nghĩ đến chuyện có con. Mãi đến năm 1993, chị SaChiRóh mang bầu, sinh đượcc cháu gái tên KhoLySaRóh khỏe mạnh và rất dễ thương. Có được đứa con đầu lòng, anh chị vô cùng vui mừng dù biết rằng cuộc mưu sinh phía trước sẽ rất nhiều khó khăn. Anh Aly cho biết, vất vả nhưng anh chị vẫn thấy vui vì bên cạnh sự nhọc nhằn là gương mặt trẻ thơ, hồn nhiên của sinh linh bé bỏng. Hai năm sau, chị SaChiRóh tiếp tục sinh được một cậu trai bụ bẫm đặt tên là SaNaVi. Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu thì bất hạnh ập đến khi biết cháu SaNaVi mang chứng bệnh lạ: ‘khó đi ngoài’.
Song do kinh tế khó khăn, hai vợ chồng Aly không có điều kiện cho con đến bệnh viện điều trị. Đến lúc cháu tròn 4 tuổi, căn bệnh trở nên nghiêm trọng hơn khi cháu không thể đi ngoài theo đường tự nhiên. Khi đó, vợ chồng Aly mới hốt hoảng đưa SaNaVi đến bệnh viện đa khoa Kiên Giang điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu SaNaVi mang trong người một căn bệnh quái ác là ‘trực tràng tiết niệu’ (lép hậu môn) và cần phải phẫu thuật mới mong giúp cho cháu sinh hoạt trở lại bình thường.
Trong lúc không tìm đâu ra được số tiền lớn để lo cho con, anh Aly may mắn được sự giúp đỡ của những người cùng chung trong bệnh viện, góp lại cho anh ít tiền. Cầm số tiền ít ỏi ấy, anh suy nghĩ: “Nếu dùng vào việc ăn uống thì không bao lâu tiền cũng sẽ hết mà cũng không thể lo được cho con bao nhiêu ngày”. Nghĩ thế anh Aly quyết định đến đại lý nhận một ít vé số để mang về bán xung quanh khu vực bệnh viện.
Cháu SaNaVi cùng cha trên chiếc xuồng cũ kỹ dưới bến sông và cũng là nơi đang có bốn nhân khẩu cùng chung sống.
Nhờ bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó và hoàn cảnh thương tâm của cháu SaNaVi nên việc buôn bán của anh khá thuận lợi. Suốt 4 năm ở bệnh viện, anh có thể một mình trang trải mọi sinh hoạt cho hai cha con trong khi vợ anh phải đi làm thuê cho một gia đình ở tận miền biên giới thuộc xã Khánh Bình (An Phú), mỗi tháng chỉ được 800 ngàn đồng.
Do không đủ kinh phí nên sau thời gian điều trị ở Kiên Giang, bệnh tình của cháu SaNaVi vẫn không thuyên giảm. Cháu được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng I (TP. Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị. Tại đây, điều kiện chăm sóc cháu SaNaVi tốt hơn nhưng chi phí để điều trị cho SaNaVi cao hơn rất nhiều lần. Rồi cũng như bao nhiêu năm trước, chị tiếp tục với công việc osin (người làm thuê) tận phương xa, còn anh Aly vẫn nhận vé số đi bán trong bệnh viện để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày của hai cha con. Lại thêm 5 năm nữa với công việc bán vé số nuôi con đau yếu để chờ đợi có được một phép màu kì diệu giúp anh có đủ tiền cho con làm phẫu thuật đưa ruột vào lại trong ổ bụng.
Hiện, cháu SaNaVi đang sống cùng với cha mẹ và người chị gái trên một chiếc xuồng nhỏ trên dòng sông Hậu thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú, Tỉnh An Giang. Hơn 14 tuổi, em trông rất nhỏ bé như đứa trẻ do bị bệnh lâu ngày không có tiền điều trị. Không được ăn uống đầy đủ nên đôi chân của em cũng không còn đi lại được. Vết thương khiến cho em đau nhức nhiều hơn vào những lúc trời trở lạnh.
Ông Lê Hữu Phúc, Phó ban ấp Hà Bao II tâm sự, mặc dù gia đình anh Aly có hộ khẩu thường trú ở địa phương nhưng do nhiều năm đi làm thuê mướn ở phương xa nên không thể xét cấp sổ hộ nghèo. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ xem xét để đưa gia đình anh Aly vào danh sách hộ nghèo theo tiêu chí mới của năm 2010 nhằm giúp anh giảm bớt một phần khó khăn trong việc phẫu thuật và điều trị bệnh cho cháu. Ông Phúc cũng tha thiết mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân gần xa giúp cho cháu SaNaVi có điều kiện được phẫu thuật để cháu có được cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa.
Mọi sự giúp đỡ cho cháu SaNaVi xin gửi về địa chỉ: Gia đình anh Aly và chị SaChiRóh (cha, mẹ cháu SaNaVi), tổ 25, ấp Hà Bao I, xã Đa Phước, huyện An Phú (An Giang)
Theo VTC đăng ngày 26/04/2010
لِلْفُقَرَاءِ الَّذِينَ أُحْصِرُوا فِي سَبِيلِ اللَّهِ لَا يَسْتَطِيعُونَ ضَرْبًا فِي الْأَرْضِ يَحْسَبُهُمُ الْجَاهِلُ أَغْنِيَاءَ مِنَ التَّعَفُّفِ تَعْرِفُهُمْ بِسِيمَاهُمْ لَا يَسْأَلُونَ النَّاسَ إِلْحَافًا وَمَا تُنْفِقُوا مِنْ خَيْرٍ فَإِنَّ اللَّهَ بِهِ عَلِيمٌ (273)
« (Của bố thí là dành) cho người nghèo, những ai vì Chính nghĩa của Allah đã bị hạn chế trong việc đi đây đó trên mặt đất (để tìm kế sinh nhai) ; những kẻ kém hiểu biết thấy tư cách khiêm tốn của họ tưởng rằng họ đầy đủ không cần gì khác. Ngươi (hỡi Sứ giả !) có thể nhận biết hoàn cảnh của họ qua (những nét đặc biệt) trên gương mặt của họ, họ không trơ trẻn xin xỏ và quấy rầy thiên hạ. Bởi thế, bất cứ vật tốt nào các người tiêu ra cho họ, chắc chắn Allah biết rõ nó »
الَّذِينَ يُنْفِقُونَ أَمْوَالَهُمْ بِاللَّيْلِ وَالنَّهَارِ سِرًّا وَعَلَانِيَةً فَلَهُمْ أَجْرُهُمْ عِنْدَ رَبِّهِمْ وَلَا خَوْفٌ عَلَيْهِمْ وَلَا هُمْ يَحْزَنُونَ (274)
« Những ai chi dùng tài sản của họ đêm và ngày (vào việc từ thiện) một cách kín đáo hay công khai, sẽ nhận phần thưởng của họ nơi Rabb (Allah) của họ, họ sẽ không lo sợ cũng sẽ không buồn phiền ».
(Qur’an chương 2, câu 273 và 274)