Sáng sớm tinh sương sau khi « solah fajar » chúng tôi sửa soạn hành trang với chủ tâm về « quê quán » thăm viếng những anh chị em cùng chung tín ngưỡng… Xe lăn bánh rời thành phố Hồ Chí Minh đi theo quốc lộ 22 về hướng Tây Ninh khoảng một giờ ba mươi phút đường xe.
Chúng tôi lần lượt đi qua từng địa phương này đến thôn xã nọ, và cuối cùng được đưa đến thị xã Tây Ninh, một vùng « nắng cháy da người », nhưng nó để lại cho chúng tôi một nổi ưu tư nhiều suy ngẫm…
Nhớ lại tại Việt Nam trước năm 1975, tôn giáo Islam ít có ai biết đến, nếu có biết thì cũng chỉ là sự tình cờ trong một thông tin ngắn ngũi nhưng ít người quan tâm cho lắm, cho nên tôn giáo này chỉ khép kín trong khuôn khổ của người Ấn Lai tại Sài Gòn và một số ít sống rãi rác ở các tỉnh lỵ hoặc dân tộc Chăm ở vùng đồng bằng nam bộ. Sau khi đất nước được độc lập, khoảng năm 1977 một số người dân tộc Chăm (Islam) sinh sống tại Campuchia rời bỏ Cam Bốt tìm đường về Việt Nam sinh sống vì không chịu nổi chế độ hà khắc và giết người dã man của dân quân « Polbot »… Với lòng nhân đạo của chính phủ Việt Nam, nên những người « Chăm » tị nạn này được nhà nước cấp đất để khai hoang và sinh sống tại những vùng gần ranh giới của hai bên, vào thời đó được gọi là vùng « Kinh tế mới Chè-e thuộc ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Dương Minh Châu nay là Tân Châu». Từ đó, họ tự khai hoang và xây dựng nhà cửa theo kiểu « che mưa, tránh nắng », với những nhà chồi « lợp lá, vách bùn » mà khổ thay vùng đất này là đất đỏ nắng cháy khô cằn, ít người lui tới, nên khó làm ăn sinh sống...
Chính tôi là người gốc gác Tây Ninh, sinh sống từ nhỏ ở đấy và có đi đây đó nhiều nơi trong tỉnh mà chưa bao giờ hân hạnh biết đến vùng này, ý tôi muốn nói đến Huyện Tân Châu, Tỉnh Tây Ninh, vùng đất chỉ toàn là cỏ hoang trước kia mà giờ đây dân cư bao bọc, cây trái phì nhiêu, màu xanh của ruộng nằm xung quanh dãy « Núi Bà đen » làm cho hình ảnh nổi bật trong sự ấm cúng của người dân. Khi xưa, từ thị xã muốn vào chổ này thì phải ngồi xe lôi « ì-ạch » băng qua cả chục cây số trên con đường đất đỏ lồi lõm, và hai bên đường là những « Bụi Cỏ lao » hay sình bùn văng tứ phía nếu không may trời đổ cơn mưa, nhưng giờ đây cảnh tượng ấy không còn nữa, mà thay vào đó một con đường tráng nhựa rộng lớn, những tòa nhà « moderne » đại diện cho cơ quan chính quyền hay những nhà « kinh doanh » theo qui mô « Xuất nhập khẩu » đã làm nổi bật sự phát triển của đất nước.
Chế độ nào, xã hội nào cũng có nhiều giai cấp, giàu nghèo lẫn lộn khó mà phân biệt. Nhưng mục tiêu mà chúng tôi muốn đến thì chưa thể tưởng tượng ra, thì xe quẹo vào một con đường đất đỏ vừa đủ hai xe con chầm chậm nhường bước để đi qua, nếu không khéo thì hai bánh xe sẽ lọt xuống bờ lề… Lúc này mặt trời đã gần đứng bóng mà xe từ từ « bò » khoảng vài cây số trên con đường nhỏ ấy trong sự chứng kiến của những người dân đang « nhổ khoai mì » hoặc « Chặt mía » hai bên vệ đường (sau này biết được đó là những anh chị em Muslim ở vùng này đang làm công cho một điền chủ).
Vì người bạn tôi có thông báo trước với Imam tại đó, cũng như chị Bình (ngoại đạo) phụ trách vấn đề xã hội của huyện Tân Châu, nên khi chúng tôi đến thì cũng có mặt anh chị em khoảng trên chục người, nếu không thì anh chị em phải bận đi làm nên khó mà gặp mặt. Xuống xe tay bắt mặt mừng như đã quen từ hồi nào, bao ngày xa cách nay đã hội ngộ, sau những giây phút tâm sự thì anh chị em cho biết « Chúng tôi rất mừng mỗi khi có khách đến thăm, vì chổ khỉ ho cò gáy này ít ai biết đến mà tới… », câu nói ấy làm chúng tôi bùi ngùi xúc động và nguyện trong lòng phải tìm cách gì để chia xẻ tình thương với những anh chị em ở đây.
Quả thật, điều mà chúng tôi không thể tưởng tượng ra khi trước mặt chúng tôi là một cái chòi bằng tranh ngang khoảng ba thước và dài sáu thước mà anh chị em ở đây dựng lên để làm nơi hành lễ (Surao Nourul Eshan), cái chòi rất củ kỷ và không có vách, chỉ dựng sơ sài bằng tranh cao khoảng một thước, bên trong có trải khoảng chục tấm thảm nhỏ do một cá nhân nào đó tài trợ, được biết trước đây không có thảm mà chỉ trải những bao nylon đựng gạo để bà con đứng hành lễ… Nhìn qua bên phải của « Surao » là một bồn chứa nước để lấy nước soly, chị Bình kể : « Anh chị thấy đấy, tôi không phải là người có đạo, nhưng tôi rất thương anh chị em ở đây, tôi thấy những người ở đây rất thật thà mà nghèo khổ, họ chỉ lo cặm cụi đi làm công (nếu đến mùa), nếu có làm thì mỗi ngày cũng được 35 ngàn đồng (khoảng 2 đôla/ngày), nếu không thì chỉ lo hành lễ thờ phượng Thượng đế của họ mà thôi, phần đông anh chị em ở đây đều mù chữ, chỉ có vài thanh niên còn biết chữ, nên mọi việc giấy tờ tôi đứng ra phụ giúp anh chị em ở đây ». Chị Bình nói thêm : « Tôi thấy những cha mẹ ở đây đều mù chữ mà con cái cũng trên đà nối bước theo sau, vì anh chị em ở đây nghèo quá, cơm ăn không đủ no thì tiền đâu lo cho con ăn học, mặc dù nhà nước có chính sách ưu đãi cho họ phần nào nhưng làm sao lo hết tất cả được. Nếu để tình trạng như vậy kéo dài thì đời này qua đời nọ thì chỉ lẫn quẩn như vậy mà thôi, không có gì tiến triển cả. Theo tôi, mình hãy cải cách làm thế nào khuyến khích cho các cháu đi học, nếu các cháu sau này có khả năng hay có trình độ thì mới giúp đỡ cho gia đình và cộng đồng được… »
Trong buổi họp mặt này anh Yousof (Tư Du) tự nguyện sẽ lo phần ngoại giao với những nhà tài trợ nước ngoài để giúp đỡ xây cất ngôi Thánh đường cho khang trang để bà con có nơi hành lễ ấm cúng hơn, còn phần chúng tôi vì là cá nhân thì cũng chỉ đóng góp chút đỉnh để bà con xã chay trong tháng Ramadan, sau đó có phụ giúp để đào một cái giếng nước cho Masjid và trao tặng bảy chiếc xe đạp cho các cháu để làm chân đi học theo ý kiến của chị Bình. Một tháng sau, chúng tôi cho người đến phân phát gạo cho những gia đình nghèo dùng trong tháng Ramadan và có quyên góp một số tiền Zakak gởi về cho những gia đình nghèo tại đây. Tôi cũng được biết qua chị Bình, cộng đồng Muslim tại đây đang tiến hành mua một miếng đất để làm nghĩa trang cho người Muslim, nhưng tài chính không đủ, nếu ai có lòng hão tâm phụ giúp xin liên hệ ông Imam qua số điện thoại của anh Toheh (Tổng thư ký của Surao Chè-e) : 0084- (0) 989968842 hoặc chị Bình phụ trách xã hội của huyện Tân Châu : 0084- (0) 908933441 để hiểu rõ hơn.
Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi được mời dùng buổi cơm thân mật trong Surao bé nhỏ, dù chỉ một con gà để phục vụ cho mười mấy người ăn, món canh món mặn, nhưng đó là tình đoàn kết thân thương trong tình nghĩa huynh đệ Islam. Chia tay ra về chị Bình và chị Amina (người Muslim làm việc chung với chị Bình ở Huyện) còn gởi chúng tôi một phần quà vô cùng quí báu, đó là món quà mang đậm chất « cây nhà lá vườn », dừa xiêm, mít, măng và tiêu hột.
« Một miếng khi đói bằng một gói khi no », đem lại ý nghĩa người nghèo rất cần một đồng phụ giúp của chúng ta, còn hơn cầm mười đồng mà cho những người đã dư ăn đủ mặc. Hi vọng bài gợi ý này sẽ là lời kêu gọi những anh chị em Muslim giàu lòng nhân ái và những nhà hão tâm thường xuyên làm Sadakoh nên xuyên qua ống kính « Muslim tại vùng sâu vùng xa » để biết sự làm phước của mình sẽ để ở đâu cho đúng chổ và có nhiều giá trị…
Cầu xin Allah che chở và bảo vệ cho những anh chị em cùng các cháu được nhiều hồng phúc, Barak-Allahou Fikum.
Abu Azizah
Tháng 09 / 2008
Surao Nurul Eshan (Chè-E)
Bên trong Surao
Buổi cơm thân mật
Hội thảo
Bồn chứa nước