Alhamdulillah, xin chân thành Ca ngợi và Tạ ơn Allah, Đấng Tạo Hóa và An Bày tất cả những gì trong vũ trụ bao la bát ngát, cầu xin bình an và tốt lành cho sứ giả Muhammad (saw), vị Thiên sứ cuối cùng của nhân loại, cùng gia quyến và bằng hữu và những người noi theo Người cho đến Ngày Sau. Ammabađu…
Vài hàng giới thiệu về Abu Fawzaan.
Abu Fawzaan "Có nghĩa là Cha của Fawzaan" là bút hiệu của anh Muhammad Saleh, bởi Fawzaan là tên đứa con trai lớn của anh. Abu Fawzaan là cựu sinh viên trường đại học Islammiyah of Madinah (Arabie saudi), trước khi anh được tiếp nhận vào trường đại học Islammiyah thì trước đó anh đã theo học một khóa ngôn ngữ Arập và Thiên Kinh Qur’an tại trường Ummulquro tại Cambuchia trong thời gian khoảng hai năm. Đến năm 2000 anh được tiếp nhận đi du học tại University Islamic of Madinah trong thời gian là bảy năm, và anh đã lấy bằng tốt nghiệp ra trường vào năm 2007 – 2008. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp thì anh trở về quê hương ở Ấp Hà Bao 2 - Xã Đa Phước - Huyện An Phú - Tỉnh An Giang để sum hợp với vợ con và cha mẹ sau bảy năm xa cách (trong thời gian bảy năm du học thì mỗi năm có về thăm gia đình một lần ba tháng nghĩ hè). Khi trở về quê hương (nơi sinh trưởng – xã Đa Phước) thì anh được Ban Quản trị Masjid Ansorussunnah mời anh tham gia dạy học Thiên Kinh Qur’an và giáo lý Islam cho các cháu nhỏ Muslim trong vùng. Ngôi trường Ansorussunnah gồm có hơn 100 học sinh, nhưng số phận của anh làm nghề giáo tại đây chỉ được hơn một năm thì khoảng tháng 07 năm 2010 anh nhận được công văn của "Văn phòng tìm hiểu và hướng dẫn về Islam tại thủ đô Riyadh - Arabie Saudi" mời anh trở lại Riyadh để làm việc trong vai trò "Dawah Islam cho những người Việt đang lao động tại xứ Arab", anh đã nhận lời và làm việc tại văn phòng nầy cho đến nay.
Alhamdulillah, vào ngày 20-11-2011 đài truyền hình Bidayah tại Riyadh đã mời anh Abu Fauzaan đến trường quay để phỏng vấn anh về chương trình mà anh đã giới thiệu Islam cho cộng đồng người Việt đang lao động tại Saudi trong những thời gian qua. Anh Abu Fauzaan nhận lời và có mời thêm anh Trần xuân Tình, một người Việt mới gia nhập đạo Islam cách nay không lâu để cùng tham dự chương trình này. Anh Trần Xuân Tình quê quán ở Hà Tỉnh và sau khi đã vào Islam anh muốn có thêm tên đạo là Ha-Niêph. Anh Tình đã sang Arabie Saudi nầy được hơn ba năm và đang giữ chức vụ là quản lý công nhân Việt Nam cho một công ty xây dựng SALAMUC tại thủ đô Riyadh, công ty này có khoảng 200 người lao động Việt Nam. (xem hai đoạn vidéo đính kèm)
Sau những ngày tháng làm việc và tiếp xúc với những người Muslim Arab thì anh Tình đã nhận thấy những con người ở đây có nếp sống giản dị và chân thật, nhất là xã hội nơi anh đang làm việc không có rượu chè, trai gái, cờ bạc, lường gạt hay cướp giựt… nghĩa là một xã hội việc ai nấy làm chỉ khi đến giờ hành lễ (nghe tiếng gọi Azan 5 lần một ngày) thì tất cả mọi người tự động ngừng công việc để đến Thánh đường cúi lạy Thượng Đế của họ, đó là lề lối sống của những người thuần phục tôn giáo Islam tại nơi sinh ra tôn giáo này. Thế là sự tò mò của anh Tình nhóm dậy và anh âm thầm nghiên cứu tìm hiểu giáo lý Islam. Sau thời gian tìm hiểu không biết là bao nhiêu thi đúng vào ngày đại lễ "Eid al Fitr năm 1432" tức ngày Roya của tháng Ramadan năm 1432 H (2011) vừa qua, anh Trần Xuân Tình (Ha-Niêph) đã tự nguyện đọc câu tuyên thệ (Shahada) để trở thành người Muslim. Từ đó, ngoài những giờ làm việc, anh Ha-Niêph (Tình) rất siêng năng tìm kiếm sách vỡ để học hỏi thêm về giáo lý Islam, và anh cũng luôn khuyến khích những anh chị em đồng hương hãy nên tìm hiểu tôn giáo Islam vì đó là tôn giáo chân chính của nhân loại. Trong thời gian qua, trước là nhờ sự ban ân của Allah, sau đó là nhờ sự kêu gọi của anh Ha-Niêph Tình nên có một số anh chị em lao động người Việt thuộc công ty SALAMUC đã đến "Văn phòng tìm hiểu và hướng dẫn về Islam tại thủ đô Riyadh - Arabie Saudi" để tìm hiểu rõ ràng về tôn giáo Islam, và kết quả được biết có khoảng 80 người Việt đang lao động tại đây đã đọc câu tuyên thệ vào đạo Islam, đa số là phụ nữ. Masha-Allah.
Tại Arabie Saudi ngoài nhóm người Việt của công ty Salamuc nầy thì còn có nhiều công ty lao động người Việt khác. Theo anh Abu Fawzaan cho biết thì có khoảng mười ngàn người Việt (nam nữ) đang làm việc tại Saudi nầy, trong số đó Nam thì đa số làm việc cho những công ty xây dựng, chỉ có một số ít làm việc nhân viên văn phòng hay là tài xế, còn nữ phần đông là phụ giúp việc nhà (Osin). Phần đông anh chị em Việt Nam đến xứ lạ quê người đã gặp khó khăn vấn đề ngôn ngữ nên bất tiện cho việc di chuyển, mặt khác ngoài giờ làm việc anh chị em còn phải nhín chút thời giờ lo cơm nước nên việc tìm hiểu Islam cũng bị hạn chế. Dù có những trở ngại đó nhưng Allah cũng đã hướng dẩn một số lớn đã hiểu và thuần phục tôn giáo Islam. Điều quan trọng hơn đó là một số anh chị em sau khi theo Islam thì đang lo ngại, họ luôn luôn đặc vấn đề là: "Chỉ có bản thân mình đã theo Islam. Nhưng cha mẹ, anh chị em, vợ hay chồng hoặc là dòng họ láng giềng… không biết họ sẽ đối xữ với mình như thế nào sau khi trở về quê hương?"
Chính những sự lo âu đó, anh Abu fawzaan có vài lời khuyên nhủ và kèm thêm một đoạn tiểu sử của Nabi Muhammad (saw) và các bạn hữu của Người, mong rằng anh chị em hiểu được một người theo đạo Islam phải kiên nhẩn và chịu đựng trong niềm tin vững chắc, vì khi xưa Nabi Muhammad (saw) đã từng khốn khổ và chịu đựng cay đắng như thế nào để Tôn giáo Islam được đứng vững đến ngày hôm nay.
Tóm lược sự ra đời của Islam.
Năm Nabi Muhammad (saw) được bốn mươi tuổi. Sau khi Người nhận mệnh lệnh (wahy) từ Allah thì Người bắt đầu truyền bá chân lý cao thượng của Allah cho quần chúng. Người bắt đầu từ trong gia đình, rồi thân quyến, bạn bè dần dần đến quần chúng. Người đầu tiên đã tin theo đó không ai khác hơn là người vợ yêu quý của Người, bà đã hết lòng tin tưởng, giúp đỡ, an ủi Người khi Người bị người ta chỉ trích hay bạc đãi. Bà đã cung phụng cho Người mọi thứ, từ tinh thần đến vật chất, đó là bà Khadijah (R). Người đàn ông đầu tiên theo đạo là ông Abubakar As Siddik (R). Đứa trẻ đầu tiên theo đạo là ông Aly Ibnu Abitalib (R), lúc đó ông Aly chỉ mới được mười tuổi. Đứa con đỡ đầu đầu tiên theo đạo là Zaid ibnu Harith (R). Nô lệ đầu tiên theo đạo là ông Bilal ibnu Ribah Al Habashi(R). Từ đó, Islam bắt đầu phát triển dần dần, từ cá nhân đến gia đình, người thân thuộc, láng giềng. Những người không tin bắt đầu cảm thấy sự thờ phụng của họ từ xưa bị lung lay, sứt mẻ nên họ bắt đầu chống lại những người tin tưởng bằng những lời chê bai, sỉ nhục, gây xáo trộn và tạo sự đe dọa cho những người tin tưởng. Nhưng rồi nó không đem lại kết quả mà càng ngày, người theo đạo càng đông nên họ đã dùng đến vũ lực bằng cách ném đá, tẩy chay, hành hạ những nô lệ yếu hèn theo đạo. Ngay cả Nabi Muhammad (saw) cũng bị họ ném những cặn bã vào mình. Mỗi khi Nabi Muhammad (saw) đang hành lễ trong thánh đường (Masjid), họ cũng hà hiếp và đưa lời sỉ nhục. Mặc dù phải chịu biết bao nhiêu khổ cực nhưng Nabi Muhammad (saw) và những người theo đạo vẫn vững lòng chịu đựng cho đến một ngày Nabi Muhammad (saw) thấy những người anh em theo đạo đã chịu đựng quá nhiều nên cho phép họ li hương (Hidroh) đi Habashi (Ethopia) để lánh nạn.
Cuộc li hương đầu tiên vào năm 615 kỉ nguyên Gia tô gồm có 16 người, trong đó có 4 người đàn bà. Cuộc li hương này lại không đem sự tốt lành hơn cho những người ở lại. Những người chống đối biết được, họ tăng cường sự hành hạ đối với những người ở lại. Nhưng sau khi Allah hướng dẫn ông Hamzah (R) và ông Omar ibnu Al Khottob (R) vào Islam thì tinh thần của người Muslim mạnh dạn và sáng sủa hơn. Từ đó, theo lời yêu cầu của ông Omar (R) là công khai việc truyền bá Islam cho tất cả quần chúng vì lúc đó Islam đã vững mạnh, nhưng Nabi Muhammad (saw) không cho phép chống lại những người chống đối ở Makkah.
Những người chống đối Islam thấy càng ngày có nhiều người theo Islam nên họ càng tức giận và càng chống đối mãnh liệt hơn, họ gia tăng sức ép và hành hạ dã man đến những người theo Islam, thấy vậy Nabi Muhammad (saw) ra lệnh cho dân chúng phải li hương đi Habashi lần nữa. Kỳ li hương này, đoàn người đã lên đến 83 đàn ông và 11 đàn bà. Họ đã được vua Najasi ở Ethopia bảo đảm an ninh và tiếp đãi chu đáo. Ở đó, họ được mọi quyền công dân như người dân bản xứ. Theo hadith soheh thuật lại : Sau khi vua Najasi mất, Nabi Muhammad (saw) đã ra lệnh tín đồ ở Medinah cùng Người phải Soly Janazah Go-ib (hành lễ solah cho người chết vắng mặt) cho ông ta, vì ông vua này là nhà thông thái học của Thiên Chúa giáo đã bỏ đạo của ông để theo Islam.
Trong thời gian đó, những người đa thần ở Makkah bắt đầu lo lắng khi biết được sự an toàn của những người Muslim dời cư đi Habashi. Ngoài sự kiện đó ra, từ khi ông Hamzah (R) và ông Omar (R) vào Islam, họ không dám đụng chạm trực tiếp vì xưa nay họ rất ngại khi phải đối đầu với hai nhân vật này. Do đó, họ thay đổi chiến lược bằng cách tập hợp lại những bộ tộc Arập để tẩy chay những người Muslim và thân nhân của những người theo đạo Islam.
Nhiều bộ lạc ở chung quanh hợp lại, viết lên một giao ước chống bộ lạc Hashim và Bani Muttalib bằng cách trục xuất những người theo đạo Islam và hai bộ lạc này ra sống cô lập ở ngoại ô Makkah, bởi nơi đó không có giếng nước, không có cây cối, không buôn bán giao thiệp, không cưới gả với những người này cho đến khi nào Nabi Muhammad (saw) chịu ngưng truyền bá Islam. Cuộc tẩy chay, cô lập này kéo dài hơn hai năm trời đến nỗi họ không còn thực phẩm, phải ăn những lá khô, thiếu thốn mọi nhu cầu cần thiết. Trong thời gian này, bà Khadijah (Ra) đã tiêu dùng hầu như gần hết gia sản của bà để giúp chồng củng cố và tiếp tục truyền bá Islam. Tờ giao ước đó, sau khi được thỏa thuận xong, họ đem niêm yết trong Ka’bah để không một ai dám đụng đến. Cho đến một hôm, Nabi Muhammad (saw) nói với người bác là tờ giao ước đó đã bị mọt ăn hết chỉ chừa lại duy nhất chữ Allah mà thôi. Nabi Muhammad (saw) cũng bảo đảm với người bác là nếu sự việc xảy ra không như lời Người nói thì Nabi Muhammad (saw) sẽ ra đầu hàng. Sau đó, người bác mời những người chống đối tới nơi điều đình và ra điều kiện như Nabi Muhammad (saw) đã nói. Khi hai bên cùng nhau đến mở cửa Ka’bah để xem thực hư thế nào thì quả thật mọt đã ăn hết những chữ viết trên đó và chỉ chừa lại chữ Allah mà thôi. Sự thật đã quá rõ ràng nên không ai chối cãi nữa đành phải trả tự do cho những người Muslim và hai bộ lạc liên quan đến Nabi Muhammad (saw). Từ đó, tiếng vang của Islam ngày một tăng thêm. Trên đời này, không gì tồn tại mãi mãi, tới một ngày nào đó con người cũng phải theo qui luật để trở về với Allah. Thật vậy, người đã nuôi nấng, che chở bảo vệ cho Nabi Muhammad (saw) từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, giai đoạn gian nan nhất trên con đường truyền bá đạo giáo mà lúc nào Nabi Muhammad (saw) cũng đặt hi vọng là sẽ cùng người bác bước chân vào thiên đàng để hưởng một cuộc đời bình an, vĩnh cửu nhưng không ngờ giây phút cuối cùng của cuộc đời, người bác đã chết đi trong hàng ngũ của đa thần vì từ chối không chịu đọc câu tuyên thệ Shahadah (câu chứng nhận chỉ có một Thượng Đế Duy Nhất và Muhammad là Sứ Giả của Ngài) chỉ vì tự ái, sợ dư luận những người Arập chê cười cho là theo đạo của cháu truyền lại mà quên đi cách thờ phụng đa thần của tổ tiên xưa kia. Người bác đó không ai xa lạ, chính là ông Abutalib, bác của Nabi Muhammad (saw). Nabi Muhammad (saw) đau buồn, thương xót cho cái chết không cùng đạo của bác nên Người cầu nguyện ngày đêm cho đến khi Allah truyền lệnh xuống với câu kinh để cảnh tỉnh như sau:
إِنَّكَ لَا تَهۡدِي مَنۡ أَحۡبَبۡتَ وَلَٰكِنَّ ٱللَّهَ يَهۡدِي مَن يَشَآءُۚ وَهُوَ أَعۡلَمُ بِٱلۡمُهۡتَدِينَ ٥٦
"Ngươi không thể dẫn đạo tất cả những người mà ngươi yêu mến nhưng Allah sẽ dẫn đạo bất cứ kẻ nào mà Ngài hài lòng và Ngài biết rõ nhất ai có thể chấp nhận sự dẫn đạo của Ngài." Chương 28 : 56
Vì quá yêu thương và thấu hiểu hậu quả đau khổ cùng sự hành hạ khốc liệt trong địa ngục nên Nabi Muhammad (saw) đã không ngừng cầu nguyện xin Allah tha thứ tội lỗi cho người bác. Sau đó, Allah đã truyền đoạn kinh xuống với ý nghĩa như sau:
مَا كَانَ لِلنَّبِيِّ وَٱلَّذِينَ ءَامَنُوٓاْ أَن يَسۡتَغۡفِرُواْ لِلۡمُشۡرِكِينَ وَلَوۡ كَانُوٓاْ أُوْلِي قُرۡبَىٰ مِنۢ بَعۡدِ مَا تَبَيَّنَ لَهُمۡ أَنَّهُمۡ أَصۡحَٰبُ ٱلۡجَحِيمِ ١١٣
"Sau khi biết rõ những kẻ thờ đa thần giáo là người ở địa ngục, dẫu họ là người thân thích đi nữa, những vị sứ giả và các tín đồ không được xin sự ân xá cho họ." Chương 9 : 113
Theo hadith soheh (lời kể có thật) do Muslim ghi lại, bác của Nabi (saw) bị đày vào tầng cuối cùng của địa ngục, nhưng với hồng phúc và sự vị tha của Allah cùng những hành động của ông Abutalib đã từng hết lòng bảo vệ và che chở cho sự truyền bá của Nabi Muhammad (saw) nên Allah đã giảm xuống tầng nhẹ nhất của địa ngục nhưng ông sẽ không bao giờ ra khỏi địa ngục.
Đọc qua ý nghĩa của câu kinh trên, ta hiểu rằng ngay cả Nabi Muhammad (saw) không cứu vớt được bác ruột của mình ra khỏi sự hành hạ khủng khiếp trong địa ngục huống chi những người tầm thường như chúng ta. Sự cứu rỗi đó chỉ được phép khi Allah ưng thuận mà thôi, không một ai có thể làm trung gian hay can thiệp vào được. Chúng ta chỉ là người truyền đạt, khuyên răn, còn lòng hướng thiện là do Allah quyết định.
Sau khi anh chị em đọc qua một đoạn tiểu sử của Nabi Muhammad (saw) và các bạn hữu của Người thì anh chị em nên hiểu rằng, khi xưa một người đã chấp nhận vào đạo Islam thì phải chịu đựng rất nhiều khó khăn và sự thử thách rất lớn lao của Allah chớ không phải là dể dàng như chúng ta thấy ngày nay, từ những điều đó được chứng minh rằng Islam được dựng lên chỉ do một người, đó chính là Thiên Sứ Muhammad (saw). Nhưng ngày nay số người theo Islam đã có hơn 1 tỷ. Và tỉ số nầy là nhờ Thiên Sứ Muhammad (saw) và các bạn hữu của Người giữ vững niềm tin để chịu đựng khó khăn và sự thử thách của Allah trong thời gian truyền bá, nếu không thì mình chẳng có được như ngày hôm nay. Do đó, Abu Fawzaan vài lời khuyên anh chị em hãy nên nhắc nhở chính bản thân mình phải kiên nhẩn và chịu đựng khó khăn và mỗi sự thử thách của Allah thì mới thành đạt ở Ngày Sau.
Cầu xin Allah soi sáng cho những người đang tìm hiểu về chân lý của Ngài và cầu xin Ngài chấp nhận hành đạo của chúng ta, Amin.
Abu Fawzaan
Cựu sinh viên University of Madinah
Đang làm việc “Cơ Quan truyền bá
tôn giáo Islam tại Riyadh – Arabie Saudi”