Tiếng kêu cầu kinh từ trên tháp tỏa khắp các ngõ ngách một khu dân cư ở thành phố Hồ Chí Minh trong lúc những người đàn ông đội mũ thêu, quấn xà rông nhiều màu sắc tụ tập về thánh đường Hồi giáo trong khu. Cảnh này khiến người ta liên tưởng đến Malaysia, Indonesia hay Brunei hơn là Việt Nam với văn hóa ảnh hưởng Trung Quốc, và người Hồi Giáo chỉ là một nhóm rất nhỏ.
Cộng đồng nhỏ này ở một khu vực thuộc quận Tám nói họ là nhóm người Chăm Hồi giáo lớn nhất ở khu đô thị vẫn thường được gọi một cách không chính thức là Sài Gòn này. Họ có 1.300 cư dân, các nhà hàng đồ ăn halal, một thánh đường lớn cùng một ngôi trường thường xuyên gửi học sinh qua Malaysia để tiếp tục học lên cao.
Cũng có các cộng đồng người Chăm khác ở miền trung và nam Việt Nam, tất cả đều là hậu duệ của dân tộc từng có vương quốc Champa trị vì ở đây nhiều thế kỷ. Chính phủ nói có trên 100 nghìn người Chăm ở đất nước có dân số 86 triệu người đa số là theo đạo Phật.
" Người Chăm đã thua và mất nước. Tôi cảm giác như đang sống trong một đất nước khác và không phải nhà mình," một bà bán bún năm nay 49 tuổi cho biết tên mình là Hachot.
Trong hàng trăm năm, người Chăm theo Ấn giáo từng phổ biến ở các phần đất mà nay là miền trung và miền nam Việt Nam và chỉ dần dần chuyển sang Islam. Nhưng đến cuối thế kỷ 15 người Việt đã vươn xuống phía nam khi Champa suy tàn. Hôm nay, di sản còn rõ nhất của vương quốc này là di tích thánh địa Mỹ Sơn gần Đà Nẵng. Đây là khu vực được UNESCO xếp hạng di sản thế giới và thu hút nhiều khách du lịch. Giới nghiên cứu nói hôm nay có hơn 80% dân Chăm là tín đồ của Hồi giáo.
Theo các số liệu của chính phủ, người Chăm là nhóm nhỏ nhất trong sáu nhóm tôn giáo chính ở nước này, với Phật giáo là lớn nhất. Hoạt động tôn giáo vẫn thuộc quyền kiểm soát của nhà nước tại nước Việt Nam, nhưng tín ngưỡng theo nhiều hệ phái tôn giáo khác nhau đang phát triển.
Người Hồi giáo giữ một cuộc sống ít gây chú ý. " Chúng tôi chỉ theo tôn giáo của mình. Chúng tôi không quan tâm đến chính trị," theo Haji Mousa, 52 tuổi, phó ban quản lý trường học trong khu. Ông thành thạo tiếng Malaysia và biết một ít tiếng Ả-rập. Ông Mousa nói thành phố Hồ Chí Minh có hơn một chục vị imam, đều đào tạo tại Việt Nam. Các vị imam nước ngoài cũng ghé thăm, đặc biệt là từ Malaysia, và kinh Koran được dịch sang tiếng Việt. Người gày gò trong bộ áo sơ mi không cổ và xà rông bên dưới, kính gọng kim loại, ông sống ở quận Tám này từ thập niên 1960s, khi những người Chăm đầu tiên đến đây.
Nhiều người xuất thân từ tỉnh An Giang ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, nơi Châu Đốc vẫn đang có một cộng đồng người Chăm Hồi giáo rất lớn. Hồi đầu, những ngôi nhà của người Chăm ở quận Tám vẫn còn làm bằng gỗ và mái lá. Điện được kéo về trong năm 1990, sau đó khá lâu có thêm chiếc cầu được xây để nói khu vực từng bị cô lập với thành phố, kéo theo đường xá được cải thiện và phát triển nhanh chóng trong khu xung quanh.
Theo dân cư, hiện có 16 thánh đường ở thành phố Hồ Chí Minh, mà một số được xây nhờ hỗ trợ của các nước Hồi giáo. Một tấm bảng nói thánh đường Jamiul Anwar này được xây lại vào năm 2006 với tiền tài trợ từ Các tiểu vương quốc Ả rập và Hội chữ thập đỏ. Mặc dù họ được tài trợ từ Trung Đông, quan hệ của người Chăm với Malaysia và Indonesia vẫn mạnh hơn, một phần nhờ các giá trị tôn giáo và văn hóa chung.
" Người Malaysia đến đây và giúp đỡ các trường học, tạo việc làm," bà Hachot nhớ lại.
Mối quan hệ được thiết lập cách đây hơn 20 năm sau khi Việt Nam bắt đầu chính sách mở cửa kinh tế từ từ. Bà nói không cảm thấy là một phần của xã hội Việt Nam rộng hơn, mặc dù chính phủ đã giúp bà xây lại nhà vài năm trước. Thái độ của nhóm đa số người Kinh với người Chăm rất khác nhau, bà Hachot nói. " Một số người Kinh nói người Chăm ở dơ," bà nói, và họ không thích chuyện người Chăm kiêng thịt heo. Những người khác thì không chú ý."
Nhiều cư dân Hồi giáo lớn tuổi hành hương về Mecca, và đa số người Chăm có tên Ả-rập trên giấy chứng minh nhân dân do chính phủ cấp.
· Mohamath Zukry năm nay 22 tuổi, từ quê An Giang lên đây cách nay 18 tháng để học và sống trong madrassa. Anh có kế hoạch sang Malaysia để kết thúc quá trình học đạo, và để học công nghệ thông tin.
· Người ít mộ đạo hơn là Mack Aly năm nay 29 tuổi, là người môi giới nhà đất sống bên ngoài khu người Chăm, nói anh vẫn thích uống rượu với bạn, và hẹn hò một phụ nữ không phải Hồi giáo.
" Ở Việt Nam tôn giáo không mạnh lắm. Tôi sẽ không ăn thịt heo, nhưng tôi không cầu kinh mỗi ngày năm lần. Tôi uống rượu và hút thuốc," anh giải thích trong một quán cà phê sang trọng. Aly và gia đình tận dụng cơ hội do cộng đồng Hồi giáo đem lại. Anh em trai làm việc ở Ai Cập còn chị em gái ở Indonesia.
Trùm khăn, mặc váy dài và áo khoác tay là thời trang thường thấy trong khu người Chăm nhưng phụ nữ bỏ khăn trùm đầu khi đi làm, và có khi mặc quần jeans. Họ nói làm như vậy một phần vì sợ bị các đồng nghiệp phân biệt đối xử.
Ngô Văn Đông năm nay 50 tuổi là một trong số ít người Kinh cải đạo, mặc dù bị gia đình phản đối vì nghĩ rằng tôn giáo này " kỳ cục". Người thợ cơ khí này nói chuyển sang Islam chủ yếu là vì lấy vợ người Chăm hơn là vì tôn giáo. Sau một thời gian ông bắt đầu tìm hiểu rồi giữ vững̀ lòng tin tuyệt đối chân lý Islam, bây giờ ông trở thành một trong những thầy giảng dạy thiên kinh Qur'an tại TP HCM.
Như những người Hồi giáo trên thế giới, người Chăm ở quận Tám cũng giữ lễ Ramadan đến hết ngày 9 tháng Chín 2010. Họ cũng thường ăn Tết Việt Nam, mặc dù không thực hiện các nghi lễ tâm linh kèm theo. " Nhưng chúng tôi vẫn vui," lời của ông Đông.
Theo BBC tiếng Việt cập nhật ngày 07/09/2010
VÀI HÌNH ẢNH TẠI MASJID JAMIUL ANWAR
DƯƠNG BÁ TRẠC QUẬN 8 TP HCM
Mặt tiền của Masjid Jamiul Anwar trùng tu lần thứ ba năm 2006
Do nguồn tài trợ RED CRESCENT Abu Dhabi UAE 120000 USD
Madrasah Al-Nur trong phạm vi của Masjid Jamiul Anwar
Học sinh đến từ các tỉnh đến tạm trú tại đây
QIBLAT của Masjid Jamiul Anwar