Song song đó, có một số ít người tìm hiểu đến nơi đến chốn nên có những lời nhận xét trung thực và đúng đắn mặc dầu cách dùng “từ” chưa được chính xác lắm. Chúng tôi xin đăng lại bài nhận xét “Về cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam hiện nay” của ông Lê Nhâm hiện đang công tác trong “Ban Tôn Giáo Chính Phủ”, và bản tin của “Thông Tấn Xã Việt Nam” ra ngày 21 tháng 01 năm 2008 như sau:
Về cộng đồng Hồi giáo ở Việt
Nam hiện nay
Hồi giáo là một tôn giáo có số lượng tín đồ lớn trên thế giới khoảng trên 1 tỷ người. Ngày nay, Hồi giáo đã có mặt ở hầu hết các châu lục, trong đó có hàng chục quốc gia coi Hồi giáo là quốc đạo.
ở Việt Nam, Hồi giáo có 2 dòng, dòng Bàni còn gọi là Hồi giáo cũ, dòng Islam còn gọi là Hồi giáo mới; cả hai dòng số lượng tín đồ không đông (trên 64.000 người) với tuyệt đại bộ phận tín đồ Hồi giáo là người Chăm, các dân tộc khác rất ít. Địa bàn sinh sống tập trung ở khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, một số tỉnh thành phố khác rải rác có ít tín đồ, ở phía Bắc chỉ có duy nhất một thánh đường ở Hà Nội với vài chục tín đồ.
1. Về tín đồ: Như trên đã trình bày tuyệt đại bộ phận tín đồ Hồi giáo là người Chăm, tuy vậy, không phải người Chăm nào cũng theo đạo Hồi. Cộng đồng dân tộc Chăm theo hai tôn giáo chính là đạo Hồi (bao gồm Islam và Bàni) và đạo Bàlamôn. Người Chăm Hồi giáo hiện sinh sống ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tại hai tỉnh Nam trung bộ là Ninh Thuận và Bình Thuận là nơi tập trung đông đảo người Chăm, tại Ninh Thuận có 26.327 tín đồ, trong đó tín đồ đạo Bàni là 22.745 người, Islam là 1.791 người; tại Bình Thuận có 16.428 tín đồ đạo Bàni, không có tín đồ Islam, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 4.580 tín đồ Islam, tỉnh An Giang có 12.696 tín đồ đạo Islam, không có tín đồ đạo Bàni, tỉnh Tây Ninh có 2845 tín đồ Islam, các tỉnh khác như Đồng Nai có 1679 tín đồ, Bình Dương có 300, Bình Phước có 270 tín đồ Islam.
Những người theo đạo Islam ở Việt
Nam thuộc phái Safi'i dòng Sunnit có khoảng 26.000 tín đồ. Tín đồ đạo Islam luôn giữ gìn nghiêm ngặt những quy định về giáo lý, giáo luật của Hồi giáo chính thống, thể hiện qua việc thực hành nghiêm túc 5 cốt đạo. Hàng năm họ có nhiều ngày lễ khác nhau như: kỷ niệm ngày sinh của Thiên sứ Mohammad, ngày Mohammad trở về thánh địa Mecca, thánh lễ ngày thứ 6 hàng tuần, lễ trong tháng chay Rammadan, lễ hành hương về thánh địa Mecca, lễ đón năm mới theo Hồi lịch…
Những người theo đạo Hồi dòng Bàni có khoảng 39.000 tín đồ, là kết quả của sự hỗn dung giữa đạo Islam và đạo Bàlamôn và nhiều yếu tố tín ngưỡng dân gian khác của dân tộc Chăm. Khác với người Chăm theo đạo Islam, trong tâm thức tôn giáo của người Chăm Bàni đã có những thay đổi khá căn bản, họ không thực hiện 5 cốt đạo của đạo Hồi, thánh đường (chùa) của người Bàni chỉ mở cửa vào tháng chay Ramadan của đạo Islam mà họ gọi là tháng Ramưwan để chức sắc đến chùa thực hành nhịn chay, kinh Qur'an chép tay theo lối cha truyền con nối nên giản lược so với kinh Qur'an gốc mà tín đồ Islam vẫn sử dụng, không có mối liên hệ với hệ thống đạo Hồi quốc tế, không đi hành hương viếng thánh địa Mecca, không tổ chức những ngày lễ trọng như Hồi giáo chính thống, thay vào đó là những lễ hội mang đậm nét truyền thống văn hoá Chăm. Có thể nói rằng, Hồi giáo Bàni ở Việt Nam là tôn giáo đặc trưng chỉ có ở Việt Nam, nó gắn chặt với dân tộc Chăm, là một phần tạo nên bản sắc văn hoá tôn giáo của người Chăm, mặt khác chính bản sắc văn hoá của người Chăm đã có tác động làm "mềm hoá" tính cứng nhắc của Hồi giáo, những đặc điểm ấy đã làm cho bức tranh Hồi giáo ở Việt Nam phong phú và đa dạng.
Nhìn chung, dù là người Chăm theo đạo Hồi chính thống (đạo Islam) hay theo đạo Hồi đã cải biến (đạo Bàni), hoặc người Chăm có tín ngưỡng tôn giáo khác (đạo Bàlamôn) họ đều có tinh thần đoàn kết gắn bó, hoà hợp với các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đã đang và sẽ là cộng đồng dân tộc tôn giáo yêu nước Việt Nam, phấn đấu vì sự cường thịnh của Tổ quốc Việt Nam XHCN.
2. Về cơ sở thờ tự, chức sắc, tổ chức của người Chăm Hồi giáo.
2.1. Cơ sở thờ tự: Cũng như các tôn giáo khác, cơ sở thờ tự của Hồi giáo là chốn linh thiêng, là nơi chuyển tải những ước mong về tâm linh của tín đồ đối với thượng đế Allah, vì vậy, mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhà cửa chưa được khang trang nhưng cộng đồng Hồi giáo dành nhiều công sức, tiền của để tôn tạo, sửa chữa hoặc xây mới các thánh đường.
Thánh đường của người Chăm Islam có dáng dấp của các thánh đường Hồi giáo trên thế giới. Nó tôn trọng những quy định về kiến trúc cũng như cách bài trí bên trong. Có hai loại: thánh đường (Mosqué) và tiểu thánh đường (Surau). Thánh đường xây theo hướng Đông - Tây để khi quỳ lạy tín đồ hướng về phía thánh địa
Mecca. Bên trong có hậu tẩm là nơi chức sắc Imâm đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ, có Minbar là nơi thầy Khotip giảng giáo lý. Bên góc thánh đường có tháp cao để chức sắc kêu gọi tín đồ đến hành lễ. Tiểu thánh đường còn gọi là nhà nguyện là nơi cầu nguyện và hội họp. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay cả nước có 41 thánh đường, 19 tiểu thánh đường Islam, tập trung nhiều nhất ở An Giang (16 thánh đường, 8 tiểu thánh đường).
Cơ sở thờ tự của đạo Bàni gọi là chùa, nhìn chung, chùa được xây dựng khá đơn giản, hình thức bên ngoài và cách sắp xếp bên trong đều có sắc thái riêng mang tính địa phương, không giống như các thánh đường Hồi giáo trên thế giới. Bên trong chùa có một cây thánh là vật linh thiêng duy nhất được thờ, một cái trống lớn là nhạc cụ duy nhất để phục vụ lễ hội. Phần cuối của chùa đặt một chiếc hậu tẩm là nơi để thầy Mum Tân (người mới được tấn chức trong kỳ lễ hội xoay vòng) giảng giáo lý. Chùa Bàni chỉ được mở vào tháng chay Ramưwan - tháng vào chùa của các chức sắc Bàni. Đây còn là nơi các chức sắc trao đổi kinh nghiệm sản xuất của cộng đồng tín đồ, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, toàn đạo Bàni có 17 chùa (chỉ có ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận).
2.2. Về chức sắc Hồi giáo.
- Chức sắc Chăm Bàni: Đây là lực lượng có vai trò rất quan trọng không những trong đạo mà cả trong đời sống xã hội của cộng đồng tín đồ Bàni - hiện nay tổng số có 407 người. Chức sắc Bàni không được khuyến khích sống độc thân, họ là người am hiểu giáo lý và có kinh nghiệm về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Do đó, chức sắc Bàni thường là người có uy tín cả trong đạo và đời, đặc biệt là vị Sư cả (Cả chùa).
Trong đạo Bàni chỉ có tu sĩ là học và giữ các bản kinh Qur'an. Bản kinh này được sao chép tay bằng tiếng ảRập nhưng có một số ký hiệu để đọc cho đúng có khi chua thêm chữ Chăm để hướng dẫn tu sĩ phải đọc đoạn kinh nào trong các lễ. Chức sắc Bàni đều biết kiêng kỵ những thức ăn do đạo quy định, nghĩa là họ không ăn thịt lợn, không ăn các trái cây như chuối hột, khổ qua, không uống rượu, không ăn những con vật mà không do họ trực tiếp cắt tiết.
Hiện nay, chức sắc Bàni có 4 cấp: cấp cao nhất là Sư cả (Thày Gru) người quyết định hầu hết mọi vấn đề đời sống tôn giáo của tín đồ; cấp thứ hai là Mum, thày Mum là người điều khiển các buổi lễ tại chùa Bàni, họ phải có thời gian tu hành ít nhất là 15 năm, thông hiểu Kinh Qur'an, có đạo đức tốt và có khả năng kinh tế; cấp thứ 3 là Khotip hay Tip, chỉ đảm nhận một số nghi lễ tại chùa hay tư gia mà không đảm nhận việc giao giảng giáo lý; cấp thấp nhất là thày Chang gồm những người mới nhập tầng lớp tu sĩ.
Chức sắc Bàni duy trì theo chế độ cha truyền con nối, nói chung các dòng họ đều có người làm chức sắc, vì vậy nhìn vào số lượng chức sắc của các chùa Bàni ta biết được trong làng Chăm có bao nhiêu dòng họ.
Phần lớn chức sắc Bàni là công dân tốt, tuân thủ các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Họ là cầu nối giữa tín đồ với chính quyền, là người đưa chủ trương chính sách pháp luật đến với tín đồ. Tuy nhiên trình độ văn hoá thấp, tuổi cao, vì vậy đội ngũ chức sắc Bàni đang thiếu lực lượng kế cận.
- Chức sắc Chăm Islam: người đứng đầu trong hàng chức sắc Islam là Hakim (giáo cả) là người am hiểu nhiều về giáo lý, giáo luật, có phẩm chất tốt, điều kiện gia đình ổn định; phụ tá cho Hakim là Naep (phó giáo cả) là người thay mặt Hakim giải quyết công việc khi Hakim vắng mặt; Ahly là người giúp việc cho Hakim về lĩnh vực xã hội; Imâm là người hướng dẫn tín đồ trong buổi lễ, Khôtip là người giao giảng giáo lý trong buổi lễ ngày thứ 6 hàng tuần; Tuân là thầy dạy giáo lý cho tín đồ.
Phần lớn chức sắc Islam có người thân ở nước ngoài, bản thân họ ít nhất một lần thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng trong đời là hành hương viếng thánh địa
Mecca và trở thành Hadji. Cũng như chức sắc Bàni, họ là những công dân tốt, nhiều người trong số họ là thành viên MTTQ Việt Nam ở cơ sở hoặc tham gia Hội đồng nhân dân các cấp. Hiện tại có 288 chức sắc Islam.
2.3. Tổ chức của Hồi giáo.
- Tổ chức của đạo Bàni: Chủ yếu là ở từng chùa, mỗi chùa ngoài Cả chùa và các vị chức sắc chăm lo việc đạo, họ đều tổ chức Ban cai quản chùa hoặc Ban phong tục. Ban cai quản chùa có nhiệm vụ chăm lo đời sống tôn giáo cho tín đồ, vận động tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo" đoàn kết với cộng đồng dân cư các tôn giáo khác. Tổng sư cả là người được các sư cả suy tôn, có uy tín lớn trong đạo, nhưng không bắt buộc phải có mà tuỳ vào mỗi địa phương (ở Bình Thuận suy tôn sư cả Thanh Tàu làm tổng sư cả).
- Tổ chức của người Chăm Islam: Người Chăm Islam thành lập tại thánh đường các Ban quản trị thánh đường. Đứng đầu mỗi Ban quản trị là vị Hakim sau đó là một số chức sắc như Naep, Ahly, thư ký, thủ quỹ. Bên cạnh việc chăm lo đời sống tín ngưỡng tôn giáo cho tín đồ, Ban quản trị còn là cầu nối giữa cộng đồng Hồi giáo trong Jamaah với chính quyền cơ sở.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1992 đã được phép thành lập Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở tại số nhà 15 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận; nhiệm kỳ hoạt động cẩ Ban Đại diện là 5 năm, bao gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Thư ký, ngoài ra còn có Ban cố vấn, bộ phận văn phòng và Ban quản trị của 14 khu vực. Ban Đại diện là cầu nối giữa cộng đồng tín đồ Hồi giáo tại thành phố với chính quyền, MTTQ để chăm lo lợi ích chính đáng cho tín đồ, động viên tín đồ thực hiện quyền công dân, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Do vị trí thành phố là trung tâm của khu vục Nam Bộ, nên Ban Đại diện hoạt động và có mối quan hệ rộng hơn với cộng đồng Hồi giáo các tỉnh lân cận và tham gia một số hoạt động quốc tế.
3. Mối quan hệ của Hồi giáo Việt
Nam với các cộng đồng Hồi giáo khu vực và trên thế giới.
Trong quá trình hình thành và phát triển chỉ có cộng đồng Chăm Islam là có quan hệ quốc tế, cộng đồng Chăm Bàni không có mối liên hệ quốc tế nào. Cộng đồng Chăm Islam giữ mối liên hệ với khu vực bởi yếu tố tôn giáo và cả yếu tố hôn nhân văn hoá.
Từ khi nước ta chính thức là thành viên khối ASEAN 28/5/1995 và nhất là từ khi nước ta thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cộng đồng Hồi giáo Việt Nam có điều kiện để hội nhập vào khu vực Đông Nam Á, nơi có số lượng tín đồ đông đảo, có nhiều quốc gia coi Hồi giáo là quốc đạo. Họ tham gia vào các hoạt động như thi xướng kinh Qur'an, du học, dự các hội nghị Hồi giáo, viếng thánh địa
Mecca v.v…
Những hoạt động đó góp phần hiểu biết thêm bên ngoài, đồng thời cũng làm cho bè bạn hiểu Việt Nam hơn, đặc biệt là hiểu chính sách của Nhà nước Việt Nam là luôn luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, dù là theo tôn giáo nào nhưng là người Việt Nam thì đều có niềm tự hào về đất nước mình, về lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Lê Nhẩm - Ban Tôn giáo Chính phủ
Bản tin ngày 21 tháng 01 năm 2008 của Thông Tấn Xã Việt Nam
Cộng đồng Hồi giáo TP Hồ Chí Minh khẳng định tinh thần hòa nhập và đoàn kết dân tộc. 69 đại biểu đại diện tín đồ thuộc 16 khu vực Hồi giáo tại TP Hồ Chí Minh đã tham dự Ðại hội đại biểu Cộng đồng Hồi giáo thành phố nhiệm kỳ IV (2008-2012) khai mạc sáng 21-1 tại Thánh đường Jamiul Muslimine.
Ðại hội đã thông qua phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV, khẳng định sự gắn bó và mối quan hệ bền chặt trong toàn cộng đồng cũng như tinh thần hòa nhập, đoàn kết dân tộc với cộng đồng các dân tộc, tôn giáo bạn tại TP Hồ Chí Minh, hưởng ứng các phong trào quần chúng xây dựng thành phố và đất nước.
Ðại hội nhất trí tăng cường các hoạt động thiết thực, cụ thể, trực tiếp đáp ứng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng của tín đồ Hồi giáo trên toàn thành phố. Ðánh giá hoạt động nhiệm kỳ III (2001-2007), Phó Ban thường trực Cộng đồng Hồi giáo TP Hồ Chí Minh Idris Smael cho biết, chương trình hoạt động tôn giáo của toàn cộng đồng đã phát triển khá toàn diện. Các dịp lễ như Maulid (kỷ niệm ngày sinh Nabi Muhammad), Tết cổ truyền Raya Idil Adha, Tháng Ramadan, hành hương Haji tại Merca đều được tổ chức chu đáo với sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền các cấp. Hoạt động phân phối, tái bản kinh sách, tổ chức các khóa học trang bị kiến thức Hồi giáo cơ bản, mở các lớp dạy chữ Chăm (Nam Bộ), dạy Kinh Koran và cơ bản giáo lý... diễn ra thuận lợi tại các khu vực.
Trong nhiệm kỳ, năm Thánh đường Hồi giáo tại các quận 10, 1, 8, Phú Nhuận và Bình Thạnh đã được xây cất mới và tu bổ khang trang với tổng kinh phí gần năm tỷ đồng; cộng đồng đã được chính quyền thành phố hỗ trợ đất và kinh phí để có được khu vực nghĩa trang riêng cho người Hồi giáo.
Với ưu thế của Cộng đồng Hồi giáo tại một thành phố lớn, Cộng đồng Hồi giáo TP Hồ Chí Minh đã đảm đương tốt vai trò đại diện cho Hồi giáo cả nước thực hiện nhiều nhiệm vụ đối ngoại quan trọng như: tham dự Hội nghị hòa bình, hợp tác, giá trị con người tại Singapore, Hội nghị liên tôn khu vực (Philippines), Hội nghị ASEM lần thứ II (Sip) với đề tài vai trò tôn giáo trong xã hội đa văn hóa-đa dân tộc, dự các tọa đàm khoa học quốc tế...
Thông qua các sự kiện này, Cộng đồng đã giúp nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và cá nhân hiểu biết rõ hơn về tình hình sinh hoạt tín ngưỡng tại Việt Nam, chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Nhà nước cũng như niềm tin, mong muốn góp sức của toàn thể tín đồ Hồi giáo Việt Nam vào sự phát triển toàn diện của đất nước trong thời kỳ mới.
Ðại hội đã suy cử chín vị là các giáo cả, I-mam, Tuan uy tín, gương mẫu vào Ban Ðại diện Cộng đồng Hồi giáo khóa IV.
Thông Tấn Xã Việt
Nam