Tham dự có đại diện Ban Tôn giáo Chính Phủ, lãnh đạo tỉnh và các ban ngành cùng với trên 100 đại biểu đại diện cho đồng bào Chăm tỉnh An Giang. Tỉnh An Giang hiện có trên 15.000 đồng bào Chăm theo đạo Islam cùng sinh hoạt tại 12 thánh đường và 15 tiểu thánh đường ở 10 xã thuộc 7 trên 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Trong nhiệm kỳ tới, Cộng đồng Hồi giáo Chăm tỉnh An Giang tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, thường xuyên mở các lớp giáo lý có lồng ghép phổ biến pháp luật cho đồng bào; tranh thủ các nguồn tài trợ để tạo điều kiện cho các học sinh tiếp tục học đại học, cao học trong và ngoài nước; triển khai các lớp song ngữ Việt-Chăm trong các trường học phổ thông và tại các thánh đường. Đặc biệt bằng nhiều nguồn hỗ trợ cho đồng bào Chăm vươn lên không còn hộ nghèo vào cuối nhiệm kỳ II tới.
Đại hội đã suy cử 16 thành viên và ông MuSa Haji tiếp tục giữ chức Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Chăm tỉnh An Giang nhiệm kỳ II (2010-2015).
Năm năm qua, Cộng đồng Muslim Chăm tỉnh An Giang đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đặc biệt là sống hòa nhập đoàn kết lương giáo, thực hiện tốt đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, cùng nhà nước chăm lo cho cộng đồng. Từ các nguồn vốn dân tộc, Chương trình 134, 135, Nhà nước đã đầu tư xây cấp 1.813 căn nhà mới khang trang cho đồng bào Chăm nghèo an cư để lạc nghiệp, hỗ trợ vốn làm kinh tế. Đến nay, giao thông nông thôn đã cơ bản nhựa hóa 100%, xe bốn bánh về đến tận các xóm ấp Chăm.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng bào Muslim Chăm khá, giàu cũng tích cực đóng góp làm tốt công tác xã hội, bình quân mỗi năm gần 100 triệu đồng để chia sẻ khó khăn không chỉ trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Chăm mà còn cho cả các dân tộc anh em hiện cùng sinh sống trong tỉnh.
Thu Trang (Vietnam+)
Thánh đường (Masjid NEHMAK - Châu Phong) An Giang
Sinh hoạt buôn bán tiểu thương của cộng đồng Chăm Muslim
Một lớp học Qur'an của các cháu nữ