ĐIỂM BÁO: ÔNG MOHA MÁCH - 9 NĂM DẠY CHỮ CHĂM KHÔNG LƯƠNG Chân Lý Islam
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu

ĐIỂM BÁO: ÔNG MOHA MÁCH - 9 NĂM DẠY CHỮ CHĂM KHÔNG LƯƠNG

14.10.2016 13:07 - đã xem : 2308

Đã bước sang tuổi 60, cái tuổi đáng ra phải nghỉ ngơi nhưng ông Moha Mách vẫn dốc hết tâm trí, sức lực để duy trì lớp dạy chữ Chăm cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số Chăm đang sinh sống tại TX.Dĩ An. 9 năm liền dạy chữ không lương, phần thưởng lớn nhất đối với ông đó là thấy con cháu chăm ngoan, biết giữ gìn bản sắc dân tộc và sống có đạo đức.

“Chinh phục” chữ Chăm

Đến khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, TX.Dĩ An hỏi thăm ông Moha Mách, mọi người đều dành cho ông những lời khen ngợi. Ông không chỉ là người thầy “bất đắc dĩ” mà còn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm, luôn giáo dục con cháu sống đạo đức, chấp hành pháp luật.

Trong căn nhà cũ kỹ, phòng khách được ông sửa sang trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo của người Chăm tại Dĩ An và là nơi dạy học. Trên tường, hai tấm bảng dạy chữ Chăm vẫn còn in đậm nét chữ của người thầy “bất đắc dĩ” này. Nhìn xuống một góc nhà, điều chúng tôi chú ý đó là những kệ sách cùng hàng chục cuốn sách tiếng Chăm được ông xếp gọn gàng phục vụ cho lớp học. Hình ảnh đó đã phần nào thể hiện cái “tâm” của một “già làng” mong muốn truyền trao chữ viết cho con cháu mai sau.

Tâm sự về cuộc đời mình, ông Mách bộc bạch, ông sinh ra tại quận 6, rồi về sau gia đình chuyển sang sống tại cầu Thị Nghè (TP.Hồ Chí Minh) nơi có đông người Chăm di cư từ An Giang lên lập nghiệp. Học xong lớp 6 bằng tiếng phổ thông (tiếng Việt), ông về thánh đường ở Châu Đốc (An Giang) học thêm 6 năm tiếng Chăm. Học xong, ông trở về sống với gia đình tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Năm 1978, ông đến xã Bình An, Bình Dương (nay là phường Bình An) xin việc làm và lập gia đình tại đây. Vợ ông cũng là người Chăm theo cha mẹ mưu sinh tại Bình Dương.

Theo ông Mách, lúc nhỏ đi học tiếng Việt nhưng thâm tâm ông luôn muốn học chữ Chăm để có thể đọc và hiểu Kinh Koran. Đặc biệt là dạy lại con cháu trong nhà để không đánh mất tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc. Từ ý niệm đó, ông được cha mẹ cho theo học chữ Chăm. “Ban đầu học khó lắm, chữ viết ngoằn ngoèo. Thế nhưng sau một thời gian học mình lại thích và cố gắng học cho hết cái chữ của dân tộc mình”, ông Mách nói.

Người thầy “bất đắc dĩ”

Ông Phạm Thanh Phong, Phó ban chỉ đạo công tác tôn giáo - dân tộc phường Bình An: Khi mở lớp, ông Mách có báo cáo với phường về hoạt động của lớp học. Lớp học này giúp con em người Chăm tự lưu giữ chữ viết, bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ông Mách cũng là “cánh tay” hỗ trợ đắc lực nhất của chúng tôi trong việc vận động người Chăm sống theo pháp luật, nỗ lực xây dựng quê hương Bình An thêm giàu đẹp.

 

Sống tại mảnh đất Bình An nơi có hơn 20 hộ với khoảng 150 nhân khẩu là người Chăm, trong đó có rất nhiều con em người Chăm không biết chữ Chăm đã thôi thúc ông trở thành người thầy “bất đắc dĩ”.

Ông Mách khiêm tốn kể: “Các cháu người Chăm ở Bình An hầu hết đều được đi học nhưng chỉ được học tiếng phổ thông, không được học tiếng Chăm. Mình biết tiếng Chăm nên dạy cho các cháu thứ tiếng của dân tộc mình. Nếu mình không dạy, các cháu chỉ biết nói mà đâu biết cái mặt chữ. Tiếng là thầy nhưng chỉ là người biết dạy cho người không biết thôi!”.

Từ tâm niệm đi đến thực hiện, ông Mách dọn dẹp phòng khách gia đình, mua phấn, bảng để bắt đầu dạy học. Ban đầu, ông dạy cho con cháu trong gia tộc, sau đó đến từng nhà vận động cha mẹ là người Chăm tại Bình An đưa con em đến lớp. Thấy việc làm ý nghĩa của ông, con em người Chăm trong phường Bình An nói riêng, TX.Dĩ An nói chung rủ nhau đến học ngày một đông. Qua 9 năm dạy chữ Chăm, ông Mách tự hào khoe: “Giờ con em người Chăm ở Bình An, hay sinh sống ở các phường trong TX. Dĩ An đều đã biết đọc, biết viết chữ Chăm. Đó là niềm vui lớn nhất đối với mình”.

Theo học chữ Chăm với ông Mách được 2 năm, em Chali Há (21 tuổi) đã có thể đọc được, viết được. Chali Há nói, em sinh ra tại Bình Dương nên chỉ nghe ba mẹ, anh chị nói tiếng Chăm chứ không biết viết. Một lần đi tham quan các ngôi chùa người Chăm ở An Giang, em đã bị lạc vì không hiểu bảng hướng dẫn trong chùa viết gì. Em cảm thấy rất xấu hổ vì là người Chăm mà không biết chữ của dân tộc mình. Từ đó, em xin đi học lớp thầy Mách để không còn cảnh chữ biết mình chứ mình không biết chữ.

Lớp học này không những dạy chữ mà còn là nơi “thắp sáng”, định hướng ước mơ cho người Chăm. Đồng thời vun đắp đạo lý, đạo đức làm người để con cháu người Chăm khi lớn lên có thể trở thành một người con ngoan, người con ưu tú, người có ích cho xã hội. Cũng từ những “vun bón” đạo lý ban đầu mà con em người Chăm tại Bình An luôn sống đúng pháp luật, nỗ lực học tập để có công ăn việc làm ổn định.

Anh Sa Liêm, học trò ông Mách tâm sự, anh hiện đang là tài xế taxi Minh Giang. Nhờ thầy truyền trao đạo lý mà bản thân anh đã “ngộ” ra nhiều điều trong cuộc sống, đó là phải biết yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Khi mình đem niềm vui cho người khác sẽ nhận lại những điều may mắn, hạnh phúc, vui tươi; bản thân sống có đạo đức các con sẽ học theo, hàng xóm yêu thương. Ngoài ra, trong công việc có trách nhiệm sẽ dễ thăng tiến, được trọng dụng, đồng nghiệp giúp đỡ.

Sau một buổi dự khán lớp học, trên đường trở về chúng tôi nhớ mãi lời ông Mách nói: “Dạy học không chỉ dạy đọc, dạy viết mà còn phải dạy đạo lý làm người cho các cháu, bởi mọi người ai cũng biết “Tiên học lễ, hậu học văn”, phải biết đạo lý con người mới cố gắng vươn lên và trở thành người tốt”.

Qua 9 năm dạy chữ, hầu hết con em người Chăm tại Dĩ An đã biết đọc, biết viết chữ Chăm. Thế hệ trước lại dạy chữ cho thế hệ sau nên lớp của thầy cũng ít học trò. Thế nhưng, theo thầy dù có một, hai em chưa biết đọc, viết chữ Chăm cũng phải dạy. Phải dạy thường xuyên, đều đặn để tất cả con em người Chăm biết đọc, viết, từ đó góp sức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Chăm.

 

THIÊN LÝ 

theo Báo Bình Dương Online cập nhật ngày 12.10.2016

Ý kiến bạn đọc
Các bài viết khác
HỘI THIỆN NGUYỆN NHÂN ÁI - THỈNH CẦU RAMADAN 2024 - RAMADAN APPEAL 2024

HỘI THIỆN NGUYỆN NHÂN ÁI - THỈNH CẦU RAMADAN 2024 - RAMADAN APPEAL 2024

Với sự hào phóng của mình, Quý tín hữu sẽ cung cấp Iftar cho những người ghé thăm ngân hàng thực phẩm của chúng tôi để tìm kiếm bữa ăn tiếp theo của họ. Lòng tốt của Quý tín hữu sẽ mang lại niềm hy vọng cho các góa phụ, bà mẹ đơn thân, trẻ mồ côi, trẻ nhỏ, người già và người bệnh đang phải vật lộn với tình trạng suy dinh dưỡng.

LỜI KÊU GỌI HỖ TRỢ TRẺ MỒ CÔI MUSLIM Ở VIỆT NAM / AN APPEAL TO SUPPORT MUSLIM  ORPHANS IN VIETNAM

LỜI KÊU GỌI HỖ TRỢ TRẺ MỒ CÔI MUSLIM Ở VIỆT NAM / AN APPEAL TO...

Ngôi nhà tốt nhất đối với những người Muslim là ngôi nhà mà trẻ mồ côi được đối xử tốt, và ngôi nhà tồi tệ nhất đối với những người Muslim là ngôi nhà mà trẻ mồ côi bị đối xử tệ bạc.

THƯ NGÕ KẾT NỐI YÊU THƯƠNG ĐẾN EM MO HA MÁCH KA RIÊM XUÂN LỘC ĐỒNG NAI

THƯ NGÕ KẾT NỐI YÊU THƯƠNG ĐẾN EM MO HA MÁCH KA RIÊM XUÂN LỘC...

Hôm nay Nối Vòng Tay Chân lý xin gửi đến những nhà hảo tâm trong và ngoài nước về một trường hợp em Chàm Mo ha mách Ka riêm 17 tuôi, cư ngụ tại Xuân lộc tỉnh Đồng nai rất đáng thương tâm vì mang chứng bịnh tim cần phải mổ khẩn cấp,

CLIPS VIDEO: LỜI CẢM TẠ CỦA VỢ CHỒNG MU TA PHA - PHATIMAH ĐÃ GIÚP ĐỠ XÂY NGÔI NHÀ TÌNH THƯƠNG

CLIPS VIDEO: LỜI CẢM TẠ CỦA VỢ CHỒNG MU TA PHA - PHATIMAH ĐÃ GIÚP...

Lời cảm tạ đến những nhà hảo tâm đã giúp đỡ xây ngôi nhà tình thương cho vợ chồng anh MU TA PHA và chị PHATIMAH cư ngụ tại tổ 6 ấp Châu Giang xã Châu Phong Huyện Tân Châu Tỉnh An Giang đã nhờ Chanlyislam đăng ngày 25 tháng 7 năm 2023.

THƯ NGÕ CỦA MỘT CẶP VỢ CHỒNG CÓ BA CON NHỎ CẦU CỨU GIÚP ĐỠ

THƯ NGÕ CỦA MỘT CẶP VỢ CHỒNG CÓ BA CON NHỎ CẦU CỨU GIÚP ĐỠ

Chanlyislam xin chia sẻ với các nhà hảo tâm trong và ngoài nước về một cặp vợ chồng có ba con nhỏ sống trong gia cảnh nghèo khổ tại Tổ 6 - Ấp Châu Giang, Xã Châu Phong, Huyện Tân Châu, Tỉnh An Giang.

LỊCH TRÌNH TỔ CHỨC CẮT DA BAO QUI ĐẦU MIỄN PHÍ CHO TRẺ EM MUSLIM TỪ 6 ĐẾN 15 TUỔI

LỊCH TRÌNH TỔ CHỨC CẮT DA BAO QUI ĐẦU MIỄN PHÍ CHO TRẺ EM MUSLIM...

Nhân dịp “Eid Al-Adha của đồng bào Chăm Muslim An giang”. Nhóm Thiện Nguyện Nhân Ái (Al-Barr ch@rity Group) kết hợp với nhóm Bác sĩ Muslim Bệnh viện Đa khoa huyện An Phú xây dựng kế hoạch tổ chức cắt da bao qui đầu cho trẻ Muslim từ 06 tuổi đến 15 tuổi.

JAMA'AH AL MUBARAK / THƯ NGỎ KÊU GỌI TÀI TRỢ KINH PHÍ XÂY DỰNG MẶT TIỀN NGÔI NHÀ CỦA ALLAH

JAMA'AH AL MUBARAK / THƯ NGỎ KÊU GỌI TÀI TRỢ KINH PHÍ XÂY DỰNG...

Như quí anh chị cô bác đã biết, Jama’ah Muslim Al-Mubarak tọa lạc tại thôn Bình Minh - xã Phan Hòa - huyện Bắc Bình - tỉnh Bình Thuận có nguồn gốc là dân tộc Chăm theo tôn giáo Bàni của ông bà tổ tiên truyền lại từ bao đời…

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "NHÂN CÁCH ĐẠO ĐỨC ISLAM TRONG VẤN...

Ngày nay, khi mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, người Muslim cũng tiếp xúc với những cuộc tranh luận nhiều hơn. Có những cuộc tranh luận văn minh, nhưng cũng có những cuộc tranh luận thì không như vậy. Liệu chúng ta có cần thiết phải tranh luận đến cùng để phân định đúng sai cho bằng được trong mọi trường hợp?