Mở phòng cầu nguyện tại trung tâm mua sắm, văn phòng, khách sạn là một trong số các hoạt động nhằm biến Thái Lan thành điểm du lịch yêu thích của người theo đạo Hồi.
Theo báo cáo tổng kết của Hội chợ du lịch Thái Lan và các nước tiểu vùng sông Mekong 2015 tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, quốc gia này đón gần 12 triệu lượt khách quốc tế chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự tăng trưởng của khách Hồi giáo.
Theo đánh giá của Mastercard Crescent Rating Global Muslim Travel Index (GMTI) 2015, Thái Lan là điểm đến phổ biến thứ 2 trên thế giới của những người theo đạo Hồi. Xếp hạng này dựa trên danh sách các nước đạo Hồi không phải là quốc giáo.
Từ đó, ông Pakorn Priyakorn, giám đốc Viện tiêu chuẩn Halal chia sẻ mong muốn biến Thái Lan thành điểm đến thân thiện hơn của người Hồi.
Phòng cầu nguyện là một trong những yêu cầu cần có để phục vụ khách đạo Hồi. |
Tuy nhiên để phát triển, ông cho biết nước này đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm thu hút khách như xây dựng hệ thống nhà hàng cung cấp món ăn đạt chuẩn cho người theo đạo Hồi, phối hợp chặt chẽ từ khâu gieo trồng đến chế biến để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, một số trung tâm mua sắm, văn phòng, khách sạn cần bổ sung phòng cầu nguyện, xây dựng các gói du lịch trong mùa lễ Ramadan, Eid ul fitr... và phòng tắm hơi tôn trọng nghi thức Hồi giáo, phân chia riêng rẽ khu tắm nam và nữ.
Với các ưu thế sẵn có như 3.600 nhà thờ cùng khoảng 600 trường học Hồi giáo trong cả nước, ông tin tưởng trong tương lai gần, mục tiêu Thái Lan trở thành điểm đến thân thiện sẽ thành công.
Năm 2014, cả thế giới đón khoảng 108 triệu lượt khách là người Hồi giáo, chiếm 10% toàn bộ nền kinh tế du lịch. Đạo Hồi là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Năm 2010, dân số người Hồi giáo ước đạt 1,6 tỷ. Với sức mua cao cùng nhu cầu du lịch tăng lên, người theo đạo Hồi đang là một trong những đối tượng ưu tiên của ngành công nghiệp không khói.
Diệu Huyền