Ahdyar là phụ nữ duy nhất trong số 4 người Aghanistan sẽ đại diện cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này đến Bắc Kinh tham dự thế vận hội. Cô gái 19 tuổi mảnh khảnh không đặt nhiều hi vọng sẽ giành huy chương trong nội dung chạy 1.500m. Tuy nhiên, được thi đấu mới là niềm tự hào của cô, để cô chứng tỏ với cả thế giới rằng phụ nữ Aghanistan cũng có thể làm được nhiều điều như phụ nữ ở các nước khác.
Cùng vận động viên khác cũng tham dự Olympic tập luyện cùng huấn luyện viên.
“Khi còn nhỏ, tôi thường chạy trong nhà và xem anh trai tôi tập thể dục thể hình. Tôi tập luyện một cách giấu giếm bởi sợ Taliban”, cô cho biết khi đang tập luyện tại sân vận động Kabul, nơi trước kia Taliban thường tổ chức các buổi “hành hình” những ai bị cho là phạm tội; Khi chưa bị lực lượng do Mỹ dẫn đầu đánh đổ vào năm 2001, Taliban cấm phụ nữ làm việc và rời khỏi nhà mà không có nam người thân “hộ tống”. Các bé gái cũng không được ra ngoài chơi. Còn thể thao là điều không tưởng.
Nhưng kể từ năm 2001, quyền lợi của phụ nữ Afghanistan đã được cải thiện. Giờ Afghanistan có cả nữ vận động viên, đội tuyển bóng đá nữ, thậm chí cả các nữ tuyển thủ đấm bốc. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn còn có thái độ không ủng hộ họ.
“Nhiều người trong xã hội chúng tôi vẫn phản đối phụ nữ thi đấu thể thao”, Ahdyar cho biết. “Họ muốn chúng tôi chỉ ở nhà. Nhưng tôi không đồng ý với họ. Allah (Thượng đế) cho phụ nữ và đàn ông quyền bình đẳng, vậy tại sao tôi lại quan tâm đến những gì họ nói?”
Ahdyar cho biết cô thật may mắn khi được cả gia đình ủng hộ. “Tôi tự hào vì con gái tôi được đại diện cho Afghanistan ở Olympics Bắc Kinh”, mẹ của Ahdyar cho biết. “Tôi rất thích môn thể thao của con bé. Con bé thậm chí còn tập luyện cả vào ban đêm ở ngoài phố bởi nhà tôi không được rộng lắm”.
Ahdyar hay bị những người hàng xóm cười cợt khi cô tập luyện xung quanh ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch và đất ở khu nghèo của Kabul.
“Cả bố, mẹ, anh tôi đều ủng hộ và khuyến khích nên đó là lý do vì sao tôi ở đây”, Mahboba nói. “Vấn đề là ở những người hàng xóm của tôi. Họ luôn trêu chọc tôi”.
Nhiều chiến binh Taliban giờ đã quay trở lại chống lại chính phủ thân phương tây của Kabul và tấn công binh sỹ nước ngoài tại Afghanistan. Nhiều thường dân trở thành nạn nhân của các vụ đánh bom liều chết, các vụ ám sát và bắt cóc. Nhưng Ahdyar vẫn kiên cường.
“Tôi không sợ điều gì hết, bởi một ngày Allah tạo ra tôi, và tôi tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết. Dù số mệnh của tôi có như thế nào, tôi vẫn sẽ chọn con đường đúng đắn này, cho tôi và cho tất cả những người trẻ”.
Ahdyar tập luyện trong bộ quần áo thể thao rộng và không quên mang chiếc khăn choàng truyền thống của phụ nữ đạo Hồi. Cô cho biết sẽ vẫn mặc như vậy khi tham dự Olympics.
“Tôi là một người Afghanistan, một cô gái Hồi giáo, nên mang khăn choàng đầu là điều bắt buộc đối với các cô gái Hồi giáo”, cô nói: “Tôi sẽ không bỏ khăn khi ở Trung Quốc để tham dự cuộc thi, bởi nó là biểu tượng của phụ nữ Hồi giáo”.
Ngoài thời gian phải sống tị nạn ở Pakistan, Ahdyar chưa bao giờ ra nước ngoài. Nhưng cô và nam vận động viên chạy nước rút Masood Azizi sẽ sớm đến Malaysia cho một khóa huấn luyện kéo dài 5 tháng trước khi lên đường tới Trung Quốc.
Điều kiện ở đó sẽ là một trời khác biệt so với ở Afghanistan. Tại Afghanistan, không có một đường chạy dù là đường chạy đơn theo đúng nghĩa. Hai vận động viên Olympics này phải tập luyện trên đường chạy bằng bê tông, quanh sân vận động chính đầy bụi bặm của Kabul. Hơn nữa, vấn đề cơ bản nhất, như thực đơn cho các vận động viên Olympics cũng không được đáp ứng đầy đủ.
Ahdyar không thích đoán xem mình sẽ đạt được gì ở Bắc Kinh. “Tôi không muốn đoán xem tôi sẽ đạt được gì ở đó. Nhưng tôi tin vào Allah và tôi muốn đấng tối cao sẽ giúp đỡ tôi”.
Phan Anh
Theo Reuters