Ảnh của vợ chồng Tổng thống Mỹ Obama được treo bên cạnh ảnh của vợ chồng Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Ảnh: AFP. |
Nhiều người thích thú gọi Obama là "Anak Menteng" - "Cậu bé vùng Menteng" - nơi ông đã sống từ năm 1967 tới 1971 sau khi mẹ ông cưới một người Indonesia.
Theo Economic Times, một nhóm tự xưng là "Bạn bè của Obama" đã tổ chức một bữa tiệc để chào đón sự trở về của Obama, người mà khi hồi bé họ vẫn gọi là Barry.
"Chúng tôi muốn nói với ông ấy 'Selamat Datang' (chào mừng ông tới Indonesia)", Ron Mullers, chủ tịch nhóm Bạn bè của Obama, một người Mỹ gốc Indonesia, cho biết.
Bữa tiệc sẽ có sự tham gia của bạn học thời tiểu học của Obama, có các màn ca hát, nhảy múa, cũng như một bữa ăn theo phong cách Indonesia - Mỹ.
Bản sao của bức tượng Obama 10 tuổi sẽ được trưng bày tại sự kiện này. Bức tượng gốc hiện nằm tại trường tiểu học cũ của Obama tại Menteng.
"Barry về nhà", tờ Jakarta Post đăng dòng tít trên trang nhất, trong khi Koran Tempo in đậm dòng chữ: "Cuối cùng ông ấy đã về đây".
Trước đó, trong năm nay, Obama đã hai lần hủy chuyến đi tới Indonesia do những khủng hoảng trong nước, và nhiều người dân nước này lo lắng không biết lần này tổng thống có đến được hay không.
"Chúng tôi rất hy vọng và cũng rất lo lắng", Hasimah - hiệu trưởng trường học nói. "Chúng tôi rất háo hức đón chào Obama, và những lần hủy trước đây của ông khiến chúng tôi rất thất vọng".
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã ám chỉ rằng Obama sẽ có cơ hội hồi tưởng lại quá khứ nhiều hơn nữa vào năm sau, khi ông tới Indonesia với tư cách là tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị cấp cao Đông Á. Khi đó, các con gái Malia và Sasha của Obama cũng có cơ hội đi nghỉ cùng cha mẹ.
Trong chuyến thăm ngắn ngủi lần này vào hôm nay, Obama sẽ ăn tối và hội đàm cùng Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono về các vấn đề kinh tế, an ninh trong khu vực. Ngày hôm sau, ông sẽ tới thăm nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Indonesia - Istiqlal, và có bài phát biểu tại Đại học Indonesia.
Theo AFP, khoảng 8.500 nhân viên an ninh, trong đó có quân đội, sẽ dàn trải khắp các con phố Jakarta để bảo vệ Obama, trong bối cảnh đất nước từng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố đẫm máu trong những năm gần đây.
Các quan chức Mỹ cho biết, cũng như chuyến thăm của Obama tới Ấn Độ, chuyến đi tới Indonesia nhằm tăng cường quan hệ với nền dân chủ đang trỗi dậy và một nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong đầu thế kỷ 21.
Song Minh
Trước khi kết thúc chuyến thăm Indonesia, Tổng thống Barack Obama có bài phát biểu với thông điệp hướng tới cộng đồng Hồi giáo.
Ông ca ngợi Indonesia, nước đông tín đồ đạo Hồi nhất thế giới, là hình mẫu của một quốc gia đang phát triển đi theo mô hình dân chủ và đa dạng hóa. Các phân tích gia nói đây là cố gắng lớn nhất của ông Obama kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng Hồi giáo thế giới kể từ bài phát biểu tại Cairo hồi năm ngoái.
Sau đây, ông Obama sẽ tiếp tục công du Á châu bằng chuyến đi tới Hàn Quốc dự hội nghị thượng đỉnh G20. Trước khi có bài diễn văn tại Đại học Indonesia trước cử tọa 6.000 người, ông Obama đã thăm nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, lớn nhất Đông Nam Á. Trong bài phát biểu, ông nói tới bốn năm thiếu thời của mình ở Indonesia và nhấn mạnh tầm quan trọng của đất nước này với vai trò một nền kinh tế đang phát triển và một xã hội đa tôn giáo trong khi vẫn có đông người theo đạo Hồi.
Ông nói: "Hôm nay, tôi quay trở lại Indonesia không chỉ như một người bạn, mà còn trong tư cách một vị tổng thống đang tìm kiếm quan hệ hợp tác sâu sắc và lâu dài giữa hai quốc gia".
Ông Obama cho rằng Hoa Kỳ và Indonesia cùng chia sẻ quan tâm và các giá trị chung. Ông ca ngợi vai trò của tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước Indonesia.
"Quan hệ giữa Hoa Kỳ và cộng đồng Hồi giáo đã sứt mẻ trong nhiều năm qua. Là tổng thống, tôi đã đặt trọng tâm phải bắt tay vào hàn gắn quan hệ đó."
Một chi tiết đáng chú ý là trong một năm, chỉ số uy tín của ông Obama trong thế giới theo đạo Hồi đã giảm sút, theo kết quả của một số cuộc trưng cầu dân ý ở Trung Đông. Phát biểu trước khi thăm Indonesia, ông Obama nói Mỹ cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện quan hệ với người Hồi giáo.
"Tôi cho rằng các nỗ lực của chúng tôi là rất chân thành và bền bỉ. Chúng tôi không nghĩ là sẽ xóa bỏ được hết các hiểu lầm và nghi kỵ vốn nảy nở trong một thời gian dài, nhưng con đường của chúng tôi là đúng đắn."
Ông Obama ca ngợi Indonesia là đất nước đông người đạo Hồi nhưng đã thành công trong việc tạo dựng một nền dân chủ thực sự, với một xã hội vô cùng đa dạng. Ông nói Mỹ sẽ mở rộng hợp tác với Indonesia trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh và thay đổi khí hậu. Tổng thống Obama cũng bày tỏ sự yêu mến dành cho đất nước, nơi ông đã sống khi còn nhỏ.
"Thật tuyệt vời khi được có mặt ở đây, mặc dù tôi phải nói với quý vị rằng việc thăm lại nơi từng ở khi còn nhỏ đã khiến tôi, với tư cách một tổng thống, hơi thiếu tập trung."
Thực ra trong chuyến thăm ngắn ngủi này, ông tổng thống không có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhất là ông phải khởi hành sớm hai tiếng đồng hồ để tránh tàn tro của núi lửa Merapi.
Trích từ trang web VnExpress và BBC đăng ngày thứ ba 09/11/2010
Cổng Trường tiểu học St Francis Assisi, một trong hai ngôi trường mà ông Obama đã theo học trong thời kỳ ở Jakarta