Tuy nhiên vẫn có những người bỏ công tìm hiểu cặn kẽ, giải thích đúng đắn và trung thực để biện minh cho những ý tưởng lệch lạc mà ngay chính họ bề ngoài hùa theo nhưng bên trong vẫn còn mâu thuẫn. Ðiển hình là học giả Ira G. Zepp, một người Thiên Chúa giáo, trong quyển sách của ông tựa đề « A Muslim Primer», ở trang 133-135 có đề cập đến từ jihad như sau :
Thực chất của từ jihad vừa mang ý nghĩa về mặt tinh thần, vừa là một khái luận về tâm lý, biểu hiện qua sự cố gắng của bản thể, dẫn con người đến với Thượng Ðế, tiếp thu những giá trị tích cực, tạo một nếp sống hài hòa cho xã hội.
Theo nghĩa đen jihad còn có nghĩa: cố gắng, phấn đấu hay sự chiến đấu, cuộc đấu tranh. Cụm từ Jihad fi Sabeel Allah, tạm dịch là Sự chiến đấu vì Thượng Ðế, trong chiều hướng này, mỗi người Muslim là một Mujahid, tức là người chiến đấu vì Chân Lý của Thượng Ðế.
Triết gia Al-Ghazali (1058-1111) đã định nghĩa jihad như sau : Jihad thực sự là cuộc xung đột của bản ngã chống lại mọi đam mê cám dỗ.
Dr Ibrahim Abu Rabi (giảng sư viện đại học Ðông Phương, Texas-Austin, Hoa kỳ) gọi jihad là : ‘Thể hiện sự cố gắng chống lại những điều xấu của chính bản thân và biểu lộ sự chống đối những giá trị tiêu cực trong xã hội.’.
Trong mọi trường hợp, jihad nói lên một tinh thần hy sinh cao cả của người Muslim, đó là luôn tranh đấu cho một đời sống thế tục hoàn hảo, song song với việc tuân phục hoàn toàn vào Một Ðấng Thượng Ðế.
Ở một dạng khác, từ jihad còn có nghĩa : Phấn đấu bằng cách chuyển những Lời Của Thượng Ðế sang thực hành trong cuộc sống thường ngày, ấy là đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thiên Kinh Qur’an, để trở thành người lương thiện, đạo đức. Vì thế, nói một cách bao quát hơn ý nghĩa thông suốt của jihad là thể hiện những đức tính tranh đấu cao cả của tâm hồn. Chúng ta không nên lầm lẫn và im lặng để cho từ này trở thành đồng nghĩa với sự quá khích và thô bạo.
Trên một vài phương diện nào đó từ jihad lại được người ta tận tình khai thác để diễn giải một cách có hệ thống bằng cách gán cho nó cái tên nghe thật khích động là ‘thánh chiến’ ! (Suy cho cùng cái danh từ này chỉ gợi cho người ta nhớ đến các cuộc viễn chinh rầm rộ một thời của những đoàn thập tự quân phương Tây ngày xưa mà thôi).
Thượng Ðế đã phán :
Và vì Chân Lý của Thượng Ðế hãy đánh trả những kẻ đã đánh các ngươi (trước ) nhưng chớ vượt quá mức giới hạn bởi vì quả thật Allah không thương những kẻ phạm giới. (Qur’an. 02 :190).
Ðiều chủ yếu cần ghi nhận là chính câu kinh trên đã dạy cho chúng ta biết đâu là lòng vị tha và đâu là lòng độ lượng – Hãy tha thứ dù ngay cả trong khi đang chiến đấu cho một sự tự vệ chính đáng. Islam luôn luôn lên án những hành vi bạo lực gây hấn. Theo truyền thuyết, trong những trận chiến Thiên Sứ Muhammad (saw) nghiêm cấm việc giết hại những người không có khả năng chiến đấu, tra tấn tù binh, hủy hoại thân thể tử sĩ đối phương, kể cả thú vật. (A Muslim Primer, page 133-135 – Wakefield Edition,1992 USA).
Robert Ellwood (University of Southern California) khi đề cập đến từ jihad phát biểu như sau: Cộng đồng Islam quan niệm rằng jihad là đề cương bảo vệ cho tôn giáo được hài hòa trong một xã hội hành thiện, mà trong đó không có sự cưỡng bức cải đạo. Từ khi Islam được xem là nguồn gốc của một cộng đồng, là cội nguồn của một tôn giáo, thì dường như khái niệm thuần túy về tính cách ôn hòa của từ jihad đã bị người ta ngang nhiên loại bỏ ra ngoài tằm tay của người Muslim, trong khi ấy ở những cộng đồng khác, lúc nào họ cũng không ngừng tranh đấu để bảo tồn chính nghĩa nếu không muốn bị diệt vong.
Sulkiply Bin YOUSOF