Alhamdulillah, xin chân thành ca ngợi và tạ ơn Allah, cầu sự an bình cho Thiên Sứ Muhammad (saw) cùng gia quyến, bạn hữu và những người noi theo được bình an và hạnh phúc cho đến Ngày Sau.
Cho nên, những gì Allah đã an bày thì không ai ngờ được, dù không được nhịn chay trọn tháng tại quê nhà như ý muốn, nhưng bù lại Allah cho chúng tôi được dịp hội ngộ với những người bạn thân thương xưa kia từ Hoa Kỳ và Úc châu trở về cùng thời điểm, nhân dịp vui vẽ này anh em chúng tôi đồng thuận cùng nhau bàn thảo để xây dựng và cải cách lại bộ máy tổ chức sinh hoạt của Masjid, chủ yếu tìm phương pháp làm việc có khoa học và ngày càng tiến bộ hơn…, vì thế ngày nào anh em chúng tôi cũng lên kế hoạch để làm việc rồi cho các em thi công tức khắc những dự án cần thiết phải thi hành.
Alhamdulillah, dù rằng trong những năm vừa qua chúng tôi đã có nhiều lần trở về thăm gia đình (lần nầy là lần thứ năm), nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được dịp ở lại để nhịn chay tại nơi sinh thành từ khi rời xa quê hương yêu dấu gần bốn mươi năm. Chúng tôi đã có dịp nhịn chay tại nhiều quốc gia và mỗi quốc gia có một cảm giác đặc thù riêng như Anh Quốc, Ai Cập, Yemen, Saudi (Mecca và Al Medinah), Hoa Kỳ, Úc châu và Pháp quốc… nhưng chưa thấy nơi nào vui vẽ và nhộn nhịp bằng quê hương Phũm Sòai (Châu Phong) yêu dấu của chúng tôi...
Hôm nay, tôi mạn phép mượn bài nầy để tâm sự cùng các bạn về chuyến đi của chúng tôi với hy vọng các bạn sẽ hiểu thêm về cuộc sống của người Muslim ở Việtnam nói chung và của người Chăm Muslim thuộc làng Phũm Sòai, Châu Phong, Châu Đốc nói riêng, nhứt là sự sinh họat vào tháng Ramadan đầy hồng phúc...
Mặc dù sinh trưởng và lớn lên tại đó, nhưng thời gian xa cách khá lâu nên chúng tôi không còn nhớ rõ nề nếp sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng như thế nào, nhứt là vào những ngày trong tháng chay Ramadan đầy hồng phúc… Mục đích chuyến trở về lần này, trước tiên là thăm gia đình và thăm viếng cộng đồng trong khả năng có thể, cho nên vừa dừng chân đến thành phố HCM một ngày thì hôm sau chúng tôi tổ chức đi thăm « Làng Chăm » ở xã Xuân Lộc, Long Khánh.
Nếu ai có dịp về miền trung dọc theo quốc lộ số một vừa đến xã xuân lộc (Long Khánh) thì sẽ thấy một ngôi Masjid (Nhà thờ Hồi giáo) đồ sộ nằm ẩn mình bên phải con đường, chỉ cách con lộ chừng trăm thước mà thôi. Vào thời chiến thì nơi đây cảnh vật rất điêu tàn và buồn tẻ, nhưng từ khi đất nước được giãi phóng thì nơi đây là nơi canh tác ruộng vườn, cho nên đông đúc người Chăm Muslim khắp nơi về đây lập nghiệp sinh sống đến nay, như sách có câu « Cây lành chim đậu ». Và dần dần vùng đất này cũng trở thành nơi chôn cất những người Muslim ở thành phố HCM hay người Muslim sống lân cận sẽ đem thân nhân về chôn liệm tại đó, bởi vì hiện nay Sàigòn không còn nơi nào để làm nghĩa trang cho người Muslim như xưa nữa…
Sau khi thăm viếng ngôi Masjid thuộc diện lớn nhất nhì Việt Nam thì trời cũng đã ngã trưa, do đó chúng tôi phải tranh thủ lên đường đi Bình Sơn (Long Thành), trước là thăm viếng Masjid và nghe nói hôm nay ở đây có tổ chức buổi lễ kết thúc niên học thiên kinh Qur’an và có làm lễ phát quà cho các em học sinh… Dù đường xá xa xôi và đầy lỗ hang, nhưng cuối cùng khoảng ba giờ chiều thì chúng tôi cũng đến được vùng cao su bao bọc ngôi Masjid và những căn nhà của người Muslim sinh sống tại đó. Vừa đến nơi cũng là lúc bà con lăng xăng đứng đón khách mời từ những nơi khác đến tham dự buổi lễ kết thúc niên học…, trong bầu không khí tấp nập và vui vẻ, với sự tham dự của người đại diện cơ quan chính quyền địa phương và cả những người lãnh đạo tinh thần Muslim từ xa đến dự, trong đó có Ban đại diện HG Saigon.
Masjid Bình Sơn chỉ là một Masjid nhỏ bé được nằm ẩn mình ở chính giữa những hàng cao su, và có sự bao bọc của dân chúng Muslim, Masjid này cũng mới được khánh thành cách đây vài năm, tuy không lớn cho lắm nhưng thật khang trang và đẹp so với cuộc sống khó khăn ở đó từ xưa, nay đã được ổn định và thịnh vượng hơn…
Có lẽ đó cũng là truyền thống cổ truyền của người Chăm muslim từ xưa đến nay là ; nơi nào có người chăm muslim thì nơi đó có masjid dù nhỏ hay to. Cho nên bằng mọi cách họ sẳn sàng hy sinh để có nơi an khang để thờ phượng Allah. Những hình ảnh của trẻ em vui mừng đón nhận món quà và lòng hiếu khách của dân làng, làm cho chúng tôi thật xao xuyến không bao giờ quên được...
Chỉ vài ngày nán lại ở thành phố HCM rồi chúng tôi phải lên đường đi Châu Đốc, về làng Phũm Soài là nơi đã cho chúng tôi quá nhiều kỉ niệm…, thật vui mừng khi gặp lại thân nhân và càng vui hơn nữa trong sự tình cờ không hẹn mà được gặp lại những bạn bè thân thương xa cách đã lâu, và cũng không ngờ sau bao năm xa cách sống tha phương cầu thực lại được gặp nhau nơi làng cũ nghĩa xưa, có gì vui mừng bằng những ngày tháng họp mặt đó.
Từ đó, sau mỗi giờ soly Magrib và Fajar (sub) thì tất cả anh em ra hành lang Masjid ngồi lại để hàn huyên tâm sự hay kể chuyện về đời sống tha phương mà việc hành đạo gặp rất nhiều khó khăn và vất vã, đôi khi muốn « Solah Jum’at » thì sau khi ra hãng phải chạy gắp rút cả chục cây số mới kịp giờ hành lễ… Những câu chuyện kể, trong tiếng nói tiếng cười cùng nhăm nhi ly café đá đầu tiên của ban ngày, đôi khi vừa uống café vừa lên kế hoạch soạn thảo chương trình tổ chức những gì cần phải làm cho ngày hôm đó để Masjid kịp chào đón tháng Ramadan sắp đến…
Alhamdulillah, trong thời gian này chúng tôi có dịp tham dự hai đám cưới thật linh đình trong phong tục tập quán của người Chăm, cái đặc biệt nhất là đưa chú rễ về nhà cô dâu có cả hàng trăm người tấp nập đưa tiển, và sau khi dùng bửa cơm thân mật với nhà gái thì tất cả đều về, ngoại trừ chú rể thì phải ở lại nhà bên Nhạc gia, chờ đến ngày thứ ba thì mới được phép đưa vợ về thăm gia đình bên chồng…, còn nhiều tập tục của người Chăm nữa, nhưng tuyệt đối không liên quan gì đến tôn giáo Islam cả.
Song song đó, chúng tôi cũng có dịp tham dự những đám ma ở những làng bên cạnh. Nói về đám ma thì chúng tôi thấy có nhiều điều mà cộng đồng cần nên xem xét lại, vì theo sự quan sát khách quan của chúng tôi thì « Tiền lấn Tình ? », nghĩa là một đám ma của gia đình người nghèo thì thấy ít người đến tham dự soly janazah cho họ, còn đám ma của những gia đình giàu có thì tự động thật đông đảo từ khắp nơi đổ đến, cho nên đám tang của những gia đình nghèo thấy rất tủi thân vì ít người đến làm tang lễ, và cái khó hiểu lớn nhất là sau khi solah janazah xong vừa bước ra ngòai thì thấy rất khá đông người đứng ở ngoài chờ nhận quà thưởng khi đọc đu-a xong, còn người đu-a bên cạnh ngôi mộ lúc chôn thì chỉ vài ba người, thật thấy đau thương cho người quá cố.
Còn vài ngày nữa vào tháng chay (Ramadan) nên chúng tôi rủ nhau đi thăm bà con sống gần ranh giới Cambốt, nơi đó có khá đông người Chăm đang sinh sống ở làng Khohkhoi, Khohkhia, Palauba, Sabau (Hà Bao) và vùng nước chảy...
Vùng này, nổi bật nhất là Masjid Jamiul Muslimin nằm trên quốc lộ xuyên Á (Cambốt), vùng đất phì nhiêu đầy hứa hẹn ở tương lai, người dân nơi đây thích trồng ngô (bắp) hơn là trồng lúa so với những vùng khác, có lẽ do sự thu hoạch khá hơn. Masjid Jamiul Muslimin nằm ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, An Phú, An Giang, đây là một Masjid có mẫu hình theo kiểu Trung Đông với cái chòm to lót những viên gạch nhỏ màu xanh trông thật quí phái mà chưa Masjid nào tại VN có cả, và có lẽ đây cũng là Masjid mới lớn và đẹp nhứt Việtnam trong thời điểm hiện tại. Masjid này có những cánh cửa làm bằng những gổ quí giá từ Cambốt đem về, kèm theo những cầu thang làm bằng đá hoa cương với những ngọn đèn thật lộng lẩy và nơi lấy nước soly được thiết kế những vòi nước làm bằng Inox xem thật tráng lệ, bên cạnh đó có trường học dạy thiên kinh Qur’an, còn bải sân rộng và hàng rào chung quanh chưa có hòan tất vì thiếu kinh phí, bà con tại đây hy vọng sẽ được hoàn tất và sẽ khánh thành vào ngày « Idul Adha » (Lễ Hajji) sắp tới đây, Insha Allah.
Nhân dịp này chúng tôi cũng đi tham quan các Masjid lân cận khác, và thấy có nhiều Masjid đang xuống cấp, bà con cũng hy vọng tương lai sẽ được tu sửa lại để bà con dể dàng (tránh mưa, tránh nắng) trong việc hành lễ. Riêng về cuộc sống của bà con ở đó thì có khả quan hơn nhiều so với mấy năm về trước, vì được đi làm ăn xa nhà nên gặt hái được nhiều lợi tức, còn những người không vốn nhiều họ cũng an tâm mà làm ăn theo khả năng của họ, nhưng dù thế nào thì họ vẫn không than vang mà chỉ chấp nhận cho cuộc sống qua ngày, vì tin tưởng tất cả đều do Thượng đế tạo ra… Đáng quan tâm nhứt là bà con sống ở vùng gọi là (Nước chảy), họ là nạn nhân của Khmer đỏ trước kia, bỏ xứ về lập cư tại đây, nhà của họ là chiếc ghe nhỏ sống lênh đênh trên sông có dòng nước chảy mạnh khi trời mưa xuống hay dòng nước lên cao...
Cảnh đẹp mắt nhứt mà chúng tôi không được nhìn, vì chúng tôi đến thăm vào buổi sáng nếu không vào xế chiều (sau Asar rồi) bà con trên ghe quay quần lại với nhau ba bốn chiếc mà học kinh Qur’an, vừa là nhà vừa là trường học vừa là phương tiện để nuôi sống gia đình, có quang cảnh nào đẹp đẻ bằng, dù khó khăn cực nhọc đến đâu, nhưng bà con ở đó không bao giờ quên bổn phận và nghĩa vụ thiêng liêng là cho con cái học kinh Qur’an để hiểu đạo giáo… Ở đó có một tiểu thánh đường (hay Surao) vì đường xa vất vã khi đi đến masjid lớn để solah Jum’at (Ngày thứ Sáu), nên họ muốn nâng cấp lên masjid hay xây thêm một masjid nữa, nhưng bị khước từ với lý do làm như thế sẽ tạo sự chia rẻ, con đường đi đến masjid không gần, lại vất vã và mất cả buổi, nếu trời không mưa, nếu mưa xuống chỉ những người có đầy nghị lực và can đảm lắm mới đạp xe đến solah… Nghe vậy làm cho chúng tôi quan mang không hiểu tại sao???.
Trời đã vào trưa với những ánh nắng gắt gao và thường hay mưa sau đó, nên chúng tôi vội vàng quay về… Trên đường về bụng hơi đói, (mặc dù bà con ở đó có mời dùng bửa, nhưng chúng tôi không muốn làm phiền nên từ chối) nhưng tìm không ra một quán ăn halal nào nên đành ghé vào quán uống tạm ly café đá cho ấm bụng, xong băng qua đò đưa chúng tôi qua bên này sông. Nhìn đồng hồ, giờ solah Dhur sắp đến nên chúng tôi tắp vào surao thuộc Hàng Sòai trên mà solah Dhur, bà con tiếp đón thật nồng hậu. (Cái hay và đẹp ở Châu Đốc là các bạn có thể ghé vào masjid nào mà solah khi giờ solah đến). Khỏang đường đi và về không hơn 70 km, nhưng đây là lần đâu tiên mà chúng tôi cùng vài anh em khác dù sinh sống ở thành phố hay Châu Đốc nay mới có dịp đặt chân đến lần đầu tiên trong cuộc đời, cuộc hành trình ngắn ngủi nầy thật khó mà quên được…
Là người muslim sống khắp mọi nơi, ai cũng ao ước mong chờ ngày đầu tiên của tháng Ramadan sẽ bắt đầu vào ngày nào ? Chúng tôi là những người tha phương đã quen thuộc với cách sống hải ngoại là nghe đài hay xem tv và chờ thông tin của bạn bè, nhưng bên nhà lại khác làm cho chúng tôi hơi thất vọng, vì không cảm thấy bầu không khi náo nhiệt hồi hộp chờ tin như mỗi năm, ngay cả trong masjid không có cuộc họp nhau lại hay họp tổng quát của những vị chủ trì (hakim) masjid để có tiếng nói thống nhứt, có lẻ mỗi nơi có một cách vậy, cuối cùng cũng đựơc tin ngày thứ Bảy (22/8) là ngày nhịn chay đầu tiên như khắp nơi trên thế giới, nên sau khi solah Isa xong, ai nấy đều về nhà sớm để chuẩn bị tối vô chay.
Một ngày nhịn chay và sinh họat ở quê nhà… Đa số bà con thức dậy vào khỏang 3 giờ sáng để ăn cơm sáng (Sahur) xong vào khỏang 4 giờ hơn, phụ nữ ở nhà dọn dẹp sơ qua xong chuẩn bị đến masjid để solah Fajr (Suh) tập thể, một số thanh niên thì rủ nhau đến quán cafê để uống ly cafê cuối cùng của ban ngày… Chúng tôi là khách tha phương nên nhập gia tùy tục, nên cũng đến chia vui vài câu chuyện và kinh nghiệm sống trong tháng Ramadan ở hải ngoại với họ, xong cùng nhau đến solah Fajr tập thể thật đông đảo không khác gì solah magrib vậy… Sau đó thì về nhà nghỉ ngơi (có một vài chỗ khác thì họ ăn cơm khuya rất sớm vào khoảng 12 giờ khuya, đôi lúc ngũ quên đi giờ solah Fajr, nên masjid trống hơn vì ít người đến solah).
Chúng tôi không quen ngũ nhiều, nên khỏang 9 giờ sáng đã có mặt ở masjid thì lúc đó đã có người đến, nhứt là những vị có trách nhiệm để quan sát công trình mà thợ đang thì công, trên masjid thì vang lên tiếng đọc kinh Quran và tiếng người đang quét dọn trên đó… Thật mừng rở không sao nói được, những người trên masjid đó là những thanh niên, họ ngũ lại trên hành lang của masjid sau solah fajr, rồi những người có trách nhiệm lo bửa cháo để xã chay bắt đầu đến rửa chén dĩa nồi bếp để chuẩn bị nấu ăn, còn những người phụ thì giúp cắt hành, đồ gia vị và xé thịt, có ngày thì nấu cháo vịt, có ngày thì nấu soupe thịt bò, gần đến giờ Dhur thì càng đông người hơn đến phụ rồi solah Dhur xong trở về nhà nghỉ ngơi, bà con người Kinh ở vùng đó cũng thay đổi cách sống hay buôn bán của họ thay vì rao bán vào buổi sáng họ rao bán sau giờ Dhur vì ban sáng bà con người Chăm muslim còn ngũ. Đa số đàn ông thì có mặt thường xuyên ở masjid, người thì đọc kinh Quran người thì phụ giúp, còn phụ nữ thì lo việc nội trợ và lo bánh trái để chồng hay con đem đến cùng nhau ăn lúc xã chay.
Asar xong vào khỏang 16.30 thì masjid bắt đầu tắp nập trở lại, toán lo cho bửa đó bắt đầu thi công dọn dẹp bàn ghế dĩa chiến, ly nước ra thành mâm bốn người, chính giữa có cái dĩa dùng để bánh trái mà bà con đem đến cùng chia sẻ với nhau, gào mên mà họ đem bánh lại thì họ dùng nó để đựng cháo đem về nhà dùng, vì masjid nấu cháo cho cả gia đình và những người đến xã chay, sau khi mút cháo để về nhà xong, dây chuyền của hàng ngũ thanh niên bắt đầu làm vịêc để mút cháo dọn lên bàn cho khỏang 120-130 người dùng, xong thì họ ngồi vào chỗ trước khỏang nữa tiếng để nghe lời thuyết giảng của ông thầy cho đến còn vài phút nữa xã chay, chủ đề tùy theo ông thầy giảng, có khi nói về cái phước của tháng Ramadan hồng phúc, có khi kêu gọi nhân tháng tốt lành nầy hãy dứt khóat và đọan tuyệt với quá khứ không tốt lành, hãy ăn năn xám hối mà bỏ đi những gì không tốt lành hữu ích cho cá nhân và xã hội, hãy quay trở về với Allah, vì lúc nào Ngài cũng mở rộng để đón chờ kẻ lầm than lạc lối quay về…
Tiếng azan cất lên khỏang 18.20, mọi người vui vẻ hân hoan xã chay và nhận phần thưởng sau một ngày nhịn với những chén cháo còn hơi ấm, chúng tôi thật khâm phục nhà bếp đã hòan tất sớm, không thiếu cháo cũng như không dư nhiều, cháo vừa ăn lại còn nóng, bên cạnh những bánh trái mà bà con đem lại trong đó không bao giờ thiếu bánh haaba’a (bánh mặn) độc đoan của ngừơi Chăm…. Tất cả đồng soly Magrib xong về nhà ăn thêm và nghỉ ngơi đến 20 giờ thì lại có mặt đầy đủ để soly Isa và Taraweh, đặt biệt trong tháng Ramadan, phụ nữ cũng đến solah nên masjid không còn chổ trống, bầu không khí thật nhộn nhịp và vui vẻ trong lễ nghi, nhưng cũng rơi nước mắt khi nghe Imam cầu nguyện trong lúc solah witr, cầu xin với Allah tha thứ tội lỗi cho cha mẹ những người qua khứ và tội lỗi của mình, hy vọng nơi Allah chấp nhận sự hành đạo của tất cả…
Khách quan mà nói, tốt lành và đẹp mắt nhứt của jamaah là tất cả cùng dùng một món ăn hay thức uống đều giống nhau, không giống những nơi mà chúng tôi cũng có dịp đến xã chay, ngoài cháo trắng ra thì có nhiều người tự đem thêm thịt hay thức ăn thức uống mình thích đến dùng riêng, còn người không có thì chỉ dùng những gì từ trong masjid đãi ăn mà thôi… và cái khác biệt hơn nữa là trước giờ xã chay Imam cùng những nguời hiện diện đọc zikir chung, xong Imam đu-a cho đến giờ xã chay, những người còn lại thì lắng nghe và một số lo chuẩn bị đồ xã chay, vừa xã chay xong thì phải chờ một số đi hút hết điếu thuốc đầu sau một ngày dài nhịn chay, cũng mất khoảng nữa tiếng đồng hồ. Ngược lại thì jama’ah này không đợi ai cả, sau khi ăn xong tô cháo và uống qua loa là solah magrib liền nên không có thì giờ để kéo điếu thuốc, đó cũng là hình thức hay và hiệu lực để cho bà con giảm đi hút thuốc…
Thời giờ rộng rãi của bà con làm cho chúng tôi thèm muốn ao ước được như họ mà chúng ta sống ở hải ngoại không bao giờ có được, nên trong lúc ở lại đó, chúng tôi dùng hết thì giờ vào sự hành đạo, như sau cơm khuya (sahur) chúng tôi không đến quán (của người Chăm) dùng cafê nữa, mà trực tiếp đến masjid để đọc kinh Quran, cũng như sau khi thức dậy xong, chúng tôi đến masjid để quét dọn và đọc kinh Quran, giờ nào rảnh là đọc kinh Quran và nói chuyện đạo và trao đổi kinh nghiệm cuộc sống cho bà con nghe, nên nhờ đó mà thanh niên đã bắt chước và thay đổi phương cách sống không quan tâm nhiều đến thì giờ mà họ đã làm mất đi trước kia… Vài ngày sau chúng tôi lên masjid như thường lệ, chúng tôi thật ngạc nhiên vì thấy được đám trẻ cùng nhau học hỏi cách azan cho hay và đúng cũng như chỉ dẫn nhau cách đọc kinh Quran… Chúng tôi có hỏi đến giờ các cháu đọc được bao nhiêu Juz ( Kinh Quran có 30 juz), thì họ trả lời đã được gần 10 juz rồi, dù chỉ mới có vài ngày chay thôi, thật là điều khích lệ lớn lao, hy vọng Allah sẽ hướng dẫn và ban nhiều điều tốt lành thành công cho họ.
Thật đáng tiếc, vì công ăn việc làm, nên thì giờ không cho phép chúng tôi ở lại cho trọn vẹn tháng Ramadan vào 10 ngày còn lại, bà con Ieatikaf (ẩn mình hành đạo trong masjid) và solah đêm đến sáng, nhứt là ngày Id hay Roya Fitroh, bà con ở thành phố hay đi làm ăn xa đều trở về ăn Roya (Lễ) chung với gia đình. Ngay cả chính quyền địa phương họ cũng chia vui đến chúc mừng từng masjid với những món quà thuần túy của tôn giáo, thật náo nhiệt vui vẻ đầy tình thương và đoàn kết dân tộc…
Mr ! Mr ! Ông ơi ! Ông ơi !!! tiếng đánh thức của cô chiêu đãi viên làm cho chúng tôi thức giấc vì máy bay sắp sửa hạ cánh, chúng tôi hoang mang như đang trong giấc mộng, mới mười mấy tiếng đồng hồ trước đây cùng ngồi xã chay chung với thân nhân gia đình bà con, nay đã xa cách không biết bao giờ mới có dịp đòan tụ và cùng nhau nhịn chay chung nữa ! Cuộc sống hiện tại lại hiện đến với chúng tôi, với cảm tưởng luôn bận rộn, đi làm, nghỉ ngơi và đi làm, thì giờ trôi qua thật mau, không giống như ở quê hương yêu dấu có nhiều thì giờ rảnh để hành đạo mà chúng ta đang sống ở hải ngoại không có dịp may để nhịn chay và hành đạo như họ, sau gần bốn chục năm trời mới được dịp trở lại nhịn chay chung ở quê nhà, cảm tưởng đó không nơi nào có thể tạo đựơc, ngoại trừ hiện diện tai hiện trường mới nhận thức và biết được, cuộc vui nào cũng phải tan, cuộc gặp nào cũng phải chia ly, nhưng chia ly có để lại kỷ niệm tốt nhớ nhung hay không là điều đáng quan tâm, cuộc hành trình có hữu ích vì Allah hay không đó mới là điều xót xa để lại trong lòng của mọi người…
Hy vọng nơi Allah, ngày nào đó Insha Allah sẽ có dịp về hưởng cả tháng nhịn chay ở đó với thân nhân gia đình bà con cô bác, mà chúng tôi không bao giờ quên đựơc sự vui vẻ, đòan kết, đầy tình người ở đó. Cầu xin với Allah chấp nhận tất cả sự hành đạo của chúng ta.
Những đứa con tha hương của làng quê Phũm Sòai Châu Phong yêu dấu.
Paris, giữa mùa chay năm 2009.
NHỮNG HÌNH ẢNH XÃ CHAY TẠI MASJID MUHAMMADIAH - PHŨM SOÀI - CHÂU PHONG
Đây là khu đất trũng phía sau Masjid, nhờ sự đóng góp của cộng đồng nay đã được khang trang để làm nơi sinh hoạt tập thể.