Trên đường về Châu Đốc từ Thành phố Hồ chí Minh (Sài Gòn), khi qua khỏi Thành phố Long Xuyên từ ngã ba Lộ Tẻ đi thêm mười ba cây số nữa là ta đến đường vào khu vực của một cộng đồng người Chăm Muslim.
Có hai cách để vào, một là đường bộ thì đi qua cây cầu dây Vĩnh Phúc, hai là đi đường sông (kênh đào) bằng ghe hơn một cây số nữa ta sẽ sửng sốt ngạc nhiên khi giữa vùng sông nước sình lầy hiện diện một ngôi Thánh Đường Islam.
Đây là ngôi Thánh đường có nét bề thế, uy nghiêm và vẻ đẹp rực rỡ của nó như ngầm khẳng định sự đại diện cho tinh hoa và lòng mộ đạo của các tín đồ Islam trong khu vực, đó là Masjid Jamiul Mukminin hay những tên thường gọi như: Masjid Kinh tế Mới Long Xuyên, Masjid Vĩnh Hanh.
Cộng đồng Muslim Mukminin trước đây định cư tại Sà Bâu, đời sống và việc hành đạo rất khó khăn, tại Sà Bâu cộng đồng đã dựng lên một Masjid thường gọi là Masjid Sà Bâu, tiếng là Masjid nhưng thật là một Masjid “trống trước, hở sau”, vách chỉ là những mảnh ván nhỏ ghép lại, nền là đất được trải lên để Solah bằng những gì mà các gia đình trong cộng đồng có được như: Hàng đầu là những tấm thảm lạy, khoảng giữa là những tấm cói và sau cùng là những tấm chiếu, tất cả nằm rời rạc vì không cùng khổ với nhau và tất cả có một điểm chung là cũ và rách.
Năm 1977, vì nạn chiến tranh biên giới cộng đồng Muslim Sà Bâu phải từ giã nơi ở mà trôi giạt về vùng đất Vĩnh Hanh tỵ nạn, lúc đó Chính Quyền tỉnh Long Xuyên đã giúp cho cộng đồng có được một khu định cư gọi là Khu Kinh tế Mới Long Xuyên thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Kể từ đó cộng đồng này đã định cư và phát triển không ngừng cho đến nay.
Cách đây khoảng mười hai năm, trong dịp viếng thăm Masjid Jamiul Mukminin, tôi đã từng chứng kiến sự nghèo khó của cộng đồng này, đường đi vào lúc đó chỉ là một đường mòn, khi được tin nhóm của chúng tôi đến thăm, cộng đồng kiếm đâu ra được một chiếc ghe nhỏ xíu sức chở tối đa chừng năm người, vì là dân Sài Gòn không quen đi trên sông nước nên tôi và anh bạn Maideen (râu) được một phen hốt bùn làm kỷ niệm. Trên đường đi vào Masjid nhà đồng bào Chăm Islam cách khoảng năm mươi mét có một căn, tất cả đều bằng lá và nhỏ như một túp lều, chỉ duy nhất Masjid là được xây bằng gạch, mùa nước nổi hằng năm nhà cửa, ruộng vườn đều bị ngập, riêng Masjid chỗ đứng Solah có những năm bị ngập trên một mét không thể nào hành lễ tập thể được.
Hôm nay trở lại chia vui lễ khánh thành Masjid Jamiul Mukminin được đại tu và thăm cộng đồng này vào hai ngày 11 & 12 tháng12 năm 2008. Alhamdulillah! tôi thật bất ngờ khi nhìn Masjid rộng lớn, oai nghi và đời sống của cộng đồng này đã được nâng cấp hơn trước rất nhiều, đồng bào Chăm tại đây có những người xây nhà thuộc hàng bề thế, có máy lạnh và xe du lịch để dùng, thật là một cuộc đổi đời ngoạn mục!
Toàn khu vực Masjid Jamiul Mukminin, hiện nay với tổng diện tích: 4.400 m2, riêng Masjid: 374,5 m2, phần còn lại là dãy nhà dùng làm Madrasah (lớp học) và những tiện nghi khác… Chi phí cho lần đại tu này gồm những tín hữu Muslim tại Hoa Kỳ và các cộng đồng, cá nhân trong nước đóng góp. Tổng số khách Muslim tham dự lễ khánh thành là 4.000 người. Đây là lần đại tu thứ tư của Masjid kể từ năm 1977. Dân số cộng đồng hiện nay là 153 gia đình, số học sinh gồm có: Qidam 65 người, Qur’an 40 người, do 3 Tuôn: Mach Suot, To Hir và Ibrahim phụ trách. Tuy nhiên theo sự trình bày của ông Hakim HJ. Chàm Du Sô thì toàn thể khu vực Masjid cần phải nâng nền lên thêm một mét nữa mới khỏi bị ngập mỗi mùa nước nổi hằng năm.
Chân thành chúc cho cộng đồng Muslim Jamiul Mukminin vững bền phát triển tất cả từ đạo lẫn đời, cầu xin Allah ban thật nhiều Hồng Phúc cho cộng đồng này.
Cổng Masjid
Lều cho khách đến dự lễ khánh thành
Mặt tiền của Masjid
Sảnh đường (trung tâm hành lễ solah của phái nam)
Nơi lấy nước wudu (tẩy thể)
Hành lang bên phải
Hành lang bên trái dành cho phái nữ