Thoạt nghe ai cũng nghĩ rằng ngôi thánh đường này có lẽ trụ tại Sài-Gòn, nhưng khi hiểu ra thì không khỏi ngạc nhiên đây là một ngôi thánh đường Islam theo lối kiến trúc qui mô mà nằm ghép mình bên con đường lộ hoang vắng, đó là Masjid Al Muslimin – xã Quốc Thái, Huyện An Phú (Koh Kagia), tỉnh Angiang.
Ngôi thánh đường này vừa xây cất xong và dự định sẽ làm Lễ khánh thành vào ngày Đại Lễ Raja Haji 1431H (tháng 11/2009).
Đến thị xã Châu đốc thuộc tỉnh An-Giang, dọc theo sông Hậu nhìn lên bờ chúng ta sẽ thấy rải rác những ngôi thánh đường mang biểu tượng của nền văn hóa Islam. Dù rằng, ở đây (Châu Giang – Châu – Phong – Cồn Tiên) là cái nôi của làng Chăm sinh sống tại đồng bằng Nam bộ, là trung tâm đạo Islam của những người dân thật thà chất phác, chúng ta cũng không bỡ ngỡ tại đây đã có rất nhiều ngôi thánh đường (Masjid Islam) dành cho người dân Muslim làm lễ nguyện hàng ngày, dĩ nhiên đó là chuyện bình thường vì vùng đất này có dân số Muslim rất là nhiều (không rõ chính xác là bao nhiêu ?).
Tại thị xã Châu Đốc qua cầu (trả tiền lộ phí) hướng về ranh giới Campuchia, vừa qua khỏi cầu là chúng ta bước vào vùng đất Cồn Tiên thuộc xã Đa Phước, đi chừng hai cây số nhìn phía bên trái chúng ta sẽ thấy thánh đường Al-Ehsan trước rồi Surao (tiểu thánh đường) Sunnah sau, hai ngôi thánh đường này nằm cùng trên lộ chỉ cách nhau chừng hai trăm thước (xem hình).
Từ đây chúng ta có thể đi xe bus hay xe ôm trực thẳng về hướng biên giới khoảng mười cây số thì sẽ thấy ngôi làng Quốc Thái, có dân cư sinh sống đông đúc và nhộn nhịp, nhất là làng Chăm Muslim Quốc Thái nằm gọn bên phải của vệ đường. Vâng, tôi đã đến nhìn thấy những cảnh của đồng quê tươi mát, không khí trong lành của bầu thiên nhiên không có công nghiệp, phần đông những người dân có tuổi thì theo nghề nông, còn thanh thiếu niên thì hành nghề buôn bán trên đường xuyên Việt (buôn bán hay đổi chác hàng hóa Việt – Miên).
Đối với tôi không gì ngạc nhiên khi nghe Azan báo đến giờ hành lễ, nhưng một điều rất thú vị mà tôi chỉ thấy khi tôi đi hành hương tại LaMeque, đó là tất cả anh chị em Muslim (ngay cả trẻ em Muslim) tại đây khi nghe tiếng Azan đều vui vẻ tiến về ngôi Masjid để sửa soạn lấy nước hành lễ (nếu ai không còn nước), một cảnh tượng hòa đồng và đoàn kết cùng nhau về trình diện Đấng Chủ Tể của nhân loại.
Thời điểm mà tôi đến thì ngôi masjid cũ đã được đập bỏ và đang trong thời kỳ xây dựng ngôi Masjid mới, cho nên họ tạm thời căng lên một túp lều vải để làm điểm soly hàng ngày, dù lều chật hẹp nhưng rất ấm cúng trong tinh thần và trách nhiệm của mỗi người đối với Thượng Đế của họ. Sau khi lễ nguyện xong, tôi có tiếp xúc với vị Imam và những anh em có trách nhiệm xây cất tại đây được biết Masjid mới này do anh Yousouf (Tư Du) là cầu nối liên lạc để xin nguồn vốn từ nước ngoài, đó là « Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ - Dubai » tài trợ khoảng 150000 USD, nhưng vì tính toán sai lầm giá cả vật liệu vào thời điểm nên có sự thiếu hụt đáng kể, cho nên cộng đồng tại bản làng ai có ít thì giúp ít, ai có nhiều thì cùng nhau gom góp lại để bù đắp vào những phần thiếu hụt ấy, mặt khác cũng cầu cứu những anh chị em Muslim nào có lòng hảo tâm được đồng nào hay đồng nấy và cũng nhờ sự phụ giúp trai trẻ trong làng trong vấn đề nhân công xây dựng để giảm đi chi phí thợ thuyền…
Vì muốn ổn định trong việc thờ phụng Đấng Thượng Đế, nên mọi người dân tại đây đã đồng lòng « kẻ một tay người một chân » gấp rút làm phụ hồ hay khuân vác những gì có thể, kết quả đã cho thấy là Allah đã cho họ hoàn thành một công trình vĩ đại mà họ hằng mơ ước, Alhamdulillah.
Thật vậy, từ một mảnh đất trống có ngôi nhà lụp xụp để làm nơi hành lễ, nay đã thay đổi toàn phần bộ mặt của bản làng, một ngôi thánh đường Islam theo mẫu mực quốc tế sừng sững nằm giữa trung tâm của bản làng đã nói lên sự hãnh diện trong lòng người dân Muslim tại đây. Vì đối với cộng đồng Muslim, ngôi thánh đường là tụ điểm để hành lễ trong những giờ trình diện đến Đấng Tối Cao của nhân loại, Đấng Tạo Thiên Lập Địa của môi trường và là Đấng Thưởng Phạt của Ngày Tái Sinh. Ngôi thánh đường cũng là nơi tề tựu tất cả dân làng Muslim trong hai ngày Đại Lễ của năm (Aid El Fitr và Aid El Adha), là nơi hội họp vui mừng cho những lễ cưới hỏi và cũng là nơi hành lễ đưa tiển linh hồn (Soly Janazah) về bên kia thế giới chờ đợi Ngày Phán Xét.
Masjid Al Muslimin, gồm có một tầng trệt và một tầng lửng, xung quanh là hành lang của Masjid, là nơi hành lễ nếu đông người, là nơi nghỉ ngơi của bô lão và cũng là nơi tổ chức ăn uống tập thể mỗi khi có lễ tiệc vui mừng. Bên trong tầng trệt là sảnh đường lớn dành cho nam giới trong việc lễ nguyện hay xướng kinh Qur’an, ngoài ra không ai được làm gì khác có tính cách ô uế nơi thờ phụng Thượng Đế, theo ước tính thì có thể chứa cả ngàn người. Tầng lửng dành riêng cho nữ giới cũng có sức chứa khoảng vài trăm người. Xin nói thêm, ngôi thánh đường này được xây cất theo diện tam cấp, nên phần dưới của ngôi thánh đường dùng để làm nhà kho chứa đồ, còn nhìn về hướng bên phải từ mặt tiền của tầng trệt là nơi lấy nước tẩy rửa (wu-đu), còn nhìn về phía bên trái chúng ta sẽ thấy một tháp cao (Minaret) để dành cho người thông báo (Azan) đến giờ hành lễ (năm lần trong ngày).
Vì tôi không có một thông tin nào để biết chắc chắn là ngôi thánh đường này có diện tích bao nhiêu và những vật liệu được xây dựng bằng chất liệu nào nên tôi không thể nêu ra được, nhưng chắc chắn một điều là ngôi thánh đường Al Muslimin tại làng Quốc Thái – tỉnh An Giang là ngôi thánh đường Islam hiện lớn nhất tại Việt-Nam dự định sẽ làm Lễ khánh thành vào tháng 11/2009 để kết thúc một công trình vĩ đại mà mọi người dân Muslim tại đây rất hân hoan trong niềm vui của sự ban thưởng từ Allah, Alhamdulillah Hirrabbil Alamine.
ABU AZIZAH
Vài hình ảnh từ khi đang xây cất cho đến gần hoàn thành
Hông bên phải đang xây cất
Hông bên phải khi hoàn thành
Mặt tiền đang xây cất trong thời điểm chúng tôi đến thăm viếng (đầu tháng 8/2008)
Hông bên trái sắp sửa hoàn thành
Mặt tiền của Masjid Al Muslimin
Hành lang bên phải của Masjid
Bên trong nhìn từ sau đến Qiblat
Hành lang bên trái
Những cửa bên hông có chữ Allah
Mặt hậu của Masjid Al Muslimin - Quốc Thái