NGƯỜI CHĂM TẠI TIỂU BANG CALIFORNIA (HOA-KỲ) Chân Lý Islam
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu

NGƯỜI CHĂM TẠI TIỂU BANG CALIFORNIA (HOA-KỲ)

20.02.2010 14:19 - đã xem : 7440

Hiện nay, người Chăm định cư ở hãi ngoại đông đảo nhất là tại tiểu bang California (Hoa-Kỳ). Ðược kể là công dân Việt Nam và Căm Bốt, họ đã được định cư cùng với người Việt và người Miên tại tiểu bang này. Những người Chăm sống rải rác ở các tiểu bang khác, sau một thời gian định cư ngắn ngủi của họ, thì cũng tìm về California để sống gần gũi với bà con của mình.

Ngoài ra, tiểu bang California còn có nhiều ưu đãi khác như thời tiết ấm áp, thực phẩm Á Ðông dồi dào, trợ cấp xã hội cao, nhiều công ăn việc làm, đã thu hút người Chăm tị nạn, phù hợp với câu “đất lành chim đậu”. Ðối với người Chăm, hai yếu tố quan trọng nhất đã chi phối việc định cư của họ: tín ngưỡng và họ hàng. Hầu hết những người Chăm sống tại Santa Ana, Fullerton, San Francisco, Sacramento đều là bà con họ hàng Muslim xa và gần. Họ theo Islam Sunni của trường phái Safi'y. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý nữa là người Chăm Muslim định cư tại khu vực Santa Ana đều xuất xứ từ Căm Bốt và người Chăm sống tại Fullerton thì xuất xứ từ Việt Nam mặc dầu hai khu vực sinh cư của họ chỉ nằm cách xa nhau khoảng 8 dặm Anh. Họ sống tập trung xung quanh hay gần Thánh Ðường tương tự hình thái định cư của họ tại các làng xã Chăm ở Nam Việt Nam và Căm Bốt. Cả hai cộng đồng này đều là người Chăm nói chung một thứ tiếng, có cùng một tín ngưỡng, nhưng dị đồng do khác biệt họ hàng và địa phương.


Hơn nữa, nghề nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng khác kết tạo sự dị đồng đó. Người Chăm tại khu vực Santa Ana vốn là những nông dân và thợ rèn. Ngôn ngữ giao tế của họ có chiều thu hẹp vào vòng nghề nghiệp đơn giản. Người Chăm tại khu vực Fullerton gồm những người buôn bán lẻ. Ngôn ngữ giao tế của họ vì thế có mặt phức tạp hơn. Do đó, hai tập thể này giao lưu theo hai chiều hướng khác biệt. Tuy sống biệt lập hẳn với người Việt và người Miên, người Chăm gốc gác ở Nam Việt Nam thích giao du với người Việt hơn là với người Chăm gốc Căm Bốt; ngược lại, người Chăm gốc Căm Bốt thích giao dịch với người Miên hơn là với người Chăm gốc Việt Nam. Tuy rẽ lối, nhưng sinh hoạt của họ cuối cùng đều hội tụ vào một điểm. Ðó là việc bảo vệ và duy trì tín ngưỡng cổ truyền.


Sinh hoạt tôn giáo


Người Chăm rất mộ đạo và sống vì đạo. Sau khi ổn định nhà cửa tại một khu vực nào đó, công việc đầu tiên của họ là tìm thuê một căn nhà dùng làm giáo đường (surao) để sinh hoạt tôn giáo. Giáo đường vừa là một nơi hành lễ tập thể vừa là một lớp học giảng giải giáo lý của đạo. Hằng ngày, các em bé Chăm sau những giờ tan trường công lập đều được các bậc cha mẹ dẫn đến giáo đường để học hỏi kinh sách. Ðây là một hình thức luyện tập con cái duy trì nề nếp và tín ngưỡng dân tộc. Còn người Chăm lớn tuổi thì gặp nhau hằng ngày tại giáo đường để thông tin và trao dồi học hỏi luật đạo bằng tiếng mẹ đẻ. Họ khuyến khích con cái đi du học về tôn giáo tại các nước Muslim trên thế giới nhất là xứ A-rập Sau-đi và Ai cập. Dù thiểu số và sống gần những Thánh đường (masjid) lớn của các dân tộc Muslim khác tại California, người Chăm Muslim không muốn hội nhập vào tập thể Muslim nước ngoài mà chỉ muốn duy trì truyền thống cá biệt của ông cha mình.


Ngoài ra, người Chăm Muslim Châu Ðốc và Căm Bốt còn áp dụng việc kết hôn vừa để thắt chặt tình bà con họ hàng vừa để duy trì tín ngưỡng cổ truyền. Người Chăm không muốn con cái của mình lập gia đình với người khác đạo. Khi đứa con trai trong gia đình sắp đến tuổi trưởng thành, cha mẹ bắt đầu chuẩn bị tìm cho đứa con của mình một cô dâu Muslim. Có một cô dâu ngoại chủng là một điều bất đắc dĩ nhưng với điều kiện là phải trở thành một người Muslim. Tuy nhiên, một người cô dâu Chăm Muslim được ưa chuộng hơn là một người dâu Muslim ngoại chủng. Nhưng được ưa chuộng hơn cả là một người dâu Chăm cùng họ hàng (sa muk). Hôn lễ thường được tổ chức linh đình tại nhà cô dâu. Và sau khi hôn lễ chấm dứt, chàng rễ ở lại sống bên nhà của cha mẹ vợ theo phong tục mẫu cư (martrilocal) đã được duy trì từ lâu đời.


Người Chăm Bani và người Chăm Ahier định cư tại tiểu bang California đều xuất xứ từ Phanrang và Phanrí (miền Nam Trung Việt). Họ sống tập trung tại các thị xã San Jose, Modesto và Sacramento nhưng biệt lập hẳn với người Chăm Muslim. Người Chăm Bani theo đạo Islam nhưng không mấy được chính thống vì đã trộn lẫn tín ngưỡng Islam với việc cúng kiến thần linh địa phương. Người Chăm Ahier thờ cúng các thần linh địa phương hơn là thực hành sát đúng giáo lý của Ấn Ðộ giáo. Mặc dầu theo hai tôn giáo khác biệt và sống trong những thôn ấp riêng biệt, người Chăm Bani và người Chăm Ahier không khác biệt nhau bao nhiêu về nếp sống, về tổ chức xã hội và về cơ cấu gia đình. Họ đều nói một thứ tiếng Chăm mà người Chăm Châu Ðốc và Căm Bốt không thể hiểu được và ngược lại, họ cũng không thể hiểu được tiếng Chăm của người Châu Ðốc và Căm Bốt. Họ gọi người Chăm Muslim này là Chăm bahrâu (Chăm mới). Và họ được người Chăm Muslim gọi là Chăm Panang paní (Phanrang-Phanrí)…


Tổ chức xã hội


Các cộng đồng Chăm Muslim tại bang California đều được tổ chức theo dạng thức các làng xã Chăm tại Châu Ðốc và Căm Bốt. Ðứng đầu có ông Hakêm, giữ vai trò hướng dẫn và trọng tài. Kế đến có ông Imam, hướng dẫn các cuộc lễ nguyện và cố vấn giáo lý. Phụ tá các Imam có các Tuan, thầy dạy học và giảng kinh. Ngoài các chức sắc bán chính thức nói trên, các cộng đồng Chăm Muslim đã được tổ chức theo hội đoàn không sinh lời (non profit corporation) theo luật pháp của Hoa Kỳ gồm các vị chủ tịch, thư ký và thủ quỹ. Nhiều hội đoàn Chăm như “Cham Refugee League ở San Francisco”, “Cham Muslim Association of Fullerton”, “Indochinese Muslim Refugee Association of Santa Ana”... đã được thành lập tại bang California, với mục đích giúp đỡ các người Chăm tị nạn tương trợ và duy trì phong tục cổ truyền.


Cộng đồng người Chăm Bani và Chăm Ahier tại San Jose, ModestoSacramento không được tổ chức đúng theo dạng thức các làng xã của họ ở miền Trung Việt Nam. Không có các vị chức sắc như các Ông Guru, Imưm, Katíp, Achar, lãnh đạo tinh thần người Chăm Bani; cũng không có Po Adhia hay Ong Basaih lãnh đạo tinh thần người Chăm Ahier. Một vài gia đình người Chăm Bani vì thiếu chức sắc lãnh đạo tôn giáo đã hội nhập vào tổ chức người Chăm Muslim; và người Chăm Ahier sống biệt lập hẳn với cộng đồng người Chăm Muslim. Người Chăm Bani và Chăm Ahier tại San Jose vẫn duy trì mối tương giao của họ giống như bên Việt Nam và đã thành lập được hai tổ nhầm bảo tồn văn hóa Champa. Tựu chung, các hội đoàn nói trên đều được tổ chức nhằm mục đích duy trì tín ngưỡng và nề nếp cổ truyền của người Chăm.


Các trở ngại và khó khăn của việc định cư


Người Chăm nói chung đã được hưởng những quyền lợi tị nạn giống như người Việt và người Miên. Tuy nhiên, việc người Chăm Muslim hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ đã gặp phải những trở ngại và khó khăn do trình độ văn hóa, kỹ năng, tôn giáo, tuổi tác và giới tính của họ. Trình độ hiểu biết là một trong những yếu tố chính chi phối việc định cư của người Chăm. Ngoài một số rất ít giới trí thức đã từng quen sống nơi các thị thành của Việt Nam và Căm Bốt và có một vốn kiến thức khả dĩ giúp họ thích ứng vào hoàn cảnh mới của quốc gia định cư, số còn lại gồm những người dân quê quen sống nơi thôn dã, một khi đến định cư nơi thành thị sẽ phải đối phó với những vấn đề khó khăn về mặt giấy tờ hành chánh, về việc di chuyển, về việc tìm công ăn việc làm, về vấn đề sức khỏe, về nơi ăn chốn ở... Và chính vì thế, họ đã giao dịch và liên lạc với người Việt và người Miên nơi các văn phòng làm việc để nhờ thông dịch và giúp đỡ giải quyết các nhu cầu cần thiết của đời sống hằng ngày.


Anh ngữ là một phương tiện giúp người định cư tìm kiếm công việc làm. Vốn là nông dân, đa số người Chăm Muslim tị nạn đã không có một trình độ hiểu biết về kỹ thuật và Anh ngữ, cho nên rất khó tìm công việc làm và từ đó bằng lòng sống với tiền trợ cấp xã hội rất khiêm nhường đủ trả tiền thuê nhà và mua thực phẩm. Họ sống trong những khu vực nghèo nàn có nhà cho thuê giá thấp và rẻ. Một gia đình với năm sáu đứa con dồn nhau trong một căn nhà chung cư chỉ có một hay hai phòng ngủ chật hẹp.


Sùng đạo, người Chăm Muslim sống tập trung gần hay xung quanh giáo đường để dễ dàng đi dâng lễ một ngày đêm năm lần. Các giới cấm của đạo như không được dùng thịt heo, không được dùng thịt của những con vật do người khác đạo cắt cổ và bán, phụ nữ phải choàng khăn lên đầu khi đi ra ngoài, không được thành hôn với người khác đạo v.v... đã hạn chế việc giao dịch của họ. Do đó, họ sống biệt lập trong một khu vực riêng biệt, và giao lưu trao đổi giữa họ hàng với nhau bằng tiếng mẹ đẻ Chăm. Tương tự nếp sống của họ tại Việt Nam và Căm Bốt, người Chăm tại Hoa Kỳ sống một nếp sống khép kín trong hàng rào tôn giáo.


Tuổi tác là một yếu tố khác đã gây nhiều khó khăn trong việc định cư. Trước những điều kiện xã hội và văn hóa hoàn toàn mới lạ, những người Chăm tị nạn lớn tuổi cảm thấy lạc lỏng và bơ vơ. Ðã từng quen với nếp sống khuôn phép của tôn giáo, những người Chăm lớn tuổi khó hòa nhập vào một xã hội tự do và vật chất của Hoa Kỳ. Các em bé Chăm, ngược lại, theo học tại các trường công lập, tiếp thu nền văn hóa mới một cách dễ dàng. Loại văn hóa này hoàn toàn mới lạ, khác với nền văn hóa cổ truyền của tiền nhân nên con cái thường có dị biệt tư tưởng với cha mẹ. Ngoài ra, cha mẹ và con cái nói chuyện với nhau bằng hai loại ngôn ngữ khác biệt, tiếng Anh và tiếng Chăm cho nên không thông hiểu lẫn nhau. Dần dần, ít có trao đổi giữa cha mẹ và con cái. Tình cảm gia đình vì thế phai nhạt. Hậu quả là con cái muốn thoát ly khỏi vòng kiểm soát của gia đình. Hơn nữa, vì được đi học tại các trường công lập của Hoa Kỳ, con cái thông thạo Anh ngữ dễ tìm được công việc làm và không còn bị lệ thuộc vào tài chánh gia đình nữa. Tự lập, con cái không còn vâng lời và kính trọng cha mẹ theo nề nếp xưa.


Giới tính là một trong những yếu tố gây trở ngại trong việc định cư. Ở quê nhà, phụ nữ Chăm Muslim thường cấm cung trong nhà lo việc bếp núc và trông nom con cái. Tại Hoa Kỳ, điều kiện kinh tế mới đòi hỏi người phụ nữ Chăm phải đi ra ngoài làm việc phụ giúp gia đình về mặt tài chính. Trợ cấp xã hội khiêm tốn không đủ trang trải chi phí gia đình nếu người phụ nữ không đi ra ngoài làm việc phụ giúp chồng kiếm thêm lợi tức. Cơ cấu gia đình vì thế đã có chiều hướng thay đổi, nhưng không biết sẽ đến mức độ nào. Người phụ nữ Chăm Bani và Chăm Ahier ngược lại không bị giáo luật ràng buộc nhiều, nên được tự do đi ra ngoài giao dịch và dễ tìm công việc làm.


Triển vọng tương lai


Sau hơn hai mươi năm định cư tại Hoa Kỳ, người ta chưa thấy cộng đồng Chăm phát triển được những cơ sở vật chất lớn lao đáng chú ý. Tuy nhiên, cũng có nhiều cá nhân Chăm phấn đấu vươn lên trong xã hội đa năng đa dạng của Hoa Kỳ. Chẳng hạn, đã có một người Chăm làm chủ tiệm sửa xe hơi ở Fullerton; một người mở tiệm bánh donut tại Oakland gần San Franciso; một người làm chủ tiệm may áo quần ở Long Beach. Ngoài ra, ở thị xã Seattle của tiểu bang Washington State, có một người làm chủ tiệm sửa xe; một người làm chủ tiệm ăn; một người mở tiệm bán thực phẩm khô. Giới thanh niên cũng đã có nhiều người tốt nghiệp đại học với bằng cấp kỹ sư. Ðà phát triển khiêm nhường trên là một dấu hiệu cho biết người Chăm đang cố gắng vươn lên như các cộng đồng bạn kế cận. Các thanh niên Chăm hiện làm việc cho các hãng xưởng Mỹ tại Hoa Kỳ, mua nhà ở riêng, không còn lệ thuộc vào tiền trợ cấp xã hội nữa. Hy vọng rằng trong tương lai, giới thanh niên Chăm tại Hoa Kỳ sẽ tạo được một sự khác biệt đáng chú ý cho cộng đồng của mình.


 


Hassan Po Klaun 


Trích trang web CHAMPAKA


Mosqué Washinton DC



Mosqué Chicago IL


Baitur Rehman Mosque, Silver Spring, MD, USA


Baitur Rehman Mosque, Silver Spring, MD, USA



Mosquée Michigan USA






Ý kiến bạn đọc
To Dang | 2016-09-26 00:44:37 | to.v.dang@gmail.com
Rất cám ơn tác giả đã có những thông tin bổ ích về đồng bào Chăm và nguồn gốc tương đồng và dị biệt của cộng đồng bà con người Chăm ở tiểu bang California. Cùng chia sẻ để hiểu biết và cùng sống hòa họp với nhau.
Các bài viết khác
HỘI THIỆN NGUYỆN NHÂN ÁI - THỈNH CẦU RAMADAN 2024 - RAMADAN APPEAL 2024

HỘI THIỆN NGUYỆN NHÂN ÁI - THỈNH CẦU RAMADAN 2024 - RAMADAN APPEAL 2024

Với sự hào phóng của mình, Quý tín hữu sẽ cung cấp Iftar cho những người ghé thăm ngân hàng thực phẩm của chúng tôi để tìm kiếm bữa ăn tiếp theo của họ. Lòng tốt của Quý tín hữu sẽ mang lại niềm hy vọng cho các góa phụ, bà mẹ đơn thân, trẻ mồ côi, trẻ nhỏ, người già và người bệnh đang phải vật lộn với tình trạng suy dinh dưỡng.

LỜI KÊU GỌI HỖ TRỢ TRẺ MỒ CÔI MUSLIM Ở VIỆT NAM / AN APPEAL TO SUPPORT MUSLIM  ORPHANS IN VIETNAM

LỜI KÊU GỌI HỖ TRỢ TRẺ MỒ CÔI MUSLIM Ở VIỆT NAM / AN APPEAL TO...

Ngôi nhà tốt nhất đối với những người Muslim là ngôi nhà mà trẻ mồ côi được đối xử tốt, và ngôi nhà tồi tệ nhất đối với những người Muslim là ngôi nhà mà trẻ mồ côi bị đối xử tệ bạc.

THƯ NGÕ KẾT NỐI YÊU THƯƠNG ĐẾN EM MO HA MÁCH KA RIÊM XUÂN LỘC ĐỒNG NAI

THƯ NGÕ KẾT NỐI YÊU THƯƠNG ĐẾN EM MO HA MÁCH KA RIÊM XUÂN LỘC...

Hôm nay Nối Vòng Tay Chân lý xin gửi đến những nhà hảo tâm trong và ngoài nước về một trường hợp em Chàm Mo ha mách Ka riêm 17 tuôi, cư ngụ tại Xuân lộc tỉnh Đồng nai rất đáng thương tâm vì mang chứng bịnh tim cần phải mổ khẩn cấp,

CLIPS VIDEO: LỜI CẢM TẠ CỦA VỢ CHỒNG MU TA PHA - PHATIMAH ĐÃ GIÚP ĐỠ XÂY NGÔI NHÀ TÌNH THƯƠNG

CLIPS VIDEO: LỜI CẢM TẠ CỦA VỢ CHỒNG MU TA PHA - PHATIMAH ĐÃ GIÚP...

Lời cảm tạ đến những nhà hảo tâm đã giúp đỡ xây ngôi nhà tình thương cho vợ chồng anh MU TA PHA và chị PHATIMAH cư ngụ tại tổ 6 ấp Châu Giang xã Châu Phong Huyện Tân Châu Tỉnh An Giang đã nhờ Chanlyislam đăng ngày 25 tháng 7 năm 2023.

THƯ NGÕ CỦA MỘT CẶP VỢ CHỒNG CÓ BA CON NHỎ CẦU CỨU GIÚP ĐỠ

THƯ NGÕ CỦA MỘT CẶP VỢ CHỒNG CÓ BA CON NHỎ CẦU CỨU GIÚP ĐỠ

Chanlyislam xin chia sẻ với các nhà hảo tâm trong và ngoài nước về một cặp vợ chồng có ba con nhỏ sống trong gia cảnh nghèo khổ tại Tổ 6 - Ấp Châu Giang, Xã Châu Phong, Huyện Tân Châu, Tỉnh An Giang.

LỊCH TRÌNH TỔ CHỨC CẮT DA BAO QUI ĐẦU MIỄN PHÍ CHO TRẺ EM MUSLIM TỪ 6 ĐẾN 15 TUỔI

LỊCH TRÌNH TỔ CHỨC CẮT DA BAO QUI ĐẦU MIỄN PHÍ CHO TRẺ EM MUSLIM...

Nhân dịp “Eid Al-Adha của đồng bào Chăm Muslim An giang”. Nhóm Thiện Nguyện Nhân Ái (Al-Barr ch@rity Group) kết hợp với nhóm Bác sĩ Muslim Bệnh viện Đa khoa huyện An Phú xây dựng kế hoạch tổ chức cắt da bao qui đầu cho trẻ Muslim từ 06 tuổi đến 15 tuổi.

JAMA'AH AL MUBARAK / THƯ NGỎ KÊU GỌI TÀI TRỢ KINH PHÍ XÂY DỰNG MẶT TIỀN NGÔI NHÀ CỦA ALLAH

JAMA'AH AL MUBARAK / THƯ NGỎ KÊU GỌI TÀI TRỢ KINH PHÍ XÂY DỰNG...

Như quí anh chị cô bác đã biết, Jama’ah Muslim Al-Mubarak tọa lạc tại thôn Bình Minh - xã Phan Hòa - huyện Bắc Bình - tỉnh Bình Thuận có nguồn gốc là dân tộc Chăm theo tôn giáo Bàni của ông bà tổ tiên truyền lại từ bao đời…

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "NHÂN CÁCH ĐẠO ĐỨC ISLAM TRONG VẤN...

Ngày nay, khi mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, người Muslim cũng tiếp xúc với những cuộc tranh luận nhiều hơn. Có những cuộc tranh luận văn minh, nhưng cũng có những cuộc tranh luận thì không như vậy. Liệu chúng ta có cần thiết phải tranh luận đến cùng để phân định đúng sai cho bằng được trong mọi trường hợp?