Như thường lệ, tôi đến sớm để nghe vị “Khotif” đọc bài giảng thuyết (khutbar). Và lần này vị khotif thuyết giảng về đề tài “Tình Mẹ”, một câu chuyện quá bi thương làm cho mọi người phải im lặng chăm chú lắng nghe. Tôi xin kể lại ý nghĩa của bài thuyết giảng này hầu mang lại cho mọi người những giây phút suy tư và…
Mỗi buổi sáng có một người phụ nữ vào tuổi tứ tuần, tay ôm cái khay đựng bánh đứng bên vệ đường lắm loét nhìn thẳng vào nhà tôi, thỉnh thoảng bà rao vài tiếng: “Bánh bò nướng nóng hổi ngon đây…..” Nhưng chỉ vài phút sau, với cái tướng lom khom của bà đã khuất dạng bởi con đường lộ đá ngoằn ngoèo trong xóm…
Như mọi ngày tôi đạp “ọc ạch” chiếc xe đạp cũ kỹ đến trường, lần này tôi dừng lại để mua bánh giúp bà và sẵn dịp để quan sát xem bà ấy như thế nào?
Nhìn thoáng qua người phụ nữ này có thân hình gầy ốm, gương mặt tiều tụy và xanh xao nhưng rất tiếc tôi không thể nhìn rỏ đôi mắt của bà, vì bà đội khăn che đầu bằng khăn choàng carô màu xanh đậm và kéo xuống che hết nửa phần mặt, phần dưới bà bận một cái áo dài đen đã bạc màu… khi bà nhìn thấy tôi thì có vẻ bẽn lẽn gì đó!!!
Kể từ đó, mỗi sáng bà không còn đứng bên kia vệ đường nửa mà bà đến trước cửa nhà chờ tôi ra để đưa bánh bò nướng, dù tôi không căn dặn bà nhưng bà vẫn đến. Tôi nhìn thấy đôi tay bà nổi đầy gân và run run trao cho tôi miếng bánh, bà có một cử chỉ thật là kỳ lạ mỗi khi gặp tôi, tay tôi cầm bánh mà tôi có cảm giác là bà rất thân tôi lắm… Riết rồi thành quen, mỗi buổi sáng trước khi đi học, bà lại đến trước cửa trao cho tôi miếng bánh, không nói không chào nhìn tôi rồi tiếp tục đặt khay bánh trên đầu, lặng lẽ bỏ đi. Có lần khay bánh hơi nặng, lúc đưa khay bánh lên đầu thì thân người bà hơi chao đảo nghiêng người về phía trước nên bà vội chụp vịn vai tôi để chống đỡ, bà mỉm cười nhìn tôi với ngụ ý cám ơn rồi lắm lét bỏ đi…
Như mọi hôm, lần này bà đưa bánh cho tôi lại còn dí vào tay tôi một số tiền nhỏ, Bà nói: - Cháu giữ lấy để mua hàng ở trưòng. Dỉ nhiên là tôi không nhận, nhưng bà cố nài nỉ làm tôi nổi cáu và lên tiếng: - Tôi không nhận tiền của bà và từ nay tôi không mua bánh của bà bán nữa!!! Bà thấy tôi bực dọc nên lặng lẽ quay người bỏ đi.
Kể từ hôm đó, tôi không còn nhìn thấy bà nữa, không còn nghe tiếng rao hàng của bà mỗi buổi sáng, bầu không khí yên lặng của ngôi làng làm tôi cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó!!!
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, tôi cũng đã chuyển trường học phải đi đò qua sông, câu chuyện ấy tưởng rằng đã quên lãng trong tâm tôi. Không ngờ, một hôm tôi vừa đến cổng trường thì thấy bà ấy đứng đó tự bao giờ… Bà định lên tiếng nói với tôi điều chi đó, nhưng không biết lúc ấy tại sao tôi lắc đầu nhẹ và lẳng lặng vào lớp, chẳng muốn nghe bà muốn nói gì???
Vài phút sau thì giám thị cho biết tôi có thân nhân đến thăm, trên đoạn đường đi đến văn phòng đầu tôi luôn có nhiều câu thắc mắc “ai thế nhỉ?” Đến nơi tôi chẳng thấy ai ngoài bầ ấy đang ngồi khép nép trong một gốc phòng nhỏ hẹp và được Giám thị giới thiệu: - Đây là thân nhân của em.
Tôi ngạc nhiên nhìn bà và Giám thị, bởi vì tôi chưa bao giờ nghe tôi có thân nhân và nhất là sự quan hệ giữa tôi với bà, chẳng qua tôi với bà biết nhau trong vấn đề mua bán trong tình lối xóm mà thôi. Hơn nữa, nhìn cách ăn mặc của bà càng làm tôi bối rối, vì cách ăn mặc của bà giống như những người hành khất không hơn không kém. Vì thể diện với bạn bè nên tôi từ chối sự gặp gỡ này rồi quay bước ra khỏi phòng Giám Thị. Bà ấy có van xin tôi nán lại vài phút để bày tỏ sự tình, nhưng dù bà kêu gọi bằng cách nào đi nữa tôi chẳng có một chút thương tình, tôi sợ cả lớp biết được rồi nhìn tôi với cặp mắt khinh khi, nên tôi quay lưng trở về phòng học. Trong khoảnh khắc ấy, đầu óc tôi đã rối tung, tôi không còn tự chủ nữa và luôn luôn có những nghi vấn trong đầu: - Chẳng lẽ người ăn mày ấy là thân nhân của mình sao? Hay bà là người đãng trí? Và kể từ đó tôi không còn thấy bà đến tìm tôi nữa.
Thời gian trôi qua, từ niên học này sang niên học khác, cuối cùng tôi được ra trường và đã kiếm được việc làm trong một ngành “Điều Tra Viên” của chính quyền địa phương.
Một hôm, sau cơn giông bão có người đến báo cáo với tôi là có một người phụ nữ đã đứng tuổi bước lên một chiếc cầu ván mục gẫy rồi rơi xuống sông đã chết, và họ cũng cho tôi biết là có lẽ đôi mắt của bà ấy bên nhắm bên mở. Vả lại cơn giông bão ấy vừa chấm dứt trong đêm, nên lúc ấy không có người đi qua lại để cứu bà, và xác chết còn đang trôi trên sông, chắc đây là ý của Allah…
Vì Allah đã Phán: “Không một tai họa nào rơi xuống trái đất hoặc nhằm bản thân của các ngươi mà lại không được ghi trong Quyển Sổ Định Mệnh (Al-Lawh Al-Mahfuz) trước khi TA (Allah) thể hiện nó. Quả thật, việc đó quá dễ đối với Allah.” Surat 57 / Ayat 22.
Vì tôi là “Điều tra viên” nên tôi được quyền khám thi thể của bà để báo cáo lên trên, thi thể của bà được đặt trên một chiếc giường bằng tre trong phòng tạm giữ nạn nhân, tôi nhìn tứ phía áo quần của bà để tìm xem bà có giấy tờ chứng minh thân thế của bà, rất tiếc bà không có một giấy tờ gì chứng minh bà là ai mà tôi chỉ tìm thấy vỏn vẹn một miếng giấy trắng được bao kỹ lại trong một “bọc cao su” nhỏ, tôi liền mở ra xem trong đó có nội dung như sau:
Con của Mẹ!
Mẹ cố gắng nướng những cái bánh còn nóng để đem đến cho con mỗi buổi sáng trước khi con đi học, đó là mục đích của mẹ. Mẹ rất muốn săn sóc cho con và được nhìn con khôn lớn. Mẹ rất sung sướng khi được thấy con nên người, không thể nào Mẹ diễn tả hết sự yêu thương của mẹ dành hết cho con.
Một hôm mẹ không thể kiềm chế được. Vì quá nhớ con nên mẹ bạo dạn đến tìm con trong lớp học. Nay đã lâu lắm mẹ cũng không muốn làm phiền đến con và cũng không muốn làm mất thể diện của con, cho nên mẹ quyết định không gặp con nữa. Nhưng con có biết không? Càng không gặp được con, càng làm cho mẹ thương nhớ con biết bao. Mẹ muốn gặp con để tỏ lòng cho con biết, là mẹ chính là mẹ ruột của con, để mong mẹ con mình đoàn tựu.
Nhưng thực tế không như sự mong muốn của mẹ, nên mẹ đành phải chấp nhận ôm sầu trong đêm. Đêm nay với cơn gió đầu mùa lạnh buốt, mẹ cố gắng thao thức để viết vài hàng kể lại sự đau thương của mẹ và hy vọng những dòng chữ này sẽ được đến tay con nhận. Mẹ muốn cho con biết, tại sao mẹ con mình không được sống chung với nhau?
Sau khi mang nặng đẻ đau của chín tháng mười ngày, dù gian nan khổ cực, dù mưa to gió lớn… tất cả mẹ đều chịu đựng được. Hầu mong sau này chính mẹ sẽ nuôi con khôn lớn, chính mẹ sẽ cho con ăn học thành tài, chính mẹ sẽ dạy con làm một người tốt để giúp ích cho đời cho đạo… Vì lẽ đó mà mẹ quên đi sự đau đớn khi mang thai, quên đi sự dầm mưa dãi nắng, tảo tần kiếm tiền để dành cho con ăn học…
Nhưng, khi sanh ra con, Thượng Đế đã an bài cho con chỉ có một con mắt tốt, con mắt còn lại thì đã mù lòa, không được diễm phúc như những đứa trẻ khác. Vì tương lai của con, vì con là con của mẹ nên mẹ không do dự hay tính toán, mẹ quyết định hi sinh con mắt của mẹ, để đổi lấy con có đủ hai con mắt như mọi người khác. Con mắt thì có mà tiền bạc thì không, muốn đổi mắt thì phải có tiền làm phẫu thuật mà tiền phẫu thuật lại quá đắt mà mẹ không thể nào có khả năng đủ để trả hết được. Nhưng rủi đi may tới, lúc đó có một người nhà giàu tốt bụng ở một địa phương khác, họ đồng ý chi ra số tiền lớn này để trả tiền cho Bác sĩ giải phẫu nhưng với điều kiện là mẹ để cho họ thay thế mẹ đem con về nuôi nấng.
Làm sao con của mẹ biết hết sự việc này? Nếu mẹ nói sự thật từ sớm thì sẽ làm cho con đau khổ thêm. Nếu con biết được con là con của một người đàn bà bất hạnh không nhà, không cửa, con có can đảm chấp nhận hiện thực không? Hiện thực sẽ làm cho con tủi hận. Mẹ cũng bối rối quá không biết phải làm sao?
Hôm nay tuổi mẹ đã già và sức khỏe yếu đi, mẹ biết là mẹ không còn sống thêm bao lâu, vì “Tre già măng mọc”, và mẹ cũng không muốn “Lá già khóc cho lá xanh rơi” nên mẹ kể hết sự việc cho con nghe. Khi con biết được hết sự việc này con hãy can đảm mà chấp nhận sự thật. Khi con nhận được lá thư này của mẹ thì có lẽ mẹ đã ra đi vĩnh viễn, mẹ đã đến một nơi mà con không thể tìm thấy mẹ.
Những nét chữ lem luốc không được rõ này, đó là những giọt nước mắt của mẹ rơi vì mẹ sung sướng, mẹ vui chứ không phải mẹ đau khổ, vì mẹ biết con bây giờ đã thành tài như mẹ mong muốn.
Cám ơn Allah đã cho con tôi thành tài và nên người để sau này có cơ hội giúp ích cho cộng đồng và xã hội.
Mẹ luôn luôn tha thứ cho con tất cả, cuối cùng mẹ cũng không quên cầu xin Allah (s.w.t) ban nhiều Ân Huệ, và mọi Phước Lành (Rohmath) đến con và cầu xin Ngài Che chở và hướng dẫn con đi theo con đường Ngay Chánh, cầu xin Ngài ban cho con tránh khỏi Shaytan đang rình rập, cám dỗ và xúi dục để đi lạc hướng, amine.
Con hãy thận trọng, vì Allah có phán: “Để cho các ngươi chớ buồn về vật gì đã mất và chớ mừng cuống quýt về vật gì mà các người được ban cho. Và Allah không yêu thương bất cứ người khoác lác khoe khoang nào.” Surat 57 / Ayat 23.
Mẹ của con ngừng bút.
« Mẹ ơi ! con là con của mẹ… »
Những hành động có liên quan đến đời sống của con người chẳng qua là do ý của Thượng Đế An Bài, chúng ta không làm sao chối bỏ và trốn thoát khỏi được cái « Định Luật » mà Allah đã đặt để cho mỗi người mà phải cúi đầu chấp nhận sự hiện thực.
Kể từ đó sự ăn năn đã làm cho tôi nghẹn ngào hối tiếc, nhớ lại những sự việc đã qua mà tôi không biết bảo vệ và chăm sóc lấy nó, để rồi trong một tình cờ hay cố ý nó đã đánh mất trong tôi tự lúc nào, có than van trách phận giờ thì chẳng đem lại cho tôi một giải pháp nào để đánh tan cái biến chứng cầu kỳ, đua đòi ích kỷ của người con, mà cực hình này tôi đang mang lấy nó.
Vì Allah phán: « Và Ta đã truyền cho con người nên hiếu thảo và ân cần với cha mẹ của mình. Mẹ của y đã cưu mang y nặng nhọc và hạ sanh y trong đau đớn; thời gian cưu mang và dứt sữa y là ba mươi tháng. Mãi cho đến khi y trưởng thành và được bốn mươi tuổi. » Qur’An Surat 46:15.
Giờ đây chỉ biết đưa tay cầu xin Allah mỗi lần cầu nguyện:
“Lạy Rabb của tôi! Xin Ngài ban cho tôi khả năng và sức mạnh để tôi có thể đền đáp về các Ân Huệ mà Ngài đã ban cho bề tôi và cho cha mẹ của bề tôi và để cho bề tôi có thể làm điều thiện được Ngài chấp nhận. Và xin Ngài nhân từ với bề tôi và con cháu của bề tôi. Quả thật, bề tôi quay về sám hối với Ngài và là một người Muslim (Thần phục Ngài).” Qur’An Surat 46:15.
Mẹ, mẹ là bầu trời mênh mông để bảo vệ khi tôi cần che nắng,
Mẹ, mẹ là dòng sông chảy suốt để nuôi tôi khôn lớn nên người,
Mẹ, mẹ là tất cả vì sao sáng soi đường dẫn lối,
Mẹ, mẹ là người thao thức đêm dài khi tôi bị ốm đau.
Thật vậy, mẹ tôi đã hy sinh cả cuộc đời cho tôi, mẹ tôi là người cao thượng, lòng mẹ bao la quá không sao tôi kể siết. Tôi đã và đã mất mẹ rồi, hỡi ai còn có mẹ…
Harrisburg, ngày 28 tháng 11 năm 2007
Jackhoysa ghi nhận.