Năm âm lịch và dương lịch hình thành như thế nào?
Mặt trăng - "sao Thái âm" - có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng của người châu Á. Hiện nay, các dân tộc trên thế giới sử dụng rất nhiều cách tính thời gian khác nhau, nhưng chủ yếu là 3 loại: dương lịch, âm lịch và âm dương lịch. Việt Nam sử dụng loại “âm lịch” (hay còn gọi là nông lịch). Thực ra, đó chính là âm dương lịch chứ không phải hoàn toàn là âm lịch.
Năm dương lịch được tính bằng đơn vị thời gian trái đất quay một vòng quanh mặt trời. Một vòng quay của trái đất quanh mặt trời hết 365,2422 ngày (356 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây). Để tiện tính toán, người ta tính chẵn 365 ngày là một năm dương lịch. Do trong 365 ngày có 12 lần mặt trăng tròn khuyết nên người ta chia thành 12 tháng. Vì 365 không chia hết cho 12 nên đành phải chia thành tháng đủ (31 ngày) và tháng thiếu (30 ngày). Riêng tháng 2 cũng là tháng thiếu nhưng chỉ có 28 ngày. Như vậy cộng 12 tháng vừa đủ 365 ngày, đó là năm bình thường.
Nhưng còn dư 5 giờ 48 phút 46 giây thì tính sao đây? Trong 4 năm liền, số dư đó cộng lại suýt soát một ngày, và một ngày đó được cộng vào tháng 2 của năm thứ tư. Năm thứ tư ấy gọi là “năm nhuận”, có 366 ngày. Tháng 2 của năm nhuận có 29 ngày, ngày thứ 29 ấy gọi là “ngày nhuận”.
Năm âm lịch
Năm âm lịch được tính bằng chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng (mặt trăng còn được gọi là sao “Thái âm”). Người xưa phát hiện ra mặt trăng tròn khuyết rất có quy luật, bình quân mỗi lần mặt trăng tròn khuyết là 29,53 ngày. Họ đã lấy khoảng thời gian đó làm đơn vị đo thời gian và gọi là “tháng”. Tháng đủ là 30 ngày, tháng thiếu là 29 ngày.
Do trong chu kỳ từ ngày lạnh đến ngày nóng và từ ngày nóng đến ngày lạnh, mặt trăng thay đổi tròn khuyết hơn 12 lần, nên người xưa lấy 12 tháng (tháng âm lịch) thành một “năm” (năm âm lịch). Một năm đó có 354 hoặc 355 ngày. Đó là năm âm lịch thực sự. Thời cổ đại, Trung Quốc và Ai Cập là hai nước sử dụng năm âm lịch sớm nhất thế giới.
Năm âm dương lịch
Thế nhưng một chu kỳ thời tiết thay đổi nóng lạnh là 364 ngày, trong khi 1 năm âm lịch chỉ có 354 - 355 ngày, mỗi năm còn dư 10-11 ngày, 3 năm liền dư hơn 1 tháng. Để phù hợp với chu kỳ thay đổi thời tiết nóng lạnh, người xưa đã cộng thêm 1 tháng vào năm thứ ba, năm đó sẽ có 13 tháng, tháng được cộng thêm vào gọi là “tháng nhuận”, năm đó sẽ có 384 hoặc 385 ngày.
Thời tiết thay đổi nóng lạnh là do trái đất quay nghiêng quanh mặt trời. Trái đất quay quanh mặt trời một vòng, thời tiết thay đổi nóng lạnh một lần. Một vòng quay này là cơ sở hình thành dương lịch. Bởi vậy dùng cách chia tháng nhuận để tính lịch phù hợp với chu kỳ thay đổi thời tiết, tức là kết hợp giữa âm lịch và dương lịch. Cách tính lịch như vậy không còn là âm lịch thuần túy nữa mà là kết hợp giữa lịch âm và lịch dương.
Ai làm rắc rối lịch tây?
Dương lịch hiện được áp dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Dương lịch mà chúng ta dùng hiện nay có tên Gregory, chính xác nhất trong tất cả các loại lịch mà nhân loại đã dùng. Nhưng "ông" lịch này quả là lắm chuyện. Tháng thiếu tháng đủ, thật tuỳ tiện và lộn xộn! Vì sao người ta lại "bỏ đói" tháng 2 nhỉ?
Lịch tây áp dụng quy luật nhuận 97 ngày trong một chu kỳ 400 năm, do đó hơn 3.000 năm mới sai một ngày. Tuy vậy, lúc ra đời nó cũng đã trải qua khá nhiều gian nan. Số là một năm không nhuận có 365 ngày, nếu cứ hai tháng nhuận một lần thì một năm sẽ có 366 ngày, thừa mất một ngày. Ngày thừa đó “khấu” vào đâu? Xưa kia có tục lệ các bản án tử hình được thi hành vào tháng 2. Đó là một tháng nặng nề, ai cũng muốn nó chóng qua đi nên khấu vào tháng 2 là hợp lý nhất. Vậy là tháng 2, vốn là một tháng thiếu, chỉ còn 29 ngày.
Chưa hết, Giáo hoàng Gregory XIII thời đó sinh vào tháng 8. Ông ta không muốn mình sinh vào tháng thiếu nên ra lệnh cho các nhà làm lịch phải cho tháng 8 đủ. Chiều ý giáo hoàng, các nhà soạn lịch cho tháng 7 và 8 đủ liền nhau, kết quả lại thừa thêm một ngày nữa. Tháng hai do đó lại bị khấu tiếp chỉ còn 28 ngày.
Do hoàn cảnh lịch sử nói trên, lịch Gregory trở nên “khập khiễng”, các tháng thiếu, tháng đủ phân bố theo một quy luật tuỳ tiện và chúng có khi lệch nhau đến 3 ngày, gây nhiều phiền toái cho các thế hệ sau. Hiện nay, các nhà soạn lịch quốc tế đang tìm cách xây dựng một loại lịch mới, hợp lý hơn để dùng cho toàn thể nhân loại.
Những nước có Tết âm giống Việt Nam
Năm mới của một vài nước châu Á dựa trên lịch Trung Quốc (lịch mặt trăng - mặt trời), thường trùng ngày nhau hoặc gần như trùng nhau, bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ... Cùng với 4 nước trên, Butan và Nepal cũng có tết rơi vào dịp tương tự. Ở Mông Cổ, Tết được gọi là Tsagaan Sar.
Lịch của các nước này thực ra không hoàn toàn là âm lịch, mà là âm dương lịch, vì dựa trên sự kết hợp của mặt trăng và mặt trời. Chu kỳ mặt trăng là khoảng 29,5 ngày. Để "đuổi kịp" với lịch mặt trời (Dương lịch), cứ vài năm một lần, người Trung Quốc xưa lại bổ sung thêm một tháng. Điều này cũng giống như việc bổ sung thêm một ngày vào năm nhuận. Đó là vì sao Tết lại rơi vào các ngày khác nhau qua các năm.
Các nền văn hoá khác thì sử dụng các phương pháp hoàn toàn khác để xác định năm mới của mình:
ü Năm mới đạo Hồi - Đây có thể là lễ kỷ niệm năm mới chính duy nhất dựa trên lịch mặt trăng (âm lịch) thuần tuý.
ü Năm mới Nhật Bản - Người Nhật từng dùng một lịch mặt trăng-mặt trời tương tự như lịch Trung Quốc. Nhưng điều này thay đổi vào ngày 1 tháng 1 năm 1873, khi lịch Gregorian (Dương lịch) được chọn dùng cho tất cả các mặt của đời sống.
ü Rosh Hashanah - Trong truyền thống của người Do Thái, Rosh Hashanah bắt đầu khi mặt trời lặn vào ngày thứ 29 của tháng Elul.
ü Năm mới của người Thái (Songkran) - Mặc dù lịch Thái truyền thống cũng là lịch mặt trăng-mặt trời, Tết Songkran lại được xác định hoàn toàn theo chu kỳ mặt trời, rơi vào 13 đến 15 tháng 4 Dương lịch hằng năm. Tết này cũng được tổ chức ở Lào, Campuchia, Myanmar.
Trên đây là phần phân tích của tác giả T. An (theo Wikipedia, uvic.ca) do trang web www.vnexpress.net đăng tải. Sau đây chúng tôi xin thảo luận đôi chút về niên lịch Islam.
Niên lịch Islam.
Vào năm 622 DL, sau khi bà Khadijah (R) và bác của Rasul (saw) qua đời thì kỷ nguyên Islam đã khởi đầu bằng diển biến Vĩ đại Hijrah, Rasul (saw) quyết định làm cuộc di tản lịch sử cùng các vị Shahabah của Nabi (saw) từ Mecca đến Madinah lánh nạn. Và kể từ đó, ngày 16/02/622 DL được tính là ngày 01 tháng Muharam năm thứ nhứt Hijrah.
Lịch Muslim là âm lịch, dựa vào vận chuyển của mặt trăng, nhưng khác âm lịch của Trung quốc. Niên lịch của Muslim cũng bao gồm mười hai tháng, và mỗi tháng có ba mươi ngày hoặc hai mươi chín ngày tùy theo vị thế của mặt trăng. Và trong thiên kinh Qur’an, Allah cũng có phán như sau : « Quả thật, số tháng (trong một năm) mà Allah đã qui định trong sổ sách của Ngài kể từ ngày tạo thiên lập địa là mười hai tháng, trong đó có bốn tháng linh (Rajab, Dhu al-Qi’dah, Dhu al-Hijjah và Muharam)… » S. 9 : 36.
Như chúng ta được biết, theo dương lịch thì mỗi năm có 365 hoặc 366 ngày nhưng theo niên lịch Hijrah thì chỉ có 354 ngày mà thôi. Cho nên, niên lịch Hijrah mỗi năm chênh nhau với Dương lịch khoảng mười một họăc mười hai ngày, nhưng các tháng của niên lịch Hijrah lần lượt sẽ gặp tất cả các tháng của dương lịch, tức rơi nhằm tất cả các mùa trong năm. Các tháng được gọi bằng tiếng Arab như sau :
Tháng | أشهر قمرية | Tính xem mặt trăng | Tên cũ |
1 | محرم | Muharram | Mutamer |
2 | سفر | Safar | Nadjir |
3 | ربيع الأول | Rabi' al-awwal (Rabi I) | Jawan |
4 | ربيع الثاني | Rabi' al-thani (Rabi' II) | Sawan |
5 | جمادى الأول | Jumada al-awwal (Jumada I) | Hinun |
6 | جمادى الثاني | Jumada al-thani (Jumada II) | Ronna |
7 | رجب | Rajab | Asam |
8 | شعبان | Sha'ban | Adel |
9 | رمضان | Ramadan | Natik |
10 | شوّال | Chawwal | Waghel |
11 | ذو القعدة | Dhu al-Qi'dah | Hewah |
12 | ذو الحجة | Dhu al-Hijjah | Barak |
Và mỗi tuần có một ngày đặc biệt là ngày thứ sáu để hành lễ tập thể (Salatu Juma’ah) vào lúc trưa ngọ mà mọi người Muslim nếu có thể đều đến tham dự tại Masjid (Thánh đường). Ngoài ra trong năm có những ngày Đại lễ đã được tính như sau :
Những ngày đại lễ của niên lịch Hijrah 1429H / 2008 DL
1er Muharem bắt đầu vào năm 1429 Hégire 10/01/08 رأس السنة
(Achoura) ngày mùng 10 Muharem 1429 H 19/01/08 عاشوراء
Al Mawlid Annabawi (ngày 12 Rabi' I) - 1429 H 20/03/08 المولد
Al-Isra'wa Al-Mi'Raj ngày 26 Rajeb 1429 H 30/07/08 الإسراء
(Ngày đầu tiên Ramadhan) 1 Ramadan 1429 H 02/09/08 رمضان
Đêm Thiên Mệnh 26 Ramadan 1429 H 27/09/08 ليلة القدر
Aïd-Al-Fitr (1e Aid) 1er Chawel 1429 H
Aïd-al-Adha (2è Aid) 10 Dhu al Hijja 1429H 09/12/08 عيد الأضحى
Và những ngày được gọi theo văn tự Arab :
1. Yawm al-Ahad (ngày thứ nhứt) : Chủ nhật.
2. Yawm al-Ithnain (ngày thứ hai) : Thứ hai.
3. Yawm al-Thalatha’ (ngày thứ ba) : Thứ ba.
4. Yawm al-Arba‘a’ (ngày thứ tư) : Thứ tư.
5. Yawm al-Khamis (ngày thứ năm) : Thứ năm.
6. Yawm al-Jum‘ah (ngày lễ hội họp) : Thứ sáu.
7. Yawm al-Sabt (ngày Sabat) : Thứ bảy.
Trên đây là những thông tin mà chúng tôi tóm lượt trên những trang web Islam, hy vọng mang lại nhiều điều kiến thức cho quí độc giả.
Chanlyislam.net