Tháng nhịn chay Ramadan, phải đối phó với giặc... đói
Người Hồi giáo nhịn ăn trong suốt tháng lễ Ramadan. Điều này có nghĩa là họ sẽ không được ăn uống bất kỳ thứ gì, kể cả nước, khi mặt trời còn chiếu sáng. Nhưng tháng lễ Ramadan năm nay, người Pakistan lại "nhịn ăn" theo một cách khác. "Làm sao chúng tôi có thể vi phạm quy ước của tháng nhịn chay Ramadan khi mà giờ đây chúng tôi đã không còn gì để ăn nữa", Sabhagi Khatoon, mẹ của sáu đứa trẻ vừa bị mất nhà cửa trong cơn lũ tồi tệ, xót xa nói.
Gia đình Sabhagi hiện sinh sống dưới bầu trời, các con chị phải ăn ở bên miệng cống bẩn thỉu gần đường quốc lộ, đây cũng là nguồn nước duy nhất cứu họ khỏi bị chết đói vì khát. "Không có gì để ăn, không có chỗ để ở! Chúng tôi đã bị bỏ đói nhiều ngày rồi. Có lẽ nhờ vậy mà tất cả chúng tôi coi như đã thực hiện đúng đức tin của mình trong tháng lễ Ramadan", Sabhagi cười nhếch mép nói trong đau đớn.
Hàng triệu người dân Pakistan đang sống trong tình trạng như gia đình của Sabhagi Khatoon, thậm chí còn đói khổ và rách nát hơn trăm lần. Thế nên, mỗi buổi sáng trong tháng lễ Ramadan năm nay, họ sẽ đều tỉnh dậy với một cái bụng đói cồn cào, rỗng tuếch. Ông Mohammad Parial, 55 tuổi, sống ở gần xa lộ Sukkur chua xót nói: "Toàn bộ làng xóm đã bị lũ nhấn chìm. Nhà cửa, mùa màng và toàn bộ cuộc sống của chúng tôi đều đã mất. Chúng tôi đang đấu tranh để được sống".
Có lẽ giờ đây, như bao người dân Pakistan khác, ngày tuyệt vời nhất đối với họ không phải là những ngày tháng trong lễ Ramadan nữa. "Cái ngày mà những đứa cháu của tôi có cái ăn, hôm ấy mới là ngày vĩ đại. Ramadan là tháng để cầu nguyện, nhưng không có ai ở đây giúp chúng tôi sống tiếp để có sức mà cầu nguyện", ông Parial vừa nức nở ôm mặt khóc vừa nói.
Pakistan kêu cứu trong tuyệt vọng
Chính quyền Pakistan đã xác nhận, hơn 14 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cơn lũ kinh hoàng tại nước này. Tổng thống Asif Ali Zardari hôm 11 tháng 8 đã thừa nhận "không thể đối phó kịp thời" với những cuộc khủng hoảng, những thảm họa mà cơn lũ lịch sử để lại.
Phát biểu trên truyền hình hôm 6.8, Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani nói: "Đất nước Pakistan đã bị nhấn chìm bởi một cơn lũ lụt lịch sử. Tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế để giúp các nạn nhân Pakistan vượt qua những đau thương và tổn thất nghiêm trọng này".
Đợt lũ lụt cách đây gần hai tuần khiến đất nước vốn đã tiêu điều, tang thương vì những cuộc bạo động của Taliban càng thêm kiệt quệ và đói nghèo. Theo thống kê sơ bộ của Liên Hợp Quốc, chỉ trong hai tuần, lũ đã xóa sạch nhiều làng mạc Pakistan, cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.600 người.
Bộ trưởng thông tin Mian Iftikhar Hussain cho biết, hiện còn rất nhiều người mất tích. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các tỉnh phía tây bắc như Peshawar, Swat và Shangla. Đường sá, cầu cống bị cuốn trôi trong nước lũ. Chỉ tính riêng ở Swat đã có hơn 400 người chết, 45 cây cầu bị sập hoàn toàn. Mưa lớn liên tục tiếp diễn với lượng mưa đo được ở mức 312mm, cao kỷ lục kể từ năm 1929 tới nay. Hiện mưa đã ngớt ở vùng tây bắc, nhưng cơ quan dự báo khí tượng cho biết nhiều vùng khác trên cả nước trong vài ngày tới tiếp tục có mưa to.
Theo Đại tướng Athar Abbas, phát ngôn viên của Quân đội nước này, một trong những nguyên nhân khiến Pakistan chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt lũ lụt này là do các nguồn nhiên liệu dự phòng của họ vừa thiếu lại vừa yếu. Những cơn mưa xối xả đã được cảnh báo tại các tỉnh phía Đông Bắc của Pakistan từ trước đó. Tuy nhiên, dù có sự chuẩn bị trước, chính quyền và người dân Pakistan vẫn ứng phó không kịp và không thể ngăn được những thiệt hại về người và nhà cửa.
Hiện chính quyền Pakistan vẫn liên tục đưa ra những báo động đỏ về các đợt lũ sắp tới, đặc biệt là tại những khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn lũ trước đây. Chính phủ dù đã hứa sẽ mang cho người dân thức ăn trong tháng Ramadan và bồi thường cho các gia đình có người thiệt mạng nhưng sự hỗ trợ này vẫn chưa đến được nhiều người.
"Họ chẳng làm gì để giúp đỡ chúng tôi cả. Bọn trẻ sắp chết đói tới nơi rồi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ở trong tình trạng như thế này trong tháng lễ Ramadan", Mohamad Jadam, một công nhân 30 tuổi ở thị trấn Thul bức xúc nói.
Đài truyền hình BBC hôm 12 tháng 8 đã phát đi rất nhiều những hình ảnh người dân Pakistan cầu cứu trong tuyệt vọng. Trong suốt chương trình, rất nhiều người tỏ ra bức xúc với những biện pháp cứu trợ của chính phủ nước này.
"Bạn mang tới 500 gói đồ cứu trợ nhưng có tới 5.000 người đang chết đói, chết khát và chờ bạn cứu giúp. Thế là hỗn độn, bạo loạn ngay lập tức sẽ xảy ra bởi họ sẽ tấn công bạn. Họ cùng đường và tuyệt vọng hoàn toàn rồi", ông Leghari gay gắt chỉ trích chính phủ Pakistan trên BBC.
Thanh Thanh Lan (Theo France 24, BBC)
Và Lan Phương (Theo Telegraph)
Bài vỡ và hình ảnh trích từ trang web BÁO LAO ĐỘNG