SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NABI MUHAMMAD (SAW) (Phần 2) Chân Lý Islam
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NABI MUHAMMAD (SAW) (Phần 2)

23.01.2008 00:37 - đã xem : 2400

Trời vừa tối, chúng kéo nhau đến bao vây nhà của Nabi (saw) để chờ đêm xuống là tấn công vào giết Nabi (saw). Khi đó, thiên thần báo cho Nabi (saw) biết về biến cố sắp xảy ra và nói với Nabi (saw) là đừng ngủ ở nhà. Biết được đây là ý định của Allah cho phép Nabi (saw) li hương nên Người bảo Aly (R) ngủ và đắp chiếc chăn màu xanh mà Người thường dùng. Sau đó, Nabi (saw) căn dặn Aly (R) phải hoàn trả lại vàng bạc, tiền của những người đã gửi Nabi (saw) giữ hộ.

Al Hidroh hay li hương đi Al Medina (12 Robiul Awwal 622 Tây Lịch).

Màn đêm buông xuống, sau khi dặn dò Aly (R) xong, Nabi (saw) bước ra và đọc câu kinh với ý nghĩa sau:

قال تعالى: ( وجعلنا من بين ايديهم سدا ومن خلفهم سدا فاغشيناهم فهم لا يبصرون ) يسن 9

« Và ta đã dựng bức tường chắn trước mắt và sau lưng chúng, rồi bao trùm chúng lại để chúng không thấy được ». Chương 36 : 9

 Đọc xong Nabi (saw) lấy cát rải khắp nơi, cả trên đầu những người đang bao vây và rồi họ không thấy và không hề hay biết gì cả. Cho đến khi Nabi (saw) đã đi xa, họ mới thức tỉnh, thấy có người đang nằm nên an tâm cho rằng người đó là Nabi (saw). Khi mặt trời đã sáng hẳn, họ xông vào thì thấy Aly (R) đang nằm ở đó. Quá bất ngờ và hốt hoảng, họ chạy tìm khắp nơi nhưng không thấy Nabi (saw) đâu cả. Âm mưu của họ đã thất bại.

Lúc đó, Nabi (saw) tìm đến nhà ông Abubakar (R) thông báo là Allah đã ra lệnh cho phép Người di cư. Ông Abubakar (R) hỏi : « Tôi có được cùng đi chung không ? » Nabi (saw) trả lời : « Có, ông cùng đi với tôi ». Ông Abubakar (R) khóc nức nở vì cảm động và vui mừng vì được tháp tùng với Nabi (saw). Trước đó, ông đã chuẩn bị sẵn hành trang để đi và chờ đợi giây phút cuối cùng này. Không gì vui sướng cho bằng khi được tháp tùng với người mà ông quý trọng nhất trên đời. Ông sẵn sàng quên cả tính mạng để bảo vệ và củng cố con đường truyền bá của Nabi (saw). Hai người âm thầm bỏ trốn đến núi (Jabal Sur) và ẩn trong hang núi để chờ người giúp việc của ông Abubakar (R) mang hai con lạc đà đến. Trong khi đó, những người bao vây nhà Nabi (saw) chia nhau đi tìm kiếm khắp nơi, ngay cả đến hang động này. Nhưng đây là một sự tình cờ hay sự mầu nhiệm của Allah đã khiến gió thổi màng nhện đến lấp cửa hang để không gây sự chú ý cho bọn đi lùng kiếm.

Hôm sau, người giúp việc và người hướng dẫn mang hai con lạc đà đến để rước Nabi (saw) và ông Abubakar (R) đi. Ông Abubakar (R) đã chuẩn bị chu đáo đầy đủ lương thực. Nabi (saw) hỏi: « Con lạc đà và cuộc chuẩn bị tốn bao nhiêu? ». Ông Abubakar (R) trả lời là tặng cho Nabi (saw) nhưng Người không bằng lòng vì muốn chuyến đi này do sự đóng góp của Người.

Những người đa thần ra thông báo sẽ trao giải thưởng thật lớn cho ai giết hay bắt sống được Nabi (saw).Chuyến đi di cư với bao hiểm nguy, gian khổ. Theo sử ghi lại, Nabi (saw) ra đi vào đầu tháng Robiul Awwal và đến Medinah vào ngày 12 Robiul Awwal cùng năm, nghĩa là sau 12 ngày đêm vừa đi, vừa trốn trên sa mạc để đánh lạc hướng những người tìm bắt Nabi (saw) và ông Abubakar (R) theo lệnh và giải thưởng của bộ tộc Quraish. Lịch sử của Islam đã lật sang trang mới. Người Muslim căn cứ từ đó mà tính niên lịch của Islam. Nhờ cuộc ra đi này, Islam đã bành trướng và hiện diện trên khắp thế giới như ngày nay.

Sau 13 năm ròng rã truyền bá, giảng đạo cho thân quyến và thân tộc yêu thương ở Mecca nhưng Người (saw) chỉ nhận lấy sự đau khổ và buồn bã nhiều hơn là niềm vui trọn vẹn. Nabi (saw) ra đi với một tâm hồn buồn bã, thương hại cho quần chúng ở Mecca. Sau bao nhiêu năm dài truyền bá lí thuyết tôn thờ Allah Đấng Tạo Hóa Duy Nhất và dẹp bỏ những tượng thần do con người tạo ra, Người (saw) đã nhận lấy sự chống đối kịch liệt vì quần chúng ở đó không chịu chấp nhận lí thuyết tôn thờ ở Allah Duy Nhất mà cố chấp, duy trì thói quen, tật xấu của tổ tiên để lại.

Nabi (saw) ra đi trong tâm trạng xót xa, luyến tiếc cho quần chúng sau bao thời gian Người chịu đựng sự chống đối. Buồn cho ngọn đuốc của sự hiểu biết về giáo lí không còn chói sáng nơi đó nữa, buồn cho sự công bằng, bác ái, sự thật và lòng tin cậy không còn đó, buồn cho quần chúng đã mất một người phúc hậu lúc nào cũng nhã nhặn, tươi cười, chân thành lo lắng cho người khác đến nỗi quên cả bản thân. Thật đáng tiếc cho quần chúng ở Mecca đã mất đi một Sứ Giả đức hạnh, ngay thẳng, có tiếng trung thực từ nhỏ, nay lại bị xua đuổi ra khỏi quê hương thân tộc để lập cơ nghiệp đạo pháp ở nơi khác. Họ đã không nhận thức được vinh hạnh có một không hai này.

Nếu những người đa thần hay dân Quraish ý thức được sự thật, đừng cố chấp, cuồng tín, đừng tranh giành vì tư lợi thì Nabi (saw) đã đem lại bao nhiêu điều tốt lành, hạnh phúc, yên vui mãi mãi cho họ ở trên đời này cũng như Ngày Sau.

Vâng, Nabi (saw) ra đi mang theo ngọn đuốc soi sáng đến Madinah với bao sự tốt lành cho cuộc sống xã hội, quốc gia và tôn giáo. Rồi cũng từ Medinah, ngọn đuốc Islam đem ánh sáng tỏa khắp bán đảo Arab và thế giới sau này. Những người dân ở Madinah đã hưởng phúc khi ngọn đuốc được thắp lên ở đó cho đến Ngày Tận thế.

Sau khi đến Meadinah, việc đầu tiên là Người (saw) gửi thư trấn an những người Do Thái sinh sống ở đây và vùng lân cận. Người kêu gọi toàn dân Madinah cùng chia xẻ cuộc sống, xã hội, kinh tế và phòng thủ chung với nhau. Tôn giáo của ai nấy giữ, kẻ phạm pháp sẽ bị xử giống nhau chứ không phân biệt, vì đối với Allah tất cả mọi người đều bình đẳng. Khi người Do Thái bị tấn công, người Muslim sẽ bảo vệ và ngược lại. Sau đó, Nabi (saw) xây cất thánh đường, nơi tụ tập để hành lễ, cầu nguyện và cũng là quốc hội, trường học, văn phòng làm việc, nơi đào tạo những vị sĩ quan, quân đội trong hàng ngũ của chiến binh Islam sau này. Thánh đường vào thời xưa đóng một vai trò rất quan trọng, không chỉ để hành lễ mà còn là nơi xử lí tất cả những công việc lớn nhỏ trong xã hội của người Muslim. Sau đó, Nabi (saw) đổi tên thành phố Yasrib thành Al Medinatul Al Munawwaroh mà chúng ta thường gọi là Madinah, hay Medinatul Rosul (Thành phố của Rosul) cách xa Mecca hơn 400 km. Thật ra, Yasrib không phải là tên cũ của thành phố này. Theo sách sử ghi lại trước đó, thành phố Madina đã có từ 30-40 cái tên gọi khác nhau. Có sách đã ghi đến 94 cái tên trước tên Madinah. Nhưng tất cả tên đó đều bao gồm những ý nghĩa tốt đẹp, dịu dàng hiền từ. Đó là thành phố mà những thương buôn thường ghé qua trước khi lên đường đi Sham (Syria). Đất đai ở đó phì nhiêu có nhiều giếng nước, trồng trọt được nhiều loại cây, nhất là cây chà là rất có tiếng. Thời tiết nóng khi hè nhưng mát vào đông, không ẩm ướt và không nóng gắt như ở Mecca.

Sau khi bà Khadijah (R) mất, Nabi (saw) sống độc thân, nuôi dạy con cái và tiếp tục truyền bá Islam cho đến khi an cư lạc nghiệp đạo pháp ở Madinah, Người mới tái lập gia đình với bà Aysah (R) con của ông Abubakar (R) và những người vợ khác nữa.

Ngược thời gian trở lại cuộc đời của Nabi (saw) ở Mecca. Sau 40 tuổi, Nabi (saw) mới nhận lấy wahhy (lời mặc khải) của Allah, 13 năm chịu đựng gian lao truyền bá ở Mecca cho đến lúc dời cư và lập cơ nghiệp ở Madinah. Khoảng một, hai năm sau đó Nabi (saw) mới lập lại gia đình, có nghĩa là gần 55 tuổi Nabi (saw) mới cưới thêm nhiều vợ. Từ sử tích này, người ta mới hiểu rõ cuộc sống gia đình và sự nghiệp đạo pháp của Nabi (saw) như thế nào.

Trong thời gian đầu, Nabi (saw) và những người Muslim hành lễ hướng về thánh đường Al Akso (Jerusalem). Sau đó, Allah truyền cho đổi hướng về Ka’bah ở Mecca như ngày nay. Cũng trong thời gian ở Madinah, nền tảng thứ ba là nhịn chay nguyên tháng Ramadan, Zakat (bố thí bắt buộc) và hành hương (hajj) được truyền xuống ở đây.

Thời gian đầu của cuộc di cư, những người Muslim vì phải lẩn trốn mà đi, một số đã để lại gia đình thân quyến, của cải nên cuộc sống thật vất vả. Trước khi Nabi (saw) đến Madinah, để tạo sự thông cảm, chia xẻ với nhau trong cuộc sống hàng ngày, Nabi (saw) đã kêu gọi kết tình nghĩa anh em huynh đệ với nhau giữa những người li hương với những người An Sar (dân bản xứ Madinah) theo đạo trước đó. Trong Qur’an có phán với ý nghĩa như sau:

قال تعالى: ( والذين تبوؤ الدار والإيمان من قبلهم يحبون من هاجر عليهم ولا تجدون في صدورهم حاجة مما اوتوا ويؤثرون على انفسهم ولو كان بهم خصاصة ومن يوق شح نفسه فأولآئك هم المفلحون ) الحشر 10.

« Trước khi họ đến, những người đã an cư lập nghiệp trong thị trấn và đã theo đạo thì mến chung những người đến chỗ họ để di trú, và trong lòng họ thì không hề tham muốn những chiến lợi phẩm đã được ban cho những người di trú, dù nghèo khổ đi nữa họ vẫn lo cho những người di trú thật chu đáo hơn cả thân họ. Chính những người không ôm lòng tham muốn rồi sẽ được thành công » Chương 95 : 9

Sự kết nghĩa huynh đệ trong Islam bắt đầu bằng hành động: Nabi (saw) cầm tay Aly (R) và tuyên bố : « Đây là người anh em của tôi ». Sau đó đến lượt ông Abubakar (R) với ông Khorijah ibnu Zaid Al Ansar (R), ông Omar (R) với ông Utbah ibnu Malik Al Ansar (R), ông Jarfar ibnu Abitalib (R) với ông Muaz ibnu Jabal (R), ông Hamzah (R) với Zaid ibnu Ha’rish (R), ông Osman (R) với Awfu ibnu Thabit Al Ansor (R)... Sự kết nghĩa huynh đệ trong Islam đã tạo ra sự tương thân, tương trợ vô giới hạn. Lòng tin tưởng của họ cũng nhờ đó mà tăng thêm, ngay cả những người giàu có bản xứ cũng vui lòng chia một nửa tài sản và sẵn sàng li dị một người vợ để gả cho người anh em nghèo khó của họ. Lòng hi sinh cao cả của những vị sohabah (bạn hữu) hay những người Muslim thời đó đã in sâu vào lịch sử mà ngày nay không một ai có thể thực hiện được. Nhiều câu chuyện thuật lại rằng chỉ một món quà nào đó được tặng cho một người, người này nhận thấy anh em khác của họ thiếu thốn hơn nên đem cho người kia, món quà cứ di chuyển từ tay người này đến người nọ, rốt cuộc lại trở về chủ nhân ban đầu. Bao nhiêu câu chuyện trong sách sử đã ghi lại, chúng ta cần phải học hỏi và noi theo.

Trong thời gian đầu, Rosul (saw) lo chuẩn bị cho cuộc sống được ổn định về xã hội, kinh tế cũng như củng cố hàng ngũ và kêu gọi quần chúng ở Madinah vào Islam. Những người còn ở lại Mecca cũng lần lượt ra đi, thoát li khỏi sự đàn áp của nhóm người chống lại Islam để đến Madinah như ông Aly (R). Ông đã đi bộ từ Mecca đến Madinah với hai bàn chân sưng vù và rướm máu. Khi đến Madinah, Nabi (saw) và các bạn hữu đã mừng khóc cho sự can đảm, cao cả này. Sau đó, Nabi (saw) cầu xin Allah và vuốt hai bàn tay của Người lên những vết thương của Aly (R). Từ đó, chân của ông Aly (R) không bị đau nữa.

Trong khi đó, nhóm người đa thần ở Mecca vẫn không để yên cho Nabi (saw) và những người Muslim. Họ họp nhau lại và cương quyết phải diệt tận cùng Islam. Họ chuẩn bị cả ngàn quân tiến đánh Madinah trong những ngày tháng đầu của cuộc li hương. Nabi (saw) và những người Muslim không được một giờ phút rảnh rang vì cùng lúc phải đối phó với bên trong (ở Madinah lúc đó có rất nhiều người chưa vào Islam và cả những bộ lạc của Do Thái).

Sau 13 năm dài truyền bá và chịu dựng sự hành hạ của dân Quraish ở Mecca, Nabi (saw) đã hứng chịu nhiều cảnh đau thương của tín đồ do bị đánh đập, hành hạ, hay thậm chí bị giết như gia đình của ông Ammar ibnu Yasir (R). Người đàn bà đầu tiên theo Islam bị giết đó là bà Sumaiyah mẹ của ông Ammar và ngay cả cha của ông Ammar cũng bị giết. Trước những cảnh hi sinh đau khổ đó, những người Muslim đến yêu cầu Nabi (saw) ra tay chống trả lại nhưng Nabi (saw) không cho phép vì chưa được lệnh của Allah. Khoảng hai năm sau khi di cư đến Madinah, Allah mới cho phép Nabi (saw) dùng vũ lực để bảo vệ và chiến đấu chống lại kẻ thù cản trở việc truyền bá đạo qua ý nghĩa mà Allah đã phán như sau :

قال تعالى: ( اذن للذين يقاتلون بأنهم ظلموا وإن الله على نصرهم لقدير * الذين أخرجوا من ديارهم بغير حق إلا أن يقولوا ربنا الله ولولا دفع الله الناس بعضهم ببعض لهدمت صوامع وبيع وصلوات ومساجد يذكر فيها اسم الله كثيرا ولينصرن الله من ينصره إن الله لقوى عزيز ). الحج 39-40.

« Những kẻ nào bị đàn áp thì có quyền chiến đấu. Và Allah có quyền năng trợ giúp những người này * Là những người đã bị đàn áp và bị đuổi ra khỏi cố hương của họ chỉ vì đã nói « Chúa của chúng tôi là Allah ». Nếu Allah không cho phép con người tự vệ chống lại sự đàn áp của kẻ khác thì tu viện, giáo đường, giảng đường và thánh đường, nơi mà danh Allah thường được tưởng niệm, tất cả có lẽ đã bị tàn phá hết. Allah sẽ trợ lực kẻ nào giúp đỡ Ngài. Allah thật là đầy quyền năng và uy lực » Chương 22 : 39-40

Từ đó chiến tranh vì đạo bắt đầu xuất hiện trong lịch sử của Islam. Những trận chiến lớn nhỏ đã kéo dài trong suốt cuộc đời còn lại của Nabi (saw) và tiếp tục cho đến khi Islam bành trướng đến Âu Châu và khắp nơi trên thế giới như ngày nay. Nói như vậy không có nghĩa là Islam chủ trương dùng vũ lực để bành trướng tôn giáo. Trước khi xảy ra những cuộc chiến, Nabi (saw) và những người lãnh đạo Islam đều gửi văn thư đến truyền bá trước. Sau khi tiếp nhận những sự chống đối hay những sứ giả bị giết, khi đó Islam mới dùng đến vũ lực.

Sơ lược những trận đánh lớn với sự tham gia của Rosul (saw).

v     Trận Badar البدر

Trận Badar (Trận giao chiến quy mô đầu tiên) xảy ra tại làng Badar, cách Al Madinah hơn 200 km về hướng Jeddah, vào ngày 17 tháng Ramadan năm thứ nhì theo niên lịch Hidry (tức năm 624 Tây Lịch).

Sau khi về định cư ở Al Madinah được một thời gian, cuộc sống bắt đầu được ổn định dần, người theo Islam ngày càng đông. Dân Quraish ở Mecca không để yên, họ lập mưu đồ trả thù và lúc nào cũng tìm cơ hội để tiêu diệt Islam. Nghe tin họ xuất quân, Rosul (saw) kêu gọi quần chúng ra đi và thông báo rằng không hẳn sẽ chiến đấu nên một số người không tham gia.

Quân Quraish ra trận với lực lượng hơn 1000 người, vũ trang đầy đủ với áo giáp có chuẩn bị chu đáo, gồm lạc đà và hơn 100 ngựa và có cả đàn bà ca hát đi theo để cổ vũ.

Những người Muslim ra trận với Rosul (saw) có khoảng 313 người, 70 con lạc đà và 5 con ngựa.

Sau khi đến nơi và chọn lựa địa điểm chiến đấu, đoàn quân Islam đã lấp lại giếng nước sau khi tích trữ. Lúc đó, đoàn quân Quraish đến giếng nước và dành nhau tìm nước thì nước không còn nữa nên họ đã hoảng hốt và mất tinh thần. Rosul (saw) dàn trận và các tướng lĩnh ra thử sức. Kết quả là ba người từ Quraish bị giết, còn bên Islam có một người bị trọng thương. Sau đó, trận đánh xảy ra khốc liệt giữa một ngàn quân Quraish với hơn ba trăm người Muslim. Rosul (saw) đứng trên đồi cao không ngớt cầu xin Allah phù hộ. Và Allah đã yểm trợ bằng cách cho những thiên thần của Ngài tham dự cuộc chiến qua lời phán cuả Allah:

قال تعالى: ( ولقد نصركم الله ببدر وانتم اذلة فاتقوا الله لعلكم تشكرون *اذ تقول للمومنين الن يكفيكم ان يمدكم ربكم بثلاثة الف من الملائكة منزلين *بلا ان تصبروا وتتقوا ويأتوكم من فورهم هذا يمددكم ربكم بخمسة الف من الملائكة مسومين * وما جعله الله إلا بشرى لكم ولتطمعن قلوبكم به وما النصر إلا من عند الله العزيز الحكيم) آل امران 123-125

« Allah yểm trợ các ngươi tại Badar khi các ngươi yếu thế. Hãy kính sợ Allah và các ngươi phải cảm tạ Ngài * Khi ngươi bảo các tín đồ : «Dầu Chúa khiến ba ngàn thiên thần trên trời xuống yểm trợ các ngươi, các ngươi vẫn chưa đủ sao ? » * Không, không, nếu các ngươi nhẫn nại và kính sợ Ngài, khi bọn chúng thình lình tập kích các ngươi, Chúa sẽ khiến năm ngàn thiên thần xuống yểm trợ và phản công mãnh liệt * Đây chính là tin mừng mà Allah đã ban cho các ngươi để các ngươi được yên tâm. Ngoài Allah ra không ai sẽ yểm trợ các ngươi. Ngài là Đấng Toàn Năng và Khôn Ngoan » Chương 3 : 123-126

Allah đã yểm trợ cho cuộc chiến thắng với thiệt hại 70 tính mạng bên Quraish, 74 người bị bắt làm tù binh. Bên Muslim có 14 người hi sinh tử vì đạo. Trong số này có sáu người li hương (Muha’jirine) và tám người gốc Madinah (Al Ansar). Cũng trong trận này, những người đã chống đối, ngoan cố, hành hiếp những người Muslim và Rosul (saw) lúc ở Mecca đã bị những người yếu đuối trước kia giết chết. Trong đó có ông Abu Jahal, Umaiyah ibnu Kholaf là những người lúc khởi đầu đã gây khó khăn và đàn áp những người Muslim nhiều nhất, nay đã đền mạng cùng với những người khác nữa...

Những tù binh đã từng dùng vũ lực chống đối và đàn áp những người Muslim và Nabi lúc trước đã bị hành quyết, còn lại một số thì được thân nhân chuộc tiền hay kí giao ước. Dân Quraish đã thất bại nặng nề nên họ mang sự oán hận và trả thù người Muslim.

قال تعالى: ( ولينصرن الله من ينصره إن الله لقوى عزيز ) الحج : 40.

« Allah sẽ trợ lực kẻ nào giúp đỡ Ngài * Allah thật là đầy quyền năng và uy lực ». Chương 22 : 40

غزوة أحد

v     Trận Uhud

Trận Uhud xảy ra vào ngày thứ bảy 15 Shawal năm thứ 3 theo niên lịch Hidry (625 Ad) tại núi Uhud, Al Madinah.

Đó là tên gọi của một trong những ngọn núi ở Al Madinah, nằm cách Madinah khoảng 5 km. Đây là một ngọn núi nằm riêng biệt một mình nên người ta mới gọi là Uhud có nghĩa là riêng biệt hay độc nhất.

Trong trận đánh Badar vừa qua, ông Abu Jahil cùng con và những người có tiếng tăm khác ở Mecca đã bị giết, người mất cha, kẻ mất chồng, mất anh, mất em, mất những người thân quyến. Tiếng vang chiến thắng của người Muslim loan ra khắp nơi nên họ đã ôm mối hận và lập mưu kéo quân đến Madinah để trả thù.

Kì xuất quân này do ông Abu Sufyan ibnu Harbun (R) dẫn đầu với lực lượng gồm 3000 người, cùng với 700 áo giáp, 300 con ngựa và 17 phụ nữ đi theo... Khi đoàn quân chuẩn bị ra quân, ông Al Abbas bác của Nabi (saw) đã viết thư và mướn người đến mật báo cho Nabi (saw) biết. Lúc đó, Nabi (saw) đang ở tại làng Kuba’a cách Madinah khoảng 7 km.

Khi Rosul (saw) được tin, Người liền ra lệnh tập hợp và chuẩn bị ra quân đón chờ để không cho kẻ thù vào Madinah. Trong đoàn quân, Nabi (saw) thấy mặt cả những người Do Thái cùng đi với ông Abdulloh ibnu Ubai (đầu đảng của nhóm Munafik đạo đức giả). Tất cả có khoảng 1000 người. Sau khi giàn quân, ông Abdulloh ibnu Ubai rút lui với khoảng 300 người đi theo, bỏ lại 700 người Muslim chiến đấu với 3000 quân sĩ và đoàn kị binh hùng hậu của Quraish.

Rosul (saw) phân chia 73 người phục kích trên ngọn đồi tiến vào nơi đóng quân của người Muslim. Trong lúc lâm chiến đợt đầu, đoàn người Muslim đã áp đảo được quân thù nên những người phục kích thấy vậy bỏ hàng ngũ mà chạy xuống núi. Họ đã bất tuân vị chỉ huy cũng như lệnh của Rosul (saw). Trong lúc này, ông Kholid ibnu Walid thừa cơ dẫn đoàn kị mã tiến vào đánh bọc hậu nên những người Muslim trở tay không kịp mà chém giết lẫn nhau. Trong lúc giao chiến, có một vị sohabah (bạn hữu của Thiên Sứ) tên là Masab ibnu Amir (R) bị giết. Vị này có gương mặt và tướng người giống Rosul (saw) nên quân Quraish tưởng đâu đó là Nabi (saw). Do đó, họ phao tin để làm cho hàng ngũ người Muslim bị mất tinh thần. Quân sĩ náo loạn không còn tinh thần chiến đấu nữa. Trong trận xô xát và xáp chiến này, Nabi (saw) bị ngã và bị thương. Những vị sohabah đã hi sinh để che chở bảo vệ Nabi (saw). Nhiều người bị trúng tên và thương tích đến sáu bảy chục vết thương mà họ vẫn không màng đến mạng sống cá nhân mà chỉ biết lo bảo vệ Rosul (saw).

Trong trận này, người Muslim bị thiệt hại đến 70 tính mạng. Trong đó, có ông Hamzah bác của Nabi (saw) đã bị bà Hind treo giải cho vị nô lệ tên là Wahsy giết trả thù. Ông Wahsy đã lén đến gần và phóng lao vào mình ông Hamzah. Sau đó, ông Wahsy được tự do. Sau này, ông ta vào Islam và là một trong những người cùng với Kholid Ibnu Walid đã giết ông Musailamah Al Kazzab khi ông này tự xưng là Nabi, sau khi Nabi từ thế. Khi ông Hamazh (R) ngã xuống, bà Hind đến mổ bụng và moi tim gan của ông Hamzah ra để thỏa mãn hận thù của bà ta. Sau khi Rosul (saw) chiếm lấy Mecca, bà vào Islam và ân hận vì hành động trước kia nên bà xung phong ra trận để lo cơm nước, chăm sóc vết thương cho những chiến sĩ Muslim ở khắp trận địa. Còn bên Quraish có 23 người bị thiệt mạng.

 غزوة الخندق وهى الأحزاب 

v     Trận al Khandak hay Al Ahzab

Trận al Khandak hay Al Ahzab xảy ra vào tháng Shawal năm thứ 5 của lịch Islam.

Sau hai trận đánh vừa qua, trong thời gian chỉnh đốn hàng ngũ, người Muslim phải đối đầu với những kẻ chống đối từ bên trong của nhóm đạo đức giả (Munafik) và những người Do Thái cư trú lân cận Madinah. Những người Do Thái đã đoàn kết với nhóm đạo đức giả và đưa ra nhiều âm mưu nhằm sát hại Rosul (saw). Rosul (saw) phải đối phó với bao nhiêu công việc từ bên ngoài đến bên trong... Trong lúc đó, những người Quraish lại cấu kết với những người ganh tị và chống đối Islam từ Madinah để thừa cơ hội nội công ngoại kích mà tiêu diệt người Muslim.

Lần này, những người chống đối từ Mecca tổ chức một cách đại quy mô. Nhiều bộ lạc Arab khác ở bán đảo cũng tham gia với lực lượng của Quraish. Họ xuất quân với hơn 10 ngàn người, kéo nhau trực chỉ hướng Madinah. Khi nhận đươc tin này, những người Muslim họp lại chỉ có khoảng 3 ngàn người. Vậy làm sao chống chọi với lực lượng hùng hậu kể trên. Hơn nữa, bên trong thì lại có nhóm phản loạn chỉ chờ cơ hội là tấn công... Ông Salman Al Farishy (R) đưa ý kiến lên Rosul (saw) là bên xứ Iran khi bị tấn công, người Iran thường đào chiến hào để ngăn chặn đoàn quân tấn công, dù bằng ngựa cũng không thể phóng qua được.

Ý kiến được Rosul (saw) chấp nhận và Người ra lệnh cho quân sĩ đào hầm. Chính bàn tay cao quý của Người đã cầm cuốc đào hầm, khiêng vác những thùng cát hay tảng đá cùng với quân sĩ Muslim để chống lại kẻ thù và để không cho họ tấn công vào Madinah mà sát hại người Muslim được. Khi quân địch tiến tới, chúng bị chiến hào chặn lại, chỉ nằm chờ ở bên ngoài và dùng tên hay lao phóng qua chứ không có cách nào phá hàng ngũ mà xông vào. Cuộc bao vây kéo dài cả tháng trời, chỉ xảy ra những cuộc tấn công nhỏ. Cho đến một đêm nọ, Allah cho một cơn gió lạnh thấu xương thổi đến làm cho những thú vật, lương thực và hàng ngũ quân sĩ hoảng hốt chạy tán loạn, mất tinh thần chiến đấu nên họ không thể ở lại chờ đợi tấn công. Thấy tình hình bất ổn, ông Abu Sufyan ibnu Harbu chỉ huy của họ ra lệnh rút quân trở về mà không gặt hái được thành công nào. Ngược lại, họ bị tổn thất rất nặng nề về tinh thần chiến đấu và tiếng vang đồn ra khắp bán đảo.

Trong cuộc bao vây này, bên Muslim đã bị mất 6 người, bên Quraish 3 người, nhưng vật chất bên Quraish bị thiệt hại nặng nề và nhất là tinh thần chiến đấu. Ngược lại, tiếng vang về sự đoàn kết của người Muslim thống nhất hàng ngũ để chiến đấu bảo vệ tôn giáo đã vang vọng ra khắp nơi. Điều này đã làm cho những người chống đối bên trong Madinah khiếp sợ.

Hosen Mohamad.

Paris tháng 3/2001 (Zul Hadjah 1421)

Đón xem phần 3

Ý kiến bạn đọc
Các bài viết khác
BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG VIDEO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG VIDEO: "NABI (THIÊN SỨ) YSA CÒN SỐNG HAY ĐÃ...

Allah Toàn năng phán trong Surah Ali-Imran: {Hỡi Ysa, nay TA sẽ làm cho Ngươi chết, rồi mang Ngươi lên cùng với TA.} (Chương 3 – Ali ‘Imran, câu 55) {“Nhưng sau khi Ngài làm cho bề tôi chết thì Ngài là Đấng Giám Sát họ và Ngài làm chứng cho tất cả mọi việc.”} (Chương 5 – Al-Ma-idah, câu 117) {Họ chắc chắn đã không giết được Ysa, mà Allah đã đưa Y lên nơi Ngài.} (Chương 4 – Annisa’, câu 157, 158)

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG VIDEO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG VIDEO: "LỊCH SỬ NGÔI ĐỀN KA'BAH -...

Ka’bah hay Al-Ka’bah trong tiếng Ả Rập có nghĩa là Khối lập phương, là một tòa nhà hình hộp chữ nhật nằm trong trung tâm sân Masjid Al-Haram ở Makkah (Mecca), của vương quốc Ả Rập Xê Út. Ka’bah, là ngôi đền thiêng được người Muslim ở khắp mọi nơi trên thế giới coi là địa điểm linh thiêng nhất trên Trái đất.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "THÔNG ĐIỆP CỦA THIÊN SỨ MUHAMMAD...

Chắc chắn, con người phải có một đường lối mà họ tuân theo trong cuộc sống, điều chỉnh cuộc sống của họ và dạy họ cách đối xử với nhau, và bất cứ ai nghiên cứu bộ luật do Muhammad (saw) truyền đạt và sự hướng dẫn của Người sẽ thấy nó thực sự kỳ diệu vì nó bao gồm tất cả lợi ích của con người, mọi thứ họ cần thật chính xác, có lòng thương xót và cải thiện con người.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "DIỂN GIẢI RIYADH AS SALIHIN CHƯƠNG AL...

Đây là quyển sách tóm lược những Hadith quan trọng từ quyển Riyadh As-Salihin, bằng sự tuyển chọn rất kỹ càng và đã được giới ‘Ulama học giả chuyên môn chứng thực về tính chính xác của Hadith.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "DIỂN GIẢI RIYADH AS SALIHIN CHƯƠNG AL...

Đây là quyển sách tóm lược những Hadith quan trọng từ quyển Riyadh As-Salihin, bằng sự tuyển chọn rất kỹ càng và đã được giới ‘Ulama học giả chuyên môn chứng thực về tính chính xác của Hadith.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "DIỂN GIẢI RIYADH AS SALIHIN CHƯƠNG AL...

Đây là quyển sách tóm lược những Hadith quan trọng từ quyển Riyadh As-Salihin, bằng sự tuyển chọn rất kỹ càng và đã được giới ‘Ulama học giả chuyên môn chứng thực về tính chính xác của Hadith.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "DIỂN GIẢI RIYADH AS SALIHIN CHƯƠNG AL...

Đây là quyển sách tóm lược những Hadith quan trọng từ quyển Riyadh As-Salihin, bằng sự tuyển chọn rất kỹ càng và đã được giới ‘Ulama học giả chuyên môn chứng thực về tính chính xác của Hadith.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "CHÂN LÝ KHÔNG THUỘC VỀ SỐ ĐÔNG"

Thế nào là Chân Lý? “Chân” có nghĩa là bền vững, không thay đổi, không biến dạng theo thời gian và không gian; và “Lý” có nghĩa là trật tự, là quy luật của vũ trụ. Vì vậy, “Chân Lý” có nghĩa là trật tự bền vững không thay đổi bởi không gian và thời gian.