Tại đây, người dân rất thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau dù rằng không cùng dân tộc hay không cùng tín ngưỡng, mỗi người mỗi chí nhưng sự thật thà chất phác và lòng cao cả của họ đã để lại cho tôi một nỗi suy tư về dân tộc của mình…
Từ thị xã Châu Đốc qua cầu Cồn Tiên rồi đi thêm khoảng 4 cây số nữa, liếc mắt nhìn sang bên kia sông đó là ấp La-Ma, xã Vĩnh-Trường, huyện An-Phú, tỉnh An-Giang. Nếu không có người thân thì nơi đây ít người biết đến, xung quanh vùng đất này đều có sông nước nên phần đông người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản hay giăng câu và một số người khác thì làm nghề chuyên lặn trục vớt để tìm kiếm những đồ vật bị chìm với phương tiện là ghe độc mộc, kiểu dáng đặc thù của dân tộc Chăm. Vì vậy, cuộc sống người dân nơi đây chỉ tương đối đủ ăn, chỉ có những người hành nghề buôn bán liên tỉnh thì có phần hơi khá giả đôi chút.
Tại La-Ma, dân số người Chăm ước tính trên dưới cũng khoảng 1300 người mà chỉ có 103 ngôi nhà để ẩn náu qua ngày, số còn lại phần đông sống vào nghề sông nước nên họ lấy ghe làm nhà, vì cuộc sống nay đây mai đó cho nên những trẻ em Chăm nơi đây phần đông là thất học, vì số trẻ em này theo cha mẹ sống giang hồ sông nước nên không thể đến trường, chỉ một số ít trẻ em có cuộc sống ổn định trên bờ là có điều kiện để đến trường học, chính vì lẽ đó về mặt dân trí của người Chăm nơi đây thì rất thấp, chỉ đạt 1% trên tổng thể dân số mà thôi.
Sau khi đất nước đã phát triển, vì nhu cầu đời sống phát triển của xã hội bên ngoài nên môi trường nơi đây cũng bắt buộc phải thay đổi theo. « Điện, Đường, Trường, Trạm... » nay đã khang trang và có phần tân tiến, những ai kiếm lợi tức bằng nguồn lợi thủy sản thì nay không còn dồi dào hay dễ dàng như trước đây, cho nên những người dân đó cũng đổi nghề chuyển sang làm nghề nông hoặc buôn bán… Song song đó, người dân cũng ý thức được sự phát triển của xã hội tân thời thì phải cần có trí thức, từ đó cha mẹ cũng luôn quan tâm và khuyến khích các con em đến trường để học hỏi, mong rằng thế hệ trẻ sẽ xóa đi dấu vết của cha ông đã giẫm bước. Chính vì thế, hiện nay người Chăm ở ấp La-Ma nói riêng đã có một y sĩ chuyên ngành, một giáo viên cấp phổ thông và một sinh viên đang du học tại Indonesia…
Nói về xã hội phát triển thì nhu cầu về nhà ở của người dân cũng cần phải tu bổ hay xây dựng thêm, nhận thấy điều đó là cần thiết nên chính phủ đã lên kế hoạch mua lại những vùng đất nông nghiệp của người dân để xây dựng thành cụm tuyến (khu vực) dân cư, hầu giải quyết hay giải tỏa cho các người dân nghèo đang cần nhu cầu về nhà ở. Hơn nữa, nhà nước nhận thấy dân tộc Chăm nói riêng hay dân chúng nơi đây nói chung còn nghèo nàn nên đã ưu ái bán đất theo kiểu trả chậm (góp), và ước tính cũng được tổng cộng 120 nền nhà, mỗi nền nhà có mặt bằng 6 mét bề ngang và 14 mét chiều dài cho cộng đồng người Chăm.
Sau khi ổn định về mặt nhà cửa thì về mặt tâm linh của người Chăm tại đây đã có một Thánh đường (Masjid) duy nhất, đó là « Masjid Rohmah » uy nghiêm và tráng lệ nằm trên cánh đồng tươi xanh gió mát, mặt cửa chính ra vào đối diện nằm sát với con sông, mỗi khi nước triều lên thì có thể ngập cả lối đi, làm ùn tắc hay cản trở việc đi lại cho những ai đến Thánh đường hành lễ hàng ngày. Mặt khác, nay được nhà nước chăm lo nhà cửa như đã nói ở phần trên là điều tốt đẹp về mặt tinh thần, nhưng được cái này thì mất cái kia, đó là điều bất tiện cho những cụ già muốn đến Masjid lớn để hành lễ năm lần mỗi ngày thì quá xa, cho nên người dân mong muốn có một « surao » nhỏ tại khu vực đất mới để những cụ già đỡ vất vả lặn lội đường xá xa xôi năm lần mỗi ngày, ngặt nỗi « tiền thì không có mà gió (đất) cũng lại không !!! »
Thấu hiểu được nổi niềm mong uớc của những người anh em cộng đồng Chăm mới an cư, một cụ ông người Kinh (không cùng tín ngưỡng) đã tự động bàn thảo với con cháu của ông hiến dâng một miếng đất nông nghiệp mà gia đình đang canh tác với diện tích 8 mét chiều ngang và 20 mét chiều dài cho cộng đồng người Chăm, đó là điều kiện ban đầu để tiến bước xây dựng ngôi nhà của Allah trong việc thờ phượng. Còn gì để nói, đây là một nghĩa cử quá cao đẹp của một người không cùng dân tộc, không cùng tín ngưỡng, không cùng văn hóa; một người còn đang hoang mang về những thông tin không đẹp của tôn giáo Islam. Vậy mà, vậy mà tấm lòng vàng đã xuất phát từ tận đáy lòng của cụ ông muốn chia sẻ niềm vui tâm linh đến một cộng đồng nhỏ bé, cầu xin Allah ban nhiều hồng phúc và mọi điều an lành đến gia đình cụ.
Nhìn lại nhiều nơi trong cộng đồng người Chăm Islam, chúng ta là những bề tôi hành lễ một ngày năm lần đến Ngài (Allah), vậy mà vẫn còn tính toán hơn thiệt đối với Ngài, trong khi một cụ ông ngoại đạo chỉ nghe sự than thở của cộng đồng ta thì cụ đã sẵn sàng cho không miếng đất mà không đòi hỏi một điều kiện nào, thật là quá hổ thẹn… Tại vì, hiện nay có nhiều nơi trong cộng đồng người Chăm còn dư đất, có những người có thể cho đất để mở rộng Masjid, vậy mà không ai có lòng hảo tâm để bố thí vừa lòng Allah. Ngược lại, nếu muốn thì ban quản trị của Masjid chạy tiền để mua lại miếng đất của chính người « đồng đạo » của mình, trong khi một người tuy không cùng dân tộc, không cùng tín ngưỡng, không cùng chân lý, thế mà họ sẵn lòng dâng hiến cho chúng ta vô điều kiện, không cần ai đó lên tiếng trước để hỏi xin, đó là một sự bố thí thành thật để hy vọng phần thưởng xứng đáng ở Ngày Sau ???
Tôi viết bài này với tấm lòng mong muốn anh chị em chúng ta hãy tự kiểm thảo lại mình, vì Allah đã phán trong thiên kinh Qur’an như sau : « Hỡi những ai có niềm tin ! Hãy sợ Allah theo lẽ mà Ngài phải được khiếp sợ và chỉ chết trong tình trạng các người là những người Muslim (thần phục Allah). – Và hãy cùng nhau nắm vững sợi dây (Islam) mà Allah đã giăng ra cho các người và đừng chia rẽ nhau, và hãy nhớ Ân huệ của Allah đã ban cho các người khi các người hãy còn là kẻ thù của nhau, nhưng Ngài đã kết hợp trái tim (tấm lòng) của các người trở lại. Bởi thế, do Ân huệ của Ngài, các người đã trở thành anh em với nhau, và (trước đó) các người đang ở trên bờ hố lửa (chiến tranh) nhưng Ngài đã cứu các người ra khỏi (tình trạng) đó. Allah trình bày rõ các Lời Mặc khải của Ngài cho các người như thế để may ra các người được hướng dẩn (đúng đường). » S3 102-103
Một lần nữa , tôi hi vọng rằng trong chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội để làm vừa lòng Ngài, hãy nhanh lên vì Đấng Chúa Tể, vì những ngày chúng ta còn sống trên trần gian thật ngắn ngủi, qui luật sinh theo hệ tuần hoàn, nhưng tử thì lại không, kẻ bạc đầu khóc cho kẻ tóc xanh, vì vậy chúng ta không ngoại lệ.
Wassalam,
Ibn Abdoulloh
(Một người thiện ý)