Mặt khác, tôi cũng xin sắp xếp lại một số tựa đề nhằm làm cho bạn đọc hiểu rõ hơn những ý chính. Tôi hi vọng Thượng Đế xem tôi như một trong những người luôn bảo vệ lẽ phải của đạo lí và luôn tìm tới con đường chân lí của Ngài. Cầu xin Thượng Đế ban phước khi tôi viết bài này, chắc chắn Ngài là Đấng Vô Cùng Rộng Lượng.
Vị trí của Sunna trong Hồi giáo:
Mọi lời tạ ơn xin dâng lên Allah. Chúng tôi cầu xin sự giúp đỡ và lòng vị tha của Ngài. Chúng tôi cầu xin sự che chở từ Ngài nhằm chống lại cái xấu trong linh hồn và trong mỗi hành động của chúng tôi. Không một ai, không một thế lực nào có thể ngăn cản được người mà Allah muốn chỉ dẫn, và không ai có thể làm đi đúng đường người nào mà Allah không muốn. Tôi xin chứng nhận chỉ tôn thờ một Thượng Đế Duy Nhất và không tổ hợp ai với Ngài. Tôi xin chứng nhận Mohamad là bề tôi và là Sứ Giả của Ngài. Cầu xin Allah ban nhiều ân phước tới gia đình của Thiên Sứ và những người bạn đồng hành của Người.
“Hỡi những ai có niềm tin! Hãy sợ Allah theo lẽ mà Ngài phải được khiếp sợ và chỉ chết trong tình trạng các người là những người Muslim (thần phục Allah)”. (Chương 3, câu 102).
“Hỡi nhân loại! Hãy sợ Rabb (Allah) của các người, Đấng đã tạo các người từ một Người duy nhất (Ađam) và từ Người tạo ra người vợ (Hawwâ’) của Người và từ hai người này, (Allah) rải ra vô số đàn ông và đàn bà (trên khắp mặt đất). Và hãy sợ Allah, Đấng mà các người đòi hỏi (quyền hạn) lẫn nhau và hãy (kính trọng) những dạ con (mang nặng đẻ đau); bởi vì quả thật Allah Hằng Trông Coi các người.” (Chương 4, câu 1).
“Hỡi những ai có niềm tin! Hãy sợ Allah và nói năng thật thà. Ngài sẽ cải thiện việc làm của các người cho các người và tha tội cho các người; và ai vâng lệnh Allah và Sứ Giả của Ngài, thì chắc chắn sẽ thành đạt vẻ vang.” (Chương 33, câu 70-71).
Thật vậy, những lời nói chân thật nhất là những lời nói đến từ Allah, và con đường tốt đẹp nhất là con đường mà Thiên Sứ Mohamad đã lựa chọn. Điều tồi tệ nhất là những điều mà người ta thêm thắt (trong tôn giáo). Mọi sự thêm thắt đều làm thay đổi, mọi thay đổi đều dẫn đến sự lạc hướng và mọi sự lạc hướng đều dẫn đến địa ngục.
Tôi không nghĩ rằng tôi có thể giới thiệu trước một cử tọa cao quý bao gồm những giáo sư, những nhà bác học, dù bất cứ điều gì đi nữa thì nó cũng chưa từng bao giờ được sử dụng như một thuật ngữ khoa học. Dẫu cứ cho là như vậy thì tôi vẫn lấy làm hài lòng để gửi tới các bạn một lời nhắc nhở mà Allah đã phán cho chúng ta:
“Và hãy nhắc nhở. Bởi vì sự nhắc nhở thật sự có lợi cho những người có đức tin.” (Chương 51, câu 55).
Trong đêm ân phước của tháng Ramadan (tháng nhịn chay) đầy hồng ân này, thật không sáng suốt nếu không nói với các bạn về sự đa dạng của những lời chỉ dẫn đầy hữu ích về chủ đề này. Một chủ đề có liên quan chung tới những bài diễn thuyết nhằm mang lại nhiều quyền lợi cho những người nhịn chay. Tôi có xu hướng nói về một điểm cực kì quan trọng có liên quan tới một trong những nền tảng mà Allah đã định ra cho chúng ta. Đó là: Tầm quan trọng của Sunna trong luật Hồi giáo:
Chức năng của Sunna đối với Thánh Kinh Qu’ran:
Như chúng ta đều biết, Allah đã chọn Thiên Sứ Mohamad (saw) làm Sứ Giả để gửi các thông điệp của Ngài tới loài người. Allah đã mặc khải cho Thiên Sứ về Thánh Kinh Qu’ran. Trong Thánh Kinh, Allah truyền lệnh cho Thiên Sứ truyền đạt và giải thích thông lệnh của Ngài cho loài người. Ngài phán:
“… Và TA cũng ban cho Ngươi Thông Điệp Nhắc Nhở (Qu’ran) để Ngươi giải thích rõ cho thiên hạ biết những điều mà TA đã ban xuống cho họ…” (Chương 16, câu 44).
Điều này, hiển nhiên theo tôi được hiểu theo hai cách:
Thứ nhất, hiểu theo ý nghĩa của cả đoạn và những quy tắc của nó (hiểu theo nghĩa đen). Hay nói cách khác, nội dung và lời của kinh Qu’ran truyền đạt cho cộng đồng được giữ nguyên như Allah mặc khải cho Thiên Sứ. Điều này tương ứng với ý nghĩa của câu kinh sau:
“Hỡi Sứ Giả (Muhammad)! Hãy truyền đạt (Thông Điệp) mà Rabb của Ngươi ban xuống cho Ngươi. Nếu Ngươi không thi hành thì là Ngươi không truyền đạt Thông Điệp của Ngài.” (Chương 5, câu 67).
Hơn nữa, Aisha ® đã thuật lại một trong những hadith sau: “ Tất cả những ai cho rằng Thiên Sứ che giấu bất cứ điều gì trong Thông Điệp mà Người được lệnh phải truyền đạt lại thì tất cả những người đó đã mắc phải tội nói dối một cách nghiêm trọng.” Do đó, bà Aisha đã nêu ra câu kinh được viết ở trên. Imam Muslim thuật lại điều này từ bà Aisha ® trong một bản dịch khác:
“Nếu thực sự Thiên Sứ muốn che giấu bất cứ điều gì trong Thông Điệp mà Người được lệnh truyền đạt lại thì Người đã không nói ra những lời Allah phán sau: “Khi Ngươi nói với những người mà Allah đã ban cho nhiều phước lộc: Hãy giữ lấy những người vợ của ngươi và hãy sợ Allah, và Ngươi giấu trong tâm hồn của Ngươi những điều mà Allah muốn Ngươi truyền đạt cho công chúng. Ngươi sợ mọi người hơn hay sao trong khi Allah mới là Đấng đáng phải kính sợ”.
* Thứ hai, cộng đồng loài người cần hiểu rõ ràng ý nghĩa của từng từ, từng câu hay của từng đoạn kinh (hiểu theo nghĩa bóng). Điều này được Sunna trình bày, hạn chế và giải thích cặn kẽ mà chúng ta thường thấy qua các câu kinh có ý nghĩa khái quát (Al Mujmal), ý nghĩa tổng hợp (Al ‘Âmm), ý nghĩa tuyệt đối (Al Mutlaq). Ba loại hình này được thực hiện thông qua lời nói của Thiên Sứ, sự hành đạo và lời phê duyệt của Người. Câu kinh sau minh họa rất rõ về điều này:
“Đối với người nam hay nữ trộm cắp, hãy chặt tay của họ…” (Chương 5, câu 38).
Thật vậy, từ “kẻ cắp” (As-Sariq) và từ “tay” (Al Yad) đều mang tính khẳng định tuyệt đối. Trong trường hợp đầu tiên, qua lời nói của Thiên Sứ mà Sunna đã làm rõ ràng hơn điều này bằng cách giới hạn : “kẻ cắp dù có lấy một phần tư dinnar”. Thiên Sứ đã từng nói: “Kẻ cắp chỉ bị chặt tay khi lấy một phần tư dinnar hoặc nhiều hơn.” (Hadith do Albukhary và Muslim thuật lại).
Tương tự như vậy, thông qua sự hành đạo và lời phê duyệt của Thiên Sứ, sự hành đạo của những người bạn đồng hành của Thiên Sứ, Sunna đã làm rõ hơn thuật ngữ thứ hai qua việc chặt tay kẻ cắp tới cổ tay. Điều này cũng được thuật lại trong một số sách viết về hadiths. Và cũng chính Sunna đã làm rõ nghĩa của thuật ngữ “Al Yad” được nêu lên trong câu kinh nói về việc tẩy sạch (Tayammum) bằng cách chỉ định rõ về cánh tay:
“…dùng nó lau mặt và hai cánh tay của các người (theo thủ tục tẩy sạch Tayammum)…” (Chương 4, câu 43; chương 5, câu 6).
Thiên Sứ đã nói rõ về việc này: “Việc tẩy sạch (Tayammum) bao gồm nghi thức sờ vào đất một lần (bằng lòng bàn tay) rồi lau mặt và tay.”
Sau đây là một câu kinh khác mà nếu không có Sunna thì chúng ta sẽ không thể hiểu đúng hết ý nghĩa:
“Những ai có đức tin và không trộn lẫn Đức Tin thuần tuý của họ với điều sai trái huyễn hoặc thì là những người sẽ được an toàn nhất bởi vì họ được dẫn dắt đúng Chính Đạo” (Chương 6, câu 82).
Những người bạn hữu của Thiên Sứ hiểu từ “điều sai trái” (Az-Zulm) theo nghĩa đen của thuật ngữ, có nghĩa là bao gồm tất cả những điều sai trái dù là điều nhỏ nhất. Vì vậy, họ nói với Thiên Sứ: “Hỡi Sứ Giả của Allah! Có ai trong chúng ta lại chưa từng mắc phải một điều sai trái nào?” Thiên Sứ trả lời: “Điều sai trái ở đây là việc tổ hợp các thần linh khác với Allah (Ash-Shirk). Các ngươi chưa từng nghe câu nói sau của Luqmân hay sao: “ Hỡi con trai của ta! Không được tổ hợp bất cứ điều gì với Allah, ai mắc phải tội tổ hợp là mắc phải một điều sai trái vô cùng to lớn.” (Hadith được thuật lại bởi Al Bukhari, Muslim và những người khác).
Tác giả: Sheikh M. Nâssiruddin Al-Albani.
Do Abu Aziazah sưu tầm qua www.sounna.com.
Và Bích Thuỷ chuyển ngữ.