(VietNamNet) - Khoảng gần 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới, hơn 70.000 tín đồ Việt Nam bước vào tháng Ramadan theo quy định của đạo. Đạo Hồi là một trong 6 tôn giáo lớn, được công nhận chính thức trong cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam (đạo Phật, đạo Cơ đốc, đạo Tin Lành, đạo Hồi, đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo), nên ta cũng nên biết thêm những điều cơ bản của đạo giáo này.
Mỗi buổi chiều trong suốt 30 ngày của tháng Ramadan này, ở các địa phương Hồi giáo đều tổ chức những bữa ăn từ thiện. |
Trước hết, xin nói về "tháng Ramadan". Một số báo chí của ta thường gọi là "tháng ăn chay", hoặc "tháng nhịn ăn". Cả hai cách gọi đó đều không chính xác, và tốt nhất theo tôi cứ nên gọi là "tháng Ramadan". Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 trong lịch Hồi giáo. Lịch Hồi, hay còn gọi là lịch Hijra, được tính theo mặt trăng, và bắt đầu có từ ngày 16/7/622 (theo công lịch Gregorian Calendar), tức là ngày mở đầu một năm Ảrập, đánh dấu bằng chuyến đi của Mohamed từ thánh địa Mecca đến Medina (cả 2 địa điểm này đều ở Ảrập Xêút). Năm của lịch Hồi giáo cũng chia làm 12 tháng, đó là : 1/ Muharram, 2/ Saphar, 3/ Rabia I, 4/ Rabia II, 5/ Jamada I, 6/ Jamada II, 7/ Rajab, 8/ Shaban, 9/ Ramadan, 10/Shawwal, 11/ Dulkaada, và 12/ Dulhegia. Vì tính theo mặt trăng (kiểu như âm lịch của ta) nên mỗi năm có 354 hoặc 355 ngày, do đó cứ 30 năm lại có 17 năm nhuận.
Lịch Hijra được dùng cho lễ giáo của toàn thế giới Hồi giáo, và là lịch chính thức ở Ảrập Xêút và Yemen. (Bởi thế, nếu bạn đọc của VieNamNet có dịp sang công tác hay du lịch 2 quốc gia này, nhớ mang theo một cuốn lịch túi của ta để... đối chiếu cho dễ!). Trong hầu hết các nước Ảrập, lịch này được dùng song song với Công lịch Gregorian. Riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập thì lấy công lịch Gregorian làm lịch chính thức. Tháng Ramadan không nên gọi là "tháng ăn chay" và cũng không nên gọi là "tháng nhịn ăn", bởi lẽ thực chất, các tín đồ chẳng ăn chay hoàn toàn và cũng không nhịn ăn hoàn toàn (sẽ nói rõ ở dưới). Trong giáo lý của đạo Hồi, có 5 tín điều bắt buộc đối với mọi tín đồ. Năm điều đó là: 1/ Phải đọc hoặc nhẩm câu sau đây mỗi khi làm lễ: "Không có thánh thần nào khác ngoài Allah (Thượng Đế), và Mohamed là Thiên sứ của Người". Mỗi ngày 5 lần (sáng sớm trước khi mặt trời ló lên ở chân trời, trước lúc giữa trưa, lúc giữa buổi chiều, lúc mặt trời vừa lặn, và buổi tối giữa khoảng mặt trời lặn với giờ đi ngủ). Một giáo chức trong đạo đọc câu này trong giáo đường, truyền qua những loa điện cực đại treo trên nóc, nhắc tín đồ đến giờ hành lễ. Ai đã có dịp qua các nước Ảrập, các quốc gia Hồi giáo như Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Bangladesh, các nước Trung Á... đều được nghe câu này đều đặn hàng ngày. 2/ Năm lần đọc câu trên, chính là 5 lần hành lễ trong ngày và tiếng Ảrập gọi là Salat, vào những thời điểm đã được quy định ở trên. Khi làm lễ, dù đang đứng ở đâu (giữa đường, trong phòng đợi ở sân bay...) mọi tín đồ đều quỳ lạy và hướng về thánh địa Mecca, đọc những câu trong kinh Koran. Nếu bạn đi trên máy bay của các nước Ảrập, màn hình vô tuyến trong từng khoang của hành khách cũng chỉ rõ cho mọi người lúc này, Mecca đang ở hướng nào so với chiều dọc của máy bay đang bay. Trên máy bay chuyên cơ của các nguyên thủ quốc gia Hồi giáo như Vua Ảrập Xêút, Vua Kuwait... còn có những khoang riêng, trong đó có một tấm thảm để hành lễ, và tấm thảm này luôn luôn tự động hướng về thánh địa Mecca, dù là đang bay ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Ngày thứ sáu hàng tuần, tất cả tín đồ nam giới có nghĩa vụ đến một giáo đường gần nhất để làm lễ tập thể – nhưng phụ nữ thì không được vào, hoặc vào một cửa riêng và một khu vực riêng trong giáo đường. Trên cả nước Ai Cập chẳng hạn, có tất cả hơn 6.000 giáo đường lớn nhỏ của đạo Hồi.
3/ Đóng góp tiền từ thiện để giúp người nghèo, tiếng Ảrập gọi là Zakat. Trước kia, có những giáo chức trong đạo đi thu, nay nghĩa vụ này tùy theo sự hảo tâm tự giác của các tín đồ, và thông thường mọi người đóng góp vào ngày cuối của tháng Ramadan. 4/ Nhịn ăn, nhịn uống... (ban ngày) của 30 ngày trong tháng Ramadan. 5/ Hành hương đến thánh địa Mecca ở Ảrập Xêút. Mỗi tín đồ Hồi giáo có nghĩa vụ cố gắng để trong đời mình có ít nhất một lần hành hương đến Mecca (và cũng chỉ những người theo đạo mới được phép đến nơi này). Khi hoàn thành nghĩa vụ này, họ sẽ được mang danh hiệu "Haj" hoặc "Haji". Bởi thế, nếu bạn cầm danh thiếp của một doanh nhân, một quan chức của các nước theo đạo Hồi, thấy trong dòng tên họ có chữ Haji thì hiểu rằng người đó đã có lần hành hương đến Mecca. Ở Việt Nam cũng đã có những Haji, trong cộng đồng người Chăm Bà-ni, hoặc ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh – nơi đã có thánh đường của đạo.
Mỗi tín điều kể trên đều có ý nghĩa của nó, và được các giáo sĩ giải thích cặn kẽ. Chẳng hạn như việc nhịn ăn, nhịn uống, nhịn hút thuốc... (ban ngày) trong suốt tháng Ramadan, một giáo sĩ cao cấp ở Ai Cập đã giải thích cho tôi: Làm như vậy để có một sự đồng cảm với những người nghèo đói, đồng thời còn nhằm luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất để tạo thuận lợi cho việc được lên thiên đàng. Mỗi buổi chiều trong suốt 30 ngày của tháng Ramadan này, ở các địa phương đều tổ chức những bữa ăn từ thiện. Bàn ghế được kê thành từng dãy trong công viên hoặc trên những vỉa hè rộng. Thức ăn và bánh mì được để thành từng suất trên bàn, tất nhiên cả cốc để uống nước và những bình nước mát, sau suốt một ngày nhịn ăn và uống. Chi phí cho những bữa ăn từ thiện này là từ tiền quyên góp của các công ty, nhà hàng, và cả tiền của những người được miễn chuyện nhịn ăn (những phụ nữ đang có mang, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người đang ốm đau và những người đang đi du lịch ở nước ngoài), coi như một khoản đóng góp thế cho nghĩa vụ. Khoảng 5 giờ chiều, những người nghèo mang theo cả con cái đến những tụ điểm này, ngồi vào bàn một cách rất trật tự. Mặc dù đã đói và khát vì phải nhịn trong cả ngày, trước mặt lại là những hộp thức ăn toả mùi thơm và những cốc nước mát, nhưng không một ai đụng đến. Tất cả ngồi im lặng, nhiều người lẩm nhẩm đọc kinh Koran. Chỉ đến khi tiếng loa từ các giáo đường vang lên, đọc xong câu kinh ở điều 1, mọi người mới bắt đầu ăn uống. (Ở Syria thì hiệu lệnh là một phát đại bác bắn trên sườn núi). Các gia đình không thuộc diện nghèo thì tổ chức ăn ở nhà một cách linh đình như ta ăn Tết (tôi xin nhắc lại: Không nên gọi là "tháng ăn chay" vì chẳng "chay" một tí nào. Lượng thực phẩm tiêu dùng trong tháng Ramadan này thường gấp 4, 5 lần những tháng khác). Sau khi ăn uống, mọi người đi chơi, thăm hỏi nhau hoặc ra vườn hoa ngồi hút thuốc, chuyện trò râm ran. Phải thật khuya, mọi người với về nhà nằm nghỉ. Khoảng 2 giờ sáng, mỗi phố lại có một người - gọi là Abu Tbeila - mang một chiếc trống nhỏ, tiếng rất đanh, vừa đi vừa đánh theo nhịp ngũ liên, vừa hô to để đánh thức mọi người dậy lo nấu nướng, kịp ăn uống xong xuôi trước khi mặt trời mọc để bước sang một ngày nhịn mới. Các gia đình thường cho tiền anh chàng đánh trống này (và chúng tôi cũng phải cho tiền, bởi nếu không, anh ta đứng đanh trống... lâu hơn, mà vào cái giờ đó đối với những người "ngoại đạo" như chúng tôi, đang là lúc ngủ ngon!) Một chi tiết vui vui để kể với bạn đọc là trong tháng Ramadan này, vào buổi chiều, nếu không có công chuyện thì chớ có dại mà lái xe ra đường. Bởi lẽ các ông lái xe taxi, xe bus... sau cả một ngày nhịn ăn, nhịn uống đã rất mệt, họ lái rất nhanh để kịp về nhà trước giờ được ăn, nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Ngay tại thủ đô Cairo (Ai Cập) đã từng có một chuyến xe bus chở khách "vượt qua thành cầu" lao xuống sông Nil, làm chết 39 người và bị thương hơn 20 người khác, có lẽ bởi ông lái xe đã hoa mắt vì đói và mệt! Kể lại những điều cần biết về đạo Hồi như trên, tôi muốn nhấn mạnh rằng: cũng như mọi đạo giáo khác, đạo Hồi chân chính cũng rất chú trọng đến con người, quan tâm đến người nghèo, một đạo giáo mang tính nhân văn sâu sắc. Cần phân biệt giữa đạo Hồi chân chính với những kẻ lợi dụng danh nghĩa đạo Hồi để tiến hành khủng bố, cực đoan và cuồng tín, mà tổ chức Al Queda ở Afghanistan là một ví dụ. Những tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam đều là những người chăm chỉ làm ăn, chân thực, và có quan hệ tốt với mọi người xung quanh. Tôi đã gặp không ít tín đồ Hồi giáo làm công nhân (chẳng hạn ở Hợp tác xã Ba Nhất ở TP. Hồ Chí Minh, một HTX có cả mấy trăm công nhân, nổi tiếng về mặt hàng mây tre đan xuất khẩu).
Mỗi tôn giáo có một thần tượng, một đức tin thuộc về tâm linh, và được những người theo đạo tôn sùng, đó là lẽ tự nhiên. Hiến pháp Việt Nam đã quy định rõ ràng: mọi người có quyền tự do theo đạo hoặc tự do không theo một đạo nào, và đó là quyền tự do đúng đắn. Có thể thấy rằng đạo giáo nào cũng có những "con chiên ghẻ", những kẻ cuồng tín... nhưng đó không phải là đa số, mà chỉ là những kẻ lợi dụng danh nghĩa đạo để quậy phá mà thôi. Không thể có thái độ "vơ đũa cả nắm", hoặc lợi dụng những điều này để kỳ thị, nói xấu một đạo giáo khác, sẽ là một việc làm phạm pháp.