Tài thuyết trình của ông Obama một lần nữa được vận dụng với hy vọng tiến gần hơn nữa với thế giới Hồi giáo. Bằng những câu từ hoa mỹ, ông chủ Nhà Trắng trình bày quan điểm của Mỹ về những sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi cũng như chính sách của Washington về khu vực này.
Trong bài phát biểu này, Tổng thống Obama cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, nước Mỹ theo đuổi một loạt lợi ích cốt lõi tại đây như chống khủng bố và chấm dứt phổ biến vũ khí hạt nhân, đảm bảo lưu thông tự do hàng hóa và an ninh khu vực, ủng hộ đảm bảo an ninh cho Israel và theo đuổi nền hòa bình Arab-Israel.
Theo Tổng thống Mỹ, trường hợp “đáp ứng bằng vũ lực đối với những lời kêu gọi thay đổi” điển hình nhất là Libya, “nơi nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi phát động một cuộc chiến tranh chống lại chính người dân trong nước”.
Ông Obama khẳng định, việc nhà lãnh đạo Libya Gaddafi rời bỏ quyền lực “là điều không tránh khỏi” khi những cuộc không kích của NATO và những chế tài quốc tế dồn dập ập đến nhằm “cứu thoát hàng nghìn sinh mạng của những người chống đối ông Gaddafi”.
Nguyên thủ Mỹ cũng không quên đề cập đến tình hình Syria. “Syria cũng chọn con đường giết chóc và bắt giữ hàng loạt. Tổng thống Syria Bashar al-Assad giờ hãy chuyển sang chế độ dân chủ hoặc phải nhường chỗ cho người khác”, ông Obama nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ còn kêu gọi Syria để cho những quan sát viên nhân quyền đến những thành phố hiện là các địa điểm nóng và cho phép họ tham dự vào những cuộc đối thoại nghiêm chỉnh để tiến đến chuyển tiếp dân chủ, nếu không, Tổng thống Assad tiếp tục bị thách thức trong nước và bị cô lập tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, Tổng thống Obama đưa ra những sáng kiến để hỗ trợ cho công cuộc hiện đại hóa kinh tế, cải tổ và ổn định tại hai nước này. Nhà Trắng loan báo ban đầu sẽ hoãn nợ một tỷ USD để giảm bớt áp lực nợ nần và thêm một tỷ USD nữa để bảo đảm tín dụng cho hai nước này.
Người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới cũng cho rằng, một nền hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine là điều khẩn thiết hơn bao gì hết. Ông kêu gọi việc thành lập hai quốc gia, ủng hộ một đòi hỏi chính đáng của người Palestine là biên giới quốc gia tương lai Palestine phải căn cứ vào đường ranh giới năm 1967 - ranh giới có sẵn trước khi cuộc chiến 6 ngày xảy ra trong đó Israel chiếm những vùng đất của người Palestine.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama còn hứa tiếp tục kiên trì lập trường rằng, “người dân Iran cần lấy lại được những quyền lợi của họ và có một Chính phủ không bóp nghẹt những nguyện vọng của người dân”.
... nhưng vô nghĩa
Trái với những mong đợi của Mỹ, thế giới Hồi giáo có những phản ứng không mấy tích cực sau bài phát biểu của ông Obama. Theo CS Monitor, đa số người dân Hồi giáo cho rằng, những lời lẽ của Tổng thống Obama không “gột sạch” được thực tế rằng, Mỹ không thích hợp để nhúng tay vào cuộc cách mạng “mùa xuân Arab”.
Ngoài ra, bài phát biểu cũng không thể lấp liếm đi xung đột sâu sắc giữa lợi ích an ninh trước mắt của Mỹ với khát vọng lâu dài về tự do và dân chủ tại Trung Đông.
“Ông Obama lồng ghép quá nhiều vấn đề trong bài phát biểu của mình để rồi nó lại chẳng có chút nghĩa lý gì với người dân ở thế giới Arab”, Mansour el-Kikhia, nhà phân tích khoa học chính trị tại Libya nhận định.
Theo ông, điều có ý nghĩa nhất mà cả thế giới đang chờ đợi từ ông Obama là làm rõ về vai trò thực sự của Mỹ trong cuộc cách mạng tại Trung Đông lại không được đề cập.
Không chỉ vậy, khi đưa ra sự lựa chọn nước đôi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad hoặc cải cách để tiến tới chế độ dân chủ hoặc nhường chỗ cho người khác, ông thừa hiểu nhà lãnh đạo tại Damascus chắc chắn sẽ không làm cả hai.
“Ông Obama vẫn cố để cho người đồng nhiệm Bashar al-Assad một lối thoái. Ông ấy nên gây sức ép buộc Tổng thống Assad từ chức ngay lập tức đơn giản bởi vì ông Assad không thể có sự lựa chọn nào khác. Ngoài ra, lời kêu gọi đối thoại giữa những người biểu tình với chính quyền thật là ngây thơ và chắc chắn phản tác dụng”, nhà phân tích Mansour el-Kikhia quả quyết.
Trong khi đó, tại Ai Cập, nơi Mỹ từng ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Hosni Mubarak trong suốt 30 năm, rất ít người “nhòm ngó” đến bài phát biểu của ông Obama. Nếu có nghe thì họ cũng không mấy làm hài lòng.
“Ông ấy phát biểu cứ như là ủng hộ làn sóng cách mạng này ngay từ những ngày đầu. Thật không may cho ông ấy bởi chúng tôi thừa hiểu, chính quyền Obama chỉ một lòng một dạ với Mubarak. Tuyên bố sát cánh với những người dân Arab trong cuộc cách mạng này thật là lố bịch”, Emad Gad, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính trị tại Cairo nhấn mạnh.
Tưởng chừng như bài phát biểu của ông Obama còn có một “điểm cộng” là những tuyên bố gây bất lợi cho đồng minh trong vấn đề xung đột Israel – Palestine nhưng cuối cùng cũng bị phản ứng kịch liệt.
Nhà phân tích Emad Gad cho rằng, quan điểm của ông Obama về cuộc xung đột giữa Israel với thế giới Arab không có gì mới mẻ. Thực chất quan điểm cho rằng, biên giới quốc gia tương lai Palestine phải căn cứ vào đường ranh giới năm 1967 từng được cựu Tổng thống Bill Clinton đề cập đến từ đầu những năm 1990 và cựu Tổng thống George W. Bush sau đó cũng không ít lần nhắc tới.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng cho rằng, giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột này là đáp ứng những đòi hỏi của Palestine về việc xây dựng một nhà nước độc lập dựa trên đường ranh giới năm 1967, đổi lại là một cuộc trao đổi đất đai và chấp nhận yêu cầu của Israel về những đường biên giới được đảm bảo an ninh.
Hơn nữa, mấu chốt quan trọng cho tiến trình nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông là buộc Israel chấm dứt các hoạt động mở rộng khu định cư lại không được ông Obama nhắc đến.
Tổng thống Obama còn khiến người dân Palestine thất vọng hơn khi gạt bỏ những nỗ lực của họ tại Liên Hiệp Quốc. “Hành động cô lập Israel tại Liên Hiệp Quốc chỉ mang tính chất tượng trưng và không thể giúp tạo ra một quốc gia độc lập”, ông Obama nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình.
Dù khiến Thủ tướng Israel Netanyahu “sôi sục” nhưng theo ông Aluf Benn, chuyên gia phân tích đối ngoại và an ninh quốc gia của tờ Haaretz, thực chất những tuyên bố của Tổng thống Mỹ lại đang giúp ích rất nhiều cho ông Netanyahu.
“Nếu để ý thì ông Netanyahu có thể thấy, phát biểu của Tổng thống Mỹ đều là những lời lẽ lọt tai đối với mình. Ông Obama cam kết không đưa ra một thỏa thuận ép buộc Israel và Palestine nhằm quay lại bàn đàm phán. Ông ấy cũng không lên án khu tái định cư của Israel là bất hợp pháp hay yêu cầu đóng băng khu vực này”, nhà phân tích Aluf Benn bình luận.
Cộng đồng Hồi giáo muốn gì?
Lý giải cho thái độ phẫn nộ đối với nỗ lực hàn gắn quan hệ của ông Obama, Shadi Hamid, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Brookings Doha cho rằng, Tổng thống Mỹ đã không đánh trúng tâm lý của người Hồi giáo.
Theo ông, điều mà những tín đồ đạo Hồi muốn nghe là lời xin lỗi về lịch sử bao che cho các nhà độc tài mà người dân Bắc Phi và Trung Đông đang tìm cách lật đổ.
“Bài phát biểu là cơ hội hiếm có để cho ông Obama nói lời xin lỗi với thế giới Arab. Rất tiếc, ông ấy đã bỏ lỡ nó. Giá như ông ấy nói ‘Chúng tôi, những người Mỹ đã phạm sai lầm, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng sửa chữa lỗi lầm đó’”, chuyên gia Shadi Hamid nhấn mạnh.
Nếu không phải là một lời xin lỗi thì theo nhiều tín đồ Hồi giáo, đặc biệt người dân tại Libya và Syria, tốt hơn hết ông Obama nên im lặng.
“Ông ấy lại phát biểu? Để làm gì? Chúng tôi không muốn nghe bất cứ điều gì từ Tổng thống Mỹ nữa. Chúng tôi đã thoát khỏi xiềng xích của Mubarak mà không cần đến sự trợ giúp của Mỹ và bây giờ chúng tôi cũng không muốn có bất cứ sự can thiệp nào của Washington tại Cairo”, Mahmoud Hamza, phóng viên của một tờ báo của Ai Cập quả quyết.
Không chỉ người dân Ai Cập mà tín đồ đạo Hồi tại nhiều quốc gia khác cũng nhất trí rằng, điều ông Obama nên nói trong bài phát biểu của mình là cam kết Mỹ sẽ không “nhúng mũi vào việc của người khác” nữa.
“Tôi không muốn ông Obama nói gì hết với thế giới Arab. Nếu có nói, ông ấy cũng chỉ nên khẳng định về việc Mỹ sẽ để các quốc gia Arab được yên ổn bởi sự nhúng tay của họ chỉ làm vấn đề trở nên trầm trọng”, một giáo viên tại Damascus nhấn mạnh.
“Gáo nước lạnh” mà cộng đồng người Hồi giáo “dội” vào Tổng thống Obama một lần nữa chứng tỏ, nỗ lực hàn gắn quan hệ của ông chỉ nên được hiện thực hóa bằng hành động bởi những lời nói ngụy biện chỉ làm thế giới Arab thêm tức giận.
Theo Bích Diệp