TÌM HIỂU HỒI-GIÁO (ISLAM) Phần 2 Chân Lý Islam
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu

TÌM HIỂU HỒI-GIÁO (ISLAM) Phần 2

31.08.2007 10:33 - đã xem : 2980

Trong Islam có năm giáo luật, năm điều tin tưởng (iman), năm viên gạch xây dựng nền móng.

Giáo luật thứ nhất:


Ðức tin vào Ðấng Tạo Hóa Allah Duy Nhất, nghĩa là không thờ bụt tượng, ảnh. Chỉ có đức tin mới giúp ta phân biệt được các người tín đồ chân chính của Islam (Muslim) với những người ngoại đạo (Kafir) và những kẻ vô thần (bất tin).



Giáo luật thứ nhì:


Tin tưởng nơi những vị Thiên Thần của Allah. Người muslim chân thật lúc nào cũng phải hoàn toàn tin tưởng vào sự có mặt của Thiên Thần trong mọi hành động tốt hay xấu của con người ở đời này để làm chứng nhân trước Ðấng Tối Cao vào Ngày phán xét.


Giáo luật thứ ba :


Tin tưởng vào Thánh kinh Coran của Allah (và những thiên kinh đã được Allah truyền xuống trước kia). Xin đọc đoạn viết riêng về Coran.


Giáo luật thứ tư :


Tin tưởng ở các vị Thiên Sứ của Allah (đã được gởi xuống từ trước) và nhất là vị Thiên Sứ cuối cùng Muhammad (saw), vì :


- Người là Thiên Sứ của Allah ;


- Người mang đến cho nhân loại những giáo luật hoàn toàn, không thiếu sót điều gì cả.


- Người là Thiên Sứ cuối cùng vì không có một thiên sứ nào đến sau Người.


Nếu ta tin ở Người, thật ta là người muslim chân chính, nếu không tin ở Người, ta được coi là người ngoại đạo.


Giáo luật thứ năm :


-Tin tưởng ở Ngày Tận Thế.


Ta phải đặt câu hỏi: « Bạn có nghĩ đến hậu quả của những gì bạn đã làm không ? Bạn có cầu xin một tương lai tốt đẹp không ? »


Nếu nói: « chết là hết », thì cuộc đời này không có gì để ta lưu luyến, mọi ý tưởng đều không có chỗ đứng trong mọi hành động. Không lẽ kẻ giết người cướp của và người lương thiện làm ăn, cả hai cùng một số phận. Công bình Thượng Ðế ở đâu ? Ðến ngày phục sinh, ai tin tưởng và hành động tốt lành thì được thưởng cuộc sống vĩnh viễn, sung sướng trong Thiên Ðàng, trái lại, sẽ bị đày xuống Hoả Ngục.



Bây giờ, cần đề cập đến chế độ đa thê. Vì hễ nói đến Islam, người ta nghĩ ngay đến những 'ha-rem' có cả trăm người đẹp, sống trong nhung lụa, nhưng không được liên lạc với bên ngoài. Sự thật, chế độ đa thê là một tập tục đã có trước trong xã hội Arap. Có lẽ lúc đầu, đây cũng là một biện pháp nhằm đối phó với một tình trạng xã hội hỗn độn của các bộ lạc thường xung đột nhau. Sau mỗi trận chiến như vậy, có bao nhiêu người đàn ông bỏ thây ngoài sa mạc và theo đó, bao nhiêu góa phụ không nơi nương tựa (hoàn cảnh người đàn bà Việt Nam sau 1975).


Qur'an, surah 4 : 3 có ghi rõ: « Nếu ngươi không sợ sẽ không đủ sức xử sự công bình với các trẻ mồ côi, thì hãy cưới những người vợ chọn được, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn người. Nhưng nếu ngươi sợ sẽ không đủ sức xử sự công bằng với chúng thì hãy chỉ lấy một vợ mà thôi hoặc chỉ lấy một người mà cánh tay mặt của các người giữ được. »


Vậy là Hồi luật đã hạn chế số vợ của mỗi tín đồ xuống còn bốn người, nhưng với điều kiện phải đối xử 'hoàn toàn bình đẳng' với cả bốn người về vất chất lẫn tinh thần và tình thương. Ðiều kiện ' phải thương đồng đều nhau ' khó thực hiện nhất, cho nên người giải thích rằng đó là một khuyến cáo hướng về chế độ độc thê.


Nói một cách khác. Nếu bạn là một người muslim, chân chính, nghĩa là tôn trọng lời phán quyết của Allah, ghi trong Thiên Kinh Coran, trước khi muốn lập gia đình với bốn người vợ, bạn phải tự hỏi mình có thể thương đồng đều bốn người phụ nữ này không ? Phải công nhận điều kiện này khó mà thực hiện. Vậy bạn chỉ còn một lối thoát, để tránh khỏi sa vào tội lỗi, là chỉ cưới một bà thôi.



Ngoài năm Giáo luật, người ta còn phải nói đến năm Ðiều lệ, cột trụ của Islam, là những gì mà Thiên Sứ đã giảng dạy và bắt buộc các người muslim phải thi hành để đi đúng với đường lối mà Allah muốn và thích.


Ðiều lệ thứ nhất, cột trụ của Islam.


1)- Hành giáo (Tuyên thệ): Thượng Ðế (Allah) là Ðấng Tối Cao Duy Nhất, Ngài chỉ định những gì chúng ta phải làm, phải tránh, để một ngày nào ta sẽ trở về với Ngài. Ðó là sự thờ phượng hay là sự hành giáo.


2)- Hành lễ (cầu nguyện): Trong một ngày, một đêm, mọi tín đồ Islam phải cầu nguyện năm lần. Cũng là dịp để nhắc nhở những bổn phận, để khỏi quên sự hiện diện của Allah, và để không trở thành một kẻ vô thức, sa đầy vào tội lỗi, để củng cố niềm tin, vì con người thường yếu đuối.


Năm lần khó quá đối với đời sống hiện nay ! Thật ra, Allah không bao giờ muốn gây sự khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của mọi tín đồ. Vì vậy, trên đường đi xa, mệt nhọc, ta có thể thu ngắn sự hành lễ, khi đau ốm, đứng không được thì ngồi hay nằm và những câu kinh cũng đọc ngắn lại, không dài cho lắm, một vài phút đồng hồ là xong. Giáo lý nói rằng: Trong lúc hành lễ, nếu ta tự thấy an tâm, thảnh thơi, ta có thể đọc những bài kinh dài, nhưng trái lại, nếu anh có nhiều lo âu, bận rộn, anh được phép đọc những bài kinh ngắn.


3)- Nhịn chay: Mỗi năm, đến tháng 9 Hồi Lịch, tháng Ramadan, người Mulsim không được ăn, uống từ sáng tinh sương đến chiều tối. Trong một tháng, mọi tín đồ, nhịn ăn, nhịn uống, ép xác trong khoảng thời gian quy định cũng là cơ hội để chứng minh một cách cụ thể đức tin vào Allah, vào Ngày Tận Thế, vào sự hiện diện của Toà Án phán quyết, vào Thiên Kinh Quran và Thiên Sứ.


Cũng như trong công việc hành lễ, Allah đã phán cho ta rõ những điều kiện dễ dãi về chuyện nhịn chay:


- Trong một năm, người tín đồ chỉ nhịn chay trong một tháng mà thôi.


- Giáo lý cũng cho nhịn chay vào những ngày khác (trả lại), vì những ngày đau ốm hay đi đường.


- Cũng phải biết là người đàn bà trong thời kỳ kinh nguyệt (hay sanh đẽ) được miễn nhịn chay (nhưng phải nhịn chay trả lại vào những ngày tháng khác, vì một năm chỉ nhịn chay có một tháng còn sự hành lễ năm lần trong một ngày một đêm được miễn luôn).



4)- Bố thí (Zakat): Allah bắt buộc mọi người muslim phải bố thí cho người nghèo, kẻ mồ côi, kẻ đau ốm, vô phương làm ăn và những người tìm hiểu Islam mà không đủ phương tiện. Cũng là dịp giúp cho người có tiền hiểu và thông cảm phần nào với sự thiếu thốn của người nghèo.


Allah đã phán: « Khi các người bố thí với tấm lòng tinh khiết, thành thật cho người nghèo nàn, thì như các người đã bố thí cho Ta vậy. »


5)- Ði Hành hương (hadj):


Allah bắt buộc những người muslim có đầy đủ phương tiện phải đi hành hương, một lần trong đời, ở Mecca.


Allah đã phán: « Những ai muốn thờ phượng và dâng hiến mọi cầu nguyện đến Ta, thì hãy hướng diện về căn nhà này (ka'bah), ai có đủ phương tiện thì hãy đến thăm viếng, dù một lần thôi trong cuộc đời, để lòng thương mến và yêu chuộng Ta, cũng như Thiên Sứ đã yêu chuộng và thờ phượng Ta. »



Sau khi Thiên Sứ Muhammad (saw) qua đời, việc nối nghiệp đã gây mối bất đồng ý kiến giữa những người Muslim. Một nhóm tín đồ chọn ông Ali - rể của Thiên Sứ, để tiếp tục dẫn dắt theo con đường đã vạch. Nhóm này được gọi là Shiite. Một nhóm khác, một quan niệm khác. Người nối nghiệp không cần phải liên hệ, thuộc gia đình Thiên Sứ, mà phải là người xứng đáng, có cuộc sống gương mẫu, những việc làm đáng kính. Nhóm này được gọi là Sunni. Người được chọn đầu tiên là Calipha Mu 'awiyyah, định cư ở thành phố Damas, trung tâm giáo hội Sunni.


Việc bất đồng xảy ra tai biến này là vào thời Calipha Osman ibnu Affan, Califa thứ ba bị sát hại, chứ không phải là Calipha đầu tiên. Vì lúc đó chưa có xuất hiện dòng Shiite. Vị Calipha đầu tiên trong Islam là ông Abubakar As Siđđik - thân phụ của bà Aisha và là cha vợ của Thiên Sứ.



Qur'an (Coran)



Muốn tìm hiểu Islam mà không đọc Quran là một thiếu sót quan trọng. Vì Quran gom góp những lời phán của Thượng Ðế và những việc làm của Thiên Sứ Muhammad (saw) (Hadith) được các môn đồ ghi lại.


(Xin hiểu rõ ở đây: Thiên Kinh Quran là những lời phán của Allah, được thiên thần Jibriel (A) truyền xuống cho Thiên Sứ, đã được những vị thư ký của Thiên Sứ ghi chép lại. Ðến thời của Calipha Osman ® mới hoàn hảo như chúng ta có trong tay ngày hôm nay. Còn Hadith là lời nói, hành đạo và những gì Thiên Sứ chấp nhận, sau này được môn đồ sưu tầm và thanh lọc kỹ càng, những lời nào không phải của Thiên Sứ thì bị loại ra, như chúng ta thấy ngày hôm nay).


Qur’an cho những người Muslim những giải pháp các vấn đề thiết thực thuộc mọi lãnh vực, trong cuộc sống hằng ngày của cá nhân, gia đình và xã hội. Quran là nền tảng của Islam.


Thiên Kinh Quran gồm có:


- 114 chương viết bằng văn xuôi văn vần gọi là Su-rat (surah) dài, ngắn bất thường, những đoạn ngắn được xếp đặt ở phần cuối.


- Mỗi surah được chia ra nhiều câu (ayat). Có tất cả 6211 câu.


Quran gồm có hai phần:


Phần nhất, giai đoạn Thiên Sứ sống ở Mecca, 13 năm.


Phần nhì: giai đoạn Thiên Sứ sống ở Médina 10 năm.


Không xếp đặt theo thứ tự niên đại (ordre chronologique).


Ba đặc điểm của Thiên Kinh:


- Hơn 14 thế kỷ rồi mà Qur’an không thay đổi, không được sửa đổi và không một điều khoản nào bị hủy bỏ vì không hợp thời, dù là một chữ.


- Viết bằng tiếng Ả Rập. Vì vậy mọi tín đồ Islam xem tiếng này như là tiếng mẹ đẻ.


- Ðược xem là phép lạ vì cách hành văn tuyệt hảo.


Trong một buổi gặp gở với những nhà văn gốc Ả Rập, người viết bài này đã đặt câu hỏi với ông Tahar Ben Jelloun, một tác giả gốc Maroc đã được giải văn chương Goncorut, song dùng tiếng Pháp để viết.


- Có lúc nào ông viết bằng tiếng Ả Rập không ?


- Không lúc nào chúng tôi nghĩ đến việc này vì không thể nào viết hay hơn Thiên Kinh Quran.



Người đàn bà trong Hồi-Giáo (Islam)



Khi đề cập đến địa vị người đàn bà trong Islam, người ta thường nghĩ đến: Y phục của phụ nữ muslim.


Dưới thời Thiên Sứ không có một trang phục nào riêng dùng che mặt phụ nữ cả. Cho đến thế kỷ I và I I Hồi lịch, mới thấy xuất hiện các « Ni-kab » và « Buc-cu » là loại mảnh vải che mặt chừa hai lỗ trống, vừa tầm con mắt để nhìn.


Thật ra, Islam không cấm đàn ông nhìn thấy mặt phụ nữ (trong cuộc lễ hành hương tại Mecca), người đàn bà không bắt buộc phải che kín mặt mày lẫn bàn tay (Khi làm Umroh hoặc hadj).


Thiên kinh có quy định việc che mặt, nhưng chỉ áp dụng cho những người vợ của Thiên Sứ.


« Khi các người hỏi họ (các bà vợ của Thiên sứ) điều gì, hãy hỏi sau bức màn, điều đó thanh khiết hơn cho tấm lòng của các ngươi và tấm lòng của họ. »


Sự giải thích này có hai quan niệm; quan niệm thứ nhất cho là: che mặt cho tất cả phụ nữ Islam. Quan niệm thứ nhì, chỉ được hở mặt và hai bàn tay.


Người ta tự hỏi, tại sao các bản văn đã có quy định rõ ràng, minh bạch mà lại không có giá trị thực dụng và sự che mặt tại các nước Islam lại thành một tập tục quá khắt khe cho phụ nữ ?


Nguyên nhân có tính cách xã hội, và có lẽ tập tục áp dụng riêng cho những người vợ của Thiên Sứ Muhammad, Thiên Sứ cuối cùng của Allah, theo thời gian đã được tổng quát hóa, vì theo quan niệm Islam, Thiên Sứ chính là gương sáng, kiểu mẫu, và mọi tín đồ đều nhìn vào gương sáng ấy để làm công việc phụng sự Allah, cho đó là một điều tốt đẹp hơn cả mọi sự.


Surah 33 : 59 phán người đàn bà phải ăn mặc đứng đắn. « Hỡi Thiên Sứ, hãy bảo các người vợ, các con cái ngươi, và các tín đồ của ngươi phải kéo jil-bab của họ xuống trán, để người ta có thể phân biệt họ và họ sẽ không bị người ta nguyền rủa »


Ngày nay người phụ nữ tân tiến không kéo cái khăn đội Jilbab xuống phủ trán một cách kín đáo nữa. Cái khăn đội đầu trở thành cái khăn choàng, người ta kéo qua hai bờ vai để làm tăng vẻ đẹp.


Tại Yemen, Imam Yahya Al Hadi, thế kỷ thứ 3 Hồi lịch, buộc người đàn bà phải che mặt.


Năm IX Hồi lịch, quốc Vương Ai-Cập ra lệnh cấm tất cả phụ nữ ra đường, ngoại trừ khi có nhiệm vụ tắm xác chết.


Tình trạng ngày nay dĩ nhiên đã khác xưa rất nhiều, nhưng những sự kiện kể trên đã giải thích một phần nào địa vị lu mờ của phụ nữ trong xã hội Islam.



Vấn đề Giá thú.


Sự ưng thuận của cô dâu là điều quan trọng trong giá thú Islam. Hồi luật không khuyến khích việc « đặt đâu ngồi đấy ».


Người ít am hiểu về Islam thường chỉ trích những « giá thú bắt buộc » thường có trong xã hội Islam. Gần đây ở Pháp đã thành lập hội đoàn phái nữ ''Ni putes, ni sousmises''. (Không phải là gái điếm mà cũng không phải là những người con gái chịu cúi đầu, phục tùng).


Trong giá thú, nếu người phụ nữ đã trưởng thành, không cần phải có sự ưng thuận của những người khác trong gia quyến như cha mẹ, giám hộ hay Ông Bà.


Nhưng yếu tố tôn giáo có thể gây khó khăn vì lẽ phụ nữ Islam chỉ có thể lấy chồng người muslim mà thôi (Coran, surah 2, ayat 221) nếu không người con gái sẽ bị ảnh hưởng và có thể bị lôi theo đạo của chồng.


Phụ nữ Islam, không được phép tự mình làm giá thú (làm đám cưới được) mà cần phải có hội đủ những điều kiện sau: a)- Vị giám hộ (cha, hoặc anh em trai nếu không ông nội, chú bác... nếu không có thân nhân thì Imam (lãnh đạo tinh thần). b)- Tiền cưới gọi là Mahhar (càng ít càng có nhiều thiện lộc); c) - Hai nhân chứng trưởng thành (trung trực để xác nhận xem người phụ nữ đó có còn liện hệ với chồng hoặc có cùng bú chung một dòng sữa với người chồng sắp cưới không ?).



Gia đình



Cuộc sống gia đình Islam phải đặt trên căn bản tình thương và nghĩa vụ phù trợ (Surah 30, ayat 20-21).


Ðối với người mẹ, Thiên Sứ đã dành tất cả tấm lòng thành kính. Sách chép rằng nhân gặp một môn đệ, Thiên Sứ Muhammad có hỏi:


- Người có còn mẹ không ?


- Dạ còn


- Hãy giữ lấy bàn chân mẹ, nơi ấy có cả một Thiên Ðàng.


(Thiên Ðàng nằm dưới gót chân của người mẹ)


Có vị môn đồ đến xin phép Người ra trận, Người hỏi, ngươi có còn mẹ già để phụng dưỡng không ? Vị ấy trả lời:- Thưa có. Người nói: Hãy trở về phụng dưỡng mẹ của ngươi.


Thiên Sứ Muhammad cũng cho người đàn bà tước vị « bà chủ gia đình » chăm lo mọi việc nội trợ, và dạy dỗ con cái.


Trong thời tiền Islam, địa vị người đàn bà rất thấp kém, khi chồng chết, goá phụ thuộc quyền người thừa kế và người thừa kế có quyền lấy người goá phụ này làm vợ hoặc gả lại cho người khác.


Thiên Sứ Muhammad đã cải thiện tình trạng pháp lý của phái nữ rất nhiều (surah 2 :228) mặc dù Thiên Kinh Quran vẫn cho người đàn ông hơn quyền người đàn bà trong gia đình.


Trong Islam, tư cách pháp nhân của người vợ biệt lập với tư cách pháp nhân của chồng. Do đo, người vợ có thể tiếp tục quản trị sản nghiệp của mình. Nhưng người vợ không có quyền sử dụng một phần ba tài sản để làm lợi cho người thứ ba, nếu không có sự ưng thuận của chồng.


Chiếu theo giáo lý Islam, nếu người vợ có gia tài riêng trước khi lập gia đình, thì gia tài đó vẫn thuộc về riêng của người vợ, người chồng không có quyền sử dụng gia tài riêng của vợ, nếu vợ không cho phép.


Những quyền luật và bổn phận của người đàn bà :


Người vợ có nghĩa vụ phải tuân theo mọi đòi hỏi chính đáng của chồng. Người vợ phải đến sống ở nhà do người chồng định, song cũng có thể không theo chồng đến cơ sở hôn nhân, nếu nơi này không có đủ điều kiện về luân lý, an ninh .


"Người đàn bà đạo đức là người đàn bà biết vâng lời và phục tùng, trong thời gian chồng đi vắng, họ sẽ biết giữ nguyên vẹn những gì Thượng Ðế đã ban cho họ." Sourate 4 / 34.


Nói một cách khác, trong thời gian chồng đi vắng, nhờ đức tinh, người vợ không cần phải mang vào người "cái giây nịt trinh tiết" (ceinture de chasteté). Từ quy định đó, người vợ muslim phải tuyệt đối trung thành với chồng, dù ở trong hoàn cảnh nào.


Vì thế, mọi sự đi lại ngoài vòng hôn nhân gọi là Zi-nah đều xem là trọng tội và bị xã hội kết án gắt gao. Trong xã hội Islam những mối tình vụng trộm tuyệt nhiên không bao giờ được chấp nhận, dung dưởng.


Những trường hợp người vợ có quyền xin tiêu hôn, ly dị :


- Ðể tiêu hủy giá thú, người vợ chỉ có phương thức xin ly dị.


- Lý do thường nại ra hữu hiệu là người chồng khiếm khuyết bổn phận của một tín đồ Islam, chẳng hạn như không chịu cầu nguyện, hoặc làm những điều cấm (Haram) như uống rượu, cờ bạc .v.v..


- Lý do người chồng vắng mặt luôn.


- Lý do người đàn ông không làm "phận sự người chồng'' như bất lực chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu sự bất lực do tai nạn gây ra, hoặc xem có thể chửa khỏi thì người chồng được ban cho một thời gian là một năm để giải quyết.


-Lý do người chồng bắt buộc người vợ làm việc để nuôi mình, nghĩa là không làm tròn nghĩa vụ cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng được miễn trong trường hợp người chồng quá nghèo, không công ăn việc làm, nhưng với điều kiện là tình trạng nghèo khó này trước ngày giá thú và người vợ đã biết rõ.


-Lý do người chồng đánh đập tàn nhẫn, sự điếm nhục.. tức những gì khiến sự sống chung không chịu được nữa. Với những nghĩa vụ hổ trương kể trên người ta thấy trong gia đình Islam mặc dù địa vị thấp kém hơn chồng, người vợ vẫn được một phần nào đảm bảo về vật chất lẫn tinh thần.


Cũng xin nhắc lại Thiên Sứ Muhammad (Saw)có lần đã nói: "Sự tiêu hôn là điều xấu nhất trong những điều hợp pháp''.


Sau khi giá thú tiêu hủy, người đàn bà phải ở vậy một thời gian : -Đối với người phụ nữ mang thai, thời kỳ này chấm dứt khi nàng hạ sanh đứa con; -Nếu nàng goá chồng mà không có thai, thời gian này là bốn tháng mười ngày. -Nếu nàng ly dị và không biết rõ có mang thai hay không, thời gian này là ba kỳ kinh nguyệt. -Nếu người phụ nữ không có kinh kỳ, thời gian ấy là ba tháng. (Quran, sourate 2:228) (Quran, sourate 65:4) (Quran, sourate 2:234)


Ðiều quan trọng cần biết là sau khi tiêu hôn, dù người đàn ông có gian ý trong khi kết ước, vẫn hưởng thụ quyền đối với con cái. Do đó, không có giá thú hư vô trong luật Islam.


Kết luận:


Trong những giờ "tâm sự'' với người bạn nay đã quá cố, người viết bài này cố gắng trả lời những câu hỏi về Islam. Song vấn đề quá quan trọng mà khổ thay sự hiểu biết của chính mình lại quá giới hạn.


Cũng vì thế, cũng để tưởng nhớ đến người bạn cùng lứa tuổi, nay đã vĩnh biệt, tôi đã đọc nhiều tài liệu nói về Islam, hầu hiểu biết, học hỏi thêm về tôn giáo của nhân loại, một trong ba tôn giáo đơn thần (monothéisme). Rồi suy ngẫm, như người lữ hành, đường thì còn xa, còn dài, mà chân đã mỏi, gối đã mòn. Càng đọc bấy nhiêu, càng thấy rõ nhận thức của mình thật quá kém . Islam là tôn giáo đã dạy cho chúng ta phải làm những gì trong cuộc sống ngày nay để chuẩn bị, sửa soạn cho cuộc vĩnh viễn ngày sau. Ngày ra trước Toà Án Tối Cao, trước Thượng Ðế, chúng ta phải nhận tất cả trách nhiệm những gì đã làm, không một ai biện hộ.


Viết về Islam trong một nguyệt san không phải là dễ. Phải tóm lược lại những gì thật là cần thiết, dể hiểu nhất. Hơn nữa, không phải vì thì giờ eo hẹp mà vì sự hiểu biết thật có hạn. Chắc chắn có nhiều thiếu sót hay sai lầm. Tôi thành lòng cảm tạ những lời chỉ giáo, xin gửi đến tòa soạn nhờ chuyển giao.


Vừa viết đến đây thì trời cũng vừa hừng sáng. Ánh nắng đầu ngày lòng vào song cửa. Rời bàn viết, mở hé cánh cửa sổ, làn gió sáng mùa xuân mơn trớn nhẹ trên má. Tôi hồi tỉnh. Ðã bao đêm rồi, mãi miệt phân tích tài liệu để viết bài nầy, tôi không thấy những ngày đông lạnh đã qua rồi, và mùa xuân, mùa cây cỏ hồi sinh, mùa hy vọng đã đến. Rồi tôi mong ước như ai đã nhiều lần hãnh diện là tín đồ Islam. Song, bây giờ, chỉ biết thành kính, cuối đầu, khẩn định : "Không có Thượng Ðế nào khác mà chỉ có Allah, và Muhammad là vị sứ cuối cùng của Allah." Insha Allah


Ba lê, Ðầu Xuân 2006


Thomas Larget


Thạc sĩ văn chương.

 


 


 


 


 




Tài liệu tham khảo:


-Eneyclopoedia Universalis -Gran Larousse encyclopédique -La vie de Mohamet. De E. Dinet et Slilam ben Ibrahim Baames, editions Maisonneuve 1947. -Le prophète de l'Islam, sa vie, son oeuvre de M. Haminidullah. Editions VRIN 1959. 2 volumes. -Islam, religion et communauté, de L. Gardet, collection Foi Vivante, editions Aubier 1970. -Islam de D. Sourdel . Collection ' que sais-je '' 6 éditions 1965. -Le Coran , de R. Blachère, collection ' que sais- je ' 5 editions 1977. -Les Maitres spirituels, collection ' Les Compacts Bordas ' 1988. -Droits et Devoirs de la femme en Islam de Fatima Naseef , éditions Tawhid 1995. -Tìm hiểu về Hồi-Giáo de Abdul a 'la Maududi do Hosen Mohamad dịch. -France-Islam, Revue mensuelle multilangues des Musulmans en Europe n : 98-99 - 9 année, Avril Mai 1975. -El - Qir'an , Le miracle ultime de Ahmed Deedat. Traduit de l'anglais par M.C Belamine. Editions Chama / Alphabeta 2è éditions revue et covrigée. -Histoire des religions ( sous la direction de H.C Puech) encyclopédie de la Pléiade - 2 volumes 1970. -Le Coran. Traduction nouvelle et commentaire par le Chiekh Si Boubakur Hamza, 2 Volumes, Paris 1972. -Sơ Lược về Giáo Ðiều thực hành của Hồi Giáo, do Mohamad Hosen soạn thảo.


Hết

Ý kiến bạn đọc
Các bài viết khác
BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "ĐẠI HỒNG ÂN ISLAM DÀNH CHO NHỮNG...

Khi một người được hướng dẫn đến với tôn giáo Islam, đó là dấu hiệu của lòng thương xót vô bờ bến từ Allah. Họ như người lữ hành trong đêm tối tìm thấy ngọn đuốc soi sáng, dẫn lối về bờ bến an lành. Việc bước vào Islam không chỉ là sự thay đổi trong niềm tin, mà là sự tái sinh của tâm hồn, nơi mọi lỗi lầm được xóa bỏ và một khởi đầu mới được ban tặng.

BẤT KỂ HOÀN CẢNH THẾ NÀO HÃY BÁM LẤY ISLAM

BẤT KỂ HOÀN CẢNH THẾ NÀO HÃY BÁM LẤY ISLAM

Người Muslim cần giữ vững đức tin và kiên định với Islam cho đến hơi thở cuối cùng. Bất kỳ ai đã bị thay đổi bởi hoàn cảnh của cuộc sống, hoặc bị lay chuyển bởi những bất hạnh và bão tố, hoặc bởi ham muốn hoặc sợ hãi, và sau đó trượt chân trong đức tin của họ sau khi đã kiên định, họ thực sự là người cẩu thả và mất mát.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: “CON ĐƯỜNG DẨN ĐẾN THIÊN ĐÀNG & HỎA NGỤC

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: “CON ĐƯỜNG DẨN ĐẾN THIÊN ĐÀNG...

Imam Al-Bukhari đã ghi trong bộ Hadith của ‘Abdullah bin Mas’ud (R) là Thiên sứ Muhammad (saw) có nói rằng Thiên Đàng không ở xa bất cứ ai trong chúng ta, mà rất gần như thể khoảng cách của hai chiếc dép mà ta mang dưới chân vậy; và Hoả Ngục cũng gần chúng ta tương tự.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "BỐN DẤU HIỆU CỦA MỘT NGƯỜI...

Tôn giáo Islam là phải phục tùng Allah một cách hoàn toàn. Vì vậy, một tín đồ Muslim muốn được sự cứu rỗi nơi Allah thì phải hoàn toàn vâng lời và phục tùng Ngài. Nhưng làm sao một người có thể biết mình đã hoàn toàn phục tùng và vâng lời Allah?  Có bốn dấu hiệu cho thấy một người thực sự phục tùng và vâng lời Allah một cách hoàn toàn:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "GIÁ TRỊ CỦA LÒNG BIẾT ƠN"

Mỗi ngày khi chúng ta mở mắt ra, điều quan trọng nhất chính là chúng ta phải biết ơn Allah vì những điều mình đang có. Biết ơn là một thái độ cảm kích và trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà Allah đã ban cho. Chúng ta hãy biết ơn Allah vì Ngài ban cho chúng ta đang có một cuộc sống bình yên, đủ đầy và ổn định.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "5 YẾU TỐ THIẾT YẾU CỦA MỖI...

1/ Tôn giáo. 2/ Sinh mạng. 3/ Giống nòi. 4/ Tài sản. 5/ Trí tuệ đây là 5 yếu tố thiết yếu của nười Muslim trong sự bảo vệ của Islam...

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG AUDIO: "ALLAH TẠO RA THẾ GIỚI VÀ NGÀI CHĂM...

Những người Muslim không hề nghi ngờ về sự tồn tại của Allah, họ tin Ngài thực sự là Đấng Tạo Hóa và là Thượng Đế của vũ trụ và vạn vật trong đó có con người. Tuy nhiên ngoài những người Muslim, có rất nhiều người còn nghi ngờ về sự tồn tại của Đấng Tạo Hóa, thậm chí là  phủ nhận sự thật này, đó là những người vô đức tin, đặc biệt là những người đi theo chủ nghĩa vô thần.

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG VIDEO:

BÀI VIẾT VÀ THUYẾT GIẢNG VIDEO: "SÁM HỐI & NHẪN NẠI CẦU XIN ALLAH"

Ông Al Agro Al Musny (R) nói: “Mỗi lần Thiên sứ (saw) cảm thấy không thoải mái trong lòng là Người thường cầu xin sự sám hối hay Istagfar từ Allah đến hơn một trăm lần trong một ngày”, mặc dù Thiên sứ (saw) của chúng ta đã được Allah hứa tha thứ cho Người rồi vậy mà Người vẫn luôn sám hối cầu xin sự tha thứ của Allah.