Từ hôm 20/3, ba thánh đường tại quận 1, một thánh đường ở Phú Nhuận và thánh đường Jamiul Anwar quận 8 ngừng hoạt động; những thánh đường khác ở xa và không liên quan vẫn sinh hoạt bình thường. Bởi sáng 23/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố xác định 31 người trong số 44 người ở Sài Gòn dự lễ hội ở Malaysia có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Các thánh đường Hồi giáo ở quận 1, 8, Phú Nhuận cùng 140 hộ (725 người dân) phải cách ly vì các bệnh nhân nCoV từng đến dự lễ hội.
Ngày 23/3, hẻm 157 Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8) vắng lặng, các hàng quán đóng cửa. Người dân ở đây hạn chế giao tiếp với người lạ và được chính quyền địa phương khuyến cáo không ra ngoài nếu không cần thiết.
Hàng rào dây được dựng lên sát Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar, xung quanh có nhiều công an và dân phòng giám sát nghiêm ngặt, người ngoài không được đến gần để lực lượng y tế đến các hộ lấy thông tin khai báo y tế. Đây là khu vực có khoảng 140 gia đình người Chăm phải cách ly vì là nơi ở của "bệnh nhân 100" (55 tuổi) và ông này từng đến thánh đường dự lễ 5 lần một ngày, sau khi trở về từ lễ hội Hồi giáo ở Malaysia hôm 3/3.
Trả lời VnExpress, Chủ tịch UBND quận 8 Trần Quang Thảo cho biết, người đàn ông 55 tuổi từ Malaysia về nhà từ đầu tháng 3, song đến ngày 17/3 quận mới được các cơ quan chức năng thông báo ông ta "có nguy cơ cao nhiễm nCoV" do từng dự lễ hội Hồi giáo ở Kuala Lumpur với "bệnh nhân 61" ở Ninh Thuận (được xác định dương tính hôm 16/3). Ngay lập tức quận 8 phong tỏa khu vực, đưa ông này đi cách ly tập trung.
Lực lượng chức năng cũng cách ly 18 người trên địa bàn vì từng dự lễ như ông này ở Malaysia; 180 người cùng dự lễ ở thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar. Khu vực họ lưu trú trong hẻm 157 Dương Bá Trạc, 140 hộ dân (725 người) xung quanh được khử khuẩn liên tục, cách ly tại nhà.
Dân phòng đưa thực phẩm vào cho các hộ dân bị cách ly ở phường 1, quận 8 sáng 23/3. Ảnh: Mạnh Tùng
Theo ông Châu Ly (Chánh văn phòng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TP HCM), hôm 3/3 Việt Nam chưa có quy định cách ly người trở về từ Malaysia nên những người này vẫn sinh hoạt, đi lễ bình thường trong những ngày tiếp theo. Đến ngày 18/3, Bộ Y tế mới quy định người nhập cảnh từ các nước Asean phải được cách ly 14 ngày và ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm với người đến từ Malaysia từ ngày 20/3.
Khi thông tin về "bệnh nhân 61" được công bố, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo đã phối hợp với chính quyền xác định "bệnh nhân 100" và 43 người khác tại quận 8, 10, 1, Phú Nhuận, huyện Củ Chi... từng dự lễ hội ở Malaysia. Ngày 17/3, những người này đều bị cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Từ hôm 20/3, ba thánh đường tại quận 1, một thánh đường ở Phú Nhuận và thánh đường Jamiul Anwar ngừng hoạt động; những thánh đường khác ở xa và không liên quan vẫn sinh hoạt bình thường.
Sáng 23/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố xác định 31 người trong số 44 người ở Sài Gòn dự lễ hội ở Malaysia có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Thống kế có khoảng 130 người khắp cả nước từng tham gia lễ hội tại thánh đường Seri Petaling (ngoại ô Kuala Lumpur) từ ngày 28/2 đến 1/3. Lễ hội này có tổng cộng 16.000 tín đồ đến từ Bangladesh, Brunei, Philippines, Singapore, Thái Lan... Sau thánh lễ, Malaysia phát hiện 673 ca trong nước dương tính với Covid-19, chưa kể những tín đồ đã về nước.
Ở Việt Nam, "bệnh nhân 61" được xác định nhiễm nCoV sau khi dự lễ hội nói trên. Sau khi từ Malaysia về TP HCM, ông ta ghé thánh đường tại quận Phú Nhuận để cầu nguyện khiến thánh đường bị phong tỏa, 6 người tiếp xúc gần bị cách ly.
Sau đó, thêm một người đàn ông 36 tuổi ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nhiễm nCoV trở thành "bệnh nhân 67". Người này đi cùng "bệnh nhân 61" đến Malaysia tham dự lễ hội Hồi giáo.
Đến sáng nay, TP HCM ghi nhận 29 ca nhiễm nCoV (3 người đã bình phục); 9 trường hợp đang chờ kết quả; 6.760 người đang được theo dõi tại các khu cách ly tập trung của thành phố và các quận huyện; 1.016 người đang cách ly tại nhà.
Hữu Công - Mạnh Tùng
Trích VnExpress ngày 23.3.2020