Cho nên, khi đến trường những đứa bạn cùng lớp « tò mò, thắc mắc » rồi nói rằng: « Nó không ăn thịt heo là tại vì đạo của nó thờ con heo… ». Sự ấm ức này kính nhờ cô chú giải thích cho họ hiểu dùm cháu nhé, wassalam. (Rohmah)
CLI: Những người không hiểu biết thường suy luận rằng những người theo đạo Hồi (Islam) không ăn thịt heo là do thờ con heo giống như người theo đạo « Bà la môn » không ăn thịt bò là bởi tôn thờ con bò... Những suy luận đơn giản ấy là do sự thiếu thông tin hiểu biết của một số người.
Là người Muslim thì tuyệt đối phải chấp hành bộ luật của Allah (Thiên kinh Qur’an), mà trong đó (Qur’an) Ngài đã phán rằng: « Hãy bảo họ: ‘Ta (Muhammad) không thấy nơi điều đã được mặc khải cho Ta có khoản nào cấm một người ăn không được dùng món đó trừ phi là thịt của xác chết hoặc máu tuôn ra hoặc thịt của con heo bởi vì nó ô-uế, hoặc ghớm ghiếc khi nó được cúng cho kẻ (thần linh) nào khác không phải là Allah. Nhưng ai vì nhu cầu bắt buộc đành phải ăn chứ không cố ý hay quá độ (thì báo cho họ biết) quả thật Rabb (Allah) của Ngươi (Muhammad) Hằng Tha Thứ, Rất mực Khoan dung’». (Qur’an, chương 6 đoạn 145)
Cho nên, người Muslim bị cấm ăn thịt heo do bởi qui định của Đấng Chủ Tể của nhân loại đã ghi rõ ràng nhiều đoạn trong thiên kinh Qur’an, mà nội dung ám chỉ con heo là một động vật phóng uế hôi hám dễ gây ra bệnh, và sự cấm chỉ ấy là có lý do của Ngài. Bởi lẽ, con heo chỉ là tạo vật của Ngài, và Ngài là Đấng Hằng Biết và Khoan Dung.
Để chứng minh điều này, những nhà nghiên cứu khoa học đã tìm ra trên mình con heo mang một loại ký sinh có thể gây chết người (trichina), thịt heo sẽ gây hại sức khỏe trong mọi khí hậu, nhất là khí hậu nóng bức. Những năm vừa qua, có một số nơi dân chúng chết vì ăn thịt heo « tai đỏ, tai xanh », và những ngày tháng vừa qua cho đến thời điểm hiện tại, trên toàn thế giới lo âu vì đã có 5300 người nhiễm cúm heo (Virus H1N1) và đã có 61 người tử vong trong loại bệnh nan giải này… Phải chăng, đây là điềm báo ứng cho những người không tin tưởng ???
Những người ngoại đạo chỉ hiểu rằng Islam chỉ cấm ăn thịt heo, nhưng thật ra thịt heo cũng chỉ là một trong những điều cấm ngang bằng với những loại thịt đã cấm mà trong thiên kinh Qur’an đã nêu ra, chẳng hạn như những con vật hung dữ và độc hại, thịt những con vật đã đem cúng một thần linh nào đó và những con vật đã chết không có tụng đọc « Nhân danh Đấng Tối Cao, Allah ». Islam, không riêng vì cấm ăn thịt heo, Allah còn cấm người Muslim ăn những con vật chết vì bị siết cổ, bị đánh đập đến chết, bị đập đầu hay té ngã rồi chết, hoặc bị một thú vật khác húc chết hoặc những thịt đã đem dâng cúng cho một thần linh hay bụt tượng nào đó và nhất là uống máu (huyết, tiết canh) của một sinh vật…
Theo đoạn kinh trên, Allah đã nêu danh rõ ràng thịt của con heo và những động vật đã chết, dù chết tự nhiên hay bị săn bắn. Do đó, các thức ăn bị cấm kể trên có thể được sắp xếp theo chi tiết như sau:
a)- Việc ăn thịt một con vật chết xem ra có tính ghê tởm đối với khẩu vị văn minh và được người có suy xét trong tất cả các xã hội xem là ngược lại với phẩm cách con người. Tất cả các dân tộc có Kinh sách do Thiên Khải (Ahl-al-kitab) đều nghiêm cấm loại thịt này, họ chỉ ăn thịt con vật đã được làm thịt, mặc dù phương cách ngả thịt có thể khác nhau.
b)- Nếu một con vật tự nhiên chết, thì có thể là nó đã chết vì một vài căn bệnh nặng hoặc kinh niên vì một nguyên nhân nào đó, cho nên việc ăn thịt những thú vật tự nhiên mà chết thì chắc chắn sẽ gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe.
c)- Người Muslim cũng không được uống máu tươi của thú vật hay ăn những chất huyết (tiết canh), vì máu dễ gây hại cho những bệnh biến chứng. Vào thời kỳ tiền Islam (Jahilliyah) những người đói khổ thường dùng những khúc xương hoặc những đồ sắc bén để thọc tiết thú vật và uống máu của nó, sau khi Islam đến thì những kiểu cách giết thú vật như thế này đều bị Allah nghiêm cấm và cấm cả việc ăn uống máu của thú vật.
d)- Người Muslim không được ăn những vật gì mà con người mang cúng cho những thần linh, bụt tượng hay ai khác… Bởi đó là việc làm tôn thờ một vật hay một người không phải là Allah, thì đây là hành động phản lại tính Duy Nhất của Đức tin và nó mang một dạng thức của thuyết tôn thờ đa thần.
e)- Ngoài ra, những thú vật bị tai nạn gây ra hay bị giết một cách tàn nhẫn như: Bị siết cổ chết, đánh đập chết, té ngã chết, bị con vật khác húc chết, bị con vật có sức mạnh khác ăn thịt một phần rồi chết cũng đều ‘Cấm’ cho những người Muslim ăn nó. Ngược lại, nếu con vật nào bị tai nạn mà còn hơi thở (nhúc nhích) thì chúng ta được quyền tụng đọc nhân danh Allah rồi cắt cổ theo phương thức Islam thì nó sẽ trở thành ‘halal’ cho chúng ta ăn nó.
f)- Những thú rừng có tánh tình hung dữ như cọp, beo, sư tử, chó sói, rắn… và những chim chóc có móng vuốt để săn mồi như kênh kênh, ó, quạ… thì Rosul (saw) có nói: «Cấm ăn thịt thú rừng có răng nanh và chim chóc có móng vuốt ». Do Al-Bukhary và Muslim ghi lại.
Tóm lại, các loài động vật trên bờ, điều đầu tiên là Allah cấm những người tin tưởng ăn thịt con heo, sau đó Allah đã kê khai rõ những con vật bị cấm ăn đã nêu trên, nghĩa là những gì Allah cho phép thì đều ‘halal’ (được phép) và những gì Allah nghiêm cấm thì đều ‘haram’ (cấm), và những gì Allah không đề cập đến thì đều được phép dùng cả.
Ngoài các nguyên lý đã được ghi nhận về các loại thịt con vật chết, còn có thể nhấn mạnh ý nghĩa của các khoản nghiêm cấm thịt chết ghi trên. Allah muốn chỉ dạy con người phải đối xử tốt với thú vật và che chở chúng khỏi bị hại, đừng lơ là trong việc chăn giữ để chúng khỏi bị siết cổ, bị té ngã từ trên cao, bị các con vật hung hăng khác húc sừng đến chết, hoặc bị đánh đập trọng thương rồi chết…
Ngược lại, những loài vật sống ở sông biển thì đều halal (được phép dùng), ở đây phải hiểu rõ ràng là loài vật sống dưới nước mà không thể sống ngoài nước được, thì đều là halal, không cần biết chúng bị bắt bằng cách nào và chúng được bắt ra khỏi mặt nước còn sống hay đã chết, dù cho người Muslim hay không phải người Muslim bắt được, thì Ân Đức của Allah cho phép các bề tôi của Ngài ăn tất cả các loại loài vật sống dưới nước mà không cần đòi hỏi một điều kiện nào, như Allah đã phán:
« Và Ngài đã chế ngự biển cả mà các ngươi có các món thịt tươi để ăn và các món trang sức để đeo… » S. 16/14.
« Các ngươi được phép bắt các loại hải sản dùng làm thực phẩm, đó là nguồn lương thực cho các người và cho khách bộ hành của sa mạc… » S.5/96.
Tất cả các khoản nghiêm cấm kể trên được áp dụng cho các tình huống mà con người có sự chọn lựa. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết mà không thể lựa chọn thì các nhà giáo lý (Ulama) đã đồng thuận với nhau rằng, đây là sự cần thiết mang ý nghĩa nhu cầu thức ăn để làm giảm cơn đói hay bắt buộc ăn để giữ mạng sống (vì ngoài những thức ăn ‘haram’ thì không có gì khác, và sự đói đã kéo dài một ngày một đêm). Trong tình huống đó, Imam Malik nói:« Khối lượng thức ăn chỉ cho phép làm giảm cơn đói mà không vượt mức quá hạn (no nê) » vì Allah đã phán: « …Nhưng ai vì quá đói (bắt buộc phải ăn các món cấm đó) chứ không cố tình phạm giới thì quả thật Allah Hằng Tha Thứ và khoan dung cho họ ». (Qur’an, chương 5, đoạn 3).
Trường hợp các loài vật do người dân Ahlal-kitab (Thiên Chúa giáo – Do thái giáo) làm thịt thì người Muslim có ăn được không ?
Allah phán: « Ngày nay các ngươi được phép dùng các món (thực phẩm) tốt và sạch. Thực phẩm của những người đã được ban cho Kinh sách được chấp thuận (halal) cho các người dùng và thực phẩm của các người được chấp thuận (halal) cho họ dùng… » S.5/5.
Đoạn kinh trên chứng minh Allah đã ban cấp đặc biệt cho người Muslim được ăn những thực phẩm do người dân kinh sách (Ahlal-Kitab) ngả thịt và ngược lại. Dĩ nhiên, halal ở đây là những thịt mà Allah cho phép người Muslim được ăn, ngoại trừ những thịt haram đã xác định cụ thể (heo, máu, thịt con vật đã chết hay thờ cúng thần tượng…).
Một vấn đề khác được nêu lên là để được halal, phương cách làm thịt có nhất thiết phải theo đúng phương cách của người Muslim, tức phải cắt cổ hay không ? Đa số những nhà giáo lý cho đây là một điều kiện phải hội đủ, và có một số theo trường phái Maliky cho là không nhất thiết là phải điều kiện này.
Ông Qadi Ibn al-Araby đã giải thích dựa vào chương kinh Al-Maidah khi có người hỏi: - Nếu một người Ahlal-Kitab làm thịt một con gà bằng cách cắt cổ rồi nấu nướng, thì chúng ta có được phép ăn hoặc chia sẻ với họ hay không ?
Ông Qadi Ibn al-Araby trả lời: - Chúng ta được quyền ăn những thức ăn của họ và những thức ăn của những vị giáo sỉ của họ, mặc dù họ làm thịt không đúng theo phương cách của Islam, nhưng Allah đã cho phép chúng ta ăn những thức ăn của họ mà không có điều kiện gì cả, ngoại trừ những gì Allah cho là họ giả mạo.
Kết luận, đối với Islam không phải chỉ duy nhất thịt con heo là món ăn nghiêm cấm, mà còn những loài động vật khác hay phương cách làm thịt động vật hoặc những thịt đã đem thờ cúng cho một thần linh nào đó thì đều bị nghiêm cấm tương đương. Ngặt nỗi, thịt heo là nguồn sống thông dụng của những người ngoại đạo, nên sự tò mò chỉ trích của họ là điều hẳn nhiên, chúng ta đừng nên tức giận mà phải từ tốn để giải thích cho họ hiểu, vì Islam cần sự ôn hòa hơn chiến sự...
Hãy giữ vững niềm tin, vì Allah chỉ phán cho « Hỡi những ai có niềm tin… », nếu tuân theo mệnh lệnh của Ngài thì may ra mới thấy được Chân lý ở Ngày Sau, Insha-Allah.
MOHADJ soạn thảo và có trích ra vài đoạn từ quyển « Halal và Haram trong Islam » của Tiến Sĩ Yusuf al-Qaradawi do Musa Isa Pôrôme biên dịch.