Alhamdulillah, có rất nhiều độc giả đưa ra những câu hỏi liên quan đến giáo lý trong tháng Ramadan, hay những thắc mắc liên quan đến sự hành đạo... Ban biên tập chanlyislam đã lần lượt trả lời riêng qua địa chỉ email mà độc giả yêu cầu.
Qua sự chọn lọc, chúng tôi cảm thấy đây là những câu hỏi có giá trị cho những người chưa có dịp học hỏi, thì nay chanlyislam xin phổ biến những câu hỏi trả lời này đến những người đang cần được biết, Insha-Allah.
HỎI: Nếu như người nhịn chay nằm mộng tinh vào ban ngày của tháng Ramadan thì việc nhịn chay của ngày hôm đó có bị hư (ptal) hay không? Và người nhịn chay có phải tắm rửa bắt buộc (tắm rửa Janabah) ngay lập tức không?
ĐÁP: Việc mộng tinh không làm hư (ptal) sự nhịn chay, bởi vì nó nằm ngoài sự kiểm soát của người nhịn chay. Qui định phải tắm rửa Janabah đối với người mộng tinh khi nào y nhìn thấy tinh dịch tức Mani. Nếu nằm mộng tinh sau giờ cầu nguyện Fajar (sáng sớm) thì việc trì hoản tắm rửa Janabah đến giờ cầu nguyện Zuhur (trưa) sau đó là không có vấn đề gì.
Tương tự như vậy, nếu người nhịn chay quan hệ với vợ hay chồng của mình trong đêm nhưng không tắm rửa Janabah mà đợi đến giờ cầu nguyện Fajar thì vẫn không sao miễn sao không làm trễ giờ cầu nguyện Fajar. Bởi lẽ có một hadith xác thực rằng Nabi (saw) đã từng trong thể trạng Junub vào giờ Subuh nhưng sau đó Người đã tắm rửa Janabah và nhịn chay một cách bình thường...
Tương tự, đối với người phụ nữ có kinh hay sau khi sinh đẻ, nếu đã sạch kinh hay dứt kinh hậu sinh trong đêm nhưng chưa tắm rửa bắt buộc mà đợi tới sau khi vào giờ cầu nguyện Fajar thì việc nhịn chay của họ vẫn có giá trị. Nhưng nếu một người phụ nữ có kinh hay kinh hậu sinh và người trong thể trạng Junub thì không được phép trì hoãn việc tắm rửa bắt buộc này tới lúc mặt trời mọc (fajar), mà bắt buộc họ phải cố tranh thủ tắm rửa trước khi mặt trời mọc để kịp cầu nguyện trong giờ giấc của nó.
HỎI: Tôi nhịn chay và đã ngủ quên trong Masjid, sau khi thức dậy thì bắt gặp tôi đã bị ướt vì nằm mộng. Cho hỏi việc mộng tinh trong lúc nhịn chay có ảnh hưởng gì không? Và thú thật tôi đã hành lễ Solah mà chưa tắm rửa bắt buộc (Janabah)? Và trong một lần khác, đầu tôi đụng phải đá và bị chảy máu, không biết tôi có nên xả chay vì đã chảy máu hay không? Và cho hỏi thêm, việc ói mửa có làm hư (ptal) tức hỏng nhịn chay không? Mong tìm được sự bổ ích!!!
ĐÁP: Sự mộng tinh không làm hư hại đến nhịn chay bởi vì nó không phải là sự lựa chọn của bề tôi. Tuy nhiên, y phải tắm rửa Janabah khi nào nhìn thấy Mani (tinh dịch). Bởi lẽ, khi Nabi (saw) được hỏi về sự việc này thì Người trả lời rằng bắt buộc người mộng tinh phải tắm rửa Janabah khi thấy Mani. Còn riêng trường hợp của anh là đã hành lễ solah khi chưa tắm rửa Janabah là không đúng, đó là một trọng tội. Do đó, anh phải thực hiện lại việc hành lễ đồng thời phải Tawbat với Allah. Còn việc đầu anh bị chảy máu vì đụng phải đá thì không hề làm hỏng việc nhịn chay của anh. Còn đối với vấn đề nôn mửa, nếu như nó nằm ngoài sự kiểm soát của anh thì không làm hư nhịn chay vì Nabi (saw) đã có nói: "Ai cố ý ói mửa thì phải nhịn chay trả lại, còn ai ói mửa không cố ý thì không cần nhịn chay trả lại" (Hadith do ông Ahmad ghi chép).
HỎI: Xin hỏi việc xuất ra tinh trùng (Mazi) trong bất cứ mọi trường hợp thì người nhịn chay có bị hư sự nhịn chay của mình hay không?
ĐÁP: Người nhịn chay không bị hư (ptal) sự nhịn chay của mình khi xuất ra tinh trùng Mazi. Đây là quan điểm đúng đắn nhất trong hai quan điểm bất đồng nhau của giới học giả (Ulama).
HỎI: Khi người đàn ông hôn người đàn bà của mình (vợ) hay có cử chỉ trêu đùa tình cảm với nàng vào ban ngày của tháng Ramadan thì có làm hư hại đến sự nhịn chay của anh ta hay không, mong được lời giải đáp hữu ích?
ĐÁP: Việc người đàn ông hôn hít, trêu đùa tình cảm hay mơn trớn vuốt ve người đàn bà của mình nhưng chưa phải là giao hợp trong lúc anh ta đang nhịn chay thì tất cả những việc làm đó đều được phép và không có ảnh hưởng đến việc nhịn chay của anh ta. Bởi lẽ, Nabi (saw) đã từng hôn và mơn trớn vuốt ve các bà vợ của Người trong lúc Người đang nhịn chay. Tuy nhiên, nếu e sợ dính vào việc giao hợp do cơ thể mau chóng hưng phấn và dễ bị kích thích không kềm chế được dẫn tới giao hợp (haram), thì những việc làm vừa nêu sẽ là Makrooh (không nên làm). Có những trường hợp khi âu yếm, mơn trớn vuốt ve vợ mà lỡ dẫn đến xuất tinh thì anh ta phải tiếp tục nhịn chay cho hết ngày hôm đó mà không được phép xả chay và sau đó phải nhịn chay qada (trả lại) cho ngày hôm đó; còn nếu như chỉ xuất ra chất tinh Mazi thì theo giáo lý không có vấn đề gì trong việc nhịn chay. Nhưng những vấn đề trên thì bà Aysha (R) có khuyên rằng chúng ta nên tránh làm những việc "Âu yếm, hôn hít và vuốt ve vợ trong lúc nhịn chay dù rằng giáo lý không cấm, nhưng đối với chúng ta thì không nên làm trong lúc nhịn chay. Bởi vì chúng ta không thể có sự kềm chế dục vọng như Nabi (saw)". Một hadith khác đã chứng nhận rằng ông Umar Al Khottab (R) có một lời khuyên là "Những việc hôn hít vợ trong tháng nhịn chay chỉ dành cho những người cao tuổi, già cả... Còn những ai còn có dục vọng tình dục thì nên tránh, vì không kềm chế được sẽ dể dẩn đến HARAM". Và có nhiều học giả (Ulama) khuyên những người nhạy cảm nên cố gắng tránh trường hợp này xảy ra.
HỎI: Giáo lí qui định như thế nào đối với người bị bệnh hay vì lý do nào đó khi nhịn chay phải dùng phương pháp bơm chất lỏng thụt ruột khi cần?
ĐÁP: Giáo lí qui định là không có vấn đề gì trong sự việc đó nếu như người bệnh cần đến, bởi vì việc làm này không mang ý nghĩa của sự ăn uống. Đây là quan điểm đúng đắn nhất trong hai quan điểm bất đồng nhau của giới học giả và đây cũng là quan điểm được chọn bởi Sheikul-islam Ibn Taymiyah và đông đảo học giả khác.
HỎI: Giáo lí qui định thế nào đối với việc dùng kim tiêm chích vào các mạch máu hay cơ bắp... xin hỏi giữa hai cách làm đó có khác nhau gì không cho người nhịn chay?
ĐÁP: Đúng thật là hai cách làm đó đều không làm hư (ptal) sự nhịn chay trừ phi tiêm chích với mục đích cung cấp chất dinh dưỡng vào cơ thể. Cũng tương tự, lấy máu xét nghiệm không làm hư sự nhịn chay vì nó không phải là hình thức giác nẻ bị qui định làm hư nhịn chay, bởi theo quan điểm đúng đắn nhất trong hai quan điểm bất đồng của giới học giả thì hình thức giác nẻ y học làm hỏng nhịn chay do Nabi (saw) có nói: "Người giác nẻ và người bị giác nẻ đều hỏng nhịn chay"
HỎI: Trong lúc nhịn chay, việc dùng các loại thuốc ở dạng mỡ, kem bôi trơn lên da để trị liệu có ảnh hưởng gì không vì biết rõ là các loại thuốc sẽ thấm vào trong máu?
ĐÁP: Không, cho dù có thoa lên bụng, lưng, đầu, tay hay chân thì vẫn không sao.
HỎI: Khi bị đau răng, người nhịn chay phải đến nha sĩ để khám và được nha sĩ điều trị bằng cách nhổ, hay trám hoặc diệt trùng làm sạch răng thì xin hỏi có ảnh hưởng gì đến nhịn chay hay không? Và nếu như nha sĩ có cho một mũi tiêm để làm mất cảm giác đau thì có sao không?
ĐÁP: Tất cả những gì anh đưa ra trong câu hỏi đều không làm ảnh hưởng đến nhịn chay.
HỎI: Người nhịn chay có được phép dùng kem đánh răng vào ban ngày của tháng Ramadan không?
ĐÁP: Không vấn đề gì trong sự việc đó nhưng phải đảm bảo là chất kem đánh răng không vào trong cổ họng.
HỎI: Việc dùng thuốc nhỏ mắt vào ban ngày Ramadan có làm hỏng nhịn chay không?
ĐÁP: Sahih là không ảnh hưởng gì đến nhịn chay. Cho dù đã có sự tranh luận trong giới học giả về vấn đề này nhưng việc nhỏ mắt không làm hỏng nhịn chay.
Trên đây là những điều không thể làm hư sự nhịn chay, mà chỉ hư (ptal) khi nào:
1- Ăn, uống và những gì có ý nghĩa tương tự như ăn uống (những thức ăn, thức uống đi qua cuống họng).
2- Quan hệ vợ chồng (Giao hợp).
3- Xuất tinh do kích thích (Cố ý).
4- Ói mửa có chủ ý.
5- Xuất kinh hoặc máu hậu sinh (nữ giới).
6- Lấy máu bằng hình thức giác nẻ.
Cầu xin Allah chấp nhận sự hành đạo của chúng ta, amin.
Do Abu Zaytune Usman Ibrahim
soạn thảo