Đức tính của người đi làm Đaw’ah
Đối với tôn giáo Islam thì mỗi người Muslim được xem như là một ngọn đuốc để soi sáng cho những ai muốn tìm hiểu Islam thông qua kiến thức của họ như Allah đã phán:
كُنْتُمْ خَيْرَ أُمَّةٍ أُخْرِجَتْ لِلنَّاسِ تَأْمُرُونَ بِالْمَعْرُوفِ وَتَنْهَوْنَ عَنِ الْمُنْكَرِ وَتُؤْمِنُونَ بِاللَّهِ وَلَوْ آَمَنَ أَهْلُ الْكِتَابِ لَكَانَ خَيْرًا لَهُمْ مِنْهُمُ الْمُؤْمِنُونَ وَأَكْثَرُهُمُ الْفَاسِقُونَ (110)
« Các ngươi (hỡi Muslim!) là một Cộng đồng (Ummah) được gầy dựng (để làm gương) cho nhân loại. Các ngươi ra lệnh làm điều thiện và cấm chỉ làm điều ác và các ngươi tin tưởng Allah… » (S.3 / 110)
Nhưng trước khi chúng ta được làm bổn phận này thì bắt buộc đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức đúng thật về tôn giáo của mình, nếu muốn có kiến thức đó thì ít nhất chúng ta phải dành thời gian đến trường lớp (hay trung tâm truyền giáo Islam) để học hỏi căn bản giáo lý qua một người thầy giảng dạy, vì giáo lý Islam hay thiên kinh Qur’an không thể suy nghĩ theo chiều hướng đơn giản của mình rồi đi truyền giáo cho những người khác noi theo. Nghĩa là môn học nào cũng vậy, « Nói phải có sách, mách phải có chứng » là nền tảng căn bản của những nhà truyền giáo Islam, nếu lấy dòng tư tưởng lạc lõng của mình hoặc đọc lờ mờ qua vài quyển sách rồi đi làm ‘nhà truyền giáo nhất thời’ thì đáng tiếc, đó là một trong những người nằm trong thành phần « tự cao, tự đại » hay nói nom na theo đời: « Chữ không đầy lá mít mà đi dạy đời…».
Sự mời gọi mọi người đến với đức tin trong việc hành đạo, hoặc can thiệp vào lĩnh vực tâm linh của người Muslim là việc làm rất tế nhị trên chặng đường dài, điều đòi hỏi trước tiên phải là « Người có kiến thức (Islam) đúng thật và là một người Muslim mẫu mực trong cuộc sống tâm linh » như Allah đã phán:
وَمَنْ أَحْسَنُ قَوْلًا مِمَّنْ دَعَا إِلَى اللَّهِ وَعَمِلَ صَالِحًا وَقَالَ إِنَّنِي مِنَ الْمُسْلِمِينَ (33)
« Và ai còn lịch sự về lời nói hơn là người mời gọi (nhân loại) đến với Allah và làm việc thiện và bảo: ‘Tôi đây là một người Muslim’ » [Surah Fussilat 41 : 33]
Ngược lại, một người Muslim chỉ biết ‘ba hoa’ bằng tài hùng biện, nhưng trống rỗng trong việc làm thì Allah cũng đã phán như sau:
يَا أَيُّهَا الَّذِينَ آَمَنُوا لِمَ تَقُولُونَ مَا لَا تَفْعَلُونَ (2) كَبُرَ مَقْتًا عِنْدَ اللَّهِ أَنْ تَقُولُوا مَا لَا تَفْعَلُونَ (3)
“Hỡi những ai có niềm tin! Tại sao các ngươi nói những điều mà các ngươi không làm? Điều đáng ghét nhất đối với Allah là các ngươi nói ra những điều mà các ngươi không làm.” [Surah As-Saff 61: 2-3]
Thật vậy, sự truyền giáo là bổn phận của mỗi người Muslim, ngoài kiến thức tôn giáo ra thì cũng phải có đức tính Ikhlas (chân thật và trung thực trong mọi ý nghĩ, lời nói và hành động). Đối với Allah, nếu một người đi truyền bá tôn giáo nào đó thực thi ‘da’wah’ chỉ vì một sự ganh tỵ, hiềm khích, khiêu chiến, hay ham muốn phô trương thân thế và tự cao tự đại thì đều trở nên vô nghĩa. Và những ai lợi dụng sự daw’ah của họ để làm trò tiêu khiển cho qua thời gian trong khi bản thân của họ thì không màn tới hoặc trong thâm tâm của họ lạm dụng danh từ ‘daw’ah’ để chống lại những người anh em của mình, thì theo Islam đây là hành động của một kẻ đạo đức giả (Munafik), họ sẽ có một chổ rất tốt đẹp ở ‘địa ngục’ vào Ngày Sau.
Mục đích của Da'wah
Trong môn thần học Islam, mục đích của da'wah là để mời gọi mọi người, cả người Muslim và không phải Muslim, để hiểu được việc thờ phượng của Allah như thể hiện trong « Qur'an và sunnah của thiên sứ Muhammad (saw) », cũng như để thông báo cho nhân loại biết về sứ mạng của vị thiên sứ cuối cùng (saw). Da'wah là ngọn đuốc Islam soi sáng cho những tâm hồn còn đang u mê cuộc sống trần tục, daw’ah là sự thông tin kiến thức tôn giáo để tăng lên sức mạnh đức tin của cộng đồng (ummah) Muslim, daw’ah là để phụ giúp những con thuyền đang lạc hướng trở về bến cũ, daw’ah là một hành động bất vụ lợi vì Allah (Jihad Akbar), daw’ah là nhiệm vụ tiếp nối theo con đường dẩn dắt của vị Thiên sứ cuối cùng (saw), người làm daw’ah hướng dẩn đúng người khác làm theo thì ân phước của hai bên ngang đồng với nhau.
Daw’ah là sự kêu gọi con người hướng về Allah, là phương tiện mà thiên sứ Muhammad (saw) lan truyền tin nhắn của Qur’an đến nhân loại. Sau này, những người chấp nhận đi theo Thiên sứ Muhammad (saw) phải có bổn phận chủ trì việc daw’ah để người dân của mọi thời đại thông hiểu thông điệp của Qur’an là chỉ tôn thờ một Đấng Thượng Đế duy nhứt là Allah mà thôi, và chỉ tuân theo hành động và những việc làm của vị sứ giả cuối cùng Muhammad (saw) như Allah đã phán trong thiên kinh Qur’an và Ngài đã lập đi lập lại nhiều lần.
1). Định nghĩa
Daw’ah được giải thích rộng rãi là lời mời nhân loại đến với Islam, đó là khi chúng ta nói về Islam cho những người không phải là người Muslim. Da'wah không phải là bắt buộc người nghe để chuyển đổi, hay dùng lời lẽ khiếm nhã với những người lầm lạc, mà nhiệm vụ của người đi làm daw’ah trong lĩnh vực này là dùng kiến thức của mình để chứng minh « Chân lý của nhân loại » để người nghe « tâm đắc » và vui lòng quay về nguồn cội của họ, vì Allah đã phán:
لَا إِكْرَاهَ فِي الدِّينِ قَدْ تَبَيَّنَ الرُّشْدُ مِنَ الْغَيِّ (256)
"Không có việc cưỡng bách (tín ngưỡng) trong lãnh vực tôn giáo" (S.2/256)
وَاللَّهُ يَهْدِي مَنْ يَشَاءُ إِلَى صِرَاطٍ مُسْتَقِيمٍ (213)
« …Và Allah hướng dẫn người nào Ngài muốn đến Con đường ngay chính (của Islam) » (S.2/213)
Mặt khác, daw’ah nội bộ là người có kiến thức giáo lý Islam phải có bổn phận truyền lại những sự học hỏi của mình cho những anh chị em Muslim chưa có dịp được tiếp thu những giáo lý đó, hoặc cùng nhau trao đổi kiến thức theo chiều hướng học hỏi lẫn nhau trong tinh thần tôn trọng và hòa bình, để cùng nhau đồng nhứt hành đạo theo con đường Sunnah của Vị Thiên sứ kính yêu truyền lại.
Ghi nhận : Điều khoản này, nhận thấy hiện nay có rất nhiều anh chị em Muslim còn bảo thủ tính thiển cận đi theo lệnh truyền của ông bà tổ tiên (không bằng chứng), và có một số người còn cá tính độc đoán rồi gây ra hiềm thù với những con cháu và những người anh em hành đạo theo con đường sunnah của Rosul (saw), không dừng lại tại đó mà họ còn dùng chiêu bài « thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết » và dùng những thủ đoạn để tuyên truyền bêu xấu những người anh em không đi theo con đường tổ tiên của mình, và tệ hại nhất là « ngậm máu phun người » để làm lợi gan của họ… (Cầu xin Allah tha thứ cho những người anh em này và hướng dẩn họ trở về con đường ngay chính, amin).
2). Ai nên làm da'wah ?
Mỗi người Muslim đều có thể trở thành một người đi làm daw’ah theo khả năng hiểu biết của mình. Không có điều kiện cụ thể nào để xác định dành riêng cho các người đi làm da'wah. Nhưng quan trọng là sự đúng thật của những lời truyền trong việc làm Da'wah, nếu chỉ dẩn sai thì hậu quả tội lỗi sai lầm của những người noi theo sẽ dồn hết cho người đi làm daw’ah đó. Như vậy, việc làm daw’ah giống như con dao hai lưỡi, nếu như đem chân lý Islam thông tin đúng cho mọi người thì những ân phước đó sẽ hoàn toàn thuộc về mình, nếu như đưa những điều không có trong Islam hay giãi thích sai ý nghĩa (Qur’an và giáo lý) cho mọi người thì tất cả những tội lỗi của người đi làm daw’ah tạo ra sẽ tìm thấy ‘gông cùm’ vào Ngày Phán Xét.
3). Những đức tính tối thiểu của người đi làm daw’ah.
v Là người Muslim mẫu mực trong việc hành đạo, biết kính sợ Allah mọi lúc mọi nơi và mọi cử chỉ hành động.
v Có đức tính khiêm nhường, kiên nhẩn và ôn hòa.
v Trả lời ngắn gọn nhưng đúng đắn khi bạn được hỏi một câu hỏi (không thêm bớt trong giáo lý).
v Không đem ý nghĩ cá nhân, phong tục hay tục lệ của ông bà tổ tiên áp đặt vào Islam.
v Không được quyền phê phán hay có những lời lẽ xúc phạm đến những tôn giáo khác.
v Không dùng thủ đoạn để cưỡng ép người nghe phải đến với tôn giáo của Islam, và cũng không được sỉ vả hay kết tội những đồng đạo không theo sự daw’ah của mình.
Như đã nói ở phần trên, Ikhlas (sự thành thật) là nền tảng của người Muslim thì tất cả những đức tính nêu trên cũng không thể thiếu cho một người Muslim đi làm daw’ah, và sự kiên nhẩn là chìa khóa mỡ cửa thành công như Allah đã phán cho Thiên sứ Muhammad (saw) như sau:
ادْعُ إِلَى سَبِيلِ رَبِّكَ بِالْحِكْمَةِ وَالْمَوْعِظَةِ الْحَسَنَةِ وَجَادِلْهُمْ بِالَّتِي هِيَ أَحْسَنُ إِنَّ رَبَّكَ هُوَ أَعْلَمُ بِمَنْ ضَلَّ عَنْ سَبِيلِهِ وَهُوَ أَعْلَمُ بِالْمُهْتَدِينَ (125) وَإِنْ عَاقَبْتُمْ فَعَاقِبُوا بِمِثْلِ مَا عُوقِبْتُمْ بِهِ وَلَئِنْ صَبَرْتُمْ لَهُوَ خَيْرٌ لِلصَّابِرِينَ (126) وَاصْبِرْ وَمَا صَبْرُكَ إِلَّا بِاللَّهِ وَلَا تَحْزَنْ عَلَيْهِمْ وَلَا تَكُ فِي ضَيْقٍ مِمَّا يَمْكُرُونَ (127) إِنَّ اللَّهَ مَعَ الَّذِينَ اتَّقَوْا وَالَّذِينَ هُمْ مُحْسِنُونَ (128)
"Hãy mời gọi tất cả đến với con đường của Rabb của Ngươi (hỡi Muhammad !) một cách khôn ngoan và với lời khuyến khích tốt đẹp ; và hãy tranh luận với họ bằng phương cách tốt đẹp nhất. Quả thật, Rabb của Ngươi biết rõ ai là kẻ đi lạc khỏi con đường của Ngài ; và ai là người được hướng dẫn – Và nếu các người trả miếng thì hãy trả đủa ngang bằng với miếng mà các ngươi đã bị đòn, nhưng nếu các ngươi kiên nhẫn chịu đựng thì chắc chắn đó là điều tốt nhất cho những ai kiên nhẫn – Và hãy kiên nhẫn chịu đựng bởi vì Ngươi kiên nhẫn (hỡi Muhammad !) chỉ vì Allah mà thôi. Và chớ buồn rầu cho họ cũng chớ se lòng về những điều chúng đang âm mưu – Quả thật, Allah ở cùng với những ai sợ Ngài và với những ai là người làm tốt" (S16/125-126-127-128)
4). Sự lựa chọn.
Như chúng ta đã biết, Allah đã tạo ra con người là một sinh vật hoàn mỹ nhất, có mắt để thấy, có tai để nghe, nhất là có một bộ óc để suy nghĩ mà biết phân biệt đâu là điều hay lẽ phải, đâu là đúng và đâu là sai...
Là con người khi mới sinh ra cho đến tuổi trưởng thành, dù ân phước có cha mẹ là Muslim hay không phải Muslim thì lẽ đương nhiên khi đến tuổi có trí khôn là phải cắp sách đến trường, với trường đời thì tất cả môn học đã được ấn định sẳn do cơ quan giáo dục phổ thông ban hành chương trình giảng dạy, dù là ai (thầy cô) dùng phương cách nào để giảng dạy thì nội dung và kết quả của môn học sẽ không bao giờ thay đổi.
Ngược lại, đối với môn học giáo lý Islam thì con cháu hay ngay cả người lớn không thể « trao thân gởi phận » cho một nhà truyền giáo (daw’ah) lờ mờ về kiến thức, vụng về trong phong cách ứng xử và giả dối trong việc hành đạo… Những người mà chỉ đem quyền lợi cá nhân đặt trên tôn giáo, những người dùng chiêu bài phương pháp ‘loại trừ’ để tìm cái dể mà áp dụng trong đạo giáo, những người vì ham mê địa vị mà sùng Gian thần phản Giáo chủ (không theo sunnah của Rosul (saw))…, đây là những thành phần xấu xa trong xã hội như người Việt có câu « Lựa bạn mà chơi », chính vì thế chúng ta hãy thận trọng trong việc « tìm thầy học đạo » như Allah đã phán :
لَا يَتَّخِذِ الْمُؤْمِنُونَ الْكَافِرِينَ أَوْلِيَاءَ مِنْ دُونِ الْمُؤْمِنِينَ وَمَنْ يَفْعَلْ ذَلِكَ فَلَيْسَ مِنَ اللَّهِ فِي شَيْءٍ إِلَّا أَنْ تَتَّقُوا مِنْهُمْ تُقَاةً وَيُحَذِّرُكُمُ اللَّهُ نَفْسَهُ وَإِلَى اللَّهِ الْمَصِيرُ (28)
« Những người có đức tin chớ nên nhận những kẻ không có đức tin làm người bảo hộ của mình thay vì những người có đức tin, và ai làm thế thì sẽ không còn liên hệ gì với Allah nữa, ngoại trừ trường hợp các người sợ hiểm họa do chúng gây ra… » S.3/28
Những dòng tư tưởng trên đây muốn nhắc nhở phụ huynh và những con cháu thế hệ sau này hãy làm sống lại những điều sunnah của Rosul (saw) đã dạy, đừng ngã theo đời để tranh đua vật chất mà rơi vào cạm bẩy của shaiton, cầu xin Allah ban cho những bề tôi của Ngài giữ vững đức tin và sáng suốt trong việc lựa chọn con đường hành đạo đúng thật của Islam, amin.
ABU AZIZAH