Allah, Đấng lấy nắm linh hồn của nhân loại đã cho chúng ta biết, mỗi con người sớm hay muộn rồi cũng phải từ giã cõi đời nầy để đi đến thế giới chờ đợi. Cho nên, những người muslim phải chấp nhận sự thật, và luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị để tiếp nhận cái chết của mình, của thân nhân hay bạn bè…
Allah phán : «Làm sao các người có thể phủ nhận Allah? Trong lúc thấy các người đã chết, Ngài làm cho các người sống; rồi Ngài sẽ làm cho các người chết, rồi sẽ dựng các người sống dậy, rồi các người sẽ trở về gặp Ngài (để nhận chịu xét xử).» S.2 : A.28
Ở đây, Allah nhắc nhở con người về lẽ huyền vi của việc tạo hóa. Đầu tiên con người không là gì cả, một tinh trùng vô nghĩa phất phơ đâu đó chưa có sự sống (xem như chết), rồi Allah ban cho y sự sống qua việc y sinh ra đời. Sau một thời gian sống, Allah làm cho y chết (qua đời). Rồi vào Ngày Phục Sinh, Allah dựng y sống trở lại để chịu sự xét xử. (Trích bản dịch Qur’an của Hassan Bin Abdul Karim)
Rasoul (saw) cũng có nói: "Chúng ta hãy luôn luôn cảnh giác sẽ có một ngày chúng ta sẽ ra đi (chết, tận thế)." Hadith do At Tizmizy ghi lại.
Theo hadith trên là Rasoul (saw) muốn nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn nghĩ rằng cái chết sẽ đến với chúng ta bất cứ giờ phút nào và cái chết sẽ không từ bỏ một ai. Người chết sẽ trở về ở thế giới chờ đợi (Al-Barzak), vậy những người còn sống đang hiện diện bên cạnh thi hài phải làm gì cho người đã chết???
Khi một người muslim chết (nam hay nữ) những người thân có mặt bên cạnh phải thi hành những điều sau đây:
1)- Thường thường người vừa chết vẫn còn mở mắt, cho nên trước tiên theo sunnah chúng ta phải vuốt mắt cho người chết nhắm mắt lại. Vì hadith thuật lại khi ông Abi Salamah (R) qua đời thì Rasoul (saw) đến vuốt mắt ông ta và Người nói: "Khi thần chết tước lấy linh hồn ra đi, thì đôi mắt họ nhìn theo." Hadith do Muslim ghi lại.
Trong khi vuốt mắt hãy đọc: "Bismillahi waala millati Mohamad" hoặc "Bismillahi waala sunnati Mohammad". (Nhân danh Allah và đây là cách hành đạo của Mohammad).
2)- Kế tiếp kéo tay chân của người chết cho ngay thẳng hoặc để hai tay lên bụng giống như tư thế khoanh tay lúc Solah, và để phòng ngừa bụng của người chết phình lên chúng ta nên để cái gối lên bụng. Nếu cơ thể của người chết đã cứng không thể kéo ra được thì nên để như vậy, đừng dùng sức để kéo ra.
3)- Sau đó, lấy một tấm vải (drap) hoặc mền mỏng đắp lên từ đầu tới chân của người chết. Vì bà Aysha (mẹ của những người tin tưởng) thuật lại như sau: "Khi Rasoul (saw) từ thế, chúng tôi đã đắp lại thân xác của Người với cái áo choàng của Người." Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại.
Theo giáo lý Islam, chúng ta không nên để người chết (nam hay nữ) nằm trên giường mà không che mặt lại, để cho mọi người (thân nhân, bạn bè...) đến nhìn mặt lần cuối (haram). Bởi vì, giáo luật Islam cấm những người (sống cũng như chết) có thể cưới hỏi với nhau thì không được nhìn thẳng mặt nhau.
4)- Phải gấp rút cử người đi lo thủ tục hành chính (giấy tờ, đất chôn...) , và chọn người để tắm người chết để an táng càng sớm càng tốt.
Rasoul (saw) có nói rằng: "Hãy nhanh nhanh lo chôn cất khi có người chết." Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại.
5)- Người chết ở đâu thì nên chôn cất ở nơi đó. Vì Rasoul (saw) đã ra lệnh cho những bạn hữu của Người đem những người tử vì đạo trong trận chiến Uhud chôn cất tại núi Uhud, không nên di chuyển thi hài đi nơi khác. Hadith do Ahlus Sunnah ghi lại được cố sheikh Al Bany xác nhận là Ðúng trong Kitab Tang Lễ của ông trang 14.
Tắm thi hài (Maiyid):
Theo giáo luật Islam, nếu trong một làng có người chết mà không có một người nào biết nghi thức tắm liệm, hành lễ jannazah và chôn cất cho người chết, thì nguyên làng đó sẽ bị tội với Allah. Ngược lại, nếu có một người đứng ra đảm trách thì không ai có tội cả. Vì việc tắm liệm và chôn cất cho người chết là Fardu Kifayah.
Những người được tắm maiyid theo thứ tự như sau: (Nam tắm cho nam, nữ tắm cho nữ)
-Trước tiên là những người có di chúc của người chết để lại. Kế đó Cha hoặc mẹ; Ông nội hoặc ông ngoại; Bà nội hoặc bà ngoại; Con trai hoặc con gái; cháu trai hoặc cháu gái; anh em trai hoặc chị em gái... kế tiếp là những bà con họ hàng gần... (Xin xem quyển “Tang Lễ trong Islam” do nhóm huynh đệ Muslim vùng Val D'oise, France soạn thảo).
Chỉ có trường hợp đặc biệt là người chồng được quyền tắm cho vợ hoặc ngược lại vợ tắm cho chồng. Vì Rasoul (saw) có nói với bà Aysha (Ra) (mẹ của những người tin tưởng) : "Bà đừng lo, nếu bà chết trước tôi, tôi sẽ đứng ra tắm cho bà...". Hadith soheh của Imam Ahmad ghi lại.
Và trường hợp của ông Abu Bakar As Siđik (R) có để lại di chúc nếu ông chết thì vợ ông sẽ đứng ra tắm cho ông. Hadith do ông Abdurrazak ghi lại trong Al Musnad số: (6117).
Nói chung, chiếu theo những hadith trên thì chỉ có vợ tắm cho chồng và ngược lại, còn những trường hợp khác thì không được. Ngoại trừ, trường hợp những đứa bé dưới sáu tuổi (trai hay gái) thì đàn ông hay đàn bà đều được quyền tắm. Bởi vì, những đứa bé dưới 6 tuổi chưa bắt buộc phải che kín phần auroth.
Trường hợp có một người đàn ông chết tại một nơi chỉ có phụ nữ hoặc ngược lại, theo giáo lý Islam đưa ra phương cách là những người khác phái nên dùng cát sạch để thay thế nước làm (At – Tiyamam). Nghĩa là dùng hai bàn tay chà lên cát rồi lau lên mặt thi hài, sau đó chà hai bàn tay lên cát một lần nửa rồi lau hai bàn tay thi hài, như vậy là xong.
Chú ý: Trước khi tắm thi hài nên dùng một mảnh vải hay một tấm Drap che phủ toàn thân thi hài lại rồi cởi (dùng kéo cắt) bỏ bộ quần áo mà thi hài đang bận, kế tiếp đỡ đầu thi hài lên gần như tư thế ngồi và một người khác dùng hai bàn tay ấn nhẹ lên bụng thi hài để những chất dơ xuất ra ở nơi kín, cùng lúc xối nước thật nhiều ở nơi kín đang ra những chất dơ. Nên dùng bao tay để tắm cho thi hài để tránh da thịt đụng nhau và nhứt là không được nhìn phần kín của thi hài (nhứt là người chết từ bảy tuổi trở lên).
Nếu có thể chúng ta dùng xà bông gội đầu và chà toàn thân, sau đó rửa sạch bằng nước âm ấm (3 lần), mỗi lần tắm nước nên ấn nhẹ lên bụng để những chất dơ thoát ra. Người tắm cho mayyid nếu cảm thấy ba lần chưa hoàn toàn sạch thì có thể tắm đến năm lần và nhiều nhất là bảy lần, không được hơn.
Thể theo sunnah, lần tắm sau cùng nên dùng nước thơm “Kafuro”, rất thịnh hành ở những quốc gia Islam, để làm mất đi mùi hôi của thể xác. Thể theo hadith Rasoul (saw) nói: "Hãy rửa lần chót với Kafuro."
Chúng ta cũng có thể dùng siwak (loại cây dùng để chà răng mà người Arab thường dùng) để chà răng, hoặc tỉa râu và cắt móng tay chân. Còn lông nách và lông nơi kín không cần thiết phải cạo. Nếu thi hài là nữ giới nên cột tóc lại làm ba bính rồi để phía sau đầu.
Trước khi để thi hài vào hòm chúng ta nên lau chùi thân thể thi hài một lần chót bằng khăn khô, nếu đã tắm bảy lần mà nước tiểu, phân hoặc máu) còn ra chút ít thì dùng nước rửa sơ qua những chất dơ mới ra đó và dùng bông gòn bịt chổ đó lại, kế tiếp lấy nước Solah lại cho thi hài. Người đại diện đứng ra lấy nước Wuđu cho thi hài phải làm giống như người còn sống (đọc câu Bismilloh..., và theo thư tự...).
Rasoul (saw) có chỉ dạy cho những người tắm thi hài cho con gái của Người như sau: "Hãy lấy nước solah cho mayyid và bắt đầu từ bên phải trước." Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại.
Nhưng hình thức lấy nước Solah cho thi hài (mayyid), không lấy nước đổ vào miệng và lỗ mũi như người sống mà chỉ dùng bao tay thấm nước rồi chà sơ lên răng, miệng và hai lỗ mũi. Nhưng sau khi đã liệm (kafan) xong mà những chất dơ đó vẫn ra thì không cần tắm lại.
Những người (nam) đi làm Omroh hoặc Hadj nếu chết trong tình trạng đang bận đồ Ehrom, thì chúng ta không được xức dầu thơm cũng như không dùng miếng vải để quấn ngang cái đầu, chỉ dùng xà bông để tắm là đủ. Vì Rasoul (saw) có nói: “Những người mặc ehrom chết lúc đi làm hadj thì không được xức dầu thơm. và Người nói tiếp: -Không được quấn cái đầu lại, vì ngày Sau người đó sẽ được phục sinh với bộ lễ phục đó". Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại.
- Ðối với những người chết trên chiến trường (tử vì đạo) thì không có tắm liệm cho họ, không thay đổi y phục mà họ đang mặc (dao, kiếm, áo choàng phải cởi ra) và không có solah Janazah vì Rasoul (saw) có ra lệnh : "Những người chết trong trận Uhud phải được chôn với y phục mà họ mặc, không tắm rửa và không có solah janazah cho họ." Hadith do Al Bukhory ghi lại.
- Trường hợp người phụ nữ mang thai được hơn 4 tháng thì bị hư thai, trường hợp này nên lấy bào thai đem tắm liệm và đặt tên cho nó, sau đó solah Janazah rồi mới đem chôn, qua hadith của Rasoul (saw) nói: "Bốn mươi ngày đầu của bầu thai là cục thịt, sau đó bốn chục ngày sau là bắt đầu ra hình dạng, và sau đó bốn chục ngày nữa thì thiên thần cho nhập vào nó cuộc sống (linh hồn)..." Hadith do Muslim ghi lại.
Có nghĩa là sau khi đã mang thai bốn chục ngày thì theo giáo lý không được quyền phá thai (những ai phá thai sau bốn chục ngày kể như giết đi một mạng người).
- Nếu hư thai trước bốn tháng, thì kể như là một cục thịt, chôn ở đâu cũng được không cần tắm và đặt tên.
- Nếu trường hợp không có nước để tắm, hoặc thi hài bị bom đạn, tai nạn xe cộ, thân xác không toàn vẹn hoặc bị cháy không thể tắm được thì bắt buộc phải làm At-Tiyamam (dùng cát thay nước), như đã trình bày ở trên.
Trong khi tắm mayyid, nếu thấy những gì không tốt lành của thi hài thì tuyệt đối không được tuyên truyền hay đưa tin cho mọi người biết (sống để bụng, chết mang theo), qua hadith của Rasoul (saw) như sau: "Những người tắm cho maiyih và kín miệng không thốt lên những gì không tốt, thì Allah sẽ tha thứ cho bốn chục lần." Hadith do Al Hakim ghi lại được cố sheikh Al Bany xác nhận là Ðúng, trong Kitab Al Janazah trang 51.
Takfine (Liệm thi hài)
Kafan (Vải liệm): Vải màu trắng (cũ hay mới cũng được) nhưng phải sạch và mau mục.
Theo giáo lý Islam thì khi còn sống chúng ta được quyền mua vải liệm để dành vì vải liệm phải do chính đồng tiền của người chết xuất ra. Rasoul (saw) có nói về người đàn ông khi chết trong lúc mặt lễ phục Ehrom như sau: "Hãy liệm với đồ của y đang mặc." Sau nầy Rasoul (saw) giãi thích là vải liệm phải do tiền của người chết mua kể cả những vật dụng cần thiết cho việc liệm xác.
- Trường hợp người chết chưa có mua vải liệm thì thân nhân phải dùng tiền của người quá cố để lại đi mua vải liệm, mua xong còn dư tiền thì đem trả nợ trước (nếu người chết có nợ), còn dư nữa mới tính việc thi hành di chúc và chia gia tài.
- Trường hợp người chết không có tiền để mua vải liệm, thì thân nhân là cha, ông nội hay ông ngoại hoặc con cái đứng ra để lo, nếu những người đó không đủ khả năng thì sau đó đến những con cháu...
- Trường hợp những thân nhân không thể gánh vác thì cộng đồng hoặc mạnh thường quân đứng ra lo cho người đó, bằng không thì người lãnh đạo của nhà nước phải truất ra một số tiền trong ngân quỹ...
- Trường hợp người chết là đàn bà mà không có tiền thì người chồng phải lo cho người vợ, khi nào hai người (chồng và vợ) không có tiền thì lúc đó phải nhờ đến những người khác theo cách tính ở trên.
Cách thức liệm:
Đàn ông thì ba lớp vải, đàn bà thì năm lớp (tùy theo kích thước của người chết mà cắt vải).
Rosul (saw) có nói: “Các người hãy mặc đồ trắng, quần áo trắng thì tốt, hãy liệm thân nhân của các người bằng vải màu trắng”. Hadith do Ahmad, Abu Dawud, At Tirmizy thuật lại.
Một hadith khác: “Xác của Rasoul (saw) được liệm bằng ba lớp vải trắng”. Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại.
Khi Rosul (saw) qua đời cũng được liệm bằng ba lớp vải trắng do người Yemen sản xuất, không có áo và khăn quấn đầu.
Trước tiên chúng ta trải ba tấm vải lên trên bàn và để long não rải rác chung quanh hoặc để dầu thơm đặc biệt dành để liệm xác chết nếu có, sau đó đặt thi hài lên tấm vải, kế tiếp để bông gòn vào những nơi có thể xuất ra mùi hôi (giữa háng, nách, mông, nhứt là những nơi kín nên để thật nhiều bông gòn).. Sau đó, nên thoa dầu thơm vào mặt, đôi mắt những nơi thường lấy nước Solah hoặc cả toàn thân cũng được.
Bước kế tiếp là cầm mảnh vải thứ nhất (ở trên) quấn từ bên phải qua trái rồi cầm mảnh vải bên trái quấn qua phải, cứ như vậy làm cho đủ ba lớp vải. Chúng ta dùng vải xé ra làm bảy sợi dây để cột thi hài lại phòng khi khiêng có thể vải bị xúc ra.
Ở đây có hai trường hợp, thứ nhất theo Islam (những quốc gia Islam) nếu đem thi hài đặt thẳng xuống huyệt (không hòm), khi đặt xuống huyệt (mặt hướng về Qiblat) xong, thì tháo những sợi dây cột xác ra. Trường hợp thứ hai để thi hài vào hòm (như chúng ta thường thấy) thì khi đặt thi hài vào hòm xong phải tháo những sợi dây cột ra trước khi đậy nắp hòm.
Chú ý: Khi tắm và liệm xong thì chỉ có thân nhân của người chết mới đến nhìn mặt lần cuối, chúng ta không nên để thi hài (hở mặt) cho tất cả mọi người đi xung quanh để nhìn mặt, để tránh tình trạng lời vào lời ra khi người chết đã biến dạng.
Trên đây là phần hướng dẫn tắm và liệm cho thi hài, kỳ tới chúng tôi sẽ nói về phương thức Solah Janazah và cách thức thăm viếng mộ.
Cầu xin Allah ban mọi sự dễ dàng và cho chúng ta đi theo con đường sunnah của Rosul (saw), amin.
Do Abu Anas chuyển ngữ từ sách: Solahtul Janazah của học giả Shiekh Abdulloh ibnu Abdurrohman Al Jabbary. Do Darul Al Jawab ở Riyadh Saudi Arabia xuất bản.