-Chân Lý Islam | baiviet | TIỂU SỬ | ASMA BINT ABU-BAKAR
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
ASMA BINT ABU-BAKAR
24.11.2007 18:35 - đã xem : 2585
_VIEWIMG

Asma bint Abu Bakar thuộc một gia đình Muslim lỗi lạc, cha của bà là ông Abu Bakar (R), là bạn thân của Nabi Muhammad (saw), là vị Khalifah đầu tiên sau khi Rasul (saw) qua đời và cũng là cha vợ (bà Aysha) của Rasul (saw).


Bà Aysha (R) là đứa em gái cùng cha khác mẹ với bà. Chồng của bà tên là Zubayr ibn al-Âu-Wam là một trong những người giúp việc thân tín nhất của Nabi (saw). Bà Asma (R) cũng là một trong số những người đầu tiên đã gia nhập Islam. Nếu tính ra thì chỉ có khoảng mười bảy người (nam và nữ) trở thành người Muslim trước bà.

Trong chuyến di cư (Hijrah) của Nabi (saw) và cha từ Mecca về Madinah là một điều tối mật cần phải tuyệt đối giữ bí mật, vì dân Quraysh có âm mưu sát hại Rasul (saw), nhưng bà Asma (R) là một trong số người đã được biết về việc Rasul (saw) dự định rời khỏi Mecca. Giữa đêm hôm khởi hành, chính bà Asma (R) là người đã sửa soạn một gói lương thực và một bầu nước cho cuộc hành trình của họ. Lúc ấy bà không tìm được vật gì để buộc hai cái túi này nên bà đành phải dùng dây thắt lưng (nitaq) của bà. Ông Abu Bakar (R) đề nghị bà xé dây thắt lưng ra thành hai mảnh và bà nghe lời làm theo ý cha, sau này dân chúng biết được nên đặt cho bà cái tên « người có hai dây thắt lưng ».

Vào lúc đợt dời cư cuối cùng từ Mecca đến Madinah là lúc bà Asma đang mang thai gần sanh, dù cuộc hành trình khá dài đầy gay go hiểm trở và đang có thai cũng không làm bà chùn bước. Khi đoàn di cư về tới Quba (ngoại ô của Madinah) thì bà Asma chuyển bụng hạ sanh một cháu trai đặt tên là Abdullah ibn az-Zubayr (sau này rất nổi danh nhờ bản tính trung trực và lòng mộ đạo không bao giờ lay chuyển). Những người cùng đi đồng la lớn « Allahu-Akbar, La ila ha illa Allah » (Allah Vĩ đại, không có thượng đế nào khác ngoài Allah), mọi người mừng rỡ vì đây là đứa bé đầu tiên ra đời của nhóm Muhajirin.

Mọi người đều biết bà Asma (R) là người có đức tính tốt, thanh nhã, thông minh và nhất là sự rộng lượng của bà. Có lần cậu con trai của bà (Abdullah) nói về bà như sau: « Tôi chưa hề thấy hai người nào có lòng rộng lượng hơn dì Aysha và mẹ của tôi. Dì Aysha thì gom góp hết món này đến món kia cho tới khi nào dì nghĩ là đã đủ, thì dì mới đem phân phát cho tất cả ai cần. Còn mẹ tôi thì có bao nhiêu đem cho hết chẳng giữ lại một vật gì, dù biết rằng ngày mai không còn có vật gì để cho. »

Allah cũng cho bà Asma có một sự nhanh trí đế xử lý trong những tình huống khó khăn. Theo sử kể lại: « Lúc ông Abu Bakar (R) rời Mecca đi Madinah thì mang theo tất cả tài sản khoảng sáu ngàn đirham mà chẳng để lại tí gì cho gia đình ông cả. Cha của ông là ông Abu Quhafah (chưa theo đạo) nghe tin liền đến nhà và nói bà Asma: - Theo ta biết, cha của mày không những bỏ rơi mày, mà lại còn để mày trắng tay nữa. Bà Asma nhanh trí đáp: - Thưa ông, không phải vậy đâu. Cha con để lại rất nhiều tiền. Vì ông nội bị mù nên bà Asma lụm vài hòn đá sỏi đặt vào một chỗ hõm trong tường (nơi để tiền của ông Abu Bakar) rồi bà lấy một tấm vải trải lên trên đống sỏi và lấy nắm tay ông nội: - Đây ông nội xem, cha con để lại rất nhiều tiền. Nhờ sự nhanh trí này mà ông nội của cô yên tâm và cũng ngăn được việc ông lấy tài sản của ông để giúp đỡ cho bà. Chẳng qua bà Asma không muốn tiếp nhận bất cứ một món vật nào của một người mushrik (chưa theo đạo), dù người đó là ông nội của mình. »

Đối với mẹ bà Asma cũng có thái độ tương tự, và không để bị xiêu lòng làm tổn thương danh dự và đức tin của mình. Có một lần bà Qutaylah (mẹ của bà Asma) có đến thăm bà ở Madinah, bà Qutaylah không phải là Muslim và đã ly dị với ông Abu Bakar (R) trước khi Islam đến. Mẹ của bà đã mang quà đến gồm nho khô, bơ và qaraz (đậu của một loại cây). Thoạt tiên, bà Asma đã từ chối không mời mẹ vào nhà và cũng không nhận quà. Bà nhờ một người đi gặp Aysha (R) nhờ nàng hỏi Rasul (saw) là bà phải đối xử thế nào với mẹ? Thì Rasul (saw) trả lời: - Tất nhiên, bà nên mời mẹ vào nhà và hãy nhận quà. Vì thiên kinh Qur’an, Allah có phán như sau: « Allah không cấm các người đối xử tử tế và công bằng với những ai không giao chiến với các người và trục xuất các người ra khỏi nhà cửa của các người vì vấn đề tôn giáo bởi vì quả thật Allah yêu thương những người công bằng. » - « Allah chỉ cấm các người kết bạn và giao hảo với những ai đã chiến đấu chống các người vì vấn đề tôn giáo và trục xuất các người ra khỏi nhà cửa của các người và tiếp tay trong việc trục xuất các người, sợ rằng các người có thể quay lại (kết hôn) với chúng. Và ai quay về kết bạn với chúng thì đó là những người làm điều sai quấy ». S. 60 / A. 8-9.

Lúc ban đầu đến Madinah, cuộc sống của những người di cư rất vất vả, gia đình của bà Asma cũng nằm trong hoàn cảnh đó, hai vợ chồng chỉ có một con ngựa do chồng mua được không lâu, bà Asma đã kể về những buổi ban đầu như sau: « Tôi thường cho con ngựa này ăn cỏ khô, cho nó uống nước và chải lông cho nó. Tôi cũng thường giã lúa để làm bột nhưng tôi lại không biết cách nướng bánh. Những người đàn bà của nhóm Ansar đã thường nướng bánh cho tôi. Họ thật là những người đàn bà tốt. Tôi đã từng khuân thóc lúa trên đầu tôi từ khoảnh đất của az-Zubayr mà Rasul (saw) đã chỉ định cho trồng trọt. Chỗ này cách trung tâm thành phố khoảng ba farsakh (khoảng tám kílômét). Một hôm, trên đường đi, lúc tôi đang khuân thóc lúa trên đầu thì tôi gặp Nabi (saw) đang đi cùng một toán Sohabah. Người (saw) đã gọi réo tôi rồi dừng lạc đà và bảo tôi lên ngồi ở phía sau. Tôi cảm thấy ngượng ngùng không dám đi chung với Nabi (saw); Vả lại tôi cũng nhớ đến tính ghen tuông của az-Zubayr, ông ấy là người hay ghen nhất trong tất cả đàn ông. Nabi (saw) nhận biết được việc tôi mắc cỡ nên tiếp tục lên đường ».

Sau đó, bà Asma kể lại cho ông az-Zubayr nghe sự việc đúng như đã xảy ra, thì ông thốt lên « Wallahy, việc em phải khuân thóc lúa trên quãng đường xa còn làm cho anh buồn phiền hơn việc em đi chung với Nabi (saw) nhiều ».

Bà Asma cũng là một người hết sức nhạy cảm và siêng năng, hai vợ chồng đã tận tụy làm việc để cuộc sống nghèo khó dần dần được cải thiện. Nhưng cũng có đôi lúc ông az-Zubayr với bà một cách cộc cằn. Một lần bà đến gặp cha để than thở về việc này thì ông Abu Bakar (R) trả lời: - Hỡi con gái của cha, hãy ráng kiên nhẫn (sabr) vì nếu một người đàn bà có một người chồng chính trực khi ông ấy chết mà bà ấy không tái giá, thì họ sẽ được sum họp trở lại trên thiên đàng.

Dần dần, az-Zubayr đã trở thành một trong những Sahabah giàu có nhất, nhưng đánh đổi là bà Asma đã bị mù lòa, nhưng những việc đó không làm suy yếu đi đạo hạnh của bà. Có lần con trai bà (al-Mundhir) mua tặng bà một chiếc áo đẹp dệt bằng loại vải quý từ Iraq rất đắt tiền, bà Asma lấy tay sờ mặt hàng rồi nói: - Áo này rất xấu, hãy đem trả lại đi. Al-Mundhir tỏ ra không vui rồi nói: - Thưa mẹ, áo đâu có thưa mỏng đâu! Bà đáp: - Có thể nó không thưa mỏng, nhưng nó bó chặt quá, khi mặc vào sẽ để lộ hết tất cả các đường cong của thân mình. Thế là Al-Mundhir mua tặng cho bà một chiếc áo khác theo ý của bà và bà đã nhận.

Nếu các diển biến và khía cạnh kể trên trong cuộc đời của bà Asma có thể dễ dàng chìm vào quên lãng, thì cuộc gặp gỡ sau cùng giữa bà và đứa con trai (Abdullah) là một trong những giờ phút khó quên nhất vào buổi đầu lịch sử của Muslim. Trong lần gặp gỡ đó, bà đã biểu lộ trí thông minh sắc sảo, tính kiên quyết và sức mạnh đức tin của bà.

Sau khi ông Yazid ibn Mu’awiyah qua đời, con trai bà (Abdullah) đã ra tranh cử trong chức vụ thay thế ông Yazid (khalifah). Các nước Hizar, Ai-Cập, Iraq, Khurasan và Siria đồng ý ủng hộ ông lên thay thế. Ngược lại, bộ tộc Ummayyad thì không thừa nhận mà còn tung ra mặt trận một đội quân khổng lồ dưới sự chỉ huy của Al-Hajjaj ibn Yusuf ath-Thaqafi. Những trận chiến dồn dập diễn ra ác liệt giữa đôi bên, chính lúc ấy Abdullah ibn az-Zubayr đã biểu lộ ra sự can đảm và anh dũng.

Tuy nhiên cũng có nhiều ủng hộ viên của ông không thể chịu đựng nổi sự gay go của chiến trường nên dần dần họ bỏ rơi ông. Vì thế, cuối cùng ông phải tìm đường ẩn náo nơi masjid thiêng liêng tại Mecca. Chính lúc ấy ông đã đến gặp mẹ ông, bây giờ đã là một đàn bà mù loà và già yếu, ông nói: - Thưa mẹ, cầu xin Allah cho mẹ được bình an, khoan dung và nhiều hồng ân… Bà Asma đáp: - Và mẹ cũng chúc con như vậy Abdullah ạ. Hôm nay, việc gì đã khiến con đến đây trong giờ phút mà giữa lúc các máy lăn đá của bọn Hajjaj đang bắn đá cuội xối xả vào binh lính của con trong Al-Haram và làm rung rinh các ngôi nhà ở Mecca? Abdullah trả lời: - Thưa mẹ, con tới để xin ý kiến của mẹ. Bà sửng sốt hỏi: - Xin ý kiến của mẹ? Về việc gì chứ? Ông nói: - Thưa mẹ, dân chúng đã bỏ rơi con vì sợ tên Hajjaj hoặc bị cám dỗ bởi những gì hắn hứa hẹn. Ngay cả các con và gia đình của con cũng đã bỏ rơi con. Hiện giờ chỉ còn lại một ít người đang đi với con, nhưng dầu họ có mạnh mẽ và kiên trì đến độ nào đi chăng nữa, họ cũng chỉ còn có thể cầm cự được trong vòng một hay hai tiếng đồng hồ nữa thôi. Các sứ giả thuộc bộ tộc Banu Ummayyad hiện đang điều đình với con. Họ hứa, sẽ tặng cho con bất cứ của cải của thế gian này nhưng với điều kiện là con phải bỏ khí giới và thề sẽ trung thành với Abdul Malik ibn Marwan. Mẹ nghĩ sao, thưa mẹ?

Cất cao giọng bà đáp: - Abdullah, đây là chuyện riêng của con và con biết về con rõ hơn ai hết. Nhưng, có điều này mẹ muốn nhắc nhở, nếu con nghĩ rằng con làm đúng và con đang đứng ra bảo vệ chân lý thì con hãy kiên trì và tiếp tục chiến đấu, như những người bạn của con đã biểu lộ sự kiên trì khi họ hy sinh tính mạng dưới lá cờ của con. Ngược lại, nếu con thiết tha với thế giới này, thì con là kẻ hèn hạ và sẽ hết sức khốn khổ. Nếu vậy, thì con tự hủy hoại chính con và con cũng là người có tội với đồng bạn của con.

Abdullah buồn bã: - Nhưng nội trong ngày hôm nay, chắc chắn con sẽ bị giết.

« Như vậy tốt cho con hơn là tự ý đầu hàng nạp mạng cho Hajjaj, để rồi vài tên bợ đỡ của bộ tộc Banu Ummayyad sẽ được chơi nghịch với cái đầu của con. »

« Con không sợ chết đâu mẹ, con chỉ e ngại chúng sẽ băm thây xé xác con thôi ».

« Sau khi chết, con người chẳng còn sợ hãi việc gì nữa cả. Lột da con trừu đã bị giết đâu có gây đau đớn cho nó! ».

Gương mặt của Abdullah sáng hẳn lên rồi ông nói: « Thật là một người mẹ có phước! Phước thay các đức tính cao quý của mẹ! Trong giờ phút này, con đã đến đây để nghe những gì con đáng được nghe. Allah biết được lòng con vẫn chưa suy yếu tuyệt vọng. Allah làm chứng cho con, con không đứng lên bảo vệ niềm tin vì yêu chuộng đời này, mà chỉ vì bất bình, Fi sabil Allah. Những giới hạn của Allah đã bị vượt qua mức. Thưa mẹ, con đây sẽ ra đi, về với những gì làm mẹ hài lòng. Bởi vậy, nếu con có chết, xin mẹ đừng đau buồn vì con, nhưng xin mẹ hãy phó thác con cho Allah. »

Bà Asma tuổi tuy đã cao nhưng vẫn cương quyết: «Mẹ sẽ chỉ đau buồn cho con, nếu con chết cho một lý tưởng vô ích và bất công ».

« Xin mẹ hãy an tâm, con trai của mẹ đã không ủng hộ một lý tưởng bất công hoặc vi phạm một điều gì đáng ghê tởm, hoặc gây một sự bất công nào cho một người Muslim hay một người Dhimmi. Và trước mắt không có gì tốt đẹp hơn là sự Hài Lòng của Allah, Đấng Toàn Năng, Đấng Vĩ Đại. Con không nói ra những điều này để tự ca tụng chính bản  thân con. Allah biết, con chỉ nói lên việc này để mẹ vững tâm và kiên định. »

« Xin Vinh danh Allah, Đấng đã khiến con hành động như ý của Allah và như ý thích của mẹ. Con ơi, hãy bước đến gần mẹ, để mẹ sờ và hôn con, vì đây có lẽ là lần cuối cùng mẹ được gần bên con. »

Abdullah quỳ xuống trước bà. Asma đã ôm lấy con trai mình rồi hôn khắp đầu, mặt và cổ con. Đôi tay bà bắt đầu nắn mình mẩy con thì bỗng dưng bà bèn rút tay lại và hỏi: - Abdullah, con đang mặc cái gì đây?

« Thưa mẹ, đây là áo giáp của con.»

« Con ơi, cái này đâu phải là manh áo của người muốn được Ân Tử Đạo. Hãy cởi nó ra, như vậy các cử động của con mới nhẹ nhàng và nhanh nhẹn hơn. Thay vào đó, con nên mặc chiếc sirwal (áo lót dài), nếu con bị giết thì âurah (phần thân thể phải che phủ của người Muslim) của con cũng không bị phơi bày. »

Abdullah liền cởi manh áo giáp và mặc chiếc áo sirwal để lên đường đi tới Al-Haram tiếp tục tham chiến. Ông nói: - Thưa mẹ, mẹ nhớ đừng quên con lúc mẹ cầu nguyện (đu-a).

Bà Asma liền đưa hai tay lên cầu nguyện:

« Cầu xin Allah, xin hãy ban Ân Khoan Dung cho việc nó thức vào những đêm khuya và lớn tiếng than khóc trong đêm tối lúc những người khác còn đang ngủ. »

« Cầu xin Allah, xin hãy ban Ân Khoan Dung cho những cơn đói khát của nó, lúc nó nhịn chay trong các chuyến đi từ Madinah đến Mecca. »

« Cầu xin Allah, hãy ban Hồng Ân cho tính chính trực của nó đối với mẹ cha của nó… »

« Cầu xin Allah, kẻ hạ này xin phó thác nó cho chân lý của Allah và kẻ hạ này vui lòng lãnh nhận bất cứ điều gì Allah đã định đoạt cho nó. Và vì nó, xin Allah hãy ban cho kẻ hạ này phần thưởng của những người kiên nhẫn và kiên tâm. »

Trước khi mặt trời lặn, Abdullah đã chết, chỉ hơn mười ngày sau bà Asma cũng đi theo ông, bà hưởng thọ đúng một trăm tuổi. Dù đã cao tuổi nhưng bà không có bệnh tật gì ngoài sự mù lòa và trí tuệ của bà vẩn còn nét sắc bén.

Tác giả nguyên tác Á Rập: Abdul Wahid Hamid.

Chuyển ngữ: Maryam Kiều Thị Kim Quy.

 Hiệu đính: Dohamide Abu Talib.


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3158227