BÀI THUYẾT GIẢNG CUỐI CÙNG CỦA NABI MUHAMMAD (SAW) 01.12.2007 03:39 - đã xem : 3074
Đến khi Rosul (saw) rời bỏ Mecca đến Madinah lập nghiệp và cũng cố Islam thì trong khoảng thời gian đó Rosul (saw) không có đi làm hajj nữa, bởi vì tình hình lúc đó rất lộn xộn, những người Quraysh rình rập để ám sát Rosul (saw), cho nên mỗi năm Rosul (saw) cử ông Abu Bakar (R) hướng dẩn quần chúng đi làm hajj, mỗi năm như vậy chỉ có khoảng ba trăm người đi làm hajj mà thôi. Theo sử ghi lại, vào những ngày cuối của tháng Zul Qidah của năm thứ mười niên lịch hijrah, Rosul (saw) cùng khoảng 90 ngàn người Muslim tại Madinah lên đường về Mecca để làm hajj, chuyến đi làm hajj lần này của Rosul (saw) là chuyến đi đầu tiên của Người (saw) từ khi di cư về Madinah và cũng là lần cuối cùng của Người (saw). Vào sáng ngày mùng chín của tháng Zul Hijjah thì Rosul (saw) rời Mecca đi đến Arafat và có khoảng 115 ngàn người Muslim đến Arafat với Rosul (saw). Tại ngọn núi Al-Rahmah, Rosul (saw) ngồi lên lưng lạc đà rồi đọc bài thuyết giảng (Khutbah) cho những người có mặt tại đó nghe, và bài thuyết giảng này là bài thuyết giảng cuối cùng của Người (saw) và cũng là bài thuyết giảng mang tích cách lịch sử của Islam. Bài giảng thuyết này như sau : [Hỡi quần chúng, hãy chú ý lắng nghe những lời Ta nói đây, bởi vì không biết sau này Ta sẽ còn gặp lại các người tại nơi này nữa hay không ? Vì vậy hãy chăm chú lắng nghe và khắc ghi những gì Ta nói để truyền đạt lại cho những người không có mặt tại đây ngày hôm nay. Hỡi quần chúng, các người hãy xem ngày tháng này và nơi này, cũng như tài sản và cuộc sống của các người là một sự thiêng liêng, những ai đang bảo quản của cải và có lời giao ước với chủ nhân của nó, thì hãy giữ lời mà đem hoàn trả lại theo lời giao ước đó, không được giành giựt và cướp bốc rồi giết hại lẩn nhau, không nên gây hại đến ai, rồi đây các người sẽ trình diện trước Thượng Đế của các người và các người sẽ trả lời về những hành động của các người. Mọi sự cho vay lấy lãi và làm những điều bất công cũng đều bị cấm, các người được quyền hùn vốn trong việc làm ăn, nhưng tránh gây sự thiệt thòi cho đôi bên… Hỡi quần chúng, Shaytan không thích những ai là người tin tưởng và mộ đạo, Shaytan rất hài lòng khi thấy ai lơ là bổn phận trong việc hành đạo, cho nên hãy nhớ mà cảnh giác trong việc hành đạo của các người. Hỡi quần chúng, các người có bổn phận và một số quyền hạn đối với những người vợ của các người, và ngược lại những người vợ của các người cũng có bổn phận và quyền hạn của họ đối với các người. Hãy đối xử tốt với những người vợ của các người và hãy tử tế với họ vì họ chịu sự ràng buộc bởi quyền hạn của các người, họ là những người đối tác của các người và là những người dấn thân trợ giúp các người, không được dẩn bạn bè (đàn ông cũng như đàn bà) về nhà mà vợ của các người chưa đồng ý. Ngược lại người vợ không được giả dối để tạo những điều nghi ngờ cho chồng, để sanh ra những chuyện thờ ơ lạnh nhạt trong việc gần gủi. Hỡi quần chúng, các người hãy hiểu rõ những điều Ta truyền đạt cho các người. Ta đã để lại cho các người hai điều, nếu các người cố gắng gìn giử và noi theo thì chắc chắn các người sẽ không lầm đường lạc lối. Đó là Thiên Kinh Qur’an và sự hành đạo (sunnah) của Ta. Mọi sự thêm bớt trong việc hành đạo là sự tiếp sức cho những kẻ phản đạo (Kufr), họ đi ngược lại những gì Allah cho phép. Hỡi quần chúng, hãy nghe lời của Ta mà cảnh giác, tất cả mọi người Muslim đều là anh em với nhau, chỉ được phép đối xử chân thật và thương yêu nhau, không được ganh tị, hiềm khích rồi tự chia rẻ nhau. Hỡi quần chúng, hãy lắng nghe những lời nghiêm chỉnh của Ta, sẽ không có vị Thiên sứ nào nữa xuất hiện sau Ta, và cũng không có một cộng đồng (Ummah) nào khác nữa sau các người, chỉ có cộng đồng Muslim là cộng đồng cuối cùng trên hành tinh này. Vì vậy, hãy tôn thờ Đấng Chủ Tể của các người là Allah, hãy dâng năm lễ nguyện (solah) mỗi ngày, hãy nhịn chay vào tháng Ramadan, hãy bố thí (zakat) hầu mang lại sự trong sạch cho bản thân, và cuối cùng nếu các người có điều kiện phải thực hiện cuộc hành hương (Hadji) và tuân theo lời giảng dạy của các vị chính trực có kiến thức về Islam. Nếu các người làm theo những điều Ta đã nói ở trên, thì Allah sẽ dành Thiên đàng cho các người. Hỡi quần chúng, hãy truyền chuyển những lời Ta đã nói cho những người khác, và khi ai nghe những lời này phải truyền chuyển lại cho những người chưa nghe, cứ tiếp tục truyền chuyển thông điệp này cho đến Ngày Tận Thế. Sau cùng, Rosul (saw) chỉ ngón tay lên trời nói : « Xin Allah chứng giám cho tôi đã hoàn tất truyền đạt ‘Thông điệp của Ngài’ cho những bề tôi của Ngài, Amin. » Tất cả những người tại Arafat ngày đó đều đồng thanh lớn tiếng : « Allahumma As-Hud ; Allahumma As-Hud. » (Thưa Allah, tôi tuyên thệ làm chứng ; Thưa Allah, tôi tuyên thệ làm chứng)]. Allahu-Akbar, trên đây là nội dung của « Bài Thuyết Giảng Cuối cùng » của Rosul (saw) tuy ngắn gọn, nhưng đầy đủ ý nghĩa. Người (saw) đã căn dặn những người Muslim phải thương yêu lẫn nhau, sống phải chân thật, công bằng và bác ái… Nhất là Người (saw) đã để lại cho chúng ta hai điều tuyên quyết, đó là « Thiên kinh Qur’an và Sự hành đạo (Sunnah) » của Người (saw). Sau chuyến làm Hadji này, Rosul (saw) trở về Madinah thì Allah có phán như sau : « …Ngày nay, TA đã hoàn chỉnh tôn giáo của các người cho các người và hoàn tất Ân huệ của TA cho các người và đã chọn ISLAM làm tôn giáo của các người ». Surat 5 / Ayat 3. Sau khi dòng kinh trên truyền xuống, khoảng 81 hoặc 82 ngày sau thì Rosul (saw) từ thế, cho nên các vị Ulama đặt tên đây là « Hadjatul Wađa’a của Rosul (saw) » (có nghĩa là : Hajj vĩnh biệt hay cuối cùng, hay hoàn hảo). Abu ROZY soạn thảo
Ý kiến bạn đọc |