-Chân Lý Islam | baiviet | PHÂN TÍCH | CÁC TRƯỜNG PHÁI TRONG ISLAM (MADHAHAB)
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
CÁC TRƯỜNG PHÁI TRONG ISLAM (MADHAHAB)
08.02.2008 02:21 - đã xem : 3373
_VIEWIMG
Để biết được sự khác biệt của các Madhahab (trường phái) trong tôn giáo Islam, trên một chừng mực nào đó, đã tạo nên một số sắc thái bề ngoài có vẻ đa dạng trong nền nếp hành đạo của các cộng đồng Muslim từng địa phương. Để ý niệm rõ rệt về sự trạng này, cần phải trở ngược lại quá trình phát triển của Islam qua các thời kỳ trong lịch sử. Nhưng tôn giáo Islam bao giờ cũng vẫn là một, bao giờ cũng tập trung chủ yếu ở Đức tin bất di bất dịch vào Allah, Thượng Đế Duy nhất, Đấng Tạo Hóa Toàn Năng và Toàn Tri mà người Muslim tôn vinh và tôn thờ dưới sự dẫn dắt của Nabi Muhammad (saw).

1)- Bốn Vị Khalifah đầu tiên (Rashidun) kế nghiệp Nabi Muhammad (Saw)

Trong khi đã cung ứng nhiều cho nền phúc lợi của người Muslim, Nabi Muhammad (saw) đã để cho các tín đồ tự quản lý hệ thống đời của Islam sau khi Nabi Muhammad (saw) qua đời. Các Shahabah của Người (saw) đã liền hướng về hai vị thân cận của Nabi (saw) là ông Abu Bakar (R) (cha vợ của Nabi) và ông Ali Abu Talib (R) là người anh em họ của Nabi (saw), là con của ông Abu Talib và cũng là con rể  (chồng của Fatimah) của Nabi (saw). Lúc này, các vị Shahabah đã chia làm hai nhóm. Nhóm yểm trợ ông Ali (R) có cảm tưởng Nabi (saw) muốn một vị trong gia đình đảm trách kế nghiệp, còn nhóm yểm trợ cho ông Abu Bakar (R) thì đoan chắc Nabi (saw) muốn Vị nào nêu gương cao nhất về tính thần và đức tính của Nabi (saw).

Ông Abu Bakar (R) là người thân cận nhất của Nabi Muhammad (saw) và là cha vợ (cha của bà Aysha), đã được bầu làm Vị Khalifah (Vị lãnh đạo) đầu tiên mặc dầu có sự chống đối của những người ủng hộ ông Ali (R). Với tính cách là một dạng thức lãnh đạo tôn giáo và chính trị, định chế Khalifah tồn tại trong truyền thống Sunnah cho mãi đến thế kỷ XX. Chọn lựa ông Abu Bakar (R) có vẻ là một sự logic, do bởi ông đã kết hợp lâu ngày với Nabi (saw) và có nhiều đặc điểm gần gũi như tính nhạy bén, đức thông suốt, và kinh nghiệm của Nabi (saw), ngoài ra ông Abu Bakar (R) có xu hướng ôn hòa.

Ông Abu Bakar (R) chỉ lãnh đạo Ummah (cộng đồng) trong hai năm (632-634 TL) thì ông qua đời và nhường chức vụ này lại cho ông Umar Al Khottab (R). Ông Umar (R) nổi tiếng là một nhà chiến lược quân sự đại tài và đã mang nhiều thắng lợi trong buổi ban đầu và được nhắc nhở nhiều trong những ngày chinh chiến tại xứ Ba-Tư (Iraq). Ông cầm quyền được mười năm (634-644 TL).

Đến năm 644 TL thì ông Uthman (R) lên kế vị và tại chức cho đến năm 656 TL và ông Uthman (R) là người cho ấn hành quyển Thiên Kinh Qur’an và được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Cuối cùng, ông Ali (R) cũng trở thành vị Khalifah đời thứ tư trong lịch sử của Islam. Ông là người có sức mạnh phi thường và rất gan dạ, là vị Shahabah tiên phong cùng Nabi Muhammad (saw) di cư từ Makkah về Madinah và nhiều lần yểm trợ cho cuộc truyền giáo sang những vùng lân cận.

Trên đây là bốn vị Khalifah đầu tiên đều có những quá trình xuất sắc và các khả năng lãnh đạo. Tất cả đều là những nhân chứng, những người tân tòng sớm sủa nhất, và là những vị Shahabah trung thành của Nabi Muhammad (saw). Tất cả bốn vị đều chia sẻ viễn tượng của Nabi (saw) về Islam, nên thường được gọi là những Vị được dẫn dắt ngay chánh (Rashidun). Họ trị vì trong kỷ nguyên gọi là kỷ nguyên tông đồ, thời kỳ tiêu chuẩn của Islam.

2)- Sunnah và Shi’ah

Sự phân chia hai nhóm buổi ban đầu sau khi Nabi Muhammad (saw) yểm trợ hai Shahabah kế nghiệp Nabi (saw) có hậu quả tạo thành hai hệ phái gọi là Sunnah và Shi’ah theo thời gian đã ảnh hưởng trong các vùng địa lý khác nhau hoặc đan chen nhau trong một vùng. Ai sùng kính Ali (R) thì theo hệ Shi’ah, còn ai sùng kính Abu Bakar (R) thì theo hệ Sunnah (những người theo gương và tập tục của Nabi Muhammad (saw)). Khác biệt giáo lý giữa hai hệ thật ra chỉ là khác biệt về niềm tin giữa ông Ali (R) và Abu Bakar (R) trong sự lựa chọn ai là người xứng đáng kế vị Nabi (saw) để hướng dẫn cộng đồng mà thôi. Từ đó, sự rạn nứt này trải qua bao nhiêu thời gian và tồn tại cho đến ngày nay. Họ chia vùng địa lý ảnh hưởng, chẳng hạn hệ phái Shi’ah đặt cơ sở chủ yếu tại Iran, Syria và một số vùng ở Iraq. Về cơ bản, khác biệt giữa hai hệ không phải là do hệ này thủ cựu, hệ kia tự do, hoặc theo cách diễn dịch Shari’ah theo lối này hoặc lối khác. Cả hai hệ phái đều được bồi dưỡng bởi cùng các nguồn: Thiên kinh Qur’an và các Hadith.

3)- Hệ Sunnah và các Madhahab

Số lượng người Muslim theo hệ Sunnah trên thế giới vào thời bốn vị Khalifah thì có khoảng 75%, nhưng ngày nay con số lên đến khoảng 85-90% của tổng số dân số Muslim. Họ hành đạo theo những gì Nabi Muhammad (saw) chỉ dạy, họ bắt chước theo cách hành đạo của Người (saw), đó là hệ phái Sunnah. Họ không quá chú trọng đến vai trò của vị Imam như hệ phái Shi’ah và chỉ đơn giản muốn Islam bảo tồn nền nếp hành đạo của Nabi (saw) và giữa sự liên tục với truyền thống của Ummah thời ban sơ.

Và sau này hệ Sunnah sinh ra bốn Madhahab (Trường phái giáo luật chính yếu) như : Hanafy – Maliky – Shafi’y – Hanbaly. Họ chỉ khác biệt nhau đôi chút trong cách diễn dịch Giáo Luật được áp dụng ra sao trong cuộc sống hàng ngày của người Muslim. Nhưng chính yếu vẫn là đi theo Qur’an và Sunnah.

v    Hanafy : Có ảnh hưởng tại các cộng đồng Muslim tại các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan… với vị Imam là Abu Hanifa al-Mu’man ibn Thabit, sinh năm 80 niên lịch Hijrah nhằm 699 TL và mất vào năm 767 TL. Căn bản lập luận của Imam Abu Hanifa chỉ chấp nhận Hadith khi nào hoàn toàn thỏa mãn về tính xác thực của hadith. Ông là người đầu tiên hướng sự chú ý về giá trị lớn lao của qiyas (hay là lý luận loại suy trong Giáo Luật).

v    Maliky: Phát triển ảnh hưởng tại các vùng Tây và Bắc Phi Châu, với vị Imam là Maliky ibn Anas, sinh năm 93 niên lịch Hijrah nhằm năm 713 TL tại Madinah (Arabie Saudi). Ông làm việc và mất tại đây vào năm 82 tuổi. Công trình của Maliky hoàn toàn giới hạn trong các Hadith sưu tầm được tại Madinah. Muwatta là quyển sách đầu tiên sưu tập Hadith và là một trong những quyển tục lệ và sunnah có thẩm quyền nhất.

v    Shafi’y: Phát triển ảnh hưởng tại Indonesia, Ai Cập, Malaysia, Philippines, Sri-Lanka, Việt Nam… được đặt dưới quyền của Imam Muhammad ibn Idris al-Shafi’y, sinh tại Palestine năm 150 niên lịch Hijrah tức năm 767 TL. Vào tuổi thanh niên ông đến sống tại Makkah, sau đó ông đến Ai-Cập làm việc và mất tại đây vào năm 204 Hijrah. Thuở đó, không ai có thể vượt qua Muhammad ibn Idris al-Shafi’y về sự hiểu biết Thiên kinh Qur’an và ông đã khổ công nghiên cứu Sunnah, đi chu du từ nơi này sang nơi khác để sưu tầm tài liệu và dữ kiện. Do đó, Shafi’y đặt trên cơ sở chính yếu là Sunnah và có điểm lợi là Hadith sử dụng có tính rộng rãi hơn và được sưu tập từ nhiều trung tâm khác nhau, trong khi Imam Malik chỉ dựa vào những điều tìm được ở Madinah mà thôi.

v    Hanbaly: Phát triển ảnh hưởng chủ yếu tại Arab Saudi, dưới sự lãnh đạo của Imam Ahmad ibn Hanbal sinh tại Bagdad (Iraq) năm 164 niên lịch Hijrah và mất ở đó năm 241 Hijrah. Phạm vi sưu tập của Imam Hanbal cũng có quy mô rộng rãi và công trình nổi tiếng là về Musnad, chứa đựng nhiều ngàn Hadith. Bộ sưu tập của Imam Ahmad ibn Hanbal không xếp theo đề tài mà lại xếp theo tên các vị Shahabah của Nabi (saw) liên hệ đến Hadith. Trong khi hệ thống Abu Hanifa áp dụng lý luận rất phóng khoáng và tìm qui nạp các vấn đề từ Thiên kinh Qur’an bằng suy luận thì hệ thống Imam Ahmad ibn Hanbal rất dè dặt thận trọng dùng lý luận và phê phán.

Mặc dầu có các Madhahab khác nhau về Giáo lý và Thần học, thẩm quyền sau cùng đối với người Muslim Sunni vẫn là sự diễn dịch Thiên kinh Qur’an và Hadith bởi các Ulama, một nhóm các nhà Học giả uyên bác. Điều này trái ngược với Shi’ah, trên cơ bản vào các lãnh đạo tôn giáo của họ là các vị Imam để có sự dẫn dắt dứt khoát.

4)- Hệ Shi’ah

AliÔng Ali Abu Talib (R) nắm quyền Khalifah được năm năm thì bị ám sát vào năm 661 TL. Sau cái chết của ông Ali Abu Talib (R) thì dấy lên một cuộc tranh luận cay đắng về tiêu chuẩn chọn người kế nghiệp : « Theo gương Nabi (saw) (Sunnah) hay theo giòng dõi Nabi (saw) ? ».

Vào lúc con đương nhiệm chức vụ Khalifah đời thứ tư Islam, ông Ali (R) muốn ngỏ ý người con trưởng của mình là Hasan (cháu ngoại thứ nhất của Nabi (saw)) sẽ trở thành vị Khalifah thứ năm và là vị Imam thứ nhì. Thực sự, điều này đã xảy ra; nhưng cùng lúc đó, Muawiyah thuộc bộ tộc Umayyad của Quraysh tỏ ra không đếm xỉa gì đến quyết định đó và đứng ra tự xưng là vị Khalifah.

Sau khi tại vị chỉ trong thời gian sáu tháng ngắn ngủi, ông Hasan đã từ nhiệm để bảo toàn nền thống nhất giữa người Muslim. Từ đó ông Muawiyah đã trở thành Vị Khalifah đời thứ sáu và ông có vẻ như không coi trọng cử chỉ của ông Hasan và đã bắt đầu đối xử với những người giòng dõi của Nabi Muhammad (saw) như là những kẻ thù chính trị. Sau cùng Husen, người con thứ của ông Ali (R) đã nổi dậy chống Muawiyah, tạo thành một sự rạn nứt dứt khoát giữa hệ Sunnah và Shi’ah. Yazid kế nghiệp cha là Muawiyah đã đụng trận dữ dội với Hosen tại Karbala vào năm 680 TL. Vì Hosen trang bị kém hơn và ít người hơn nên đành bại trận. Từ đó, cái chết của Hosen đã được những người thuộc phe cánh ông Ali (R) xem như là một thảm trạng vừa có tính cá nhân, vừa có tính gia đình và vừa có tính quốc gia. Họ xem cái chết của Hosen như là một sự tử vì đạo và tại Karbala (Iraq) có xây nhiều đền thiêng của hệ Shi’ah, hằng năm có hàng ngàn người hệ phái Shi’ah đến Karbala để hành hương, mang mặc cảm tội lỗi cho rằng người Shi’y đã không yểm trợ đúng mức Husen và đã đánh lạc Husen, vì đã mời Husen sang Iraq.

Để hiểu rõ thêm hệ Shi’ah, cần nói rõ thêm về Ali (R), tên đầy đủ thực sự là Ali Ibnu Abu Talib. Cha của ông Ali (R) là bác ruột của Nabi Muhammad (saw), nguyên đã nhận nuôi Nabi (saw) như con, cho nên cả Nabi (saw) và Ali (R) đều thuộc phe cánh Hashimit và là các anh em họ. Ông Ali (R) là người đầu tiên trong gia đình chấp nhận lời kêu gọi của Nabi Muhammad (saw) về với Islam và là một Shahabah kiên định, đánh trận gan dạ và là một người lãnh đạo sáng suốt.

Với tư cách là Vị Imam đầu tiên, Ali (R) trở thành mẫu hình cho các Imam noi theo, nhưng một số người Muslim Shi’y trong các chi phái cực đoan đã nghĩ xa hơn nữa và cho Ali (R) đã được Allah bổ nhiệm và ngày nay còn thêm đoạn « và Ali là Phó Nhiếp chính của Allah » vào câu Kalimah Shahadah là câu kinh nhật tụng của người Muslim xác định Allah là Thượng đế Duy nhất và Muhammad là Rasul của Allah.

Thông thường trong Islam, Vị Imam là người hướng dẫn các buổi dâng Lễ nguyện cộng đồng tại các Masjid (Thánh đường). Imam cũng có thể là một tước vị danh dự ban cấp cho nhà tư tưởng lỗi lạc, chẳng hạn như những nhà sáng lập các trường phái giáo luật và thần học. Nhưng riêng đối với người Muslim Shi’y, Imam là một tước vị cao hơn cả người hướng dẫn dâng Lễ nguyện cộng đồng. Các Imam trở thành những bậc không bao giờ sai lầm, những bậc trung gian giữa người dân và Allah. Họ là những vị đã được công nhận có hiểu biết và quyền hành siêu phàm, xứng đáng được đứng ngang hàng với cả Nabi (saw) nữa.

Hệ Shi’ah được chia thành một số chi phái và chi phái lớn nhất có thể kể là chi phái « Mười hai Vị » bắt nguồn việc sùng bái ‘Ali’ (R) được kế nghiệp bởi 11 vị Imam nam giới. Vị Imam thứ 12 tên Muhammad đã đi ẩn lúc 4 tuổi năm 873 TL, khởi đầu một thời kỳ vắng mặt dài hạn. Người Shi’y rất tin vị Imam đi ẩn này (còn được mệnh danh là Mahdi) đang chờ một thời điểm có điềm tốt để tái xuất hiện. Việc trở lại của Vị Imam này sẽ đánh dấu công cuộc tái lập một nhà nước thuần khiết và công chính, một mẫu sao lại của Ummah lý tưởng của Nabi (saw). Trong lúc Imam này đi ẩn, người Shi’y được lãnh đạo bởi các Ayatollah (dấu ấn của Allah), là các bậc thầy được tín nhiệm và được huấn luyện tốt để diễn dịch giáo luật và các tín điều cho các cộng đồng của họ, như trường hợp tại nước Iran ngày nay…

Masjid Karbala (Iraq)

Do kết quả của triều đại Safawi tại Iran, chi phái 12 Vị là dạng thức chế ngự của Islam tại Iran và các vùng lân cận tại Iraq. Qum và Karbala là các thành phố thánh thiện tại Iran và Iraq.

5)- Chỉ có một Ummah Islam

Tóm lại, tôn giáo Islam bao giờ cũng vẫn là một, bao giờ cũng tập trung chủ yếu ở Đức tin bất di bất dịch vào Allah, Thượng Đế Duy nhất, Đấng Tạo Hóa Toàn Năng và Toàn Tri mà người Muslim tôn vinh và tôn thờ dưới sự dẫn dắt của Nabi Muhammad (saw), Vị Rasulullah cuối cùng đã lưu lại Thiên kinh Qur’an với toàn bộ sunnah (các hadith) để người Muslim dùng làm « Kim Chỉ Nam » hành đạo. Trong việc áp dụng Sunnah (các hadith), người Muslim được sự soi sáng của một số vị Ulama, những nhà bác học dày công nghiên cứu Giáo Luật được Cộng Đồng công nhận và các vị Imam đứng đầu các Madhahab nhưng chỉ trong mức độ soi sáng hành đạo cho đúng con đường Ngay Chánh như đã ghi trong thiên kinh Qur’an. Người Muslim nhất thiết và tuyệt đối không bao giờ tôn thờ các vị Imam này, hoặc tự khép mình trong khuôn khổ một Madhahab và cho người Muslim thuộc Madhahab khác không phải Muslim. Vì Thiên kinh Qur’an đã ghi rõ, mọi người Muslim đều là anh em.

Trích từ quyển « Đạo Islam, Đức tin và Ứng dụng »

Của nguyên tác : Hammudah Abdalati

Do Dohamide Abu Talib biên dịch


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 731 Tổng lượt truy cập 2983475