-Chân Lý Islam | baiviet | PHÂN TÍCH | CHẾ ĐỘ ĐA THÊ? (Phần 1)
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
CHẾ ĐỘ ĐA THÊ? (Phần 1)
27.03.2008 02:28 - đã xem : 4565
_VIEWIMG
Dọc theo lịch trình tiến hóa của xã hội loài người, và theo từng thời kỳ người ta xác định được ba chế độ : 1. Chế độ đa thê tức nhiều vợ ; 2. Chế độ đa phu tức nhiều chồng ; 3. Chế độ nhiều vợ đồng thời nhiều chồng. Chế độ thông thường nhất là chế độ đa thê, một chế độ cho đến ngày nay vẩn còn tồn tại, nhưng được giới hạn trong một thiểu số dân chúng do bởi các nguyên nhân khác nhau. Và đây là khuôn mẩu duy nhất được tôn giáo Islam cho phép ; còn hai chế độ còn lại thì Islam tuyệt đối nghiêm cấm.

Theo Do Thái và Thiên chúa giáo thì họ nói rằng chỉ chủ trương một vợ một chồng và cực lực bài bác chế độ nhiều vợ, thật ra hoàn toàn chưa đúng lắm. Một vài học giả Do thái lổi lạc như D. Gotein chẳng hạn đã tiết lộ cho chúng ta biết những người di dân Do thái nhiều vợ đã gây cho nhà hửu trách Israel (chuyên trách gia cư) nhiều khó khăn và bối rối (Tham chiếu : Quyển Jews and Arabs : Their contáct through the ages. New York, Schoken Books, 1964).

Quan điểm của người theo đạo Thiên chúa Mormon cũng được nhiều người biết. Quan điểm của các Giám mục Á-Phi cũng vậy, đã cho thà là đa thê còn hơn là ngoại tình, thông dâm và trao đổi vợ chồng. Chỉ riêng tại Hoa-Kỳ, ước lượng đa có hàng trăm trăm ngàn người bạn đời chuyên trao đổi cho nhau…

Người ta còn nhận thấy có mối tương quan cao giữa chế độ độc thê hình thức triệt để và mức độ thường xuyên của nạn mãi dâm, nạn đồng tính luyến ái, nạn ăn ở không chính thức, nạn ngoại tình, và tính buông thả tổng quát về tình dục. Thành tích lịch sử của các nền văn minh Do thái – Thiên chúa còn bộc lộ rõ về phương diện này cũng như mọi lịch sử xã hội học tiêu chuẩn đã cho thấy rõ.

Trở về Islam, người ta thấy chế độ nhiều vợ đã được thực hiện xuyên qua lịch sử nhân loại, do các vị Nabi như Ibrahim (Abraham), Ya’qub (Jacob), Đa’ud (David), Sulayman (Solomon)…, các vị vua và thống đốc, những thường dân Đông và Tây trong các thời cổ xưa cũng như thời cận đại. Ngay cả ngày nay, việc có nhiều vợ được thực hiện trong số những người Muslim cũng như không phải Muslim dưới nhiều hình thức khác nhau, một số thì hợp pháp, một số không hợp pháp và đạo đức giả, một số bí mật và một số thì công khai. Nó không đòi hỏi phải tìm kiếm ở đâu và xem mới thấy được một số lớn người đã có vợ mà vẩn duy trì bồ bịch riêng lẻ, hoặc đi lại với người yêu lẻ, hoặc đơn giản nhập nhằng với những người phụ nữ khác…

Trong thời kỳ các huyền khải Thánh Kinh, chế độ nhiều vợ đã được chấp nhận chung và thực hiện. Nó được chấp nhận về mặt tôn giáo, xã hội và luân lý ; và đã không có phê phán về điều đó. Có lẻ vì lẻ này mà Thánh Kinh không đề cập đề tài này, bởi lẻ nó là một sự kiện thực tế, theo lẻ thường tình. Thánh Kinh không cấm việc này hoặc quy định nó hoặc ngay cả giới hạn nó. Một số người đã diển dịch như là một chế tài mà về mặt này không thể tin cậy được.

Khi Islam được đại diện bởi Nabi Muhammad (saw), việc có nhiều vợ đac có tính thông thường và đã ăn sâu mọc rể trong đời sống xã hội. Thiên kinh Qur’an đã không lơ là nạn đó hoặc từ bỏ nó, hoặc để cho nó tiếp tục mà không bị ai kiểm soát hoặc không bị hạn chế. Thiên Kinh không thể lảnh đạm với vấn đề hoặc dung túng sự xáo trộn và tính vô trách nhiệm được kết hợp với nạn đa thê. Khi mà nó cộng tồn với tập tục xã hội và các thói quen, Thiên Kinh Qur’an đã xen vào để tổ chức định chế và gọt giủa nó theo phương hướng nhổ tận gốc rể các tội lỗi của nó và đảm bảo các lợi ích của nó. Sự can thiệp rộng lượng của Thiên kinh Qur’an đã giới thiệu vào các quy định sau đây :

1.     Chế độ nhiều vợ có thể được cho phép với một số điều kiện và trong một số trường hợp. Nó là một sự cho phép có điều kiện, và không phải là một điều khoản của Đức tin hoặc một vấn đề cần thiết.

2.     Việc cho phép này có giá trị với mức tối đa là bốn người vợ. Trước thời Islam, đã không có giới hạn hoặc bảo đảm về mặt nào cả.

3.     Người vợ thứ hai và thứ ba, nếu lấy, thì được hưởng cùng các quyền hạn và đặc quyền như người vợ thứ nhất. Bình đẳng giửa những người vợ trong đối xử, trong thức ăn thức uống, và trong sự sủng ái là một điều kiện đòi hỏi phải có trước hết của chế độ nhiều vợ và là một điều kiện phải được làm tròn bởi những ai duy trì hơn một người vợ. Bình đẳng này tùy thuộc nhiều vào lương tâm trong lòng của cá nhân có liên quan.

4.     Sự cho phép này là một biệt lệ đối với lệ thông thường. Nó là phương cách cuối cùng, là cố gắng sau cùng để giải quyết một số vấn đề xã hội và đạo đức, và để xử lý các khó khăn không thể né tránh được. Nói tóm lại, nó là một biện pháp khẩn cấp, và nó phải được giới hạn trong ý nhhĩa đó, như Thiên kinh Qur’an có ghi như sau : « Và nếu các người sợ không thể đốưi xử công bằng với con (gái) mồ côi, hãy cưới những phụ nữ (khác) mà các người vừa ý hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn. Nhưng nếu các người sợ không thể (ăn ở) công bằng với họ (vợ) thì hãy cưới một bà thôi hoặc người (phụ nữ) nào ở dưới tay (kiểm soát) của các người. Điều đó thích hợp cho các người hơn để may ra (vì thế) các người tránh được bất công ». S. 4 : 3

Đoạn kinh trên đã được mặc khải sau trận đánh Uhud, trong đó nhiều người Muslim bị giết, để lại những người vợ góa và những trẻ mồ côi mà những người Muslim sống sót phải nhận lảnh gánh nặng. Hôn nhân là một phương cách bảo vệ những góa phụ và trẻ mồ côi này. Thiên Kinh Qur’an đã cảnh giác và đưa ra sự chọn lựa đó để bảo vệ các quyền lợi của các trẻ mồ côi và ngăn ngừa những người giám hộ gây bất công cho những người tùy thuộc họ.

Trong bối cảnh trên, hiển nhiên người ta thấy rõ, Islam không sáng tạo ra chế độ nhiều vợ, và khi đưa vào các qui định trên, Islam không khuyến khích nó như là một quy lệ. Thiên Kinh không hủy bỏ nó, bởi lẽ nếu nó bị hủy bỏ thì có thể chỉ là về mặt lý thuyết mà thôi, và người dân vẩn tiếp tục thực hiện như được quan sát thấy ngày nay giữa các dân tộc khác mà các hiến pháp và các tiêu chuẩn xã hội không chấp nhận chế độ nhiều vợ. Islam đến là để được củng cố, để được sống, để được thực hành, chớ không phải để treo lơ lửng hoặc bị xem như là lý thuyết suông…

Islam thiết thực và quan niệm của Islam về cuộc đời có tính thực tế nhất, và đó là lý do tại sao Islam chấp nhận chế độ nhiều vợ có điều kiện và bị hạn chế ; do bởi nếu muốn phục vụ quyền lợi tối đa của toàn nhân loại…

Có nhiều lý do để Allah cho phép những người Muslim có chế độ nhiều vợ. Các lý do này đầy dẩy và có thể được thấy mỗi ngày và ở khắp mọi nơi trong xã hội bình thường :

1/. Trong một vài xã hội, số lượng phụ nữ nhiều hơn nam giới : Điều này đặc biệt đúng với các vùng kỷ nghệ và thương mại, và tại các nước bị lôi cuốn vào chiến tranh. Bây giờ, nếu một xã hội Muslim bị rơi vài loại này, và nếu Islam phải cấm đoán chế độ nhiều vợ này và hạn chế hôn nhân hợp pháp chỉ có một vợ mà thôi thì những phụ nữ không chồng sẽ ra sao ? Họ sẽ tìm được bạn đời ở đâu và như thế nào ? Họ sẽ tìm được thiện cảm, hiểu biết, yểm trợ và che chở ở đâu và bằng cách nào ? Rắc rối của vấn đề không phải chỉ mang tính vật chất đơn thuần ; các rắc rối còn tác động cả về các mặt tinh thần, tình cảm, xúc cảm, và tự nhiên nữa. Mỗi người phụ nữ bình thường, dù ở trong ngành nào, doanh nghiệp, ngoại giao, hành chánh… thì đều ước vọng có một mái nhà, một gia đình của chính bản thân mình. Người phụ nữ luôn cần một người đàn ông bên cạnh để yêu và được yêu, để chăm sóc và được chăm sóc. Nàng mong mỏi được tùy thuộc về mặt xã hội và gia đình… Ngay cả khi chúng ta nhìn vào sự việc từ một nhản quan vật chất triệt để đi nữa, thì các rắc rối vẩn rất nghiêm trọng, và chúng ta không thể lơ là chúng ; nếu làm khác đi thì các xúc cảm tâm lý, các sự chán chường xã hội, và các tính bất ổn tâm thần sẽ phát triển như là các kết quả đương nhiên của việc bỏ mặc vấn đề không giải quyết.

Các thèm khát tự nhiên và các ước vọng tình cảm này phải được thực hiện. Các nhu cầu tùy thuộc và chăm sóc này bằng một cách thức nào đó phảiđược thỏa mản. Các phụ nữ trong tình trạng như thế thường không biến đổi bản chất của mình hoặc sống một cuộc sống thiên thần. Họ cảm thấy họ có mọi quyền hạn để hưởng dụng cuộc sống và đật được chia phần của mình. Nếu họ không đạt được theo nền nếp hợp pháp và đứng đắn, thì họ cũng không bao giờ không đi tìm các ngỏ lối khác, mặc dầu có rủi ro và có tính tạm thời. Rất ít phụ nữ có thể sống mà không có người bạn đường nam giới. Đại đa số áp đảo các phụ nữ không lập gia đình trong một xã hội như thế tự tìm lấy con đường của riêng bản thân để gặp được người đàn ông của mình. Họ lao vào các buổi liên hoan dạ hội xa hoa, tổ chức các tiệc trà thân mật, tham gia các đại hội doanh nghiệp… Kết quả của cuộc săn tìm đuổi bắt vô vọng này không phải bao giờ cũng mang tính đạo đức hoặc đứng đắn. Một số đàn ông có vợ có thể săn đón mời gọi một số phụ nữ và nàng cũng nổ lực chinh phục chàng theo cách này hay cách khác, đưa dẩn đến những cuộc sống vụng trộm, sa đoạ, gây ra các thảm trạng gia đình, làm mục nát từ bên trong tinh thần và đạo lý trong xã hội. Có những người vợ hiền bị ruồng bỏ, con cái bơ vơ, cuộc sống gia đình tan nát…

Người phụ nữ tìm gặp được người bạn đời trong hoàn cảnh như thế không có được chút nào an toàn hoặc phẩm cách hoặc thứ quyền hạn nào cả. Người bạn tình tạm bợ có thể sống với nàng, bảo bọc nàng, tới lui quà biếu thường xuyên chan chứa bao nhiêu tình cảm ngọt bùi với nàng. Nhưng thử hỏi người phụ nữ đó được đảm bảo gì không ? Làm sao nàng có thể ngăn cản chàng một ngày nào đó không còn tới lui nữa vì chán chê, vì không còn điều kiện vật chất cung phụng đều đặn cho nàng nữa. Có thể kêu gọi nơi đạo lý ? Lương tâm ? Luật pháp ? Không thể dựa vào cái gì được hết ; tất cả đều đã bị dẹp sang một bên khi họ dấn thân vào cuộc phiêu lưu tình cảm tội lỗi ; lương tri đã bị làm tê liệt khi họ lăn xả vào các cuộc truy hoan chống lại các Quy Lệ của Thượng Đế ; Luật của xã hội chỉ công nhận cuộc sống chung với người vợ của mình mà thôi. Do đó,  người đàn ông có thể tận dụng khe hở này để hưởng thụ và khi đã chán chê thì bỏ đi và lại tái diển cùng thảm trạng đó với người phụ nữ khác, không có trách nhiệm, không có nghĩa vụ nào cả.

Mặt khác, không ai có thể khẳng định tất cả người đàn ông đều hạnh phúc, thành công, và thỏa mản trong cuộc sống hôn nhân hết cả. Dù là do lỗi của bản thân hay lỗi của vợ, người đàn ông thiếu hạnh phúc này sẽ đi tìm một tình yêu, một nguồn an ủi ở một người phụ nữ khác. Điều này dể dàng trong xã hội trai thiếu gái thừa. Nếu không thể tìm được qua lề lối đứng đắn, lương thiện, y cũng có thể vận dụng mọi thủ thuật đưa đến các hậu quả bất chánh, sa đọa, tội ác. Đó là các sự kiện xấu xa và cay đắng, nhưng là những vấn đề thực tế và gay go cần được giải quyết trong phương cách tạo nên an toàn cho cá nhân (nam cũng như nữ) và bảo vệ xã hội.

Giải pháp mà Islam đề xuất về mặt này là việc cho phép người chồng không hạnh phúc và không thỏa mản này cưới một người vợ thứ hai và công khai sống với người vợ này trong tinh thần trách nhiệm và hoàn thành mọi nghĩa vụ một cách bình đẳng đối với người vợ thứ nhất và người vợ thứ hai. Điều này giúp những người phụ nữ không có gia đình thỏa mản các nhu cầu của mình, thực hiện các ước mong và hoàn thành các ước vọng chánh thức và các thèm khát tự nhiên của mình. Nó cho phép họ kết hợp với người đàn ông bằng hôn nhân và hưởng thụ tất cả các quyền hạn của người vợ hợp pháp. Theo hướng này, Islam không cố né tránh hoặc lơ là vấn đề nêu lên trong xã hội. Đây là giải pháp thiết thực và chân thành, thẳng thắn, thực tế và đứng đắn. Islam đề xuất giải pháp trên vì đã không dung túng đạo đức giả trong các quan hệ của con người. Islam không chấp nhận một người đàn ông có một vợ hợp pháp và thực tế thì sống không chánh thức, ăn vụng với bao nhiêu người phụ nữ khác nữa. Islam quyết liệt chống lại các quan hệ ngoại tình tội lỗi và không dung dưỡng tội này. Hình phạt đối với những người ngoại tình cả nam lẩn nữ đều nghiêm khắc đến mức tử hình và hình phạt đối với những người gian dâm cũng hết sức nặng nề. Với việc lên án đạo đức giả, việc cấm ngoại tình, thông dâm, thì không có giải pháp nào khác hơn là cần cho phép lấy nhiều vợ hợp pháp. Và đó là điều Islam đã làm với các quy luật và điều kiện nêu trên.

Có người sẽ nêu lên giải pháp tự chế và khắc phục bản thân về mọi phương diện, nhưng Islam không chấp nhận khuynh hướng dồn nén này ; mối quan tâm chủ yếu của Islam là duy trì phẩm cách và an toàn cho cá nhân, và bảo vệ tính chánh trực và đạo lý của xã hội.

Ở đây, người ta đứng trước hai ngã đường phải lựa chọn ; một là cứ để cho sự xáo trộn và phong cách vô trách nhiệm làm băng hoại các nền tảng của xã hội và hai là thực hiện con đường của Islam. Có phải chăng vì quyền lợi của xã hội mà người ta làm ngơ trước các vấn đề gay cấn nhất, dung túng đạo đức giả không đoan chính và bỏ qua nạn ngoại tình và thông dâm vụng trộm tội lỗi ? Chắc hẳn là trên thực tế, con người ta không bao giờ có thể ngăn triệt được các thèm khát tự nhiên của người nam lẩn người nữ hướng về cuộc sống lứa đôi, và nếu có tìm cách ngăn nén đi nữa thì cũng sẽ dẩn dắt đến con đường núp lén thiếu đoan chính mà thôi. Dù xét vấn đề dưới góc độ nào – xã hội, đạo đức, nhân đạo hay tâm linh… người ta cũng sẽ nhận thấy rằng tốt hơn là xã hội nên cho phép các cá nhân kết hợp với nhau trên căn bản hợp pháp và theo nền nếp có trách nhiệm, dưới sự bảo vệ của Luật Pháp và dưới quyền giám sát của các nhà cầm quyền có liên quan.

Ngay khi người ta xem xét vấn đề theo quan điểm người phụ nữ, thì rõ ràng là về phương diện này, Islam đã đảm bảo cho người phụ nữ sự tôn trọng cần có, đẩm bảo cho họ các quyền hạn và tính toàn vẹn, công nhận ước muốn chung sống vợ chồng chánh thức, ban cấp cho họ chổ đứng trong xã hội, nơi mà họ có thể tùy thuộc, và cho họ các cơ hội để chăm sóc cho người mà họ thương yêu và để được chăm sóc trở lại. Điều này có thể một phần nào không làm hài lòng người phụ nữ đã có chồng và gây ra khó chịu khi thấy một người phụ nữ khác cùng chia xẻ cuộc sống vợ chồng của họ cùng các sự che chở và sự đối xử thân thương ân cần của riêng họ. Nhưng người phụ nữ cam cảnh không chồng hoặc không có bạn đời có điều kiện để họ đặt trọn niềm tin vào thì sao ? Người ta có thể lờ đi về sự hiện tồn của họ chăng ? Và đặt trường hợp người phụ nữ có chồng rồi lại không may rơi vào cảnh những chị em không có chồng thì sao ? Họ có chịu chia xẻ mỗi người một nửa ông chồng hay không, nếu họ không có được một ông chồng trọn vẹn ? Họ sẽ cảm thấy thế nào khi được biết ông chồng  trọn vẹn duy nhất của họ trong đời đang tư tình vụng trộm với những phụ nữ khác ? Một ông chồng như thế chỉ là một sự mất mát và là một sự đe dọa. Ông ta chỉ là một kẻ bần tiện và tồi tệ mà thôi. Nhưng liệu những lời lẽ lên án thậm tệ các ông chồng loại này có trợ giúp được ai không ? Chính người phụ nữ - người vợ chánh thức cũng như người bạn tình núp lén - mới đau khổ do sự trạng trên.

Do đó, có phải tốt hơn cho mọi người phụ nữ có liên quan, cùng chia xẻ đồng đều với nhau sự chăm sóc và hổ trợ của người đàn ông, đồng thời cũng hưởng được cuộc sống chung đôi và cùng được luật pháp bảo vệ ngang hàng nhau ? Chính là để bảo vệ tất cả các bên có liên quan, để đánh bại tính dâm ô, để ngăn ngừa tai hại như thế và cứu vớt các tâm hồn khỏi các thương tổn mà Islam xen vào và cho phép người đàn ông đã có vợ lại cưới vợ nếu có lý do tốt lành hoặc chánh đáng, nhưng với điều kiện phải đối xử ăn ở công bằng ngang nhau.

2/. Trong một số hôn nhân, người vợ có thể  không có khả năng sanh con vì lý do này hay lý do khác. Việc lập gia đình, theo ý nghĩa đầy đủ của từ ngữ, là để đóng góp vào sự bảo tồn giòng giống, nên sự hiện diện của con cái là điều căn bản. Đó là một trong các mục đích chủ yếu của hôn nhân và là thèm muốn của người đàn ông để bảo tồn giòng họ của mình và tăng cường các mối ràng buộc gia tộc. Trong một tình trạng như vậy, người đàn ông có một trong ba giải pháp : a)- Lãng quên và hủy diệt thèm muốn có con nối dõi, hoặc b)- Ly dị người vợ không con, có những quan hệ bất chánh với những người phụ nữ khác ; hoặc c)- Lập con nuôi lấy họ mình.

Không có giải pháp nào kể trên phù hợp được với quan niệm tổng quát của Islam. Islam không khuyến khích hoặc chấp thuận triệt tiêu thèm muốn chánh đáng và ước vọng tự nhiên của bất cứ ai cả. Islam chỉ giúp thực hiện các ước vọng và thèm muốn này trong một nền nếp đứng đắn và hợp pháp, bởi lẽ sự triệt tiêu trong trường hợp đó không phải là thành phần của hệ thống Islam. Ly dị trong trường hợp này cũng không thể biện minh được, bởi lẽ không phải là lỗi tại người vợ mà nàng không thể có con. Ngoài ra, ly dị là một điều đáng ghét nhất dưới cái nhìn của Thượng Đế ; nó chỉ có thể được phép khi không có giải pháp nào khác mà thôi. Mặt khác, người vợ có thể cần sự hổ trợ và sự chung sống với người chồng. Thật là tàn ác khi để người vợ phải ra đi trong khi nàng có nhu cầu cần được chăm sóc, giúp đỡ và chung sống.

Việc lập con nuôi cũng bị đặt ra ngoài vấn đề, bởi lẽ Islam đã ban lệnh mỗi đứa bé phải được gọi theo họ tên thực sự của người cha mà thiên kinh Qur’an có nhắc nhở như sau : «Allah không đặt hai quả tim trong lòng của một người. Ngài cũng không biến những người vợ mà các người cho là giống cái lưng của mẹ của các người thành mẹ ruột của các người. Ngài cũng không làm cho con nuôi của các người thành con ruột. Đấy chỉ là lời nói thốt ra từ của miệng của các người trong lúc Allah nói sự thật. Và Ngài chỉ dẫn con đường chân chính. _ Hãy gọi chúng (con nuôi) theo tên của người cha ruột của chúng. Cách gọi đó vô tư hơn đối với Allah. Nhưng nếu các người không biết tên thật của người cha của chúng thì chúng là anh em với các người trong đạo và là người nô lệ được giải phóng của các người, và các người không có tội nếu các người nhầm lẫn trong việc xưng hô này. Ngược lại, điều đáng tội là khi các người có ý xấu trong lòng. Và Allah Hằng Tha thứ, Hằng Khoan dung. » S. 33 : 4-5

Việc nhận con nuôi như được thực hiện ngày nay không phải là phương cách tốt để cho đứa trẻ sống được cuộc sống an toàn và thịnh vượng. Không một ai có thể thực sự và hoàn toàn thay thế người cha và người mẹ thật được trong cuộc sống. Qua các vụ kiện tại các tòa án ngày nay, hàng ngày có bao nhiêu trường hợp tranh chấp giữa các gia đình, trong đó các cha mẹ ruột đòi lại con của mình nguyên đã được các gia đình xa lạ nhận làm con nuôi và phải sống trong các môi trường hoàn toàn xa lạ ? Một đứa trẻ sẽ suy nghĩ ra sao khi đến tuổi trưởng thành mới biết rằng cha mẹ ruột của mình đã cho mình cho người khác nuôi dưỡng, hoặc không biết cha mẹ thật của mình là ai ? Có phải chúng sẽ là người xa lạ, lấy họ của người dưng nước lã và bị đặt vào hoàn cảnh nối nghiệp những người mà thật ra chẳng có họ hàng thân thuộc gì cả.

Bao nhiêu vấn đề phức tạp được nêu lên. Định chế lập con nuôi do đó gây biết bao nhiêu tai hại cho đứa trẻ, cho các bậc cha mẹ, dù là thật hay nuôi, cho các quan hệ của gia đình nhận con nuôi và cho cả xã hội nói chung. Việc lập con nuôi là một trong các nguyên nhân chủ yếu khuyến khích nhiều người dấn thân vào các hành động và các quan hệ bất chánh, vô trách nhiệm. Ngày nay, nó lại còn được thương mãi hóa nữa là khác. Vì những tai hại trên, Islam không chấp nhận hoặc dung dưỡng định chấ lập con nuôi trong những người Muslim.

Sau khi loại trừ ba lối thoát với các lý do trên, Islam đề xuất giải pháp của chính mình. Islam cho phép người đàn ông trong tình trạng như thế được cưới vợ nữa để đáp ứng các nhu cầu tự nhiên của mình và đồng thời duy trì người vợ không con của mình, vì chắc hẳn người vợ này lúc đó còn cần người chồng hơn bao giờ hết. Một lần nữa, đây là một sự cho phép, một hành động mà một người tuyệt vọng phải làm, thay vì lập con nuôi, ly dị hoặc triệt tiêu một cách không tự nhiên các ước vọng của mình. Việc cưới hỏi này là một lựa chọn thích ứng nhất, một lối thoát cho một tình huống khó khăn để giúp con người sống một cuộc sống bình thường và được đảm bảo trên mọi trạng thái. (Còn tiếp)

Trích từ quyển « Đạo Islam - Đức tin và các ứng dụng »

Nguyên tác tiếng Anh của HAMMUDAH ABDALATI

Do DOHAMIDE ABU TALIB biên dịch


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 8236 Tổng lượt truy cập 3158971