-Chân Lý Islam | baiviet | GIẢI ĐÁP GIÁO LÝ | CHỦ ĐỀ 4 : ĂN XIN VÀ NHỮNG NGHỀ NGHIÊM CẤM
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
CHỦ ĐỀ 4 : ĂN XIN VÀ NHỮNG NGHỀ NGHIÊM CẤM
15.04.2008 13:21 - đã xem : 2465
_VIEWIMG
Người Muslim không được phép trốn tránh lao động để kiếm kế sinh nhai, nhất là không được viện cớ chỉ dành trọn cuộc đời trong việc tu hành vì tôn thờ Đấng Thượng đế. Và người Muslim cũng không được phép để bản thân lệ thuộc vào những sự bố thí của thiên hạ, trong khi vẩn có khả năng mưu sinh cho bản thân và cho nhu cầu của gia đình thông qua nổ lực riêng của mình, bởi vì tiền bạc chắc chắn không thể bổng nhiên mà rơi từ trên trời xuống…

Về mặt này Nabi Muhammad (saw) đã nói : « Cấm (Haram) không được bố thí cho những người giàu có cũng như những người thân thể lành lặn có khả năng lao động để nuôi sống bản thân ». Hadith do Tirmidhy ghi lại.


Như vậy, Nabi Muhammad (saw) đã xác định, người Muslim đi xin người khác mà không có sự cần thiết là « HARAM », vì việc ăn xin là đánh mất danh dự và phẩm cách của con người, và Nabi Muhammad (saw) còn nói : « Những ai ăn xin mà không có nhu cầu cần thiết cũng giống như một người nắm trong tay một cục than đang cháy ». Do Al Bayhaqy và ibn Khazimah tườn thuật trong quyển Sahih.  


Và Allah có phán : « Ngài (Allah) là Đấng đã làm ra trái đất cho các người sử dụng. Do đó, hãy băng qua các nẻo đường của nó và dùng thực phẩm của Ngài. Và sự phục sinh sẽ trở về với Ngài ». S. 67 : 15


Một hadith khác Nabi Muhammad (saw) đã nói : « Những ai ăn xin người khác để làm thêm giàu có thì gương mặt của họ sẽ bị cấu xé vào Ngày Phục Sinh, và họ sẽ ăn đá cháy đỏ từ địa ngục. Do đó, hãy để y làm giảm nó (trừng phạt) và hãy để y gia tăng tùy thích (điều này có nghĩa là tùy y làm giảm trừng phạt bằng cách đừng ăn xin và ngược lại) ». Hadith do Tirmizy ghi lại.


Và Nabi Muhammad (saw) lại còn nói : « Một người tiếp tục ăn xin cho đến khi gặp Allah (vào Ngày Phục Sinh) thì sẽ không còn thịt trên mặt nữa ». Hadith do Al Bukhary và Muslim ghi lại.


Với những lời răn bảo như thế, Nabi Muhammad (saw) có dụng ý huấn luyện người Muslim bảo toàn phẩm cách của mình, phát huy tự chủ và tránh xa lệ thuộc kẻ khác.


Khi nào được phép ăn xin.


Tuy nhiên, nếu bị áp lực của sự nhu cầu cần thiết mà phải bị ép buộc cầu xin nơi chánh quyền hoặc một cá nhân nào đó trợ giúp, thì người đó không tội lỗi gì cả. Vì Rosul (saw) có nói : « Ăn mày cũng giống như cào cấu thịt da trên mặt các người. Do đó, nếu có ai muốn cứu vãn gương mặt thì phải nên tránh việc đó, ngoại trừ việc cầu xin nhà cầm quyền hoặc cầu xin trong trường hợp cần thiết ». Hadith do Abu Dawud và Al Nisai ghi lại.


Trong quyển Sahid Muslim đã kể lại lời nói của Abu Bishr Qubaysah ibn al-Makharaf như sau : « Ta đồng ý đóng ‘Himlah’ (món tiền thanh toán cho hai bên đang tranh chấp để giải hòa giữa họ) và đến xin Rosul (saw) trợ giúp. Rosul (saw) nói : - Hãy chờ đến khi tiền Sadakoh (tiền bố thí) được mang đến cho chúng ta thì Ta sẽ lấy cho các ngươi. Hỡi Qubaysah, không được phép xin tiền, ngoại trừ trong ba trường hợp như sau :


1. Đối với một người phải trả ‘Himlah’, người đó có thể xin thiên hạ giúp đỡ cho đến khi món tiền chỉ định được nhận đủ và lúc đó thì phải ngưng xin.


2. Đối với một người bị hoạn nạn và mất tài sản, thì y có thể được phép xin người khác giúp đỡ cho đến lúc có thể tự xoay sở được thì ngưng.


3. Đối với một người đói khát (phải có ít nhất từ ba người đáng tin cậy từ trong cộng đồng chứng nhận) thì người đó có thể cầu xin người khác giúp đỡ cho đến khi tự làm kiếm ăn được thì ngưng.


Ngoại trừ ba thành phần này, hỡi Qubaysah, ăn xin là lửa, là nuốt lửa ». Hadith do Abu Dawud và Al-Nisai ghi lại.


Phẩm cách của lao động.


Trong cuộc sống hàng ngày, có một số việc làm hoặc một số ngành nghề được một số người chê bai và cho đó là nghề nghiệp đáng khinh hoặc nghề nghiệp mất phẩm chất của con người. Nhưng Nabi Muhammad (saw) bác bỏ giá trị của khái niệm này. Người (saw) đã chỉ dạy các Sahabah rằng toàn bộ phẩm cách của con người được buộc chặt vào công việc làm của y, dù bất kể là công việc gì. Chỉ có sự hổ thẹn và việc làm bẽ mặt chính là việc lệ thuộc vào sự trợ giúp của người khác. Người (saw) còn nói : « Tốt hơn là nên lấy một dây thừng và mang về một bó củi trên lưng để đem đi bán mà Allah có thể bảo toàn danh dự của mình, còn hơn là ăn xin thiên hạ bất kể thiên hạ có cho mình hay từ chối không cho ». Hadith do Al Bukhary và Muslim ghi lại.


Cho nên, người Muslim có thể sinh sống bằng bất cứ nghề nghiệp nào, với sự tự lực cánh sinh mà không nhờ vã vào một người khác, nghề nào cũng quí miễn không dính dáng đến sự hổ trợ của người khác và việc làm mang tính cách Haram.


Islam khuyến khích hưởng lợi qua nông nghiệp.


Khi đề cập đến các Ân phước và Ân sủng của Allah, Thiên kinh Qur’an đã ghi lại các nguyên lý để tìm sự sống của con người, mà Allah đã trải rộng đất đai phì nhiêu để con người dùng vào việc cày cấy và sản xuất nông nghiệp như Ngài có phán như sau :


« Và Allah làm ra trái đất cho các người như một tấm thảm được trải rộng. Để cho các người đi lại trên những con đường thênh thang của nó ». S. 71 : 19-20


« Và trái đất mà Ngài đã trải rộng cho gia súc. Nơi đó mọc ra hoa quả và cây chà-là nặng trĩu hạt. Và lúa thóc với cộng rạ và hương thơm của cây cỏ ». S. 55 : 10-13.


Allah cũng đã cung ứng dồi dào nguồn nước cho những nô lệ của Ngài. Allah đã chuyển nước xuống mặt đất bằng phương cho mưa rơi xuống và làm cho nó chảy qua các dòng suối để làm sống lại mặt đất sau khi nó đã chết.


« Và Ngài là Đấng cho mưa từ trên trời xuống mà TA dùng làm mọc ra đủ loại thảo mộc, xong từ nó TA làm mọc ra cộng xanh tươi mà TA cho ra trái từng chùm ; và từ thân và cành cây chà-là, TA làm trổ ra từng chùm trái lủng lẳng, thấp và gần ; và có cả vườn nho, vườn trái ô-liu và vườn lựu, giống nhau (về trái hạt) nhưng khác nhau (về phẩm chất). Hãy nhìn ngắm trái của chúng khi chúng ra trái và khi trái chín. Quả thật, trong sự việc đó là các Dấu hiệu cho đám người có niềm tin ». S. 6 : 99.


« Thế con người hãy quan sát thực phẩm của y. Rằng TA xối nước (mưa) xuống dồi dào. Rồi, TA chẻ đất nứt ra thành mảnh. Bởi thế, TA làm ra trái giống mọc ra trong đó. Và trái nho và rau cải xanh tươi. Và trái ô-liu và trái chà-là. Và vườn trái cây rậm rạp. Và trái cây và cây cỏ. Làm lương thực cho các người và cho gia súc ». S. 80 : 24-32.


Ngoài ra, Allah đã chuyển gió, với ‘các tin mừng’ để cuốn đi các đám mây và rải hạt giống.


« Và TA đã trải rộng mặt đất (như một tấm thảm) mà TA đặt lên đó những quả núi vững chắc và cho mọc đủ loại cây trái theo cân lượng quân bình. Và nơi đó, TA đã làm ra phương tiện sinh sống cho các người và cho cả ai (sinh vật) mà các người không có nhiệm vụ cung dưỡng. Và không một vật gì mà kho tài nguyên lại không nằm nơi TA. Nhưng TA chỉ ban nó (thiên lộc) xuống theo định-lượng rõ rệt. Và TA gởi những luồng gió gieo tinh và cho mưa từ trên trời xuống. Rồi TA ban nó cho các người dùng để uống nhưng các người không phải là chủ nhân giữ kho chứa của nó ». S. 15 : 19-22.


Trong những câu kinh kể trên, có sự khuyến khích con người làm nông nghiệp, do bởi đã được làm dể dàng cho họ với tính cách là một Ân Sủng của Thượng Đế.


Nabi Muhammad (saw) đã nói : « Khi một người Muslim trồng một cây hoặc gieo gặt một vụ mùa, thì sẽ không có một con chim hoặc con người nào ăn mà không kể như là một việc thiện (đáng ân thưởng) cho y ». Do Al Bukhary và Muslim ghi lại.


 một hadith khác : « Khi một người trồng một cây, thì bất cứ một phần nào được ăn hoặc bị đánh cắp từ cây đó, thì cho đến Ngày Phục Sinh, đều được kể như là bố thí cho y ». Do Muslim ghi lại.


Ngụ ý của các ahadith kể trên là người trồng cây hoặc gieo thóc vẫn tiếp tục được hưởng ân thưởng chừng nào mà trái cây hoặc vụ mùa vẫn còn được hái ăn hoặc sử dụng, ngay cả khi y đã bán cho người khác.


Có một lần, một người đi ngang qua ông Abu al-Darda đang trồng một cây dâu. Người đó nói : - Với từng tuổi già này mà ông vẫn còn trồng cây hay sao, phải nhiều năm nữa cây này mới có trái được ?


Abu al-Darda trả lời : - Những người khác sẽ ăn trái của nó, và phần ân thưởng sẽ thuộc về ta.


Có một câu chuyện khác do một vị Sahabah (bạn đạo) của Nabi Muhammad (saw) thuật lại là có nghe Nabi (saw) nói : « Nếu một người nào trồng một cây, mà kiên trì bảo vệ nó, và chăm sóc nó cho đến khi nó ra trái. Allah Toàn Năng và Vinh Quang sẽ kể như là việc thiện cho y những gì mà trái cây được sử dụng vào ». Do Ahmad ghi lại.


Tuy nhiên, người Muslim không được trồng các loại cây có hại như cần sa, thuốc phiện… để dùng và buôn bán qua nó, dù la buôn bán cho những người không phải là Muslim, và ngay cả việc trồng nho là chuyện ‘Halal’ rồi bán cho những người chế biến nho thành rượu ‘Haram’ thì cũng không được phép. Bởi lẽ, người Muslim không bao giờ được phép tham gia hoặc đóng góp vào việc phổ biến những điều ‘Haram’.


Islam nghiêm cấm hành nghề ‘HARAM’.


Dĩ nhiên, Islam nghiêm cấm người Muslim làm một số ngành nghề và kỷ nghệ xâm hại đến tín ngưỡng, đạo đức, danh dự và phong cách tốt lành trong xã hội.


1/. Nghề mãi dâm.


Trong thời kỳ Jahiliyyah (tiền Islam), có một số người thường thu tiền các nô lệ nữ đem đến nạp hàng ngày không cần biết họ đã làm gì để có những số tiền đó. Phần lớn các nô lệ nữ này đều làm nghề mãi dâm, một số chủ nhân còn ép các nô lệ nữ làm nghề mãi dâm để thu lợi. Khi Islam đến, đã giải thoát các nô lệ nữ này khỏi gánh nặng hành nghề này, và Allah đã mặc khải như sau: “Và đối với những ai không tìm ra phương tiện để kết hôn, thì hãy kiềm chế (và giữ mình trong sạch) cho đến khi Allah sẽ làm cho họ giầu với thiên lộc của Ngài. Và những ai trong số những người (nô lệ) thuộc quyền sở hữu của các người đòi hỏi một chứng thư (trả tự do) thì hãy viết (nó) xuống cho họ nếu các người biết họ là người tốt và hãy ban cấp cho họ (tặng vật) từ tài sản mà Allah đã ban cho các người. Và chớ vì mục đích kiếm được món lợi trần gian mà ép buộc những phụ nữ nô lệ của các người hành nghề mãi dâm nếu họ muốn giữ tiết hạnh. Và ai đã lỡ ép họ làm điều đó thì sau việc cưỡng bách (họ hành nghề), thì (nên biết rằng) Allah tỏ lòng tha thứ và khoan dung (đối với nạn nhân của việc cưỡng bách)”. S. 24 : 33.


Theo tường thuật của Ibn Abbas, một tổ sư đạo đức giả thành Madinah là ibn Ubayy, đã dẩn một nô-lệ nữ xinh đẹp tên là Muadhah đến gặp Nabi Muhammad (saw) và nói: - Hỡi Rasulullah, nàng là đứa con côi, Nabi có thể cho phép nàng hành nghề gian dâm để nàng có thể kiếm tiền nuôi sống hàng ngày không? Nabi (saw) đã trả lời: - Không. (Tafsir của Fakhr al-Din al-Razy, quyển 23, trang 320)


Theo sự việc trên, chúng ta đã thấy rõ ràng là Nabi (saw) đã nghiêm cấm hành nghề ô nhục này, không cần biết nó mang lợi lộc đến bao nhiêu. Nabi (saw) hoàn toàn bác bỏ mọi đòi hỏi về nhu cầu, cảnh túng thiếu hoặc các mục tiêu khác để cho xã hội Muslim được thanh khiết, tránh các cách làm thoái hóa này.


2/. Khiêu vũ và các nghệ thuật dâm ô.


Islam cũng không cho phép các lối khiêu vũ khêu gợi dục tình hoặc các hoạt động dâm đãng khác, chẵng hạn như các bài hát gợi tình và thô tục, các vỡ kịch có tính cách khiêu khích dâm ô. Thực tế, Islam cấm mọi loại tiếp xúc tình dục và các quan hệ tình dục bên ngoài hôn nhân (Zinah). Hãy nên hiểu rằng, không phải chỉ riêng tội Zinah mới bị nghiêm cấm, mà đề phòng ngừa nó sẽ dẩn đến tội zinah, thì những hành động sinh hoạt nào trước đó (trước khi xãy ra tội zinah) có tính cách gần gũi để đến gần zinah thì bị nghiêm cấm, nghĩa là “Phòng bệnh còn hơn trị bệnh”.


3/. Hành nghề làm những pho tượng hoặc những nghề tương đương.


Islam cũng cấm làm nghề đúc các pho tượng hoặc buôn bán nó. Theo ông Sa’id ibn Abu al-Hasan đã thuật lại một câu chuyện như sau: “Ta đang cùng ngồi với Ibn Abbas thì có một người đi vào  và nói: - Hỡi Abbas, ta dùng hai bàn tay của ta đã làm ra các hình này (những pho tượng ông cầm trên tay) để sinh sống. Ông Ibn Abbas liền nói: - Ta chỉ nói những gì ta đã nghe Rasululloh (saw) đã nói: ‘Allah sẽ trừng phạt những ai làm các bức tượng cho đến khi nào người đó hà hơi làm sống được bức tượng, mà việc đó sẽ không bao giờ làm được.’ Thấy người đó vô cùng bất bình, Ibn Abbas nói tiếp: - Việc gì mà phải đau khổ? Nếu ngươi không làm các tượng hình này thì có thể thay thế bằng những hình ảnh khác như cây cỏ sông nước chẳng hạn.” Do Al Bukhary ghi lại.


4/. Chế biến rượu và ma túy.


Như đã ghi nhận, Islam cũng nghiêm cấm tham gia vào việc khuyến khích hay đề xướng các loại rượu, ma túy, thuốc phiện… dù là trong việc chế biến nhỏ, tiêu thụ hay những gì liên quan đến nó, đều là ‘haram’. Vì Nabi (saw) đã nguyền rủa mười loại người như sau: “Thực sự, Allah đã nguyền rủa ‘KHAMR’ và đã nguyền rủa ai làm ra nó, ai đã được cho, ai uống nó, ai mang nó ra đãi đằng, ai mang nó đến, ai được mang đến, ai buôn bán nó, ai hưởng lợi từ nó, ai mua nó, và đã được mua cho”. Do al Tirmizy và ibn Majah ghi lại.


Để kết luận, Islam không cho phép những ai có khả năng làm việc để sinh sống mà không chịu đi làm, chỉ ngồi ngữa tay ăn xin của người khác hoặc những việc tương đương, và khi hành nghề làm ăn để sinh sống cũng nên tránh những nghề có tính cách dẩn đến ‘HARAM’ trong giáo luật của Islam.


Cầu xin Allah ban cho chúng ta lành mạnh và tránh những chuyện dẩn đến không hài lòng của Đấng Chủ Tể của nhân loại, amine.


Trích từ sách “Halal và Haram’ trong Islam


của tiến sĩ Yusuf al-Qaradawi


do Musa Isa Pô Romê biên dịch


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3156624