CÔNG BẰNG 30.08.2007 15:39 - đã xem : 2444 CÔNG BẰNG Sự công bằng là điều căn bản rất quan trọng trong giáo lý Islam mà Allah phán như sau: "Ngài đã dựng vòm trời thật cao và đặt một cán cân * Ðể các ngươi đừng vi phạm việc đo lường * Hãy cân lường mọi vật thật công chính, và chớ cân lường thiếu hụt". Suroh 55: 7-9. Qua lời phán trên thì sự công bằng rất quan trọng mà tôn giáo Islam đă phát huy và đặt vào tâm não của con người. Những ai muốn được Allah hài lòng thì khi cư xử trong cuộc sống hàng ngày hay thực hành giáo luật phải hết sức tôn trọng lẽ công bằng. Bằng chứng thể hiện qua con người của Rosul (saw), lúc nào Người cũng xử sự thật công bằng mà mọi người đều biết qua sự dẩn chứng câu chuyện sau đây của bà Al Makzummiyah đã phạm tội ăn cắp : « ...Tất cả mọi người lo sợ bà ta sẽ bị hình phạt chặt tay nên họ muốn nhờ ông Ousamah con của ông Zaidu là người kề cận bên Rosul (saw) và được Người rất thương mến đến xin Rosul (Saw) giãm tội cho bà. Ông Ousamah không thể từ chối đành đến định thưa với Rosul (saw), nhưng vừa đến nơi chưa kịp nói thì Rosul (Saw) lên tiếng trước: - Họ nhờ cậu đến đây để xin với Ta giãm tội cho một người đã phạm luật do Allah đã qui định hay sao? Nói đến đây Rosul (saw) đứng dậy và tuyên bố trước mọi người: - Các người có biết những người của thế hệ trước kia đã bị tiêu diệt, là vì khi người có địa vị trong họ ăn cắp thì được tha, dân thường ăn cắp thì bị kết tội. Ta thề với Allah, nếu Fatimah con gái của Muhammad (con của ta) có ăn cắp ta vẫn chặt tay như mọi người. » Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại. Theo hadith trên đây là bài học quí giá cho toàn thể người muslim, vì sự công bằng không thể vì một lý do nào đó mà cân đo lượng định xử phạt khác nhau. Tất cả mọi người nếu phạm tội đều phải chịu hình phạt giống nhau. Qua lời phán của Allah như sau: "...Vì vậy chớ theo đuổi dục vọng mà hành động một cách bất công..." Suroh 4:135. Dục vọng sẽ làm mờ đi tâm não của con người, nên đôi khi vì dục vọng con người sẽ thay trắng đổi đen, chuyện đúng sửa thành sai, thật thành giả... mà quên đi sự công bằng. Nếu con người ở thế gian nầy (dù là người không có niềm tin) mà áp dụng triệt để sự công bằng thì dân chúng sẽ được bình an. Nhưng những người có niềm tin mà không chấp hành sự công bằng thì người đó sẽ không hưởng được gì ở trên đời nầy và cả Ngày Sau. Shiek Islam Ibnu Taymiya (R) nói : -Những điều mà người muslim nói và làm cần phải thông qua sự học hỏi hiểu biết, vì sự hiểu biết đi ngược với sự u tối, còn công bằng thì đi ngược với sự bất công. Những ai đã được Allah ban cho sự hiểu biết về luật công bằng và bất công, mà không thi hành thì sẽ bị đẩy rớt xuống cầu Srotrol mustakim vào Ngày Sau. Ông nói tiếp : Sự công bằng là liêm chính, còn sự liêm chính là sự chính trực trong tim. Còn sự bất công là đối nghịch với sự công bằng chính trực… Cho nên, những người mang tội không công bằng là những người tự họ bất công với chính họ. Người không công bằng thì không có chính trực, lòng không chính trực nên họ mới vấp phải những tội lỗi và sự bất công. Công bằng cao cả... Lỗi lầm lớn nhất của con người là làm những điều bất công với Đấng Tạo Hóa, một mặt họ tin là có Đấng Tạo Hóa, nhưng mặt khác họ tôn thờ những tác phẩm do con người tưởng tượng, họ tôn thờ những hình tượng vô tri vô giác, vô tình họ đưa những nhân vật tưởng tượng ấy lên ngang hàng với Đấng Tạo Hoá... Cho nên sự công bằng cao thượng và hợp lý nhất là con người chỉ tôn thờ duy nhất là Ðấng đã tạo ra họ, như Allah đã phán trong Surate Luqman như sau: "Và hãy nhớ lại khi Luqman bảo đứa con trai của mình : ‘Hỡi con yêu dấu ! Chớ tổ hợp (điều gì, vật gì) cùng với Allah (trong việc thờ phụng Ngài). Quả thật, tổ hợp những thần thánh cùng với Allah là một điều sai quấy to lớn." Suroh Luqman 31:13. Ông Mua'z ibnu Jabal thuật lại lời của Rosul (saw) : « -Quyền hạn của Allah đối với nô lệ là (con người phải) tôn thờ Ngài duy nhứt, không phản lại Ngài... » (Hadith Al Bukhory và Muslim) Những ai thi hành triệt để theo mệnh lệnh của Allah là những người thấu hiểu được lý thuyết công bằng và sẽ được Allah ân thưởng ở Ngày Sau. Ngược lại, những ai tôn thờ một người (hay vật) nào khác ngang hàng với Allah, thì họ đã bất tuân và phạm phải tội bất công và chối từ quyền hạn của Ðấng Tạo Hóa, nên họ trở thành kẻ phiến loạn và bất công. Imam công bằng... Những vị imam công bằng chính trực sẽ được Allah bảo vệ ở Ngày chờ đợi Phán Xét, bởi vì họ là những người công minh liêm chính, từ đó tạo ra cho dan chúng được bình an, không bận tâm lo âu vì đàn áp. Nhờ sự xử lý công bằng của họ mà ngày sau họ sẽ được những địa vị cao cả bên cạnh Ðấng Hồng Ân, như lời của Rosul (saw) đã nói với ý nghĩa: "Những người xử lý công bằng với cộng đồng, gia đình và mọi người... sẽ có một địa vị sáng chói bên cạnh Ðấng Hồng Ân, Ðấng Bác Ái ". Hadith do Muslim ghi lại. Sự công bằng chính trực với bản thân sẽ tạo ra những sự tốt lành, đức hạnh và tránh xa những điều xấu, tội lỗi... Còn những người bất công với bản thân, nghĩa là tự họ gây ra những điều tội lỗi như những người bỏ bê những giáo luật của tôn giáo, mà làm những điều cấm (haram), chính họ đã tạo nên sự bất công ở bản thân họ. Ngay cả những người đã tự khổ nhục ở bản thân họ trong việc hành đạo, đó cũng là điều bất công cho bản thân của họ, vì hadith của Rosul (saw) có nói: « Quả vậy, anh có phần đối với Allah, anh cũng có phần đối với bản thân anh, và anh cũng có phần đối với gia đình anh, nên hãy công bằng và chia sẽ những phần cho đều nhau. » Hadith do Al Bukhory ghi lại. Công bằng với thân nhân trong gia đình... Sự công bằng với thân nhân trong gia đình như: vợ, con gái, chị em gái thân thuộc... Hãy cho họ ăn học và hướng dẫn họ trên con đường nề nếp của Islam chỉ dạy, hãy tôn trọng quyền hạn, danh dự của họ... và hãy khuyên họ nên ăn mặc kín đáo khi ra đường hoặc khi đối diện với những người đàn ông lạ... Ngược lại nếu chúng ta không hướng dẫn họ theo đường lối sinh hoạt và cuộc sống của người phụ nữ muslimate thì chúng ta đã phạm phải tội bất công về cách cư xử với họ, và mang tội với Allah về sự vô trách nhiệm đó như một số bậc phụ huynh đã lơ là không nghĩ đến... Sự công bằng của cha mẹ với con cái cũng vậy, phải thương yêu đồng đều như nhau, không thể thiên vị mà thương đứa nầy nhiều hơn đứa kia, cho quà phải cho đồng đều chớ không ai hơn ai kém... Nếu cha mẹ không đối xử công bằng với con cái, đứa con sẽ có cảm tưởng là mình không được cha mẹ thương yêu... nên từ đó giữa con cái có sự ganh tỵ với nhau. Câu chuyện của Nabi Yusuf (A). Những anh em của Nabi Yusuf (A) nhận thấy người cha tỏ vẻ lo âu và thương yêu Nabi Yusuf (A) nhiều hơn họ, nên họ tìm cách ám hại Nabi Yusuf (A). Thiên kinh Qur'an kể lại như sau: "Khi (những người anh cùng cha khác mẹ của Yusuf) bàn với nhau: ‘Rõ ràng cha tụi mình yêu Yusuf và em của nó hơn tụi mình mặc dầu chúng ta đông và mạnh hơn. Chắc chắn cha tụi mình sai lầm rõ ràng. Hãy giết Yusuf hoặc bắt nó quẳng đi nơi khác, làm thế ân sủng của phụ thân của các anh sẽ dồn về hết cho các anh và sau biến cố này, (một thời gian không lâu) các anh sẽ trỡ thành một đám người tốt." Suroh Yusuf 12: 8-9. Ông A'mir thuật lại là ông nghe ông An Nouman ibnu Bashir (R) nói lúc ông đang giảng thuyết: "-Ba tôi đã cho tôi một món đồ, nhưng bà Umrotuh bintu Rowa'hah phản đối việc đó và xin ba tôi đến gặp Rosul (saw) để hỏi đúng hay sai. Chúng tôi cùng nhau đến gặp Rosul, và sau khi trình bày xong, Rosul (saw) hỏi ba tôi: -Vậy chớ ông bạn cho mỗi đứa con của ông hay chỉ cho một đứa ? Ba tôi trả lời: -Thưa tôi chỉ cho một đứa mà thôi. Rosul (saw) nói: - Hỡi ông bạn, hãy chính trực vì Allah mà cho mỗi đứa như nhau, chớ không được cho đứa nầy bỏ đứa kia. Khi nghe vậy ba tôi trở về và lấy lại món đồ đó, và không cho ai cả." Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại. Giáo lý Islam cũng kêu gọi những người có nhiều vợ phải đối xử công bằng trong việc chia phần, từ vật chất đến tinh thần, không được thương yêu hay thiên vị người vợ nầy mà đối xử bất công với người vợ kia, rồi tạo sự bất hòa giữa họ... Allah có phán: "…Nhưng nếu các người sợ không thể (ăn ở) công bằng với họ (các người vợ) thì hãy cưới một người mà thôi hoặc người (phụ nữ) nào ở dưới tay (kiểm soát) của các người. Điều đó thích hợp cho các người hơn để may ra (vì thế) các người tránh được bất công." Suroh An Nisa 4:3. Chỉ vì lý do sợ không đối xử công bình giữa các người vợ, Allah đã cấm đàn ông không được nhiều vợ, vì sự công bình là điều kiện đầu tiên trong việc cho phép nếu ai thi hành được, bằng không thì sẽ chịu trách nhiệm về tội bất công sau nầy. Cho nên sự cho phép với điều kiện chớ không phải vô ý thức mà tự do cưới nhiều vợ, giáo lý cho phép với điều kiện ai đó thi hành được, nếu không thì không nên, chỉ một vợ là tốt nhứt. Người ta đã hiểu lầm là Islam cho phép đa thê (cưới nhiều vợ); hoặc được quyền cưới đến bốn vợ mà không cần điều kiện gì !!! Thật tế thì thiên kinh Qur'an mà Allah đã phán, là Islam cho phép nhưng có điều kiện, trước tiên là sự công bằng, phụng dưỡng đồng đều, từ vật chất đến tinh thần... chớ không phải như một số người hiểu lầm hay lợi dụng mà không áp dụng đúng theo giáo lý, như vậy họ đã phạm phải tội bất công và ép bức người khác... Qua hadith sau đây Rosul (saw) đã nói : "Ai có hai vợ mà không thương yêu đồng đều, vào Ngày Phán Xét họ sẽ bị chịu hình phạt tội bất công". Hadith do Abu Dawud ghi lại. Rosul (saw) đã cảnh cáo cho những người có nhiều vợ, nếu đối xử không công bằng với vợ, thì Ngày Phán Xét họ sẽ bị Allah kết án về tội thiên vị, những người bị tội thiên vị giống như người có hai chân như mất một, đi đứng sẽ không cân bằng và thân hình như bị tách làm đôi... nên cần phải thận trọng trong việc đa thê. Công bằng trong mọi công việc... Ðối với người có trách nhiệm hay giám hộ chăm sóc, nuôi nấng con cháu mồ côi, phải tuyệt đối công bình chính trực trong việc bảo vệ gia tài của chúng, cho đến khi chúng trưởng thành và biết phân biệt giữa tốt và xấu (Halal và haram), lúc đó mới giao lại gia tài cho chúng. Qua lời phán của Allah: "Nếu kẻ nào biết mình sắp để lại con cái yếu ớt thì phải lo cho chúng. Trước hết hãy kính sợ Allah và ăn nói chân thật * Kẻ nào thâm thủng gia tài của các cô nhi một cách bất chính sẽ phải nuốt lửa vào bụng và sẽ bị thiêu thân trong lửa đỏ."Suroh An Nisa 9-10. Islam lên án gắt gao ngay cả những người làm chứng giả, đó là một trọng tội và bất công trong cuộc sống của con người, vì họ đã dùng những thủ đoạn hay lời nói của họ bằng mọi cách để chuyển hướng từ việc đúng thành sai, để gặt hái được sự mong muốn và thành công của họ. Rosul (saw) đã nói như sau: "Các người có biết, ba trọng tội trong Islam là: tội Shirk với Allah (hay đồng đẳng với Allah); bất hiếu với cha mẹ; làm chứng giả, làm chứng giả, làm chứng giả... Rosul cứ tiếp tục nói như vậy cho đến chúng tôi ai ai cũng mong cho Người ngưng nói". Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại. Công bằng trong kinh doanh, giao dịch giữa người bán và người mua phải thành thật và chính trực trong việc mua bán hàng hóa, giá cả phải tương đối, không được lường gạt về chất lượng cũng như cân đo thiếu hụt. Qua lời phán của Allah như sau : "Khốn khổ cho những kẻ tham lam bòn rút. Những ai khi nhận của người thì đòi cho đủ. Nhưng khi đo (cân) ra cho người khác thì đưa thiếu. Há những người này không nghĩ rằng họ sẽ được phục sinh. Vào một Ngày Vĩ Đại" Suroh Al Mutaffifin 83:1-5. Công bằng với mọi người, không được gây hận thù, chiếm lấn đất đai nhà cửa ruộng nương của người khác. Qua hadith khác Rosul (saw) đã cảnh giác: "Những ai chiếm lấn một tấc đất của người ta, Allah sẽ vây hãm họ từ bảy lớp đất". Hadith do Al Bukhory và Muslim. Với sự bất công đó, Ngày Sau họ sẽ phải trả lại gấp ngàn lần những gì đã chiếm đoạt của người ta. Nên đừng vì sự tham lam dù nhỏ đến đâu rồi Ngày Sau cũng bị Allah đòi lại cho người bị chiếm đoạt. Công bằng giữa con người với nhau, đừng vì tư lợi hay ganh ghét, hoặc giận hờn mà đối xử bất công trong việc cư xử. Ông Ibnu Khathir giải thích: « Hãy cương quyết thi hành sự công bằng vì Allah chớ đừng vì người đời hay vì tiếng tâm. » Đối với tôn giáo Islam, hãy nên đối xử công bằng với kẻ thù. Qua lời phán của Allah: "Hỡi những kẻ có lòng tin ! Hãy cương quyết làm nhân chứng công bằng trước mặt Allah. Chớ để lòng thù hằn kẻ khác làm cho các ngươi thiên vị đi. Hãy luôn luôn hành động công bằng vì điều này thật gần với chính trực. Hãy kính sợ Allah, Ngài lúc nào cũng lưu ý đến việc các ngươi làm". Suroh Al Ma'idah 5:8. Hãy cương quyết làm nhân chứng công bằng, không nên gian dối. Hãy công bằng với mọi người dù người đó là kẻ đối nghịch và hãy xử sự một cách công bằng không nên thiên vị một ai. Luật lệ Islam bắt buộc người Muslim phải luôn luôn công bằng và tôn trọng quyền hạn của mọi người, từ già đến trẻ, từ những em bé cô nhi đến những người giúp việc. Có một hadith do ông Sahhal ibnu Saadu thuật lại: « Rosul (saw) cầm trên tay tô nước, khi Người uống xong định đưa cho đứa bé bên tay mặt (theo luật từ phải qua trái), nhưng Rosul (Saw) nhìn thấy có ông cụ già bên phía tay trái nên Rosul (saw) ngõ ý với cậu bé: - Hỡi cậu bé ! Tôi có được phép đưa tô nước nầy cho cụ lão kia trước không? Cậu bé trả lời: -Thưa Rosul (Saw), ai ai cũng có quyền hạn giống nhau cả. Nghe vậy Rosul (saw) đưa tô nước cho cậu ấy uống trước. » Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại. Dù rằng sự giáo dục của Islam là phải tôn trọng người già yếu, nhưng trường hợp của hadith trên Rosul (Saw) cũng không quên quyền hạn của cậu bé. Vì Rosul (saw) đã dạy là khi bắt tay (salam), hỏi ý kiến tập thể hay làm việc gì nên bắt đầu từ phía tay phải trước. Qua câu chuyện trên Rosul (saw) đã áp dụng những gì mà Người đã truyền dạy cho chúng ta. Chính vì thế Người bắt buộc phải hỏi ý kiến của cậu bé, vì lúc đó là do sự quyết định của cậu bé, nếu làm ngược lại thì Người (Saw) sẽ mang tội bất công với cậu ta. Cho nên sự giáo dục của Islam, sự công bằng được áp dụng cho tất cả mọi người, dù người đó nam hay nữ, già hay trẻ, chủ hay tớ… Có một câu chuyện những trẻ em đang chơi ở ngoài đường, cùng lúc ông Omar ibnu Khottob ® đi tới, tất cả ai nấy đều tránh qua hai bên đường để cho ông ta đi qua, nhưng có một cậu bé vẫn tiếp tục chơi như không có chuyện gì xảy ra, ông Omar ® đi tới thấy làm lạ, mới dừng chân lại hỏi: -Hỡi cậu bé kia, sau cậu không tránh đường cho tôi đi qua như những cậu bé đó? Vừa nói ông vừa chỉ ngón tay về những cậu bé đang tránh vào lề đường. Cậu bé ngước mặt lên nhìn ông Omar ® trả lời: -Ðất trời rộng thênh thang, đường ông thì ông cứ đi, chỗ tôi chơi thì tôi cứ chơi, nào tôi đâu có làm phiền gì tới ông ! Ông Omar ® nghe xong, gật đầu nói: -Quả thật cậu bé nói đúng và là người có chí khí. Chính vì những chuyện xử lý khôn khéo của Rosul (saw) theo luật công bằng, mà sau nầy những vị đồng tâm (sohabah) và những người đi theo đã noi gương Người đem áp dụng vào việc truyền bá đạo giáo khắp nơi trên thế giới, nhờ đó mà tiếng tăm của Islam được tồn tại cho đến ngày hôm nay. Nhiều sách sử đã ghi lại: Ngày xưa có rất nhiều quốc gia ở bán đảo Arab áp dụng chế độ độc tài, dân chúng thì được chia ra nhiều giai cấp, thời kỳ mà mạnh hiếp yếu, giàu bốc lột kẻ nghèo, những người giàu có hay thuộc giòng dõi cao sang quí tộc thì họ mới có tôn giáo hoặc đãng phái riêng của họ, họ không chấp nhận những thành phần hạ đẳng trà trộn vào tôn giáo của họ… Đến khi họ nghe danh Islam đối xử công bằng thì họ rất mong đợi đoàn quân Islam đến giải phóng cho dân tộc của họ… Cho nên, việc truyền bá giáo lý nói về sự công bằng của tôn giáo Islam, mà Rosul (Saw) đã giáo huấn cho những vị Sohabah được lưu truyền đến ngày hôm nay, chúng ta hãy học hỏi và noi theo. Do Abdoulloh chuyển ngữ từ bài giảng thuyết của Shiekh Abdulbary As Thabity, Imam Masjid An Nabawy Al Medinah Al Munawwaroh. Tập san Ad Dawah, số 1760, tháng 9 năm 2000 H, phát hành tại Riyah, Saudi Arabia. Ý kiến bạn đọc |