FATAWA, LIÊN QUAN VỀ THÁNG RAMADAN (1) 20.08.2009 03:49 - đã xem : 3544 1)- Xác nhận ngày vào và chấm dứt tháng Ramadan bằng cách nào? Sự xác nhận để bắt đầu vô chay tháng Ramadan là dựa vào sự tuyên thệ của ‘một người’ đã xác nhận thấy trăng cũng đủ, nếu có từ hai người trở lên thì càng tốt. Nhưng muốn xác nhận đã thấy trăng để (chấm dứt) tháng Ramadan thì ít nhất phải có từ ‘hai người’ đứng ra tuyên thệ chứng thật đã thấy trăng, hai người này phải có tính tình trung trực và công minh. 2)- Trường hợp đã nhịn chay được ba mươi ngày rồi, nhưng đến đêm thứ ba mươi của tháng Ramadan mà không một ai thấy trăng để thông báo chấm dứt tháng Ramadan (hay để vào tháng Shawal), vậy chúng ta có tiếp tục nhịn chay nữa hay chấm dứt vào ngày thứ ba mươi? Trường hợp trong một cộng đồng đã nhịn chay đến ngày thứ ba mươi (do một người nào đó đã tuyên thệ xác nhận thấy trăng để vào chay), nhưng đến ngày thứ ba mươi mà chưa ai xác nhận thấy trăng để chấm dứt tháng Ramadan thì chúng ta không được phép xả chay mà phải tiếp tục nhịn chay thêm một ngày nữa. Thật ra theo niên lịch Islam thì mỗi tháng không quá 30 ngày nhưng trong trường hợp này có thể có sự lầm lẫn ban đầu của người xác nhận đã thấy trăng để vào tháng Ramadan, cũng có thể họ nhìn thấy mặt trăng trước khi mặt trời và mặt trăng chưa mọc lên trọn vẹn, cho nên khi đến ngày thứ ba mươi của tháng Ramadan mà chưa thấy trăng thì chưa thể qua tháng Shawal được. Theo hội đồng Ulama giải quyết vấn đề liên quan đến tháng Ramadan đã phân tích là có thể do sự lầm lẫn của người thấy trăng của tháng Ramadan không đúng nên vô chay sớm hơn một ngày. 3)- Trường hợp có một người Muslim nào đó thấy trăng của đầu tháng Shawal, mà không ai chấp nhận lời xác nhận của anh ta, vậy người đó nhịn chay hay xả chay? Khi có một người Muslim nào đó chắc chắn rằng đã thấy trăng để vào tháng Shawal, nhưng không một ai chấp nhận lời xác minh của người đó, trường hợp này người đó phải tiếp tục nhịn chay theo cộng đồng chứ không được xả chay, vì muốn xác minh thấy trăng để chấm dứt tháng Ramadan thì cần phải có từ hai người mới xác nhận là đúng để xả chay. Qua bằng chứng như sau: « Vào thời của ông Umar Ibnu Al Khottob (R) có hai người từ vùng nông thôn đến báo tin là họ đã thấy mặt trăng để sáng mai chuẩn bị cho ngày Id al Fitro (tết ramadan), nhưng quần chúng không tin mà vẫn nhịn chay ngày đó. Hai người mới nói: ‘Chúng tôi xin xác nhận là chúng tôi đã thấy trăng vào tối hôm qua’. Ông Umar ® hỏi một trong hai người đó: ‘Vậy ông bạn sẽ nhịn chay hay xả chay ngày mai?’ Người này trả lời: ‘Tôi thì vẫn nhịn chay như mọi người’. Ông Umar ® hỏi tiếp: ‘Tại sao?’. Ông ấy trả lời: ‘Không lẽ tôi xả chay mà người ta vẫn nhịn chay’. Ông Umar ® hỏi người thứ nhì: ‘Còn ông bạn, nhịn chay hay xả chay?’ Người này trả lời: ‘Tôi thì xã chay’. Ông Umar ® hỏi : ‘Tại sao ông xả chay?’. Ông này trả lời: ‘Làm sao tôi có thể tiếp tục nhịn chay khi tôi đã thấy trăng để vào tháng Shawal’. Ông Umar ® nói: ‘Nếu không có ông bạn cùng đi chung với ông cùng thấy trăng thì lưng của ông sẽ bị đau đớn rồi’. (Có nghĩa là nếu không có người thứ hai cùng xác nhận thấy trăng thì không đủ hai nhân chứng, nếu không thì ông sẽ bị đánh vào lưng vì ông dám xả chay trong lúc mọi người đang nhịn chay). Ðiều kiện để được chấp nhận sự nhịn chay. 4)- Ðiều kiện để chấp nhận sự nhịn chay của trẻ em như thế nào? Có phải sự nhịn chay của trẻ em có phước cho cha mẹ không? Bổn phận làm cha mẹ nên khuyên bảo con cái cố gắng nhịn chay trong tháng Ramadan từ khi tuổi còn nhỏ (dưới mười tuổi), hãy khuyến khích các em cố gắng tập dần nếu có khả năng, đến khi các em đã đến tuổi dậy thì thì lúc đó bắt buộc chúng phải nhịn chay trong tháng Ramadan theo giáo luật. Nếu chúng nhịn chay theo đúng qui luật vào trước tuổi trưởng thành thì chúng cũng có phước nhịn chay như người lớn và cha mẹ của chúng cũng được hưởng phước phần nào. 5)- Có bắt buộc trẻ em phải nhịn chay không? Trẻ em chưa đến tuổi dậy thì thì không bắt buộc cho chúng phải nhịn chay, nhưng hãy cố gắng khuyến khích các em nhịn chay nhất là khi chúng gần đến tuổi trưởng thành, vì khi chúng đến tuổi trưởng thành thì đã trở thành thói quen, nên sự nhịn chay sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại nếu chúng ta cứ để cho đến tuổi trưởng thành mới bắt buộc chúng thì chúng sẽ gặp khó khăn hơn. Ngày xưa những vị sohabah của Rosul (saw) thường ra lệnh cho các con trẻ nhịn chay vào ngày Ashuro (mùng mười tháng Muharram). Những vị sohabah nói: - Khi những đứa trẻ đòi ăn uống, thì họ đưa đồ chơi cho chúng để chúng quên đi cái đói cho đến giờ xả chay. 6)- Khi nào mới bắt buộc những cháu gái nhịn nhay? Bắt buộc cho những cháu gái nhịn chay khi đến tuổi trưởng thành (dậy thì), sự trưởng thành chính chắn nhất là khoảng mười lăm tuổi (15 tuổi), hoặc khi những cháu gái thấy nơi kín đã có lông hoặc đã xuất tinh khi nằm mộng, hoặc có máu của kinh nguyệt, hoặc có mang. Một khi đã có một trong những triệu chứng trên thì bắt buộc các cháu gái phải nhịn chay, dù lúc đó chỉ mới có mười (10) tuổi. Bởi vì thông thường, ta thấy các cháu gái vừa được mười tuổi hay mười một tuổi thì đã có kinh nguyệt, thế mà cha mẹ không để ý mà cứ tưởng con gái mình còn nhỏ chưa bắt buộc phải nhịn chay, đó là sự thiếu sót mà cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn, một khi cháu gái đã bắt đầu có kinh nguyệt, thì từ giờ phút đó đã trở thành sự bắt buộc cho cháu những giáo điều bắt buộc như những người phụ nữ khác. Wallohu alam. 7)- Khi tôi được 15 tuổi thì cha mẹ của tôi có khuyên bảo tôi nên nhịn chay, nhưng lúc đó tôi không hiểu được đây là sự bắt buộc và giá trị của sự nhịn chay nên tôi cũng cố nhịn cho cha mẹ vui lòng, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng tự xả chay trước giờ ấn định vào những ngày trong tháng Ramadan. Ðến khi tôi biết được đây là giáo luật bắt buộc cho những ai đến tuổi dậy thì thì từ đó tôi không dám tự động xả chay nữa, Alhamdulillah. Tôi muốn hỏi là từ khi tôi được 18 tuổi cho đến nay tôi đã được 23 tuổi thì tôi không thiếu ngày nào, nhưng những năm trước đó tôi không có nhịn chay đàng hoàng (nghĩa là thiếu), vậy tôi phải làm sao? Như đã nói ở phần trên, khi một người đến độ tuổi 15 thì từ đó là bước vào tuổi trưởng thành hoàn toàn, là tuổi bắt buộc phải thi hành những giáo điều Islam bắt buộc. Cho nên, những ai đến 15 tuổi thì bắt buộc người đó phải thi hành bắt buộc tất cả giáo điều của Islam đã đưa ra. Theo câu hỏi trên thì bắt buộc những ai trong trường hợp này phải nhịn chay trả lại những ngày thiếu đó trong những năm tính từ độ tuổi đã dậy thì, và chiếu theo giáo lý thì người thiếu đó vừa phải nhịn chay trả lại mà còn phải xuất tiền (tính theo số ngày thiếu) cho những người nghèo mua đồ ăn để xả chay. Thí dụ : Nếu thiếu ba chục ngày thì phải nhịn chay trả lại đủ ba chục ngày và cộng thêm mỗi ngày là khoảng 5 euros (30 x 5 = 150€) để giúp người nghèo có thức ăn thức uống mà xả chay. Nếu trường hợp không nhớ rõ số ngày thiếu, thì cứ phỏng định số nhiều cho chắc chắn hơn là thiếu hụt, vì sự thiếu hụt sẽ có tội với Allah. Wallohu alam. 8)- (An Niyah) sự định tâm khi nhịn chay tháng Ramadan như thế nào? Hadith của Rosul (saw) với ý nghĩa: قال عليه السلام: (لَا صِيَامَ لِمَنْ لَمْ يَبِيْتُ الصِيَّام). « Không có sự nhịn chay cho những ai không có ý định nhịn chay ». An Niyah hay sự định tâm có nghĩa là: Có ý định để làm một việc gì từ trong tâm của mình, chẳng hạn ý định muốn nhịn chay phát xuất từ trong lòng thành thật, biết kính sợ Allah. Bất cứ một người Muslim nào cũng đều biết nhịn chay tháng Ramadan là một trong năm nền tảng căn bản của Islam, một khi đã biết rõ như vậy thì khi bắt đầu vào chay tháng Ramadan, trong lòng họ đã biết đó là sự bắt buộc rồi, bao nhiêu đó cũng đủ để xác nhận về sự nhịn chay. Hoặc một người nào đó biết rõ trong lòng của họ là ngày mai họ sẽ nhịn chay vì không có lý do nào bắt buộc phải xả chay, thì bao nhiêu đó cũng đủ. Hoặc nếu một người nào đó thức dậy sớm để ăn cơm khuya (sahur) thì cũng đủ nói lên sự định tâm của mình, chớ không cần phải thốt ra lời. Lưu ý: Bất cứ những hành đạo nào, sự định tâm là ở trong lòng chứ không cần thốt ra lời. Nói cách khác « An niyah hay định tâm » là ở trong lòng. Cũng nên lưu ý khi định tâm nhịn chay ban ngày thì chúng ta không được định tâm là sẽ xả chay hay làm hư chay vào ban ngày của nó, nghĩa là chưa đến giờ xả chay. 9)- Có phải bắt buộc cho những người nhịn chay phải biết rằng mình nhịn chay đó là nghĩa vụ hoặc bổn phận (fardu فرض) hay không? Những vị Ulama về giáo lý (Fukoha) có giải thích: Bắt buộc mỗi đêm chúng ta phải hiểu trong lòng là ngày mai (trong tháng Ramadan) chúng ta sẽ nhịn chay bắt buộc ‘wajib’ (واجب) chứ không cần phải nói lên là fardu. Và chúng ta định tâm là nhịn chay trọn tháng Ramadan, chứ không cần phải nói: « Tôi định tâm nhịn chay vì đó là nghĩa vụ hay bổn phận (fardu) gì cả ». Bởi vì ai cũng biết nhịn chay tháng Ramadan là bổn phận của mỗi người Muslim và Muslimate. 10)- Sự nhịn chay nafil (không bắt buộc hay tự nguyện) có thể định tâm sau buổi trưa không? Thật ra sự nhịn chay nafil (không bắt buộc hay tự nguyện) thì rất rộng, chúng ta có thể định tâm vào ban ngày của nó, nhưng vấn đề này có sự bất đồng ý kiến của những nhà học giả. Cho nên, sự định tâm sau buổi trưa có giá trị hay không? Tác giả quyển sách « Zađal Mustakna » cho rằng, sự định tâm sau trưa vẫn có giá trị. Nhưng có một số Ulama cho rằng chỉ có giá trị trước buổi trưa, nghĩa là sau buổi trưa thì không có giá trị. Sự đúng thật là: « Sự định tâm nhịn chay nafil đó chỉ có hiệu lực trước buổi trưa mà thôi, vì sau buổi trưa đã quá trễ hay đã được phân nửa ban ngày, bởi vì sự định tâm phải có giá trị khi thời gian của ban ngày dài hơn, ngay cả ban ngày chỉ còn vài ba tiếng đồng hồ, thì sự nhịn chay đó không có giá trị. Cho nên điều kiện là: Thời gian phải còn dài trước khi định tâm. Trường hợp một người nào đó thức dậy với định tâm không nhịn chay, nhưng chưa ăn uống gì, xong có ý định tâm nhịn chay từ giờ phút đó (có thể là 8-9 giờ sáng) thì người đó cứ tiếp tục nhịn, vì ngày nhịn chay đó còn có giá trị. Qua hadith của Bà Aysah (R) rất nổi tiếng về vấn đề này được thuật lại như sau: "Rosul (saw) đến và hỏi tôi: 'Ở nhà có gì ăn không?'. Tôi trả lời: - Thưa Rosul, không có gì cả. Rosul (saw) nói: 'Vậy thì tôi nhịn chay'. Và rồi Người tiếp tục nhịn cho hết ngày đó. Nghĩa là mới có ý định nhịn chay nafil vào ban ngày sau khi Người hỏi có gì ăn không, nếu có thì Người đã ăn rồi, mà không nhịn chay ngày đó. 11)- Xin cho biết, giáo lý giải thích như thế nào khi một người định tâm nói lớn tiếng như sau: 'Ôi Allah tôi định tâm nhịn chay (vì Ngài)'. An Niyah (sự định tâm) xuất phát hay nói lên trong tâm chứ không được thốt ra lời, dù đó là định tâm để solah, nhịn chay hay lấy nước solah hoặc một sự hành đạo nào khác. Có một số người đi theo hệ phái của Imam As Shafi’y cho rằng: ‘Bắt buộc khi định tâm phải thốt ra lời mới có giá trị’. Và họ còn phát hành một quyển sách nói về sự định tâm phải thốt ra lời là đi theo « Sunnah và theo đúng hệ phái của Imam As Shafi’y (r) ? ». Nhưng thật ra, từ xưa đến ngày hôm nay chưa ai tìm thấy có một quyển sách nào nói rằng chính Imam As Shafi’y nói những lời như trên cả. Đây chỉ là những lời giải thích về cách định tâm của những người đi theo hệ phái Imam As Shafi’y mà thôi, thật ra Imam As Shafi’y chưa bao giờ nói những lời trên cả. 12)- Vào ban ngày của tháng Ramadan, tôi đã chích (tiêm) thuốc vào gân, vậy ngày nhịn chay đó có hiệu lực hay không? Nếu sự tiêm thuốc đó với mục đích để tăng thêm sức lực hay làm cho khỏe, thì ngày chay đó không có giá trị, dù tiêm vào gân hay da thịt. Nhưng nếu tiêm thuốc để trị bệnh hay làm giảm đi cơn đau của vết thương thi không sao, nghĩa là ngày nhịn chay đó vẫn có giá trị. (Như cần thiết phải tiêm thuốc ngừa chẳng hạn, thì ngày chay đó vẫn còn hiệu lực). 13)- Sau khi vào chay rồi, tôi có thể dùng kem đánh răng không? Nếu được phép, nhưng đôi khi có chảy một chút ít máu vì bàn chải đánh răng qua cứng, vậy có sao không? Sau khi vào chay rồi, chúng ta có thể dùng bàn chải và kem để đánh răng hay dùng cây « siwak » để chà răng cho sạch, vấn đề này không sao cả. Nhưng có một số Ulama nói rằng: « Không nên dùng cây siwak để chà răng sau buổi trưa vì làm như vậy sẽ bay đi mùi ở miệng khi nhịn chay ». Thực ra, thì dùng siwak để chà răng vào buổi sáng hay sau trưa thì cũng không sao cả, vì nó không thể làm mất đi mùi miệng khi nhịn chay ngày đó. Ngược lại, nếu dùng kem để đánh răng thì không nên vì kem đánh răng có chất thơm và mùi vị của nó có thể thấm vào cần cổ mà chúng ta cảm giác được vị của nó. Người nào quen dùng, thì nên dùng kem đánh răng sau khi ăn cơm khuya để vô chay. Nhưng nếu dùng vào ban ngày mà nhận thấy mình có thể bảo đảm được từ mùi vị của nó hay vì lý do cần thiết thì không sao. Ngay cả nếu lúc chà hay đánh răng có chảy ít máu thì cũng không sao, ngày chay đó vẫn còn giá trị. Wallohu alam. 14)- Hiến máu vào ban ngày của tháng Ramadan có hư chay không? Khi hiến nhiều máu thì ngày nhịn chay đó coi như hư, dựa theo sự hư chay khi vắt máu mà từ Arab gọi là « Al Hijamah » (như chúng ta cắt và vắt lấy máu độc ra ở cần cổ hay bên vai). Tóm lại, khi hiến máu lấy ra từ gân để cứu những người đang hấp hối hay bệnh rất nặng thì xem như hư ngày chay. Nhưng nếu lấy máu ít như đi thử máu thì không sao. 15)- Năm nay tôi hơn 19 tuổi, tôi có vấn đề mà không sao tự kiềm chế được bản thân là tôi thường hay thủ dâm, từ Arab gọi là: "Al A'dah As Sirriyah". Đôi khi ban ngày của tháng Ramadan mà tôi cũng không thể tự kiềm chế dục vọng được, vậy có bắt buộc cho tôi phải đền bù gì không? Trước hết tôi khuyên cậu hãy cố gắng nhịn nhục, chịu đựng, bởi vì thủ dâm là điều cấm (haram) trong Islam, mặc dù nó nhẹ tội hơn tội gian dâm hay thông dâm (Zinah). Tuy có một số Ulama cho phép nếu người nào đó không nhịn được sự dục vọng của họ, sợ gây tội zinah và đồng tính luyến ái (Liwat). Chúng tôi khuyên cậu hãy ráng cố gắng mà hoàn thành sự nhịn chay, vì nhờ sự nhịn chay sẽ giảm đi dục vọng của mình, như Rosul (saw) đã khuyên những ai có đủ điều kiện mà không cưới vợ được hãy nhịn chay, còn thanh niên thanh nữ nào lập gia đình được thì hãy lập gia đình, nhờ đó sẽ bảo đảm được sức khoẻ, giãm đi tội lỗi và tránh xa những điều bất lành, và Allah sẽ ban cho sự giàu có. Những ngày mà cậu đã vấp phải lỗi lầm đó thì những ngày nhịn chay đó không còn giá trị nữa (nghĩa là hư chay), bắt buộc cậu phải nhịn trả lại tất cả những ngày thiếu đó. Còn những ngày thiếu từ mấy năm trước thì cậu phải nhịn chay trả kèm theo sự bố thí tiền cho một người nghèo xả chay chiếu theo số ngày cậu thiếu, nghĩa là vừa nhịn chay trả vừa bố thí tiền cho một người nghèo xả chay. Xong cậu phái sám hối cầu xin với Allah tha tội và không tái diễn nữa, bởi vì những gì mình đã biết và chấp nhận tạ tội với Allah, coi như không có tội đối với Allah. Wallohu alam. (Còn tiếp) Trích từ kitab « Fatwa As Siyam » của shiekh Abdulloh ibnu Abdurrohman Al Jubairi, Từ trang: 28-64. Do Hosen Mohamad chuyển ngữ. Ý kiến bạn đọc |