-Chân Lý Islam | baiviet | GIẢI ĐÁP GIÁO LÝ | FITYAH, DAM VÀ HADY LÀ GÌ?
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
FITYAH, DAM VÀ HADY LÀ GÌ?
20.11.2008 23:58 - đã xem : 2344
_VIEWIMG
Fityah và Dam tuy là hai cách gọi khác nhau nhưng cùng mang một ý nghĩa đó là hình thức chịu phạt đối với người làm Hajj đã bỏ sót những điều Wajib hay phạm phải những điều cấm trong nghi thức thực hiện Hajj.

Còn Hady là nghi thức giết tế thú nuôi trong ngày Hajj như lạc đà hay bò hoặc dê cừu để phân phát cho người nghèo mục đích làm quà cung kính dâng lên ngôi nhà của Allah-Alharam với ý nghĩa mong được gần gủi Allah và được Ngài hài lòng.


Fityah theo tiếng Ả rập có nghĩa là sự chuộc, tiền chuộc hay sự chuộc lỗi, còn Dam có nghĩa là máu nhưng máu muốn nói ở đây là giết tế lạc đà, bò hay cừu hoặc dê trong nghi thức làm Hajj. Người thực hiện Hajj khi bỏ lỡ những điều Wajib hay phạm phải những điều cấm thì y phải chịu hình phạt Fityah để chuộc lỗi bằng nhiều cách trong đó Dam (giết tế lạc đà, bò, cừu hay dê đem phân phát cho người nghèo) là tiêu biểu.



Tóm lại, Dam là một trong những hình thức của Fityah, Dam là Fityah nhưng Fityah không hẳn phải là Dam, và Fityah hay Dam đều là Hady.



1- Hady Tamattuak và Qi-ran:



Là Hady bắt buộc đối với ai thực hiện Hajj dạng Tamattuak hay Qi-ran. Đây là một trong những nghi thức Hajj chứ không phải là  hình phạt ép buộc Jibran. Allah phán bảo:


فَمَن تَمَتَّعَ بِالْعُمْرَةِ إِلَى الْحَجِّ فَمَا اسْتَيْسَرَ مِنَ الْهَدْيِ              


(Ai muốn thoải mái nhập chung Umrah với Hajj tức Hajj Tamattuak và Qi-ran thì phải dâng một con vật tế...) (Albaqarah-196)



Trường hợp nếu như không có khả năng dâng một con vật tế thì người làm Tamattuak hay Qi-ran phải nhịn chay ba ngày trong thời gian làm Hajj và bảy ngày khi đã trở về nhà sau Hajj bởi Allah có phán:


فَمَن لَّمْ يَجِدْ فَصِيَامُ ثَلاثَةِ أَيَّامٍ فِي الْحَجِّ وَسَبْعَةٍ إِذَا رَجَعْتُمْ       


(Nhưng nếu ai không có khả năng (dâng tế) thì phải nhịn chay ba ngày trong thời gian làm Hajj và bảy ngày sau khi đã trở về nhà) (Albaqarah-196).


Người làm Hajj Tamattuak hay Qi-ran khuyến khích lấy ăn một ít từ con vật mình dâng tế bởi Allah có phán bảo:


فَكُلُواْ مِنْهَا وَأَطْعِمُواْ الْقَانِعَ وَالْمُعْتَرّ                                        


(...hãy dùng thịt của chúng (con vật tế) và hãy bố thí cho người nghèo luôn sống hài lòng với số phận và cho những người ăn xin.) (Alhajj-36)



2- Hady ép  buộc Jibran:


Là Fityah bắt buộc cho ai đã bỏ sót những nghi thức Wajib của Hajj hay đã phạm phải những điều cấm khi đang ở trong trạng thái Ihram hoặc bị cản trở trong khi thực hiện Hajj. Allah phán:


فَإِنْ أُحْصِرْتُمْ فَمَا اسْتَيْسَرَ مِنَ الْهَدْيِ                              


(Nếu các ngươi bị cản trở trong việc hoàn tất Hajj hay Umrah thì hãy dâng một con vật tế) (Albaqarah-196)



Ông Ibnu Abbas nói: "Ai quên hay bỏ sót một điều gì đó trong nghi thức Hajj thì phải dâng một con vật tế".



Hady loại này, người dâng tế không được phép ăn mà chỉ dành bố thí cho người nghèo thôi.



3- Hady khuyến khích Mustahab:


Là Hady khuyến khích mỗi người làm Hajj và Umrah noi theo gương Nabi (saw) bởi Người đã dâng tế 100 con lạc đà trong lần Hajj cuối cùng của Người. Hady ở dạng này thì người làm Hajj hay Umrah được khuyến khích lấy ăn một ít thịt của nó.


Hady này không phải chỉ dành cho người làm Hajj hay Umrah mà thậm chỉ người không làm Hajj hay Umrah cũng được phép gởi Hady đến Makkah để giết tại đó để được ân phước.



4- Hady thề nguyện Nazar:


Là Hady mà người làm Hajj hay Umrah đã nguyện thề dâng lên Allah. Bắt buộc người đã có lời nguyện thề phải thực hiện lời nguyện thề của mình bởi Allah đã phán:


 وَلْيُوفُواْ نُذُورَهُمْ                                         


         (Và hãy để cho họ hoàn thành lời thề nguyện của họ) (Alhajj-29)



Hady loại này, người dâng tế  không được phép ăn thịt con vật tế.



LUẬT FITYAH KHI PHẠM ĐIỀU CẤM EHRAM:




@ Đối với các điều cấm như: cắt tóc, cạo đầu, cắt móng tay móng chân, mặc quần áo, sức nước hoa, trùm phủ đầu, xuất tinh do nhìn ham muốn tình dục hoặc mơn trớn kích dục không xuất tinh thì hình phạt Fityah được lựa chọn trong ba hình thức sau:



1-    Nhịn chay ba ngày.



2-    Bố thí thức ăn cho sáu người nghèo.



3-    Cắt cổ dê hay cừu.



Bằng chứng cho sự việc này là lời nói của Nabi với ông Ka-ab bin Ujroh khi đầu ông ta có vấn đề: "Hãy cạo đầu rồi nhịn chay ba ngày hoặc bố thí thức ăn cho sáu người nghèo hoặc dâng tế một con cừu" (Bukhari, Muslim).



Trường hợp này chỉ phạt đối với người có chủ ý còn trường hợp quên hay không biết luật hoặc do bị cưỡng ép thì không sao.



@ Đối với việc giết thú săn thì người giết thú được lựa chọn giữa hai cách một là giết tế một con vật nuôi tương đương; hai là định giá trị của thú săn rồi mua thức ăn tương đương giá trị đã định và bố thí cho người nghèo, mỗi người một bữa ăn trên thức ăn đó hoặc có thể nhịn chay tương ứng theo số lượng người nghèo được bố thí, mỗi người tương ứng cho một ngày nhịn chay. Allah phán:



وَمَن قَتَلَهُ مِنكُم مُّتَعَمِّداً فَجَزَآءٌ مِّثْلُ مَا قَتَلَ مِنَ النَّعَمِ يَحْكُمُ بِهِ ذَوَا عَدْلٍ مِّنْكُمْ هَدْياً بَالِغَ الْكَعْبَةِ أَوْ كَفَّارَةٌ طَعَامُ مَسَاكِينَ أَو عَدْلُ ذلِكَ صِيَاماً                   



(...Và ai cố tình giết thú săn (khi đang trong thể trạng Muhrim) thì phải bị phạt đền bằng một con thú nuôi tương đương với con thú săn đã bị giết được chọn trong đàn gia súc, dưới sự giám sát của hai người công bằng trong các người và mang đến Kakb'ah để làm vật tế; hoăc có thể chuộc tội bằng cách bố thí thức ăn cho những người nghèo hoặc bằng cách nhịn chay tương ứng theo số lượng người nghèo được hưởng sự bố thí đó...) (Alma-idah,95)



@ Đối với việc quan hệ tình dục trước khi Tahal-lul lần đầu; xuất tinh do mơn trớn, do vuốt ve, hôn hít hay thủ dâm thì những việc làm này sẽ làm hỏng Hajj cho dù nguyên nhân là do quên hay không biết hoặc bị cưỡng ép. Người Muhrim khi phạm những điều này ngoài việc y phải thực hiện lại Hajj trong lần khác thì y còn phải giết tế một con lạc đà đồng thời phải xám hối với Allah.


 Riêng trường hợp quan hệ tình dục sau khi đã Tahal-lul lần đầu thì Hajj vẫn được chấp nhận nhưng phải giết tế một con cừu.



@ Đối với việc giao hôn Nikah thì không cần phải chịu phạt Fityah chỉ có điều Nikah không có giá trị.



@ Trường hợp việc bẻ, bứt hay nhổ cây rừng không do con người gieo trồng trong phạm vi Al-Haram, đối với cây nhỏ thì bị phạt một con cừu còn nếu cây lớn thì một con bò. Trường hợp này phải chịu phạt chỉ khi nào có chủ ý còn do quên hay không biết luật thì không sao.



GIỜ GIẤC CHO VIỆC GIẾT HADY



- Đối với Hady Tamattuak và Qi-ran thì giờ giấc của nó là sau khi xong Salah Al-Eid vào ngày mùng mười tháng Zul-Hajj cho tới ngày cuối cùng của những ngày Tashriq. Địa điểm cho Hady Tamattuak và Qi-ran tốt hơn hết là tại Mína còn không thì ở đâu cũng được miễn sao trong phạm vi Al-Haram.



- Đối với Fityah do phạm điều cấm thì việc giết tế phải được tiến hành ngay sau khi đã có hành vi, tương tự, việc bỏ sót những nghi thức Wajib của Hajj cũng vậy. Còn địa điểm cho Fityah này thì tất nhiên phải nằm trong phạm vi Al-Haram.



Abu Zaytoun (cựu sinh viên University Islamic Madinah) soạn thảo tháng 11 năm 2008.



 


 





Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 692 Tổng lượt truy cập 2982743