GIẢI ĐÁP THẮC MẮC: « DÙNG ĐỒ CÚNG CỦA NGƯỜI NGOẠI ĐẠO ?» 03.11.2009 04:42 - đã xem : 3107
2. Bismillah... Assalamu Alaikum… … Bây giờ, ngày nào cháu cũng vào trang web để học hỏi lại những kiến thức cần thiết về cách hành đạo sao cho đúng nhất, Insha-Allah. Trong kinh Qur’an có nói những thứ được đem cúng cho thần linh khác không phải là Allah thì Haram khi dùng nó. Nhưng khi đến ngày Rằm, những người Chăm nghèo thường đi xin gạo từ của những ngôi chùa, miễu hay từ nhà của những người Việt khá giả. Khi cháu hỏi gạo này có Halal không thì được họ trả lời là có và được giải thích là thiên lộc từ Allah (riski). Họ nói vậy có đúng không? Gạo cũng như thực phẩm khác trong trường hợp trên có Halal khi dùng nó không?... Cầu xin Allah (swt) ban cho tất cả những người Muslim có được nhiều ân phước và sự dễ dàng để hành đạo đến Ngài. Wassalam, ***** Alhamdulillah, Hai câu hỏi trên cùng một ý nghĩa là “Dùng những thức ăn đã đem cúng tế cho những Thần linh, bụt tượng…”, vấn đề này nếu nói gọn theo Tawhid thì quá rõ ràng là: “Những người Muslim nào dùng những thức ăn đã mang cúng tế cho những Thần linh (Mồ mã), Bụt tượng (Thần tài, Ông địa, Ông Táo…), Hình ảnh (Ông, bà, cha, mẹ hay người khác…) hoặc cúng vái Ma Quỉ, Thần Thánh…, thì những người Muslim đó đã phạm vào tội SHIRK (Đồng đẵng hay tôn thờ những ai khác chung với Allah). Đây là một trọng tội mà Allah không bao giờ tha thứ, vì tội này là tội đã chấp nhận hay đồng lõa với người khác đưa những Bụt tượng hay hình ảnh ai đó để thờ phượng ngang hàng (đồng đẳng) với Allah. Tội này, Allah sẽ không cần xử vào Ngày Phục Sinh, mà Ngài sẽ đưa họ thẳng vào Hỏa Ngục”. Tại sao? Vì tôn giáo Islam chỉ tôn thờ một Ðấng Tạo Hóa của tất cả là Allah mà thôi, cho nên chỉ duy nhứt Allah là Ðấng để nhân loại tôn thờ và chỉ duy nhất nơi Ngài để nhân loại cầu xin sự ban bố. Bởi vì thiên kinh Qur’an, Allah đã phán như sau: قال تعالى: (وإلهكم إله واحد لا إله إلا هو الرحمان الرحيم) البقرة: 163 « Và Thượng Ðế của các người là một Thượng Ðế Duy nhất, Không có Thượng Ðế nào khác, duy chỉ có Ngài (Allah), Ðấng Rất Mực Nhân Từ, Rất Mực Khoan Dung. » S. 2 : 163 Theo ý nghĩa của câu kinh trên thì đã là người Muslim thì không được cầu nguyện hay cúng vái ai ngoài Ngài (Allah), mà chỉ sợ hãi ở Ngài, chỉ phó thác sinh mạng và tất cả nơi Ngài, không cúi lạy ai khác ngoài Ngài, không tôn sùng ai khác ngoài Ngài, duy chỉ ở Ngài duy nhất mà thôi. Tóm lại bất cứ những sự hành đạo nào liên quan đến vấn đề thờ phượng thì chỉ được tôn thờ ở Allah Duy nhất. Và hãy nhớ rằng câu kinh mà chúng ta tụng đọc hằng ngày mỗi khi solah như sau: قال تعالى: (إياك نعبد وإياك نستعين) الفاتحة: 5 « (Ôi Allah) duy chỉ Ngài chúng tôi thờ phượng và chỉ với riêng Ngài chúng tôi cầu xin được giúp đỡ ». S. Fatiha : 5 Nếu đã chấp nhận Islam là tôn giáo của chúng ta thì hãy biết rằng : Mục đích mà Allah đã gửi những Sứ giả và những thiên kinh của Ngài xuống trần gian không gì khác hơn là kêu gọi và nhắc nhở nhân loại hãy thờ phượng Ngài (Allah) Duy nhất, Ngài đã phán: قال تعالى: (ولقد بعثنا في كل أمة رسولا أن أعبدوا الله واجتنبوا الطاغوت) النحل: 36 « Và chắc chắn TA đã cử một Sứ giả đến cho mỗi cộng đồng (với Mệnh Lệnh): 'Hãy thờ phụng Allah và tránh xa Tà thần'» S.16 : 36 Câu kinh khác Allah đã phán: قال تعالى. (فمن يكفر بالطاغوت ويؤمن بالله فقد استمسك بالعروة الوثقى) البقرة:256 “...Bởi thế, ai phủ nhận Tà thần và tin tưởng nơi Allah, thì chắc chắc sẽ nắm vững chiếc cán (hay sợi dây cứu rỗi) không bao giờ đứt...” S.2 : 256 Ý nghĩa câu kinh trên “Ai phủ nhận Tà thần” là nền tảng thứ nhất, nghĩa là không có thần linh hay vật gì khác để tôn thờ. Và “tin tưởng nơi Allah” là nền tảng thứ nhì, đó là chỉ có Allah duy nhất để tôn thờ. Cho nên, vấn đề này thiết nghĩ tất cả những người Muslim đều đã hiểu thế nào là tôn vinh người khác ngang hàng với Allah. Bởi vì trong việc thờ phượng Allah mà chúng ta không có “Ikhlas” (sự thành tâm) thì nó sẽ đưa chúng ta rơi vào tội shirk (đồng đẳng), và chỉ có “Ikhlas” (thành tâm) trong việc hành đạo chỉ vì Allah duy nhất chứ không vì sự lợi lộc, hay thanh danh trên trần gian này, như thế mới mong tránh khỏi sự trừng phạt khủng khiếp của Ngài. Trong trường hợp của hai câu hỏi trên chúng ta chắc chắn một điều là sẽ mang tội Shirk với Allah, tội danh này được chia ra làm hai loại: “Trực tiếp và gián tiếp”. - Trực tiếp là những người đã chấp nhận tôn thờ Allah mà còn mê tín tôn thờ ai khác, đây được gọi là Shirk Akb’ar (Shirk lớn). - Gián tiếp là những người Muslim đã biết những người khác đang tôn thờ ai đó không phải là Allah mà vẫn cùng họ ‘chia sẽ hay hợp tác’ những sự thờ phượng của họ, đây được gọi là Shirk Asgar (Shirh nhỏ). (Tội này nằm trong hai câu hỏi trên). Lấy một thí dụ cho dể hiểu là theo bộ luật hình sự của một quốc gia nếu ai ăn cắp thì sẽ mang tội trực tiếp và ai tiêu thụ đồ ăn cắp sẽ mang tội gián tiếp. Hoặc nếu ai cờ bạc thì mang tội trực tiếp và những ai phục vụ cho những người cờ bạc thì mang tội gián tiếp... 1. Shirk Akbar (Shirk lớn): có nghĩa là đồng đẳng hay đưa thần linh nào khác ngang hàng với Allah trong bất cứ sự hành đạo nào. Tất cả những sự hành đạo bằng lời nói hay hành động đều thuộc về Allah, đó là sự thuần phục hay được gọi là “Tawhid và đức tin duy nhất ở Allah”. Thí dụ: Nhờ người khác hay chính mình đi cầu xin một thần linh nào đó để họ ban bố thức ăn, tiền bạc hay sức khoẻ; hoặc phó thác ủy nhiệm cho thần linh nào đó để bảo hộ, hay cúi lạy trước những gì nhân tạo (bụt tượng, tranh ảnh...), thì tất cả những điều này trở thành trọng tội “Shirk lớn”. Hãy nhìn lại những đoạn kinh Qur’an mà Allah đã phán như sau: قال تعالى: (وقال ربكم ادعوني أستجب لكم) غافر: 60 « Và Rabb của các người phán: 'Hãy cầu nguyện TA, TA sẽ đáp lại các người. » S. 40 : 60 قال تعالى: (وعلى الله فتوكلوا إن كنتم مؤمنين) المائدة 3: 2 « ...và hãy phó thác cho Allah nếu quí vị có đức tin thực sự » S. 5 : 23 وقال تعالى: (فاسجدوا لله واعبدوا) النجم: 62 "Thôi hãy quì mọp xuống phủ phục Allah và thờ phượng Ngài » S. 53 : 62 Cho nên sự đu-a (cầu xin), phó thác phủ phục là những sự hành đạo mà Allah ra lệnh phải thi hành, ai thi hành vì Allah thì họ trở thành người có đức tin duy nhất nơi Allah, còn nếu ai hướng những điều trên cho thần linh khác thì họ trở thành những người đa thần hay bất tin. 2. As -Shirk Asgar (Shirk nhỏ): Tất cả những phương tiện để dẩn đến tội Shirk. Thí dụ qua lời nói mà chưa đi đến hành động hoặc những việc làm vô ý thức như (dùng thực phẫm, trái cây đem cúng tế cho những thần linh, bụt tượng...), đây là việc làm không suy nghĩ thì nó sẽ trở thành Shirk nhỏ. Những tội danh tương đương như: Tạo những ngôi mộ giống như một Masjid (ngôi thánh đường) để thờ phượng, hoặc cố ý hành lễ nguyện (Solah) trên những ngôi mộ, hoặc cố ý xây dựng Masjid trên những ngôi mộ... Nếu ai cố ý thi hành để vấp phải những tội nầy thì theo lời của Rosul (saw) đã nói như sau : لقوله صلى الله عليه وسلم : [ لعنة الله على اليهود والنصارى اتخذوا قبور أنبيائهم مساجد ] البخاري ومسلم . “Allah nguyền rủa những người Do Thái và Thiên Chúa giáo đã tạo dựng những ngôi mộ của những vị hiền nhân (sứ giả) của họ thành nơi Masjid thờ phượng”. Do Al Bukhory và Muslim ghi lại. Nếu người Muslim nào tạo dựng hay xây cất và chăm sóc những ngôi mộ để thờ phượng như một Masjid (Chổ thờ phượng Allah), thì chính họ đã trực tiếp mời gọi những người không hiểu biết đến cầu xin qua trung gian từ những ngôi mộ đó, bởi vì cầu xin (đu-a) qua những người chết là mang tội Shirk lớn. Cho nên, chúng ta phải đóng lại những cánh cửa nhỏ để không đưa đến cánh cửa lớn (shirk lớn), nếu ai chết đi trong tình trạng mang tội Shirk lớn thì sẽ bị Allah đày vào địa ngục vĩnh viễn mà không có ngày thoát ra. Cầu xin với Allah cho chúng ta xa lánh và xin Ngài che chở chúng ta tránh khỏi những tội Shirk, dù là Shirk nhỏ. Trong trường hợp cộng đồng Muslim sống chung với những người ngoại đạo, sự thương yêu giúp đỡ cứu đói đồng loại là một điều tốt, đáng được khuyến khích. Nhưng mình là người Muslim hãy nên cẩn thận trong cuộc sống, từ cách giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày hay trò chuyện với những người ngoại đạo đều nằm trong một khuôn khổ nhất định. Không phải chúng ta từ chối sinh hoạt hay trò chuyện với người ngoại đạo, mà ý nghĩa ở đây muốn nói chúng ta luôn cảnh giác từ lời nói miếng ăn, khi nói năng hãy luôn cảnh giác từng lời nói, tránh không đụng chạm hay hòa đồng tôn giáo. Khi ăn uống hãy nhìn trước ngó sau, đồ ăn ấy từ đâu đến? Nếu biết rõ đồ ăn đó đem cúng vái cho một ai đó không phải là Allah thì tuyệt đối những người Muslim không được dùng nó, nếu chúng ta ăn đồ cúng đó, nghĩa là “tòng phạm” (Shirk nhỏ), và nếu giải thích xa hơn nữa thì nó sẽ trở thành Shirk lớn. Wallohu Alam. Chú ý: Chúng ta cũng nên cẩn thận khi đến nhà bạn bè không phải Muslim, họ lấy trái cây trên bàn thờ đang cúng để đãi hoặc những quán sinh tố lấy đồ cúng đó đem bán cho mình, nếu chúng ta biết được thì không nên dùng nó. Cầu xin Allah ban cho chúng ta sáng suốt để nhận định điều đó, amin. Sẳn đây chúng tôi cũng xin trả lời hai câu hỏi của cô Aysha như sau: 1. Nếu có người ngoại đạo (không phải Islam) làm từ thiện, vậy người Muslim được phép nhận phần mà họ cho không? Trong khi mình không biết đồng tiền của họ có trông sạch hay không? Cũng như bánh trái mà họ cho mình có ăn đượcc không? 2. Đồng tiền một người Muslim làm ra do sự buôn bán lừa đảo, gian dối (không theo hukum Islam), sau đó họ xuất một số tiền đó để làm cơm “jamu” đãi mọi người đến ăn. Ngoài ra, họ còn dung số tiền ấy để mua quần áo phát cho những em bé nghèo trong xóm. Vậy mình được phép đi ăn “jamu” đó không và những em bé được phép nhận những gì họ cho không? Trường hợp quà biếu của người ngọai đạo mà mình biết không phải đồ cúng chùa hay thần linh thì mình được nhận, nhưng nếu biết được ngày đó là ngày lễ của một đạo nào đó... Họ mang thực phẫm, trái cây đi cúng chùa hay cúng ai đó tại nhà rồi đem đồ cúng đó phân phát cho người nghèo, trường hợp này đối với người Muslim thì không được nhận (Shirk nhỏ). Trường hợp thứ hai, những người Muslim nào dùng đồng tiền lường gạt, làm ăn xảo trá, gian dối hay tiền trúng số... để tổ chức đãi ăn hoặc cho người nghèo. Nếu chúng ta biết chắc chắn là đồng tiền đó kiếm được từ sự Haram, thì chúng ta không nên tham gia ăn uống từ đồng tiền đó, cũng như cha mẹ không nên cho con cái nhận số tiền đó, vì ngay cả dùng đồng tiền đó để xây cất Masjid cũng không được phép. Ngược lại, nếu chúng ta không biết rõ số tiền đó xuất xứ từ đâu, dù rằng số tiền đó từ Haram mà ra thì người nghèo hay trẻ em nhận được, nhưng đối với Allah thì người cho đó không có giá trị gì hết, vì sự xuất xứ của nó là Haram, dù họ có đem hết số tiền đó để làm Zakat hay Shadakoh, Allah chỉ chấp nhận những điều tốt lành mà thôi. (Xin xem tiếp bài “Dấu vết của những kẻ làm ăn không lương thiện” sẽ đăng trong chương mục “Giáo luật” vào trung tuần tháng 11, Insha-Allah). Abu Azizah soạn thảo từ quyển ‘Căn bản và nền tảng Tawhid’ của tác giả Mohamad Hosen. Ý kiến bạn đọc |