-Chân Lý Islam | baiviet | CHUYỆN KỂ - ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI | IBN KHALDUN: NHỮNG THÀNH TỰU VÀ SỰ CỐNG HIẾN
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
IBN KHALDUN: NHỮNG THÀNH TỰU VÀ SỰ CỐNG HIẾN
28.03.2012 03:17 - đã xem : 4098
_VIEWIMG
Ibn Khaldun là một Nhà quan sát xã hội nổi tiếng. Ngoài ra, Ibn Khaldun còn được thế giới công nhận là một Nhà sáng lập ra Ngành xã hội học, Lịch sử học và Kinh tế học. Sự thông thái và học giả của Ibn Khaldun được thể hiện rất rõ ràng qua những quyển sách mà Ibn Khaldun đã viết; chẳng hạn như: Al-Muqaddimah, đây là một tác phẩm dẫn đầu về triết lý của lịch sử và xã hội.

LỜI GIỚI THIỆU


Mọi sự tán dương tốt đẹp nhất đều hướng về Allah (swt). Bình an đến với Thiên sứ Muhammad (saw), gia quyến và những người đi theo Người (saw) cho đến Ngày Sau. Amin!


Ibn Khaldun là một nhân vật rất quan trọng trong lĩnh vực Lịch Sử và Xã Hội Học trong Lịch Sử của người Muslim. Ông là một trong những ngôi sao sáng có những đóng góp to lớn trong việc làm giàu sự hiểu biết về nền văn minh của con người. Nhằm để hiểu và ghi nhận công việc của ông, chúng ta cần phải nắm biết về cuộc sống của ông. Ông đã sống một cuộc sống trong việc tìm kiếm sự ổn định và ảnh hưởng. Ibn Khaldun xuất thân từ một gia đình của những Học giả và Chính trị gia. Trong ông luôn có đầy tâm huyết sống cho cả hai lĩnh vực kỳ vọng trên của gia đình, và ông đã luôn thành công với lĩnh vực Học giả hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác.


THỜI TRẺ VÀ NHỮNG NĂM ĐẦU


Ông là Abdurahman bin Muhammad bin Muhammad bin Muhammad bin Al-Hasan bin Jabir bin Muhammad Ibrahim bin Abdurahman bin Ibn Khaldun. Theo ông thì tổ tiên của ông có nguồn gốc từ Hadramut, Yemen. Ibn Khaldun sinh ra tại Tunisia vào ngày 01 tháng Ramadhan năm 732 theo Niên lịch Islam (ngày 27 tháng 05 năm 1332 Dương lịch). Đầu tiên, Ibn Khaldun học từ người cha của mình là một vị học giả nổi tiếng không bao giờ tham gia vào các lĩnh vực chính trị giống như tổ tiên của mình. Ibn Khaldun thuộc lòng Qur’an bằng trái tim, thông thái ngữ pháp, Giáo Luật, Hadith, hùng biện, ngữ văn và thơ ca. Ông đã đạt đến một sự thông thái nhất định trong những lĩnh vực học này và nhận được Bằng  chứng nhận về những lĩnh vực học này. Trong cuốn tự truyện của mình, ông đã có nhắc đến tên những Vị học giả này.


Ibn Khaldun tiếp tục học cho đến năm 19 tuổi và vào lúc đó thì có một bệnh dịch hạch lớn quét qua vùng đất Samarkand cho đến Mauritania. Sau khi bệnh dịch hạch này đi qua thì ông nhận được một công vụ đầu tiền. Điều này đánh dấu sự bắt đầu trong sự nghiệp chính trị của ông, và từ đó cuộc đời của ông được thay đổi mãi mãi.


TẠI TUNISIA VÀ MA RỐC


Ibn Tafrakan, người trị vì Tunisia (Tunisia (Ả Rập: تونسTunis): là một quốc gia ở Bắc Phi; phía tây giáp với Algeria; phía đông nam giáp với Libya; phía bắc và phía đông giáp với Biển Địa Trung Hải. Tên nước xuất phát từ tên thủ đô Tunis nằm ở phía đông bắc), gọi Ibn Khaldun đến để trở thành Quan giữ ấn của Sultan Abu Ishaq là người đang bị Ibn Tafrakan giam cầm. Đây là một bước đầu tiên đưa Ibn Khaldun tham gia vào những công việc nội bộ của bộ máy chính trị và sự yếu kém của chính quyền Tunisia. Và điều này không diễn ra được lâu trước khi Ibn Khaldun có cơ hội để rời Tunisia.


Vào năm 1352 (713H) Abu Ziad là Amir của Constantine (là một thành phố nằm ở phía đông bắc Algeria) đưa quân tấn công Tunisia. Lúc đó, Ibn Khaldun tháp tùng Ibn Tafrakin cùng với quân đội với niềm tin rằng sẽ đẩy lùi được sự tấn công của Abu Zaid. Nhưng Tunisia đã bị đánh bại và Ibn Khaldun phải trốn chạy sang Aba, nơi mà sau đó ông sống với al-Mowahideen. Sau đó ông đi ngược trở lại qua Algeria và định cư tại Biskra.


Vào đời điểm đó tại Ma Rốc, Sultan Abu Enan vừa kế vị ngai vương của vua cha để lại đang trên đường tiến công đánh chiếm Algeria. Nghe tin đó, Ibn Khaldun liền đi đến Tlemcen (là một tỉnh nằm ở tây bắc Algeria) để gặp Sultan. Khi gặp Sultan, Ibn Khaldun kiến nghị với Sultan rằng hãy ban vinh dự cho ông và biệt phái ông cùng với Quan thị vệ Ibn Abi Amr đi đến Bougie (là một thành phố của Algeria) để chứng nhận sự quy phục của ông với  Sultan Abu Enan.


Ibn Khaldun ở lại đó cùng với Quan thị vệ trong khi Sultan quay trở về Thủ đô Fez (là một thành phố lớn thứ ba của Ma Rốc, có dân số khoảng 1 triệu dân theo thống kê vào năm 2010). Vào năm 1354 (755H), Ibn Khaldun chấp thuận lời mời tham gia Hội đồng Ulama (Hội đồng những Vị học giả) và trở về Thủ đô Fez. Sau đó Ibn Khaldun được đề bạt lên vị trí chức vụ Quan giữ ấn, và ông đã miễn cưỡng chấp nhận nó; bởi vì đó là một chức vụ thấp kém so với những gì mà cha ông của ông đã đạt được trước đây.


Ibn Khaldun đã ở lại Thủ đô Fez để tiếp tục học tập và nghiên cứu cao hơn. Vào thời điểm đó Fez là một thủ đô của Ma Rốc và ông đã vui thích đồng hành với rất nhiều Vị học giả đến từ Bắc Phi và Andalusia. Và sau đó Ibn Khaldun cũng đã được đề bạt lên nhiều chức vụ cao hơn.


Vào thời điểm đó, Ibn Khaldun là một người đàn ông trẻ tuổi đầy tham vọng, và ông đã tham gia vào chính trường chính trị. Lúc đó, Ibn Khaldun thông đồng với Abu Abdullah Muhammad là một người trị vì Bougie đã bị hạ bệ và đang bị giam giữ tại Fez. Abu Abdullah đến từ Banu Hafs là một bộ tộc trước đây được bảo trợ bởi gia đình của Ibn Khaldun.


Sultan Abu Ena biết được điều đó và đã ra lệnh bắt giam Ibn Khaldun. Sau đó, Abu Abdullah được tha tù nhưng Ibn Khaldun tiếp tục bị giam giữ thêm hai năm nữa. Sultan Abu Enan ngã bệnh và qua đời trước khi thực hiện lời hứa sẽ tha tù cho Ibn Khaldun. Không lâu sau đó, Al-Wazir (Al-Wazir: Bộ trưởng) Al-Hasan Ibn Omar đã ra lệnh trả tự do cho ông Ibn Khaldun và khôi phục lại chức vụ cũ cho ông.


TRỐN CHẠY TỪ MA RỐC ĐẾN TÂY BAN NHA


Với tình hình chính trị căng thẳng và leo thang; Ibn Khaldun lại một lần nữa thử thách số phận của mình qua việc thông đồng với Al-Mansur chống lại Al-Wazir Al-Hasan Ibn Omar. Nhưng không lâu sau thì Ibn Khaldun quay sang hợp tác với Sultan Abu Salem lật đỗ Al-Mansur. Sự thành công đó đã mang đến cho Ibn Khaldun chức vụ Thư ký trong bộ máy chính quyền với lòng tràn đầy sự tự tin.


Với vị trí đó, Ibn Khaldun luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và sáng tác rất nhiểu bài thơ. Hai năm sau thì Ibn Khaldun được bổ nhiệm làm Chánh án. Và Ibn Khaldun đã thể hiện một khả năng tuyệt vời ở vị trí này. Tuy nhiên với sự tranh cải giữa Ibn Khaldun và các Quan chức cấp cao khác liên tục xảy ra đã khiến Ibn Khaldun dần mất đi sự tín nhiệm ủng hộ và đặc ân của Sultan Abu Salem.


Tuy nhiên điều này không quan trọng; bởi vì không lâu sau đó có một cuộc nổi dậy của Wazir Omar lật đổ Sultan Abu Salem. Lúc đó, Ibn Khaldun quay lại trợ giúp Wazir Omar và đạt được chiến thắng vẻ vang với lời hứa sẽ được ban thưởng hậu hĩnh từ Wazir Omar. Ibn Khaldun là một người đầy tham vọng và luôn muốn có được một chức vụ cao và đã kiến nghị với Wazir Omar ban cho ông chức vụ Quan thị vệ. Với nhiều lý do không rõ ràng, có lẽ Ibn Khaldun bị từ chối là vì ông không được tin tưởng. Điều này đã khiến Ibn Khaldun buồn và từ chức. Sau đó, Ibn Khaldun đề nghị được rời khỏi Fez để trở về Tunisia. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng đã bị Wazir Omar khước từ. Không bỏ cuộc, Ibn Khaldun lại tiếp tục đề nghị con rể của Wazir Omar can thiệp cho phép ông được di cư đến Andalusia.


TỪ TÂY BAN NHA ĐẾN TUNISIA


Sultan Muhammad al-Ahmar là Quốc vương của Granada (Granada: là thành phố ở phía nam Tây Ban Nha, thủ phủ của tỉnh cùng tên Andalusia, dưới chân dãy núi Sierra Nevada, nơi hợp lưu của sông Genil và sông Darro) bị lật đổ bởi chính người em trai của mình là Ismail; người được hậu thuẫn bởi người anh rể của mình. Sultan Muhammad là một người bạn của Sultan Abu Salem. Sultan Abu Salem đã giúp đỡ Sultan Muhammad rất nhiều khi ông bị Sultan Abu Enan trục xuất khỏi Andalusia. Khi Sultan Abu Enan qua đời thì Sultan Abu Salem trở thành cai trị Andalusia và từ đó tình bạn của họ lại được thắp sáng trở lại. Sau đó, khi Ismail al-Ahmar tuyên bố trở thành vua của Granada sau một cuộc nổi loạn thì Sultan Muhammad phải chạy sang tị nạn tại Ma Rốc cùng với Sultan Abu Salem. Tại đó, họ được chào đón nồng nhiệt với một bữa tiệc rất thịnh soạn và Ibn Khaldun cũng có mặt tại bữa tiệc đó. Cùng tham gia bữa tiệc với Sultan Muhammad còn có một Vị quan rất khôn ngoan của Sultan là Wazir Ibn al-Khatib. Tại bữa tiệc đó Wazir Ibn al-Khatib và Ibn Khaldun đã có dịp được gặp gỡ và quen nhau; từ đó tình bạn giữa hai người ngày càng thân thiết và bền vững.


Cùng lúc đó, Sultan Muhammad đang cố gắng khôi phục lại ngôi vua của mình tại Granada thông qua một hiệp ước với Vua của Castile (Castile: theo tiếng Tây Ban Nha là Castilla-La Mancha; là một cộng đồng tự trị của Tây Ban Nha; có chung đường biên giới với Castile và Leon, Aragon, Madrid, Valencia, Murcia, Extremadura và Andalusia) là Pedro độc ác. Tuy nhiên, Pedro đã trì hoãn hiệp ước đó khi nghe tin Sultan Abu Salem qua đời. Lúc đó, Sultan Muhammad đã phải tìm kiếm đến sự giúp đỡ của Ibn Khaldun nhằm kêu gọi sự trợ giúp từ Wazir Omar. Ibn Khaldun đã dùng tiếng tăm của mình để trợ giúp Sultan Muhammad. Sau đó, Ibn Khaldun rất được Sultan Muhammad tin tưởng và giao cho chăm sóc gia đình của Sultan tại Fez. Sau nhiều nỗ lực đến năm 1361 (763H) Sultan Muhammad đã dành lấy lại được ngai vàng của mình. Lúc đó, Sultan cũng đã mời Wazir Ibn al-Khatib quay trở lại với mình.


Khi các mối quan hệ của Ibn Khaldun không được tốt đẹp và bên vững nữa thì ông quyết định quay trở về Andalusia. Tại đó, Ibn Khaldun được Sultan Muhammad chào đón nồng nhiệt và vinh danh. Ngoài ra, Sultan Muhammad còn mời Ibn Khaldun tham gia vào Hội đồng kín của Sultan. Năm sau đó, Sultan Muhammad đã tín nhiệm biệt phái Ibn Khaldun trên một Sứ mệnh Đại sứ đến gặp Pedro, Vua của Castile. Trên sứ mệnh đó, Ibn Khaldun đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ với những điều khoản thỏa hiệp hòa bình giữa họ. Nhân đó, Pedro đề nghị được phong cho Ibn Khaldun một chức vụ quan trọng trong triều đình của mình, và sẽ trao trả lại toàn bộ bất động sản trước đây của gia đình Ibn Khaldun tại Castile cho Ibn Khaldun. Nhưng Ibn Khaldun đã khéo léo cám ơn và từ chối lời đề nghị ban tặng này của Pedro.


Khi trở về từ Castile, Ibn Khaldul đề nghị tặng cho Sultan Muhammad món quà mà Pedro đã ban tặng cho ông; và ngược lại Sultan phải cấp cho ông Làng Elvira. Chẳng bao lâu sau, Ibn Khaldun lại sốt sắng với lời mời của người bạn cũ của mình là Abu Abdullah; người đã chiếm lại được ngai vàng của mình tại Bougie. Vào năm 1364 (766H), Ibn Khaldun đã xin phép Sultan Muhammad được rời khỏi Granada để trở về Bougie.


NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU TẠI BẮC PHI


Ibn Khaldun đến Bougie vào năm 32 tuổi. Những kế hoạch của ông cuối cùng cũng đã được thực hiện, và không còn lãng phí thời gian như những năm sống tại Fez. Ibn Khaldun đi vào thành phố như là một người khách được ưa thích. Tại đó, Ibn Khaldun vui vẻ chấp thuận chức vụ Hajib cho Emir Muhammad. Cuộc sống quyền lực này không được kéo dài; bởi vì năm sau đó Abu Abbas đã giết chết người anh em họ của mình là Emir Muhammad. Lúc đó, Ibn Khaldun đã bàn giao lại thành phố cho Abu Abbas và về nghỉ hưu tại Biskra. Tại Biskra, Ibn Khaldun tiếp tục công việc chính trị của mình qua việc hợp tác với những bộ lạc tại đây để phục vụ cho Sultan của Biskra. Ibn Khaldun tiếp tục thử việc thay đổi lòng trung thành của mình khi có cơ hội và thời gian cho phép. Cuối cùng, Ibn Khaldun quyết định về nghỉ hưu tại một đồn tiền tuyến ở phía nam Constantine và đồn Salama.


Tại Salama, Ibn Khaldun sống một cuộc sống an nhàn và bắt đầu viết Quyển Muqaddimah (Muqaddimah (مقدمة): Lời giới thiệu) nổi tiếng và Lịch sử thế giới đầu tiên của ông vào năm 45 tuổi. Và ông đã tặng cho Lãnh tụ của Constantine là Sultan Abu Abbas tác phẩm của mình. Tuy nhiên, cuộc sống an nhàn này không kéo dài với Ibn Khaldun; bởi vì ông cần có nhiều công trình nghiên cứu và sách tham khảo cho những quyển sách kế tiếp của mình mà tại đồn tiền tuyến xa xôi này ông không thể có được. Vì thế, Ibn Khaldun đã nhân cơ hội Sultan Abu Abbas tấn công đánh chiếm Tunisia để đi đến Tunis. Và đây cũng là lần đầu tiên ông quay trở lại nơi ông được sinh ra cách đây hơn 27 năm.


Tại Tunis, một lần nữa có một lực lượng chính trị chống lại Ibn Khaldun; trước khi bị thất thế Ibn Khaldun đã kịp dựa vào một cơ hội thuận tiện vào năm 1382 để rời Bắc Phi, và từ đó ông sẽ chẳng bao giờ quay trở về nữa.


TẠI AI CẬP


Ibn Khaldun được Sultan Abu Abbas cho phép đi hành hương (Hajj). Ibn Khaldun đi đến Alexandria vào tháng 10 năm 1382 (ngày 14, Shabaan, 784H) vào năm 50 tuổi. Tại đó, Ibn Khaldun đã dành trọn một tháng để chuẩn bị Hajj, nhưng ông đã không thể tham gia Đoàn Hajj đi đến Vùng đất thiêng liêng Makkah. Sau đó, Ibn Khaldun quay hướng đế đi đến Cai-rô và sống những năm cuối đờn tại đó. Tại Cai-rô, Ibn Khaldun được những Vị học giả và Sinh viên chào đón rất nồng nhiệt. Và cũng tại đây, Ibn Khaldun mới biết được sự nổi tiếng của những tác phẩm của ông đã đến đây từ rất lâu rồi. Ngay sau đó, Ibn Khaldun được mời tham gia giảng dạy tại Trường Đại Học Al-Azhar (Al-Azhar: là một Trường đại học Islam lâu đời nhất tại Ai Cập được thành lập vào năm 969 (358H) khi Caliphah Fatimid Almuiz chinh phục Ai Cập. Đến năm 1961, các ngành học thế tục được đưa vào hệ thống giảng dạy tại trường song song với các ngành tôn giáo học) và tại nhiều Trường nổi tiếng khác tại Ai Cập. Tại Ai Cập, Ibn Khaldun đã có được cơ hội gặp Sultan Az-Zahir Barquq và được Sultan mời tham gia giảng dạy tại Trường Kamhiah.


Ibn Khaldun vui mừng đón nhận đặc ân của Sultan. Ngoài ra, Ibn Khaldun còn được Sultan bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Maliki. Với công việc này, Ibn Khaldun hết lòng cống hiến và đấu tranh chống lại nạn tham nhũng và nịn nọt thiên vị. Một lần nữa trong cuộc đời Ibn Khaldun lại phải đối diện với những bè phái chống đối lại ông; và từ Ibn Khaldun lại bị thuyên chuyển nhiệm vụ. Sự thuyên chuyển nhiệm vụ này xảy ra cùng lúc với thảm họa đến với gia đình của Ibn Khaldun. Một con tàu chở gia đình và toàn bộ tài sản của Ibn Khaldun bị đánh chìm trong một trận bảo.


Sau đó, Ibn Khaldun được Sultan ban phép cho đi thực hiện nhiệm vụ Hajj tại Makkah. Sau khi trở về từ Hajj, Ibn Khaldun được chào đón ân cần và mời đến tham gia giảng dạy tại một Ngôi trường vừa mới xây xong là Bein al-Qasrein. Tại đây, Ibn Khaldun giảng dạy Hadith và chủ yếu dựa vào Quyển sách Muwatta của Imam Malik (r.a). Sau đó, Ibn Khaldun cũng được bổ nhiệm đến giảng dạy tại Viện Beibers Sufi với một mức lương rất cao. Song song cùng thời điểm đó, tình hình chính trị của Ai Cập không được ổn định bởi có một cuộc nổi loạn chống lại Sultan Barquq do Yulbugha tổ chức. Lúc đó, công việc của Ibn Khaldul gặp nhiều khó khăn trở ngại do bị ảnh hưởng bởi cuộc nổi dậy của Yulbugha. Ibn Khaldun đã âm thầm chịu đựng; và không lâu sau đó mọi công việc cùng với những chức vụ của Ibn Khaldun được phục hồi lại bởi Sultan Barquq đã chỉ huy đánh dẹp được cuộc nổi loạn đó và dành chiến thắng vẻ vang.


Thời gian này, Ibn Khaldun tập trung cho việc giảng dạy, nghiên cứu và nhằm để hoàn thành Quyển Lịch Sử Thế Giới của mình. Sau cuộc nổi dậy của Yulbugha, Ibn Khaldun tiếp tục viết một q            uyển sách có tiêu đề là “Asabiyah và vai trò của nó trong sự thăng trầm của các quốc gia”. Ngoài ra, Ibn Khaldun còn đưa ra và áp dụng học thuyết của mình vào các vấn đề liên quan đến người dân Ai Cập vào thời của Salah ad-Din.


Mười bốn năm sau khi rời khỏi chức vụ Thẩm phán Tòa án Maliki, Ibn Khaldun đã quay trở lại chức vụ cũ sau cái chết của Viên chánh án. Đất nước Ai Cập một lần nữa lại rơi vào cảnh hỗn loạn sau cái chết của Sultan Barquq và người con trai kế thừa của Sultan. Ibn Khaldun từ chối tham gia vào cuộc nổi loạn này và xin phép được đến thăm quan Jerusalem. Ibn Khaldun sẽ tham gia đoàn bộ hành của Sultan Faraj đi đến Damascus. Một lần nữa do mưu đồ chính trị, Ibn Khaldun được mời quay trở lại làm Thẩm Phán lần thứ hai. Điều này không quan trọng bởi vì Ibn Khaldun sẽ được gọi để đi cùng với Sultan Faruj trên một chuyến dạ hành nguy hiểm đến Damascus.


GẶP HOÀNG ĐẾ TAMERLANE


Trong thời gian tại Ai Cập, Ibn Khaldun luôn được Sultan Faraj của Ai Cập mời đi cùng Sultan để khám phá Damascus. Có tin báo rằng Hoàng đế Tamerlane (Tamerlane: là một Vị hoàng đế có xuất thân từ Thổ Nhĩ Kỳ - Mông Cổ vào thể kỷ 14; và là người đã chinh phạt phần lớn Tây và Trung Á; và cũng là người sáng lập Đế quốc Timurid và Triều đại Timirid (1370 - 1405) ở Trung Á) đang đưa quân đánh chiếm Damascus. Cùng lúc đó, Sultan Faruj cùng với đoàn quân của mình cũng đang trên đường để đến Damascus. Và dường như chắc chắn rằng, Ibn Khaldun được mời tháp tùng Sultan Faruj đi đến Damascus cũng vì sự kiện này.


Sultan Faruj chỉ ở được hai tuần tại Damascus; bởi vì có những tin đồn rằng có một sự nổi dậy đang diễn ra tại Cai-rô. Ibn Khaldun và một số danh nhân đã bị bỏ lại tại Damascus. Và bây giờ mọi thứ phải do những người lãnh tụ của Damascus định đoạt để đối phó với Hoàng đế Tamerlane. Ibn Khaldun đề nghị lãnh tụ của Damascus phải xem xét các điều khoản của Hoàng đế Tamerlane. Việc đàm phán với Hoàng đế Tamerlane được giao cho Qadi Ibn Muflih thực hiện. Tuy nhiên, khi Ibn Muflih trở về từ doanh trại của Hoàng đế Tamerlane thì những điều khoản mà Ibn Muflih đã thỏa hiệp với Hoàng đế Tamerlane không được người dân của Damascus đồng thuận.


Và Ibn Khaldun sau đó được đề nghị đi gặp Hoàng đế Tamerlane. Ibn Khaldun cảm thấy có trách nhiệm, nghĩa vụ để đi gặp Hoàng đế Tamerlane; và quyết định đi gặp Hoàng đế Tamerlane một mình. Ibn Khaldun rời Damascus đế đến doanh trại của Hoàng đế Tamerlane. Tại đó, Ibn Khaldun được Hoàng đế Tamerlane hỏi rằng ông đến đây vì cá nhân ông hay là vì công vụ. Ibn Khaldun mang theo một ít quà tặng cho Hoàng đế Tamerlane và được Hoàng đế Tamerlane vui vẻ đón nhận nó. Ibn Khaldun đã ở lại doanh trại của Hoàng đế Tamerlane trong thời gian 35 ngày.


Trong suốt thời gian lưu lại tại đó, Ibn Khaldun đã có rất nhiều cuộc hội họp với Hoàng đế Tamerlane; và sự giao tiếp được phiên dịch bởi Abd al-Jabbar al-Khqarizmi (từ trần năm 1403). Những điều mà Ibn Khaldun đưa ra luôn là những điều khả thi và được Hoàng đế Tamerlane chấp thuận. Có rất nhiều điều được Ibn Khaldun và Hoàng đế Tamerlane đưa ra thảo luận; nhưng vài điều đã không được ghi chép lại. Tuy nhiên, Fischel Walter (Fischel Walter: là nhà nghiên cứu học về Ibn Khaldun; và là tác giả của Quyển sách “Ibn Khaldun tại Ai Cập: Chức năng công cộng và nghiên cứu lịch sử của ông (1382 – 1406): Một nghiên cứu Lịch sử Islam”) đã liệt ra sáu (06) điều cụ thể mà Hoàng đế Tamerlane và Ibn Khaldun đã đưa ra thảo luận:


1.      Maghrip và nguyên thủy của Vùng đất của Ibn Khaldun.


2.      Những anh hùng trong Lịch sử.


3.      Dự đoán những điều sắp xảy ra.


4.      Caliphah Abbsid.


5.      Ân xá và đảm bảo an ninh cho Ibn Khaldun và những Đồng đạo của ông


6.      Mục đích của Ibn Khaldun để ở lại với Hoàng đế Tamerlane.


Ibn Khaldun đã tạo dựng được ấn tượng tốt và được Hoàng đế Tamerlane mời tham gia vào các công việc triều đình của Hoàng đế. Thời điểm đó một số Nhà sử học đã đề nghị với Ibn Khaldun rằng nên đưa ra một số thỉnh cầu để được trở về Ai Cập giải quyết một số công việc đang tồn đọng tại đó; thu gom sách vở và rồi đưa gia đình đến cùng sinh sống và tham gia vào triều đình của Hoàng đế Tamerlane. Tuy nhiên, Ibn Khaldun đã từ chối lời đề nghị đó và rời doanh trại của Hoàng đế Tamerlane với những điều khoản có lợi cho người dân của Damascus.


Trước khi rời khỏi doanh trại của Hoàng đế Tamerlane, Ibn Khaldun đã nói với Hoàng đế như sau: “Còn có sự rộng lượng hào phóng nào nữa hay không ngoài những điều mà Hoàng đế đã chỉ cho tôi thấy? Hoàng đế đã ban cho tôi nhiều ân huệ và đảm bảo chắc chắn cho tôi một chức vụ cao trong triều đình của Hoàng đế cùng với những người thân cận nhất của Hoàng đế; và Hoàng đế đã cho tôi thấy sự cao cả và lòng rộng lượng của Hoàng đế. Tôi hy vọng rằng Allah sẽ ban cho Hoàng đế những gì mà Hoàng đế muôn ban tặng cho tôi”.


Sau khi nghe Ibn Khaldun nói như vậy, Hoàng đế Tamerlane biết chắc chắn rằng Ibn Khaldun sẽ không bao giờ tham gia vào triều đình và làm việc cho ông.


NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI AI CẬP


Khi trở về Ai Cập, Ibn Khaldun được mời trở lại chức vụ Thẩm phán trong Tòa án Maliki. Do ảnh hưởng tình hình chính trị, chỉ trong vòng năm năm thôi mà Ibn Khaldun bị cách chức rồi lại được phục hồi chức vụ đến ba lần. Cuối cùng, Ibn Khaldun qua đời khi được 74 tuổi tại văn phòng làm việc của mình vào Thư tư, ngày 17 tháng 3 năm 1406 (ngày 25, Ramadan 808). Ibn Khaldun được chôn cất tại Nghĩa trang Sufi nằm ở ngoại ô Bab an-Nasr


LỜI KẾT


Ibn Khaldun là một Nhà quan sát xã hội nổi tiếng. Ngoài ra, Ibn Khaldun còn được thế giới công nhận là một Nhà sáng lập ra Ngành xã hội học, Lịch sử học và Kinh tế học. Sự thông thái và học giả của Ibn Khaldun được thể hiện rất rõ ràng qua những quyển sách mà Ibn Khaldun đã viết; chẳng hạn như: Al-Muqaddimah, đây là một tác phẩm dẫn đầu về triết lý của lịch sử và xã hội.


Chủ đề và mối quan tâm chính của tác phẩm này là nhằm phân tích tâm lý, kinh tế, điều kiện môi trường và xã hội trong việc đóng góp cho sự tiến bộ của nền văn minh con người và dòng chảy của lịch sử. Trong Al-Muqaddimah, Ibn Khaldun đã thực hiện một sự phân tích uyên bác về sự năng động của mối quan hệ chung của cộng đồng xã hội. Và từ đó, Ibn Khaldun đã chứng minh cho thấy mối quan hệ cộng đồng hiệu quả đã góp phần vào sự thăng trầm của nên văn minh con người như thế nào. Ngoài ra, trong Al-Muqaddimah Ibn Khaldun cũng đã phân tích và đưa ra các giải pháp cho sự phát triển của nền thương mại, công nghiệp và nông nghiệp.


Ibn Khaldun là một Vị học giả đầy thông minh, trí tuệ và kinh nghiệm. Ibn Khaldun đã đi nhiều nơi và những vùng đất xa xôi khắp mọi miền trên trái đất để thu thập và nghiên cứu rất tỉ mỉ về những cộng đồng xã hội nào mà ông có dịp chung sống.


Đó là một đức tính nhiệt tình, năng động, quan sát các hoạt động rồi đưa ra tư duy phê phán vì lợi ích của công đồng nhân loại. Đây là một đặc tính tốt và rất quan trọng mà chúng ta cần phải học tập và noi theo. Chúng ta hãy thể hiện tình yêu sâu sắc trong việc tìm kiếm kiến thức nhằm mang lại lợi ích cho nhân loại, và sản xuất một thế hệ mới tốt hơn phục vụ Allah (swt) và được Ngài (swt) hài lòng. Amin!


SÁCH THAM KHẢO


1. Ibn Khaldun, Abdurahman M., Mokaddimat Ibn Khaldoun, Ed. Darweesh al-Jawydi, al-Maktaba al-Asriyah, Sidon-Beirut, 1995.


2. Ibn Khaldun, The Muqaddimah, An Introduction to History, Tr. Franz Rosenthal, Bollingen Series XLIII. Princeton University Press, Princeton, 1967 3 Vols.


3. Fischel, Walter J., Ibn Khaldun in Egypt: His public functions and his historical research (1382-1406) A study in Islamic Historiography, University of California Press, Berkeley 1967.


4. Enan, Mohammad A., Ibn Khaldun: His life and Works, Kitab Bhavan, New Delhi, 1979.


5. Mahdi, Muhsin, Ibn Khaldun’s philosophy of History: A study in the philosophic foundation of the science of culture, George Allen & Unwin, London, 1957.


6. Issawi, Charles, An Arab Philosophy of history: Selections from the prolegomena of Ibn Khaldun of Tunis (1332-1406), the Wisdom of the East Series, John Murray, London, 1950.


7. Lacoste, Yves, Ibn Khaldun: The birth of history and the past of the third world. Tr. David Macy. Verso, London, 1984.


8. Lawrence, David, Ed., Ibn Khaldun and Islamic Ideology, E. J. Brill, Leiden, 1984.











ROH MAN


Cựu sinh viên UIA-Malaysia


Biên dịch và biên soạn




 

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 693 Tổng lượt truy cập 2982744